Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, được thể hiện như: Tỷ lệ bản án thi hành xong trên tổng số phải thi hành có chiều hướng giảm dần và đạt tỷ lệ thấp; số bản án, quyết định chưa thi hành xong chuyển sang năm sau tăng cả về số lượng bản án và tỷ lệ phần trăm; nhiều bản án hành chính đã bị tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thi hành dứt điểm, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài; trong khi đó, việc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính lại hết sức khiêm tốn… Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung đánh giá thực trạng công tác thi hành án hành chính, nêu lên những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tiếp theo.
1. Thực trạng công tác thi hành án hành chính
Căn cứ vào thẩm quyền của Hội đồng xét xử vụ án hành chính được quy định tại Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính gồm có: (i) Bản án tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện trong trường hợp việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính là không có căn cứ; (ii) Bản án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy/tuyên trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện một nhiệm vụ, công vụ nhất định.
Liên quan đến bản án bác đơn yêu cầu khởi kiện, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về nghĩa vụ thi hành án hành chính (THAHC) phát sinh, cụ thể:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, bản án bác đơn yêu cầu khởi kiện không làm phát sinh nghĩa vụ THAHC, theo đó, việc thi hành quyết định hành chính bị khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý hành chính nhà nước;
- Ý kiến thứ hai cho rằng, đối với bản án bác đơn yêu cầu khởi kiện thì việc thi hành quyết định hành chính đã bị khởi kiện phải tuân theo quy trình THAHC (tức là cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định hành chính phải yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định hành chính mà mình đã ban hành)[1].
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ nhất, theo đó, chỉ những bản án, quyết định Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện mới làm phát sinh nghĩa vụ THAHC và người phải thi hành án trong bản án hành chính luôn là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, tác giả đánh giá thực trạng THAHC trên cơ sở đánh giá việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Qua số liệu thống kê kết quả THAHC trong 05 năm từ năm 2015 đến năm 2019 cho thấy: Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải thi hành ngày càng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2019 có số bản án phải thi hành tăng 75% so với năm 2018. Trong bối cảnh đó, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án nhìn chung đã quan tâm, chấp hành nghiêm các phán quyết của Tòa án, thể hiện ở số bản án hành chính thi hành xong cơ bản đều tăng qua các năm. Kết quả này trực tiếp khôi phục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác THAHC thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy hành chính nhà nước. Điều này thể hiện ở chỗ: Mặc dù số liệu các bản án hành chính thi hành xong cơ bản tăng qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ bản án thi hành xong trên tổng số phải thi hành lại có chiều hướng giảm dần và đặc biệt đạt tỷ lệ thấp (dưới 50%) vào các năm 2018, 2019. Trong khi đó, số bản án, quyết định chưa thi hành xong chuyển sang năm sau lại tăng cả về số lượng bản án và tăng cả về tỷ lệ phần trăm. Chỉ trong 03 năm thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, có đến 240 vụ việc Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ việc phải ra quyết định buộc THAHC đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước do vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án[2]. Trong số các bản án chưa thi hành xong, nhiều bản án hành chính đã bị tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thi hành dứt điểm[3], gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Mặc dù vậy, cho đến nay, theo tìm hiểu của tác giả, vẫn chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THAHC theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
Thực tế này cho thấy, một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu trong việc THAHC; thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý. Để xảy ra tình trạng tồn đọng án hành chính không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân mà còn ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền, tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật.
2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
2.1. Về chủ quan
- Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính nói chung trong đó có nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật THAHC nói riêng của người đứng đầu một số cơ quan nhà nước, của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước vẫn còn hạn chế. Rõ nét nhất là tình trạng ở một số địa phương, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi bị khởi kiện hành chính tại Tòa án đã không hợp tác cung cấp hồ sơ, tài liệu vụ việc, không tham gia phiên tòa, không tham gia đối thoại theo yêu cầu, triệu tập của Tòa án. Bản án của Tòa án sau khi có hiệu lực thi hành cũng không được các chủ thể này chấp hành nghiêm. Ở một số địa phương, người đứng đầu Ủy ban nhân dân còn có nhận thức THAHC là công việc của cơ quan chuyên môn, của cơ quan thi hành án dân sự, nên thiếu sự đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện, tham mưu thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà chính mình là người phải thi hành án. Đây là nguyên nhân chủ yếu, cơ bản dẫn đến tình trạng án hành chính tồn đọng trong thời gian vừa qua.
- Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu trong một số cơ quan hành chính nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao cũng là nguyên nhân gây tồn đọng án hành chính, do đó, quá trình tham mưu thực hiện bản án hành chính của một bộ phận công chức được giao nhiệm vụ còn lúng túng, chậm tham mưu hoặc tham mưu không đúng, không đầy đủ để người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng phán quyết của Tòa án.
2.2. Về khách quan
Một là, nguyên nhân từ thể chế THAHC: So với Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã có những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm bảo đảm cho việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được hiệu quả[4]. Tuy nhiên, những cơ chế này mới chỉ dừng lại ở việc tạo “áp lực” mà chưa mang tính cưỡng chế, bắt buộc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải THAHC. Nói cách khác, THAHC theo pháp luật hiện hành vẫn là cơ chế “tự thi hành”, do đó, kết quả THAHC phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức, ý thức trách nhiệm tự nguyện thi hành của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án, trong khi quy định về chế tài xử lý trách nhiệm đối với hành vi không chấp hành án hành chính theo pháp luật hiện hành vẫn còn những “lỗ hổng” chưa được bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, khi người phải thi hành án cố tình “chây ì” không chấp hành án thì việc THAHC trở nên khó khăn và kéo dài.
Hai là, nguyên nhân từ đối tượng của hoạt động THAHC: 90% các vụ kiện hành chính trên thực tế phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai[5], đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó đã có không ít biến động, trong khi hệ thống quy định của pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi. Thực tế này gây khó khăn cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết dứt điểm vụ việc theo phán quyết của Tòa án, làm kéo dài quá trình THAHC.
Ba là, nguyên nhân từ một số bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành: Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện nhưng không tuyên nghĩa vụ phải thực hiện đối với cơ quan, người đã ban hành/thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân hoặc tuyên với nội dung chung chung như “phải thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật”. Điều này gây khó khăn cho người phải thi hành án cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong việc đôn đốc, kiểm tra, kiểm sát và theo dõi THAHC. Ngoài ra, một số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa thuyết phục, không có tính khả thi dẫn đến việc kháng cáo, kiến nghị, kháng nghị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Bốn là, nguyên nhân từ việc thực hiện chưa hiệu quả cơ chế bảo đảm THAHC theo quy định của pháp luật hiện hành: Hoạt động kiểm sát THAHC thuộc chức năng của Viện kiểm sát nhân dân mới chỉ hướng vào kiểm sát hoạt động theo dõi THAHC của hệ thống thi hành án dân sự mà chưa chú trọng kiểm sát trực tiếp hoạt động THAHC của chính các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án. Do đó, hoạt động kiểm sát THAHC chưa thực sự tác động đến ý thức chấp hành án của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong việc THAHC.
Bên cạnh đó, hoạt động theo dõi THAHC của hệ thống thi hành án dân sự mặc dù đã từng bước đi vào nền nếp, giúp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nắm bắt được thực trạng THAHC trên phạm vi cả nước, từ đó kịp thời có những chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC; tuy nhiên, hoạt động theo dõi THAHC của nhiều chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn tình trạng “nể nang, ngại va chạm”, dẫn đến không ít trường hợp người phải THAHC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thi hành án nhưng chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự lại không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Năm là, nguyên nhân từ sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý nhà nước về THAHC và hoạt động chuyển giao bản án hành chính: Công tác quản lý nhà nước về THAHC mặc dù đã từng bước đi vào nền nếp, song, một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trình tự, thủ tục THAHC vẫn chưa được các cơ quan phối hợp hướng dẫn thống nhất thực hiện. Đơn cử như quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, do vẫn còn hai cách hiểu khác nhau[6] nên thực tế đã ảnh hưởng đến việc xác định người phải thi hành án có hay không vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án làm căn cứ để yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc THAHC… Tương tự về trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính có nội dung bác đơn yêu cầu khởi kiện, hiện nay cũng đang còn các ý kiến khác nhau[7], cần có sự hướng dẫn thống nhất thực hiện của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự trong việc chuyển giao bản án hành chính cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ THAHC. Trên thực tế, việc một số Tòa án chậm chuyển giao, thậm chí không chuyển giao bản án hành chính sang cơ quan thi hành án dân sự là nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự không chủ động được việc theo dõi thi hành bản án, trong đó có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án cho người phải thi hành án.
3. Một số kiến nghị
Để khắc phục tình trạng tồn đọng án hành chính, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc hiến định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[8], tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thể chế, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THAHC song song với việc hoàn thiện thể chế quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện hành chính.
- Đối với thể chế về THAHC: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong đó, việc duy trì cơ chế “tự thi hành” trong THAHC là cần thiết, phù hợp với đối tượng của hoạt động THAHC là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, song, cần nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành án hiệu quả ngay trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và sau khi có bản án của Tòa án, trong đó:
+ Bổ sung quy định trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc xác định thời hạn mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện xong nhiệm vụ, công vụ đã được tuyên trong bản án hành chính[9]. Thời hạn này được xác định trên cơ sở quy định của pháp luật quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực phát sinh vụ kiện hành chính và được ghi ngay trong bản án hành chính hoặc trong quyết định buộc THAHC. Quy định như vậy nhằm khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước lấy lý do bản án đang được tổ chức thi hành để bao biện cho hành vi chậm hoặc không chấp hành án hành chính của mình và là căn cứ cần thiết để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đôn đốc, kiểm tra, kiểm sát, theo dõi THAHC và xác định mức độ vi phạm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án.
+ Bên cạnh các chế tài bảo đảm THAHC đã được pháp luật hiện hành quy định (như chế tài kỷ luật đã được quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP), pháp luật THAHC cần quy định bổ sung biện pháp phạt tiền trong THAHC. Biện pháp này do Tòa án quyết định ngay trong bản án hành chính hoặc trong quyết định buộc THAHC, nhằm ngăn chặn việc không thi hành án của bên phải thi hành án và là chế tài áp dụng khi các chủ thể này vi phạm nghĩa vụ THAHC. Số tiền phạt này cần được lấy từ nguồn tiết kiệm chi quản lý hành chính nhà nước của cơ quan, đơn vị phải THAHC.
+ Quy định bổ sung những “lỗ hổng” pháp luật về xử lý vi phạm trong THAHC. Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong THAHC; Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội không chấp hành án, tuy nhiên, tình tiết cấu thành tội danh này là hành vi không chấp hành án đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lại chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành án hành chính, dẫn đến việc không thỏa mãn cấu thành tội danh “không chấp hành án” mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định. Tương tự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng không có quy định về bồi thường nhà nước phát sinh trong lĩnh vực THAHC. Những “lỗ hổng” về mặt pháp luật xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không chấp hành án hành chính cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện làm căn cứ pháp lý áp dụng đối với những vi phạm trong THAHC.
- Đối với thể chế quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực: Cần được nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật trong quá trình THAHC của các cơ quan nhà nước được dễ dàng và không gặp vướng mắc, vì THAHC thực chất là quá trình người phải thi hành án ban hành/thực hiện một quyết định hành chính, hành vi hành chính mới trên cơ sở quy định của pháp luật quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực phát sinh vụ án hành chính.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp. Song song với việc quán triệt pháp luật về tố tụng hành chính và THAHC, công tác hướng dẫn nghiệp vụ THAHC cũng cần được tăng cường cho đội ngũ cán bộ làm công tác đôn đốc, kiểm tra, kiểm sát, theo dõi THAHC và đặc biệt là đội ngũ công chức hành chính được giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện các bản án hành chính, nhằm nâng cao năng lực, trình độ tham mưu thực hiện công tác THAHC trên thực tế.
