1. Dẫn nhập
Thời gian qua, tình hình tội phạm về đánh bạc (đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc) ở Việt Nam có nhiều diễn biến rất phức tạp, có xu hướng tăng lên cả về số vụ và số người tham gia đánh bạc. Thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng tinh vi, xảo quyệt, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để đánh bạc với quy mô lớn, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn vươn ra cả nước ngoài, gây nên những hệ lụy xấu cho xã hội, làm phát sinh các loại tội phạm hình sự khác, gây mất trật tự an toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng các tội phạm về đánh bạc gia tăng là do chế tài của pháp luật hình sự đối với các tội phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa. Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa đồng bộ, thống nhất nên đã ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trước tình hình đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về đánh bạc là hết sức cần thiết.
2. Một số bất cập, hạn chế của quy định về tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong pháp luật hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây, gọi tắt là Bộ luật Hình sự) đã khắc phục được một số hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự năm 1999 như: Kỹ thuật lập pháp của điều luật đã được quy định chặt chẽ hơn, thông qua việc luật hóa các trường hợp phạm tội vào điều luật để tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng của các cơ quan chức năng; điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng hơn so với trước để bảo đảm tính răn đe, giáo dục đối với người phạm tội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tác giả nhận thấy, quy định tội phạm về các tội đánh bạc trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn những điểm bất cập, hạn chế, cụ thể:
Một là, tên gọi của Điều 322 quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa định danh chính xác tội phạm được quy định trong điều luật.
Trên thực tế, không phải mọi hành vi tổ chức đánh bạc đều bị xem là tội phạm, bởi vì có những hành vi có tính chất đánh bạc được thua bằng tiền nhưng được Nhà nước cho phép như xổ số kiến thiết, xổ số lô tô, đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế thì không xem là tội phạm, mặc dù số tiền ăn thua có thể là rất lớn[1]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự hành vi được xác định là tội phạm là hành vi tổ chức đánh bạc trái phép, trong khi đó tên của điều luật vẫn là “tội tổ chức đánh bạc” nên không thể hiện chính xác về mặt khách quan của tội phạm[2]. Vì vậy, tên điều luật cần sửa thành “tội tổ chức đánh bạc trái phép” thì sẽ hợp lý và chính xác hơn.
Hai là, quy định hai tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc chung trong cùng một điều luật (Điều 322) là không phù hợp, không bảo đảm trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Việc quy định tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc trong cùng một điều luật là không phù hợp, bởi vì, dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc không giống nhau, mức độ nguy hiểm của tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc là rất khác nhau nên việc quy định hai tội phạm này chung trong cùng một điều luật để áp dụng chung một khung hình phạt là không bảo đảm trong việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội phạm.
Ba là, quy định về vấn đề tài sản dùng để đánh bạc trong điều luật là “tiền hoặc hiện vật” chưa bao quát hết các loại tài sản khác mà các con bạc sử dụng vào việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc dẫn đến những vướng mắc khi xác định hành vi đó là tội phạm hay chỉ là hành vi vi phạm hành chính.
Bốn là, quy định của điều luật chưa thực sự rõ ràng để có thể phân biệt tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi gian dối, sắp xếp đánh bạc và sắp xếp kết quả nhằm bảo đảm việc áp dụng pháp luật đúng đắn, hiệu quả.
Năm là, quy định về tình tiết “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” chưa được hướng dẫn cụ thể để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật của lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về đánh bạc.
Từ những vấn đề nêu trên, việc nhanh chóng hoàn thiện quy định về các tội phạm về đánh bạc của pháp luật hình sự hiện hành là hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
Một là, cần sửa đổi tên gọi, cấu trúc của Điều 322 Bộ luật Hình sự cho phù hợp với bản chất hành vi phạm tội được mô tả trong điều luật.
Theo tác giả, nên tách thành “tội tổ chức đánh bạc trái phép” và “tội gá bạc” thành hai điều luật độc lập. Đồng thời, cần quy định cụ thể về hành vi khách quan thế nào là “tổ chức đánh bạc”, “gá bạc”, vì điều luật chưa quy định cụ thể, do đó, có thể gây ra sự thiếu thống nhất khi áp dụng điều luật này để định tội danh trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự. Điển hình như, hành vi của người ghi đề (đã được xác định đủ cơ sở khởi tố) phải bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc thì hợp lý hơn xử lý về tội đánh bạc. Đây không thể xem là hình thức một người đánh bạc với nhiều người để xử về tội đánh bạc như hiện nay vẫn áp dụng. Bởi lẽ, người ghi đề có sự chuẩn bị trước về giấy bút, tiền... và việc tổ chức của họ có quy mô.
Hai là, sửa đổi một số nội dung điều luật.
Theo quy định tại Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự năm thì tài sản dùng vào việc đánh bạc được điều luật xác định là “tiền hoặc hiện vật”. Đây là vấn đề bất cập, vì quy định này không bao quát hết nếu trong trường hợp con bạc sử dụng cả những tài sản là các loại giấy tờ có giá trị khác vào mục đích đánh bạc. Đồng thời, trong việc xác định giá trị của tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc, cơ quan chức năng còn gặp khó khăn khi các đối tượng đánh bạc dùng ngoại tệ, kim khí, đá quý hoặc các loại hiện vật được dùng để ngầm quy ước số tiền đánh bạc (phỉnh, xèng…) hoặc các loại giấy tờ có thể cầm cố (chứng nhận quyền sở hữu tài sản, chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, thẻ học viên…) cũng như xác định số tiền trong người của các đối tượng tham gia đánh bạc có phải là tiền dùng để đánh bạc hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào lời khai của chính các đối tượng này và việc làm rõ những căn cứ chứng minh số tiền này được dùng để đánh bạc là hết sức khó khăn. Do đó, quy định hiện hành về tài sản dùng vào việc đánh bạc nên sửa đổi thành “tiền, hiện vật hoặc các tài sản khác” làm cơ sở cho việc xác định về định lượng được chính xác. Bên cạnh đó, với thực tế hiện nay các đối tượng tổ chức đánh bạc không chỉ sử dụng những hình thức thông thường mà còn tổ chức đánh bạc bằng công nghệ cao qua các trang web cá cược, máy chủ đặt ở nước ngoài và việc thanh toán tiền đánh bạc thông qua hệ thống thanh toán quốc tế. Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cách tính số tiền đánh bạc trong những trường hợp này làm cơ sở xác định giá trị tài sản mà các đối tượng đã dùng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Ba là, nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP) không có hiệu lực hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hơn nữa, để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong toàn bộ quá trình hoạt động tố tụng hình sự (điều tra, truy tố, xét xử), cần thiết phải có văn bản giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc văn bản liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an trong việc áp dụng các điều luật nêu trên. Điều này hết sức cần thiết để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn áp dụng Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về đánh bạc trong thời gian qua. Điển hình như, trong việc xác định lần đánh bạc đối với các hình thức đánh bạc được nêu tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP là chưa bao quát hết bởi còn có nhiều hình thức đánh bạc khác cũng cần xác định rõ thế nào là một lần đánh bạc (đánh bài, xúc xắc, xóc đĩa, bầu cua…)[3]. Hơn nữa, trong thực tiễn, các loại hình vui chơi có thưởng hoặc trò chơi dân gian bị biến tướng, bị lợi dụng để đánh bạc hiện nay rất đa dạng, cho nên cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết những hành vi nào là trái phép, hành vi nào là hợp pháp, hành vi nào không phải là đánh bạc.
Việc xác định vai trò đồng phạm đánh bạc đối với người tổ chức đánh bạc nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tổ chức đánh bạc độc lập (khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP) là chưa hợp lý, bởi vì, căn cứ vào dấu hiệu hành vi khách quan trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại hai điều luật khác nhau (tại Điều 248, Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 108 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015) và rất khó chứng minh trong thực tiễn hoạt động điều tra.
Bốn là, nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể phân biệt rõ tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi gian dối, sắp xếp đánh bạc và sắp xếp kết quả.
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về đánh bạc của các cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, trong một số trường hợp, ranh giới giữa tội đánh bạc và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất nhỏ và dễ gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để thống nhất vấn đề trên, thiết nghĩ, cần hướng dẫn thống nhất những hành vi sắp xếp đánh bạc, sắp xếp kết quả thông qua hành vi đánh bạc với mục đích chiếm đoạt tài sản vẫn là hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và cần quy định thêm đối với những hành vi sắp xếp kết quả đánh bạc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là tình tiết định khung tăng nặng trong điều luật.
Năm là, cần quy định cụ thể việc truy cứu trách nhiệm pháp lý một cách chính xác và thống nhất (trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự) đối với các cá nhân có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép khi chưa đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trên cơ sở tương quan với trách nhiệm pháp lý mà các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế phải gánh chịu để bảo đảm sự thống nhất giữa pháp luật hình sự với pháp luật hành chính, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo đảm sự công bằng giữa các chủ thể vi phạm trước pháp luật.
Sáu là, cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự về sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Bởi vì, phương tiện điện tử được hiểu là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự. Vì vậy, có thể bao gồm các thiết bị dùng trong mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc các thiết bị khác như thiết bị y tế, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thu thanh truyền hình. Bản thân mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính được cấu thành từ nhiều thành tố trong đó có các thiết bị điện tử như máy vi tính, máy tính trung tâm, máy photocopy, điện thoại… và đường truyền (cáp quang, dây điện thoại…). Trong các loại thiết bị điện tử nêu trên, thường chỉ có các thiết bị dùng trong mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính được các đối tượng phạm tội sử dụng để lôi kéo nhiều người cùng tham gia đánh bạc hoặc dùng làm vật để đánh bạc, gây ra hậu quả rất lớn hoặc vô cùng lớn. Tuy nhiên, ngoài các thiết bị nêu trên còn có các thiết bị điện tử khác (thiết bị y tế, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thu thanh truyền hình) thường không được sử dụng trong việc đánh bạc hoặc được sử dụng không phải như một phương tiện để lôi kéo nhiều người cùng đánh bạc hoặc dùng làm vật để đánh bạc mà chỉ đóng vai trò thứ yếu trong quá trình tội phạm xảy ra như các loại đèn chiếu sáng, máy quay phim, chụp ảnh, máy đếm... Vì vậy, việc quy định tình tiết này trong cấu thành tăng nặng của tội phạm là hết sức cần thiết nhưng chưa thực sự rõ ràng và còn gây nhầm lẫn.
Trong một số trường hợp, tội đánh bạc bị coi là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều tội phạm khác trong xã hội như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản... làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Đấu tranh với tội phạm về đánh bạc trong tình hình mới là một nhiệm vụ khó khăn đối với các cơ quan chức năng. Từ góc độ lý luận, việc hoàn thiện pháp luật hình sự điều chỉnh hành vi đánh bạc góp phần luật hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự điều chỉnh các tội phạm về đánh bạc còn là một đòi hỏi tất yếu khách quan của quy trình lập pháp hình sự, góp phần bảo đảm nội dung của pháp luật khi điều chỉnh vấn đề này phù hợp với thực tiễn, là cơ sở vững chắc cho các hoạt động tố tụng nói chung, là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm minh hành vi đánh bạc trái phép.
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
[2]. Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
[3]. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999.