Má bới lại đầu tóc, từng sợi tóc trắng phau phấp phới trong ngọn gió xuân. Tiếng thở dài của ba lúc đó mênh mông lắm. Những ngày cuối năm với biết bao nhiêu buồn vui lặng lẽ, ba má vẫn chưa thôi hết ngóng chờ những bước chân quen. Gian bếp nhỏ nghi ngút khói, má vẫn cặm cụi với thịt, cá, dưa, cà mà chẳng còn có đứa nào chạy vào ăn vụng. Thanh củi ướt sủi bọt trắng xóa như hình giọt nước mắt của má. Má ngồi ngó bâng quơ: “Hồi đó nghèo mà vui!”. Cái niềm vui bình dị của ba má bị cắt rời khi anh chị Hai rục rịch ngồi sui, anh Ba đi ghe biển chưa về kịp, đám cháu con thì bận vật lộn với mấy cuộc hò hẹn phương xa. Thành ra, ba má bị lẻ loi…
Bàn thờ anh Tư khói nhang bảng lảng, năm nào ba má cũng ngồi thừ người ra ngắm tấm ảnh cũ mờ. Chợt thấy sóng mắt cay xè, ngồi với mâm cơm đủ đầy mà thấy nhớ những ngày xưa nghèo khó. Năm nào ba cũng rầy má, nấu nướng chi cho cực, có ăn uống nhiều đâu. Nhưng má đâu có từ bỏ, bởi nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của những đứa con. Có lúc, ba buông đũa thì thầm: “Thằng Tư về ăn cơm với má nghen con!”. Ba cúi mặt xuống không dám nhìn lên lúc má ngồi thều thào nhắc chuyện ngày xưa: “Món này mà gặp con Bảy, nó ăn hết nồi cơm”, “nấu món này cho anh Sáu bây, lần nào má cũng phải nấu riêng cho nó, thằng ăn cay dở ẹt”. Không biết lúc anh chị ngồi ở đâu đó bên mâm cơm chiều Ba mươi Tết, có hương vị nào làm anh chị nhớ nhà?
Tôi nhớ những miền Tết xưa, nơi có đám trẻ nghèo chỉ mong chờ chút lòng thơm thảo nhà quê của cô hàng xóm. Tôi từng dõi mắt nhìn ra sân, chờ tiếng gọi quen thuộc “ra lấy ít đòn bánh tét vô ăn nè con” hay có bữa tôi co giò chạy một mạch ra sau bếp lấy thau đựng tô khổ qua hầm. Nụ cười và nét mặt hiền từ của cô hàng xóm làm tôi nhớ mãi. Má luôn sợ đám con trong nhà “nhìn miệng” người ta nên bằng giá nào má cũng dành một ít tiền mua đồ làm bánh mứt để trong nhà vào những ngày Tết. Ánh nhìn thèm thuồng của đám con cháu trong nhà cứ làm đau lòng má vào những buổi chiều buồn trong gian bếp đìu hiu. Cái chuồng heo má chui vào trốn nợ của những chiều cuối năm, giờ được ba cơi nới thêm làm nhà chứa củi, cất những thứ vụn vặt linh tinh. Chủ nợ rời đi, mấy má con ngồi ôm nhau khóc ngất. Má thường nói, người nghèo thường hay xui nên ba má làm cái gì cũng trầy trật. Mà mình cũng từng nghĩ vậy, mùng Ba Tết, tôi gom tiền lì xì mua mì gói. Tôi hí hửng chờ đợi tô mì nóng hổi cay nồng nhưng khi xé gói mì, tôi mới biết nhà sản xuất quên bỏ gói bột nêm vào! Má nêm tới nêm lui mà vẫn không giống hương vị tôi từng ăn. Tôi mếu máo nhìn má rồi leo lên võng nằm trùm kín mặt. Má phải bưng tô mì lại võng năn nỉ: “Tết nhất mà buồn là xui nguyên năm luôn đó”. Và mùi vị của tô mì đó, tôi không bao giờ quên…
Cô hàng xóm năm nào giờ đã về với đất, tôi vẫn thường tạt qua nhà thắp cho cô hàng xóm nén nhang vào ngày đầu năm. Môi mắt tôi rưng rưng mà đám con cháu của cô hàng xóm đâu có biết. Má giữ lại chút ân tình với xóm nhỏ khi học cô hàng xóm năm nào bưng đồ ăn cho dài dài theo xóm. Người vui vẻ nhận, người nhận trong ái ngại. Đám trẻ con giờ không còn háo hức nhận chút quà quê thơm thảo nữa. Những bà mẹ trẻ phải xách chén cơm băng qua mấy con đường mới dỗ chúng ăn hết. Má nhìn cảnh đó thở dài: “Con tao mà vậy, tao đánh chết!”.
