1. Đặt vấn đề
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động đặt ra các yêu cầu bắt buộc đối với các chủ thể có ý định giao kết hợp đồng. Họ phải tiến hành những xử sự nhất định hoặc không được tiến hành một số xử sự nhất định; trường hợp các chủ thể làm trái với những yêu cầu của nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng tất yếu dẫn đến trách nhiệm pháp lý nhất định. Điều 2.301 Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu (PECL) ghi nhận: “Một bên được tự do đàm phán và không phải chịu trách nhiệm nếu không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu họ đã đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí và không công bằng thì phải chịu trách nhiệm với những tổn thất đã gây ra cho bên kia. Không thiện chí và không công bằng có nghĩa là một bên bước vào đàm phán nhưng không có ý định đàm phán thực sự để đi tới thỏa thuận cuối cùng với bên kia”. Keit Hain, Lorman Frank cũng có quan điểm tương tự: “Tại thời điểm các bên bắt đầu tiến hành đàm phán, mỗi bên đều đáp ứng được yêu cầu về sự trung thực và công bằng trong việc xây dựng mối quan hệ với bên còn lại”[1]. Như vậy, có thể thấy, nguyên tắc thiện chí và trung thực đã đặt ra nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng. Chủ thể vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng lao động nói riêng sẽ dẫn đến việc phát sinh trách nhiệm pháp lý. Trong Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế xác định: Một bên có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu do lừa dối, ép buộc khi cam kết của họ được thiết lập, tuy nhiên, sự đe dọa này phải là cấp thiết, nghiêm trọng và không chính đáng. Có thể thấy, trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng lao động được xem xét dựa trên mối quan hệ nhân quả, biện chứng giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng và sự gánh chịu trách nhiệm bất lợi; trong đó, hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng xuất hiện trước về mặt thời gian và tất yếu dẫn đến kết quả là các chủ thể phải gánh chịu sự bất lợi tương ứng.
2. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
2.1. Quy định chung về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng
Thông tin là một yếu tố đặc biệt quan trọng khi giao kết hợp đồng; các bên tham gia đàm phán hợp đồng cần thông tin để xem xét, lựa chọn lĩnh vực giao kết hợp đồng, giúp thỏa mãn các nhu cầu về vật chất, tinh thần của các bên[2]. Thông tin giúp các bên hiểu rõ về nhau cũng như sản phẩm (đối tượng) các bên hướng tới đàm phán, định hướng cho họ lựa chọn phạm vi phù hợp để giao kết hợp đồng. Thông tin là sức mạnh vì thông tin định hướng hành vi con người[3]. Nguyên tắc chi phối đến nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng thể hiện rõ ở khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Sự thiện chí trong cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng là “điều kiện cần” trong nghĩa vụ cung cấp thông tin, còn trung thực được xem là “điều kiện đủ” trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Thông tin trung thực là những thông báo được gửi đi đúng với sự thật, không làm sai lệch đi so với sự vốn có của nó[4]. Theo nghĩa rộng, nghĩa vụ trung thực trong cung cấp thông tin bao gồm cả việc thông báo được gửi đi đúng với sự thật và gửi đầy đủ các thông tin mà bên chiếm ưu thế có được. Trong phạm vi rộng, trung thực thông tin hàm chứa cả tính chất của thiện chí khi cung cấp thông tin phục vụ cho giao kết hợp đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng, với nguyên tắc trung thực, thiện chí khi cung cấp thông tin giao kết hợp đồng được ghi nhận tại những điều luật đầu tiên của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chứng tỏ pháp luật chung về hợp đồng đặc biệt coi trọng loại nghĩa vụ này.
Bên cạnh đó, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn ghi nhận: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết… Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều 387 đã minh thị về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng phải là những “thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, thông tin này bao gồm những thông tin nào thì Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa đề cập. Trên thực tế, việc quy định cụ thể loại thông tin nào là rất khó cho nhà làm luật vì với mỗi loại hợp đồng thì thông tin cần cung cấp có thể rất khác nhau. Chính vì vậy, với vai trò là pháp luật chung về hợp đồng, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ nêu lên vai trò của loại thông tin này đối với bên được cung cấp thông tin là các thông tin này ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của một bên. Tuy nhiên, việc quy định như vậy có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên.
