Tóm tắt: Vấn đề xác định thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án nhân dân là một vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động tư pháp của nước ta hiện nay. Bài viết phân tích, làm rõ một số nội dung về thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay.
Abstract: The issue of determining the jurisdiction of the People's Court to adjudicate administrative cases is an important issue in the organization and judicial activities of our country today. The article analyzes and clarifies some contents about the administrative jurisdiction of the People's Court in our country today.
1. Dẫn nhập
Xác định thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án nhân dân mà chủ yếu là thẩm quyền theo loại việc và theo lãnh thổ là một vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động tư pháp của nước ta hiện nay. Việc pháp luật đề ra những quy định trong phân định thẩm quyền xét xử hành chính theo loại việc và theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân là một tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn xét xử, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là giải quyết đúng đắn và chính xác các vụ án hành chính, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan tố tụng và Nhà nước.
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2016) có nhiều nội dung quan trọng phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 là một bước tiến đáng kể trong quá trình hoàn thiện và đề cao vai trò xét xử vụ án hành chính của hệ thống Tòa án ở Việt Nam. Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực, hoạt động xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân theo lãnh thổ đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Mặc dù vậy, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi để có được những giải pháp thích hợp góp phần hoàn thiện pháp luật về hoạt động xét xử các vụ án hành chính theo loại việc và theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân.
2. Về khái niệm thẩm quyền xét xử vụ án hành chính theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân
Việc phân định thẩm quyền xét xử vụ án hành chính theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân là một vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động tư pháp của nước ta hiện nay. Việc pháp luật đưa những quy định về phân định thẩm quyền xét xử hành chính theo lãnh thổ tại Tòa án nhân dân địa phương là một tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn xét xử, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là giải quyết đúng đắn và chính xác các vụ án hành chính, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan tố tụng và Nhà nước. Những năm gần đây, Ngành Tòa án nhân dân đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hành chính, đảm bảo đúng quy định, hạn chế số lượng án bị sửa, hủy có trách nhiệm của Tòa án nhân dân. Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực, hoạt động xét xử các vụ án hành chính theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Thẩm quyền gắn với quyền và nhiệm vụ được pháp luật giao cho các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan đó để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Tùy thuộc vào từng ngành mà thẩm quyền được phân định theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đó. Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân là quyền và nghĩa vụ của Tòa án nhân dân trong việc thụ lý và giải quyết các vụ án hành chính. Do đó, khi xem xét thẩm quyền không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ quyền hạn mà cần hiểu đó là quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc xét xử các vụ án hành chính.
Những bộ phận cấu thành quyền lực nhà nước ở Việt Nam bao gồm: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Mỗi nhánh quyền lực có một vị trí, vai trò nhất định trong bộ máy nhà nước và xã hội. Trong đó, quyền hành pháp là “quyền thi hành pháp luật là cơ sở thực hiện quyền quản lý hành chính nhà nước” và “có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp luật, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa - xã hội và hành chính - chính trị”[1]. Việc thực thi pháp luật đòi hỏi cơ quan công quyền và công chức có nghĩa vụ chấp hành pháp luật, nhưng lại vừa có quyền điều hành nên khó tránh khỏi hành vi lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền. Do đó, để khắc phục những hạn chế đã nêu trên, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân là một trong những hoạt động của Nhà nước nhằm kiềm chế, đối trọng để có được hiệu quả.
3. Về cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân
Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân được quy định tại Điều 31, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
3.1. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án cấp huyện) là cơ quan Tòa án nhân dân cấp thấp nhất trong hệ thống Tòa án, thực hiện chức năng xét xử theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Tòa án cấp huyện có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc. Tòa án cấp huyện có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, thẩm phán, Thư ký Tòa án, thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động. Theo Điều 31 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện: (i) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; (ii) Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó; (iii) Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
3.2. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Theo Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện cụ thể như: (i) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính. (ii) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước nêu trên và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính. (iii) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. (iv) Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; (v) Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; (vi) Trong trường hợp cần thiết, Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện; (vi) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh…
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Việc quy định như vậy sẽ bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, độc lập và khách quan trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, tuy nhiên, cần nghiên cứu theo hướng quy định việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại khởi kiện cũng như để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện.
Có thể nói, thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân được xác lập trên cơ sở các quan niệm, quan điểm, lý luận chung về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của hệ thống Tòa án nói chung và thẩm quyền xét xử hành chính nói riêng. Những cơ sở lý luận đó cũng chính là căn cứ quan trọng cho việc xác lập thể chế về tố tụng hành chính - cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân. Việc xác định thiết chế tư pháp về tài phán hành chính và xác định thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay là một quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước nói chung cũng như hệ thống Tòa án nói riêng, trong đó, việc xác định thẩm quyền xét xử vụ án hành chính theo lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng. Qua đó, giúp cho nền tư pháp Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị thế trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác, đồng thời, là căn cứ quan trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân ở Việt Nam.
Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an