Quan hệ vợ chồng được xác lập và được pháp luật bảo vệ khi các bên đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vợ chồng có thể lựa chọn chế độ tài sản cho mình theo một trong hai hình thức là chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Nếu chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực. Khi vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì chế độ này có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nếu vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì chế độ tài sản vợ chồng được mặc nhiên áp dụng theo quy định luật định.
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[1]; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung[2]. Việc định đoạt tài sản chung phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng[3]. Trong đời sống xã hội, vì những nguyên nhân khác nhau mà vợ chồng có thể phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung theo hình thức lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; hoặc để thuận tiện trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự thì vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau. Thực tiễn hiện nay đã và đang xuất hiện một hình thức khác là vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng lập văn bản xác nhận tài sản giao dịch là tài sản riêng của chồng hoặc vợ, do đó, người chồng hoặc vợ này có thể tự mình xác lập các giao dịch dân sự.
Đối với hình thức công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật về công chứng và hôn nhân và gia đình đã có những quy định rất cụ thể. Theo đó, vợ chồng có quyền thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung để chuyển dịch trở thành tài sản riêng và thuộc quyền sở hữu của vợ hoặc chồng. Sau khi hoàn tất việc công chứng thì thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ có hiệu lực pháp luật, những tài sản được phân chia sẽ trở thành tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Đối với tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người được phân chia phải làm thủ tục đăng ký để được cấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được phân chia.
Đối với việc vợ, chồng ủy quyền cho nhau để xác lập giao dịch dân sự đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Theo đó, người được ủy quyền sẽ đại diện cho người còn lại để xác lập, thực hiện các hợp đồng, giao dịch nhưng không làm thay đổi bản chất quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng, nhưng chỉ do một người đại diện xác lập bởi người còn lại đã ủy quyền cho chồng/vợ của mình.
Đối với việc công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng của vợ/chồng, đây là một hình thức phát sinh từ thực tiễn áp dụng trong đời sống xã hội mà không được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình. Theo hình thức này, cả hai vợ chồng hoặc chỉ có người vợ hoặc chồng lập văn bản để xác nhận tài sản cụ thể nào đó là tài sản riêng của người còn lại và người này có toàn quyền của người sở hữu, sử dụng đối với tài sản được xác nhận. Việc công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng này hiện nay được thực hiện dưới hai hình thức:
Thứ nhất, cả hai vợ chồng cùng lập văn bản xác nhận tài sản riêng
Theo đó, cả hai vợ chồng sẽ xác nhận tài sản cụ thể nào đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, do người vợ hoặc chồng này tự tạo lập hoặc dùng tài sản riêng để mua, người còn lại không có công sức đóng góp hình thành tài sản nên người vợ hoặc chồng này được toàn quyền định đoạt đối với tài sản riêng đó. Đối với hình thức xác nhận tài sản riêng này, về bản chất, sẽ làm chuyển dịch tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng (bởi được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và không có cơ sở để chứng minh là tài sản riêng) thành tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, hình thức này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp xác nhận là tài sản riêng cho người chồng hoặc người vợ đứng tên sở hữu, sử dụng tài sản. Nếu muốn người vợ hoặc chồng còn lại có thể nhận các tài sản này là tài sản riêng thì vợ chồng phải thực hiện theo thủ thục phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng do vợ chồng cùng lập này phải được thực hiện theo hình thức công chứng đối với hợp đồng, giao dịch, bởi vì nội dung văn bản là các bên cùng nhau thỏa thuận, phân chia và chuyển dịch tài sản chung thành tài sản riêng nên không thể thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký.
Thứ hai, chỉ có người vợ hoặc chồng lập văn bản xác nhận tài sản riêng cho người còn lại
Theo hình thức này, chỉ có người vợ hoặc người chồng lập văn bản để xác nhận tài sản nào đó là tài sản riêng của người chồng hoặc vợ còn lại và người còn lại này không thể hiện việc đồng ý, chấp thuận trên văn bản xác nhận. Trường hợp này sẽ phát sinh những quan hệ pháp luật khác nhau cần phải được xác định rõ để áp dụng trong hoạt động công chứng. Thực tế, có công chứng viên thực hiện công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng do người vợ hoặc chồng lập, nhưng cũng có công chứng viên chỉ chứng thực chữ ký của người lập văn bản. Việc công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng hoặc chứng thực chữ ký của người lập văn bản sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau đối với văn bản được lập. Cụ thể, nếu văn bản được công chứng theo quy định pháp luật thì nội dung văn bản được công chứng viên xác định là hợp pháp, không trái quy định pháp luật và công chứng viên chịu trách nhiệm đối với việc công chứng văn bản này[4]; còn nếu văn bản được chứng thực chữ ký của người lập thì người lập văn bản chịu trách nhiệm về nội dung văn bản và công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với chữ ký của người lập văn bản[5].
Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc công chứng hay chứng thực chữ ký đối với văn bản xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng được các công chứng viên lập luận dựa trên những góc độ khác nhau để thực hiện.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó” (Điều 239). Với việc lập văn bản xác nhận tài sản chung là tài sản riêng của người chồng hoặc vợ còn lại, người lập văn bản đã dùng hành vi cụ thể của mình để chứng minh việc từ bỏ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Do đó, việc công chứng viên công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng do một người vợ hoặc chồng lập là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, pháp luật về hôn nhân và gia đình xác định tài sản chung của vợ chồng chỉ có thể chuyển đổi thành tài sản riêng bằng con đường vợ chồng cùng lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân[6], tức là phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng; việc một người vợ hoặc chồng tự lập văn bản để xác nhận tài sản chung là tài sản riêng của người còn lại khi chưa được sự đồng ý của người đó là không phù hợp.
Đối với việc chứng thực chữ ký của người lập văn bản xác nhận tài sản riêng, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) quy định, người lập văn bản chịu trách nhiệm về nội dung và công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với chữ ký của người lập văn bản (Điều 23). Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng có quy định những trường hợp không được chứng thực chữ ký, trong đó có trường hợp “Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch” (Điều 25). Tuy nhiên, đối chiếu với trường hợp này, người lập văn bản xác nhận tài sản riêng, bằng hành vi pháp lý đơn phương của mình đã thể hiện hành vi từ bỏ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản mà pháp luật quy định là tài sản chung nên không phải là một “hợp đồng, giao dịch”, nên quy định này của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP không thể được áp dụng, do đó, việc chứng thực chữ ký là đúng pháp luật. Hơn nữa, nội hàm ý nghĩa của quy định chứng thực chữ ký là nhằm xác định tính xác thực về chữ ký của người lập văn bản nên việc chứng thực chữ ký văn bản xác nhận tài sản riêng là một hình thức xác thực sự tự nguyện, sự bày tỏ ý chí và hành vi cụ thể của người lập văn bản nhằm từ bỏ quyền sở hữu tài sản của mình trong khối tài sản chung theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, việc chứng thực chữ ký hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Với những phân tích nêu trên cho thấy, hiện nay, việc công chứng viên thực hiện công chứng hay chứng thực chữ ký đối với văn bản xác nhận tài sản riêng do một người lập đều có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hình thức chứng nhận nào là phù hợp pháp luật nhất và an toàn nhất cho cả phía người yêu cầu công chứng và phía công chứng viên? Có thể nhận thấy ưu điểm đầu tiên của hai hình thức chứng nhận này là chỉ cần một người chồng hoặc vợ thực hiện, nên linh hoạt hơn so với việc phải thực hiện bởi cả hai vợ chồng. Về bản chất của văn bản xác nhận tài sản riêng là một người vợ hoặc chồng tuyên bố tài sản chung cụ thể nào đó là tài sản riêng của người chồng hoặc vợ còn lại, người còn lại này được toàn quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó. Cả văn bản công chứng hay chứng thực đều có giá trị pháp lý và được pháp luật bảo vệ cho người yêu cầu công chứng. Khi người chồng hoặc vợ còn lại đó sử dụng văn bản xác nhận tài sản riêng để một mình giao kết, thực hiện các hợp đồng, giao dịch thì đồng nghĩa với việc họ đã đồng ý với nội dung văn bản xác nhận tài sản riêng.
Đối với công chứng viên khi công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng, đây là hình thức công chứng một hành vi pháp lý đơn phương, phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, xác thực của văn bản và văn bản được công chứng phải được lưu trữ 20 năm[7] nên đảm bảo tính pháp lý nhưng làm gia tăng khả năng rủi ro cho công chứng viên. Đối với công chứng viên chứng thực chữ ký của người lập văn bản, đây là một hình thức xác thực chữ ký của người lập văn bản với nội dung là từ bỏ quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung để xác định tài sản nào đó chỉ là tài sản riêng của người chồng/vợ còn lại. Việc chứng thực này là phù hợp với quy định pháp luật, văn bản được chứng thực chỉ phải lưu trữ trong 02 năm[8] và người lập văn bản tự chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản nên giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho công chứng viên.
Như vậy, cùng là một văn bản xác nhận tài sản riêng do vợ hoặc chồng lập, nhưng nếu công chứng viên thực hiện việc công chứng sẽ làm gia tăng trách nhiệm và rủi ro, còn nếu chỉ thực hiện chứng thực chữ ký sẽ giảm tải rất nhiều áp lực từ lưu trữ, đến khả năng chịu trách nhiệm và rủi ro cho công chứng viên. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng là hiện nay có rất nhiều công chứng viên lựa chọn giải pháp chứng thực chữ ký văn bản xác nhận tài sản riêng do một người lập để bảo vệ cho chính mình trong hoạt động hành nghề.
Văn bản xác nhận tài sản riêng do một người lập là một hành vi pháp lý đơn phương, không phải là một “hợp đồng, giao dịch” nên không thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Do đó, hiện nay, việc chứng thực chữ ký vẫn được áp dụng bên cạnh việc công chứng theo pháp luật công chứng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay mỗi nơi áp dụng khác nhau, mỗi công chứng viên thực hiện khác nhau cho cả hai hình thức công chứng hoặc chứng thực. Thiết nghĩ, nên sớm có văn bản hướng dẫn lựa chọn hình thức thống nhất là công chứng hay chứng thực đối với văn bản xác nhận tài sản riêng do một người lập. Chỉ khi có sự hướng dẫn mới có cơ sở để thống nhất áp dụng, tránh tình trạng áp dụng khác nhau tùy theo lập luận, quan điểm cá nhân.
Văn phòng Công chứng Nguyễn Huy Cường, tỉnh Trà Vinh
[1]. Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác…”.
[2]. Khoản 1, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4]. Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.
[5]. Điều 23 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
[6]. Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[7]. Khoản 2 Điều 64 Luật Công chứng năm 2014.
[8]. Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.