Ba nhận ra mình cô đơn từ lúc mấy ông bạn đánh cờ với ba chuyển qua uống bia. Đi một vòng quanh xóm, đâu đâu cũng thấy người ta cầm ly lên đếm “một, hai, ba…”, những ca sĩ “miệt vườn” phục vụ rất đỗi nhiệt tình lôi hết xoong, nồi, muỗng, đũa ra đánh. Giọng hát vì thế cũng vang hơn… Ngồi trước bàn cờ, ba không có chút gì mong đợi nơi tôi. Ba nhìn tôi thở dài: “Đánh với mày cho có đánh!”. Giây phút đó, tôi thấy nhớ cảnh ba với mấy chú ngồi quay quần bên bàn cờ, người chậc lưỡi “thí xe”, người mừng reo “con tốt qua sông”. Đêm giao thừa, mọi người trải chiếu ra sân, người tô canh, người con khô, người lít rượu. Những tiếng cười rộn rã cả một góc sân quê. Mấy thím cũng ngồi xuống “phá mồi” chêm vào những câu tếu lâm cười… sặc rượu. Đám trẻ con chạy quanh sân tính chuyện lì xì, quần áo mới. Khung cảnh ấy, giờ đặt vào đâu cũng thấy lẻ loi nên chắc ba còn phải đánh cờ với tôi dài dài.
Không dưng tôi thấy mình với ba má như bị bỏ lại phía sau. Căn nhà nhỏ xíu mà đứng phía nào cũng va vấp, thênh thang. Ba má gọi điện hỏi thăm từng đứa “ăn Tết lớn không”. Những cuộc nói chuyện nửa vời, chợp chờn bởi tín hiệu mạng, bởi những tiếng gọi dồn từ phía đầu dây bên kia.
Ba rủ má Tết năm sau “mần heo chia thịt khi tới mùa”. Tôi không muốn làm vụt tắt đi niềm hy vọng của ba, khi ngậm luôn mớ lời định phát ra “mùa gì khi người ta dần bỏ đất”. Ba má cười không ngớt khi mấy chú mấy thím qua nhà chơi. Vẻ mặt hồ hởi của ba má làm ai cũng xốn xang. Mọi người ngồi nhắc chuyện Tết xưa, Tết nay. Những niềm vui, tiếc nuối cũng cùng đi theo họ qua tháng ngày tất tưởi. Hóa ra, không chỉ ba má và tôi sống với hoài niệm ngày xưa! Ra về, mấy chú thím cũng không quên cuộc hẹn năm sau tát đìa ăn Tết, năm sau hùn nếp gói bánh, đón giao thừa cùng nhau.
Và năm sau, chắc tôi sẽ bắc vài cái bàn treo mấy cái bóng đèn chớp lia lịa, bán hột vịt lộn, ngồi nói chuyện ngày xưa. Tôi từng không thích mạng xã hội, bởi cái gì người ta cũng có thể đem lên đó được nhưng lần này tôi thấy nó có ích. Đăng tấm hình ba má ngồi ngó bâng quơ ra cửa, hỏi có ai thấy được cuộc đời của mình mấy mươi năm sau? Anh chị bồng chống kéo nhau về nhà. Ba má cười không khép miệng nổi, má chạy lăng xăng xuống bếp bưng đủ các loại đồ ăn lên rồi quay sang ba càm ràm: “Đó thấy chưa, tui mà nghe lời ông thì con cái về lấy cái gì ăn!”. Ba bận bồng cháu nội nên không thèm để ý đến má. Xấp bao lì xì có dịp đem ra dùng chứ không còn nằm im trong góc tủ như mọi năm.
Thuật lại chuyện của ba má cho anh chị nghe, chợt thấy, mắt ai cũng đỏ ngầu, những cái Tết thiếu thốn ngày xưa như ùa về. Tôi nhìn anh chị cười: “Dư giả làm gì mà lạc mất nhau!”. Chiều xuân ở quê bình yên đến lạ. Ba má ngồi nép vào nhau dưới hiên nhà nhìn bầy cháu chạy nhảy khắp sân, chốc chốc vai ba má lại run lên bần bật, chắc lúc đó ba má đang cười. Mấy “đứa trẻ” đầu lấm tấm bạc hẹn nhau, Tết năm sau sẽ lại về, nhất định không thiếu một ai…
Trường Tiểu học Thuận Hòa 1 - Xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang