1. Một số kết quả và hạn chế
1.1. Những kết quả đã đạt được
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn được quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng chính là động lực để họ khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, sức khỏe, luôn phát huy tinh thần cách mạng, đi đầu gương mẫu trong mọi việc, góp phần đáng kể vào xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Trị là địa phương có số lượng đối tượng chính sách người có công với cách mạng khá lớn, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, chiếm 18,46% dân số. Trong đó, có 2.857 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19.204 liệt sĩ, 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 14.364 người có công, 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến và hàng chục ngàn người là các đối tượng có công với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” (Chỉ thị số 07-CT/TW), thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã xem công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, tập trung chỉ đạo, chủ động ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về lĩnh vực này, phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với 05 chương trình tình nghĩa, đó là: Chương trình xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và đỡ đầu con liệt sĩ.
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bố trí 01 cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo 32 thủ tục hành chính nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người có công theo đúng quy trình.
Việc thực hiện chính sách trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; trợ cấp một lần đối với người có công bảo đảm đúng, đủ và kịp thời. Theo đó, hiện tại, tỉnh Quảng Trị đang thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho trên 16.580 người có công và thân nhân người có công với cách mạng với tổng số tiền khoảng 35,9 tỉ đồng. Giải quyết trợ cấp một lần chế độ thờ cúng liệt sĩ 4.256 trường hợp. Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với mức bình quân 01 triệu đồng/người/tháng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định.
Các chính sách ưu đãi khác cho người có công và thân nhân cũng đã được thực hiện bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Cụ thể, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 22.000 đối tượng người có công và thân nhân với số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế hằng năm trên 17,8 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2024, đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho gần 22.500 lượt người có công và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện trên 40,8 tỉ đồng.
Đặc biệt, được phát động từ năm 2007, đến nay, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã huy động được khoảng 140,4 tỉ đồng. Qua đó, hỗ trợ xây mới khoảng 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình người có công với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 119 tỉ đồng. Cùng với đó là công tác đào tạo nghề cho người có công và con em gia đình người có công. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ người có công và gia đình có công với cách mạng có việc làm, điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ ưu đãi hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đối với hơn 1.860 con của người có công với tổng kinh phí thực hiện khoảng 7,6 tỉ đồng.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm không chỉ chăm sóc tốt người có công còn sống mà luôn phải có trách nhiệm hơn nữa với con em của 52 tỉnh/thành trên cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình để góp sưởi ấm cho gia đình các thân nhân liệt sĩ. Các ngày lễ, tết, cán bộ và Nhân dân đều đến dâng hoa, dâng hương tại phần mộ các liệt sĩ ở các nghĩa trang. Ngày thường, các thế hệ thanh niên, học sinh ở các trường học cùng người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh tự nguyện đến dâng hương, dâng hoa, làm vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ với lòng thành kính.
Vinh dự thay mặt Nhân dân cả nước chăm sóc hơn 55.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố một cách chu đáo, thành kính trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”, thời gian qua, công tác sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được chú trọng; hằng năm, đầu tư sửa chữa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí của trung ương, của tỉnh, của các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ nguồn xã hội hóa với hàng chục tỉ đồng đã góp phần chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ bảo đảm trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Cùng với ngân sách nhà nước, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động xã hội hóa xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch sẽ. Trong đó, chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2024, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ với tổng số khoảng 63 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên mọi miền Tổ quốc đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ với tổng nguồn kinh phí trên 20 tỉ đồng.
Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như: Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội tri ân tháng 7, Lễ hội “Đêm hoa đăng” tưởng niệm liệt sĩ trên sông Thạch Hãn... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân trong cả nước; qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, nhân lên niềm tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1.2. Những khó khăn, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể: Trong thực tế vẫn còn có những gia đình chính sách chưa được chăm sóc một cách đầy đủ; vẫn còn có những người có công với cách mạng bị thiệt thòi; đời sống của nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ vẫn còn khó khăn, thiếu thốn; việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng đến nay vẫn còn một phần lớn mộ phần liệt sĩ ở các nghĩa trang chưa có danh tính, nhiều liệt sĩ chưa tìm được để quy tập vào nghĩa trang...
2. Một số giải pháp thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, nhất là quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về quan tâm, chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nên trong thời gian tới, để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, theo tác giả, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành có liên quan cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần tiếp tục tổ chức quản lý và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Phối hợp giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành trung ương, nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cải tiến lề lối làm việc, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác ưu đãi xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.
Ba là, nâng cao chất lượng việc chăm sóc và nâng cao đời sống mọi mặt cho người có công và gia đình họ thông qua các chương trình hỗ trợ về sản xuất, về nhà ở, dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng, đặc biệt là không để còn hộ gia đình chính sách nghèo đói, nhà cửa dột nát, tạo điều kiện thuận lợi để những gia đình có công với cách mạng có điều kiện và cuộc sống tốt hơn. Phấn đấu 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% thân nhân của người có công có khả năng lao động được tạo điều kiện để học nghề và có việc làm phù hợp, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, hoàn thành công tác xác nhận người có công trong các thời kỳ.
Bốn là, thực hiện tốt việc quản lý chăm sóc, tu sửa, nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi liệt sĩ, phối hợp khảo sát, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào; phấn đấu xây dựng để các công trình ghi công liệt sĩ trở thành các công trình văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương.
Năm là, tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đơn vị xã, phường, thị trấn làm tốt công tác ưu đãi người có công theo các tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với chất lượng ngày càng cao hơn. Đề cao vai trò gương mẫu, tích cực, ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống của người có công. Động viên, khích lệ đối với con em người có công nỗ lực vươn lên trong học tập, sáng tạo trong lao động, sản xuất…
Bằng những việc làm cụ thể, chúng ta cùng thể hiện trách nhiệm của mình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, chung tay cùng chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng tốt hơn, thể hiện nghĩa cử cao đẹp kính cẩn tri ân những người đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
ThS. Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị