Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu, trao đổi thực trạng tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Qua đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này.
Abstract: The article researches and discusses the current situation of drug-related crimes in Ho Chi Minh City in recent years. Thereby, some recommendations are made to enhance the effectiveness of the prevention and combat of this type of crime.
1. Thực trạng tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10o10’ - 10o38’ vĩ độ Bắc và 106o22’ - 106o54’ kinh độ Đông; phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Nơi đây là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm. Với tổng diện tích hơn 2.095 km2, Thành phố Hồ Chí Minh có 01 thành phố (thành phố Thủ Đức), 16 quận và 05 huyện với 322 phường, xã, thị trấn và là đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nối liền các thành phố trong vùng và là một trong các cửa ngõ giao lưu quốc tế với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước. Do đó, trong những năm qua, kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ tăng trưởng cao, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tạo được môi trường ổn định cho việc phát triển kinh tế của Thành phố. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác đến học tập, làm việc, du lịch tăng theo từng năm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tốc độ kinh tế phát triển nhanh cũng gây ra nhiều hệ lụy, tình hình phức tạp về an ninh, trật tự. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, đã xảy ra 25.016 vụ phạm pháp hình sự, tiến hành điều tra 17.983 vụ (chiếm 71,89%), bắt giữ 20.157 đối tượng. Trong tổng số vụ phạm pháp hình sự thì tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ cao: 7.658/25.016 vụ; khoảng 17.604 đối tượng (chiếm tỷ lệ khoảng 31,1%)[1]; số tang vật phát hiện, thu giữ gồm: 520,5 kg heroin, 2,5 tấn và 44.010 viên ma túy tổng hợp, 32,9 kg lá khát, 05 lựu đạn, 132 khẩu súng, 1.925 viên đạn... Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 15 cơ sở cai nghiện về ma túy và điều trị cai nghiện cho khoảng 10.576 người. Trong đó, không có việc làm hoặc thu nhập không ổn định chiếm tỷ lệ 75,5%; cai nghiện từ lần 02 trở lên chiếm khoảng 29,19%; người nghiện phạm tội hình sự chiếm khoảng 20,8%. Các đối tượng nghiện là nhân tố có khả năng làm tăng tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và cũng là tác nhân phát sinh thêm người nghiện mới[2]. Tội phạm về ma túy trong thời gian gần đây hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lôi kéo nhiều thành phần tham gia, hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn, sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả khi bị phát hiện và truy bắt. Hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy gia tăng với các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng đa dạng; các đường dây, tổ chức ngày càng quy mô, mang tính chuyên nghiệp hơn, nhiều mắt xích tinh vi, khép kín; hoạt động vận chuyển ma túy qua đường hàng không vẫn tiếp tục bị phát hiện; việc mua bán nhỏ lẻ, sử dụng ma túy tại các địa bàn trọng điểm, quán bar, vũ trường tiếp tục diễn ra đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy và các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự do người nghiện gây ra trên địa bàn phường, xã, thị trấn. Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng loạt chuyên án lớn bị triệt phá tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Đường dây vận chuyển 100 kg ma túy đá vào Thành phố Hồ Chí Minh; đường dây ma túy của Trung “bảy ngón” thu giữ 30 kg ma túy đá... Do vậy, việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy trong thời gian qua của lực lượng chức năng cả nước nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
2. Một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống tội phạm về ma túy và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế:
- Nhận thức của một số cán bộ trong các ban, ngành, các cấp, tổ chức xã hội có lúc chưa coi trọng hoạt động phòng, chống tội phạm về ma túy. Vẫn còn tư tưởng coi việc phòng, chống tội phạm về ma túy là chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nên đã không quan tâm hoặc có quan tâm nhưng còn hời hợt. Một số nơi còn thiếu sự phân công, phối hợp dẫn đến giảm thiểu sức mạnh nguồn lực trong công tác phòng, chống ma túy nói chung. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm về ma túy nhưng vẫn chưa thực sự bảo đảm chất lượng, còn mang nặng tính hình thức thuyết giảng, tuyên truyền thiếu trực quan sinh động và trong một số trường hợp chưa phù hợp với từng đối tượng (nhất là đối với người lao động, học sinh, sinh viên).
- Công tác kiểm tra hành chính tại những điểm phức tạp về ma túy còn mang nặng tính hành chính đơn thuần, chẳng hạn như: Chỉ tiến hành kiểm tra bên ngoài đối với những đối tượng hoạt động công khai nhưng chưa chú trọng trong việc phát hiện nơi đối tượng có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội về ma túy nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để; công tác đăng ký, quản lý cư trú mặc dù được tiến hành thường xuyên nhưng hiệu quả thiết thực phục vụ phòng ngừa tội phạm về ma túy là chưa cao so với yêu cầu đặt ra.
- Thời gian cai nghiện ngắn, chưa đủ điều kiện để điều trị, giáo dục, giúp đỡ đối tượng phục hồi sức khỏe để thay đổi nhận thức và hành vi nên tỷ lệ tái nghiện còn cao dẫn đến những khó khăn, phức tạp về tình hình tội phạm về ma túy. Công tác cai nghiện cộng đồng, chỉ mới thực hiện ở giai đoạn cắt cơn, khi trở về cộng đồng việc giám sát, giáo dục ở địa phương trong thực tiễn còn nhiều hạn chế. Trách nhiệm của chính quyền cấp xã chưa được quan tâm và tổ chức thực hiện tốt.
- Khái niệm chất ma túy được quy định rải rác trong nhiều văn bản như: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay được quy định tại Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà chưa có một quy định nào khái quát được toàn bộ và nêu rõ thế nào là “chất ma túy” thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự. Do đó, dễ dẫn đến hiểu nhầm, gây khó khăn cho cơ quan thi hành pháp luật.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho cơ quan chuyên môn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh tội phạm ma túy, theo tác giả, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy. Lực lượng Công an làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các cấp và Công an cấp trên xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng ngừa tội phạm về ma túy theo đúng lộ trình đã đặt ra. Thường xuyên có kế hoạch để chủ động phòng ngừa và kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng khác để phòng, chống tội phạm về ma túy. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội để tiến hành công tác phòng, chống tệ nạn, tội phạm về ma túy. Trong đó, cần chỉ rõ nội dung phối hợp, yêu cầu thực hiện, cung cấp trao đổi thông tin.
Lãnh đạo quận, huyện và ban chỉ huy phường, xã, thị trấn cần tổ chức triển khai quán triệt sâu sắc về các nội dung của hoạt động phòng ngừa tội phạm về ma túy. Tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về công tác này định kỳ 06 tháng hoặc 01 năm nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân. Qua đó, tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các cấp và Công an cấp trên xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng ngừa tội phạm về ma túy theo đúng lộ trình đã đặt ra.
Hai là, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu đưa ra khái niệm khái quát được những yếu tố của “chất ma túy” thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự, chứ không phải là khái niệm “chất ma túy” dùng chung trong tất cả lĩnh vực y khoa, khoa học, pháp luật... và cần được quy định thành một điều luật riêng. Theo đó, khái niệm chất ma túy nên được hiểu là “các chất gây nghiện, chất hướng thần nằm trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành ở dạng tự nhiên hoặc dạng tổng hợp, có trọng lượng, thể tích, hàm lượng nhất định theo quy định của pháp luật”[3].
Ba là, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để vận động người dân tham gia phòng, chống tệ nạn, tội phạm về ma túy. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần chủ động hơn nữa để người dân hiểu rõ các văn bản pháp luật về ma túy; dạng ma túy; quyền và nghĩa vụ; tác hại của ma túy... để hình thành ý thức tự giác tham gia phòng, chống ma túy cùng với lực lượng chức năng. Ngoài ra, các biện pháp tuyên truyền cần được xây dựng, triển khai một cách khoa học nhằm tránh tâm lý kỳ thị người nghiện ma túy trong cộng đồng dân cư, gây khó khăn cho công tác chữa bệnh, cai nghiện cho người nghiện ma túy.
Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp quản lý người nghiện ma túy để phòng ngừa, chủ động phát hiện tội phạm. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần có quy chế phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tạo điều kiện về việc làm cho các đối tượng sau khi đã thực hiện thời gian cai nghiện xong. Đồng thời, phối kết hợp, quản lý tại địa phương phòng tránh tái nghiện.
Bốn là, lực lượng Công an tăng cường biện pháp kiểm tra hành chính tại các cơ sở lưu trú, quán bar, vũ trường, karaoke... Quản lý chặt chẽ số nhân khẩu tạm trú, tạm vắng, những người đang cư trú để kịp thời phòng ngừa để phát hiện những hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn. Khi phát hiện các vụ việc vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là, chính quyền Thành phố cần có những chính sách đẩy mạnh hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình (sau khi đã cai nghiện bắt buộc). Triển khai tốt hình thức cai nghiện này kết hợp với đào tạo nghề, tìm việc làm chính là mấu chốt thực hiện tốt tái hòa nhập cuộc sống bình thường của người nghiện ma túy, có như vậy mới giảm thiểu được tỷ lệ tái nghiện.
Trường Đại học cảnh sát nhân dân
[1]. Tổng hợp số liệu của Bộ Công an về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/thong-ke.aspx?Cat=101.
[2]. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi gặp mặt báo chí thông báo tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong năm 2020 và một số công tác trọng tâm năm 2021, https://congan.com.vn/vu-an/quyet-liet-cho-dia-ban-trong-sach-thanh-pho-binh-yen_132543.html.
[3]. Phạm Minh Tuyên (2013), Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử (tài liệu tham khảo dùng cho các thẩm phán, thư ký Tòa án), Nxb. Hồng Đức.