Thứ ba, Bộ Tư pháp cần tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC ở các địa phương có số lượng bản án hành chính phải thi hành lớn hoặc tổ chức làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để rà soát, xác định nguyên nhân tồn đọng của từng bản án, trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thi hành dứt điểm bản án đã có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ tư, phát huy hiệu quả các cơ chế tác động theo quy định hiện hành từ chủ thể thứ ba đến hoạt động THAHC, trong đó: Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc THAHC của cơ quan, người phải THAHC thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm nghĩa vụ THAHC; Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần mở rộng phạm vi kiểm sát thi hành án trực tiếp đến cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là người phải thi hành án; cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm theo dõi 100% bản án hành chính có nội dung theo dõi và kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghĩa vụ THAHC theo quy định.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các vụ án hành chính trong hệ thống Tòa án, bảo đảm vụ án hành chính phải được xem xét khách quan, toàn diện, phù hợp với các tình tiết của vụ việc và thuyết phục đối với các bên đương sự. Nội dung phán quyết của Tòa án phải được tuyên rõ, cụ thể nghĩa vụ, công vụ mà cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải thực hiện nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân do việc thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra, khắc phục tình trạng bản án tuyên chung chung, không rõ nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện của người phải thi hành án.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quản lý nhà nước về công tác THAHC. Trước mắt, khi Quốc hội chưa sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015, các cơ quan cần hướng dẫn thực hiện thống nhất những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến các quy định về thời hạn và trình tự, thủ tục THAHC.
ThS. Nguyễn Thanh Nam
Tổng cục Thi hành án dân sự
[2]. Năm 2017: 70 quyết định; năm 2018: 57 quyết định; năm 2019: 113 quyết định.
[3]. Trong tổng số 339 bản án, quyết định chưa thi hành xong tính đến hết năm 2019 chuyển sang năm 2020 có đến 11 bản án, quyết định kéo dài từ 05 năm trở lên; 97 bản án, quyết định kéo dài từ 02 năm trở lên; 124 bản án, quyết định kéo dài từ 01 năm trở lên.
[4]. Một số điểm mới có thể kể đến như: Quy định về cơ chế Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án; quy định về chế tài xử lý kỷ luật đối với người không chấp hành án hành chính; quy định về cơ chế công khai thông tin người không chấp hành án hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin của hệ thống thi hành án dân sự…
[5]. Báo cáo số 164/BC-CP ngày 10/5/2018 của Chính phủ về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân.
[6]. Có ý kiến cho rằng, người phải thi hành án chỉ được coi là tự nguyện thi hành án khi thực hiện xong nhiệm vụ, công vụ trong thời hạn tự nguyện thi hành án (30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định); ý kiến khác lại cho rằng, người phải thi hành án chỉ cần tiến hành các thủ tục để thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời hạn này, không nhất thiết phải thực hiện xong đã được coi là tự nguyện thi hành án.
[7]. Hiện nay còn hai quan điểm khác nhau, trong đó có quan điểm cho rằng, bản án bác đơn yêu cầu khởi kiện là bản án không có nghĩa vụ thi hành án hành chính; quan điểm khác lại cho rằng, nghĩa vụ thi hành án hành chính trong bản án bác đơn là nghĩa vụ thi hành quyết định hành chính bị khởi kiện và việc thi hành quyết định hành chính này phải tuân theo trình tự, thủ tục về thi hành án hành chính.
[8]. Điều 106 Hiến pháp năm 2013.
[9]. Hiện nay, xuất phát từ đặc thù về đối tượng của hoạt động thi hành án hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước khác nhau, do đó, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chỉ quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án, áp dụng chung cho tất cả các bản án hành chính mà không có quy định trình tự, thủ tục và thời hạn thực hiện cụ thể đối với từng nhiệm vụ, công vụ được tuyên trong các bản án hành chính.