2.2. Quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
Trên cơ sở Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015, cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động được quy định là nghĩa vụ của cả người sử dụng lao động và người lao động. Việc cung cấp thông tin của hai bên bảo đảm cho phía bên kia biết được các thông tin cơ bản nhất, để người lao động biết người sử dụng lao động có đáp ứng được các yêu cầu của người lao động hay không, đặc biệt là vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc cũng như để người sử dụng lao động đánh giá người lao động có đáp ứng được các điều kiện mà người sử dụng lao động đặt ra khi tuyển dụng hay không. Điều này sẽ bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng sau này đúng theo nguyên tắc tại khoản 1 Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2019: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. So với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung yêu cầu thông tin được cung cấp phải trung thực. Ngoài những loại thông tin cụ thể được liệt kê, Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định mỗi bên có nghĩa vụ cung cấp cho bên kia những thông tin khác “liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động” nếu được bên kia yêu cầu. Quy định này khá tương đồng với đoạn 3 Điều 112-1 Bộ luật Dân sự năm 2016 của Pháp: “Thông tin có tầm quan trọng mang tính quyết định là những thông tin có mối liên hệ trực tiếp và cần thiết tới nội dung hợp đồng hoặc với tư cách của các bên, Tòa án có trách nhiệm giải thích mối liên hệ trực tiếp và cần thiết này”. Theo đó, Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2019 được đánh giá là hợp lý, vì quan hệ lao động liên quan đến nhiều vấn đề mà nhu cầu của các bên thì rất đa dạng, Bộ luật Lao động năm 2019 không thể liệt kê được hết những vấn đề mà mỗi bên có nhu cầu cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đây lại là quy định mang tính chất định tính và khó xác định trên thực tế.
3. Trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động và những vấn đề cần hoàn thiện
3.1. Quy định chung về trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng
Thông tin khi giao kết hợp đồng liên quan đến quyết định giao kết hợp đồng nên việc vi phạm nghĩa vụ này được coi là một sai phạm và chế tài cho việc vi phạm này có thể là hợp đồng vô hiệu. Trách nhiệm pháp lý từ hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hợp đồng được tìm thấy trong pháp luật các nước Anh, Pháp, Mỹ hay trong Điều 4.107 PECL và Điều 3.8 Bộ nguyên tắc của Unidroit[5]. Tại Việt Nam, trên cơ sở Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vô hiệu có thể được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng giao kết do bị lừa dối (hành vi này có thể xuất hiện trong hợp đồng nhưng cũng có thể phát sinh từ giai đoạn các bên đàm phán giao kết hợp đồng).
Ngoài ra, theo quy định chung về hợp đồng tại Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015, bồi thường thiệt hại là trách nhiệm pháp lý phát sinh do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng. Có thể thấy, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng là loại nghĩa vụ do luật định, vì vậy, khi vi phạm nghĩa vụ này sẽ phát sinh trách nhiệm ngoài hợp đồng. Do đó, vi phạm nghĩa vụ này sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng khá lớn của hệ thống pháp luật Civil law nên quan điểm về bồi thường thiệt hại khi giao kết hợp đồng như nêu trên hoàn toàn dễ hiểu. Trên thực tế, các Tòa án khi giải quyết những vụ việc liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng viện dẫn đến các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[6]. Tuy nhiên, quy định hiện nay về bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ.
Như vậy, khi một bên tham gia giao kết hợp đồng do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu. Tuy nhiên, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 trực tiếp điều chỉnh hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin giao kết hợp đồng chỉ ghi nhận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không quy định hợp đồng có vô hiệu hay không? Điều luật này có thể hiểu theo hướng, hành vi không cung cấp thông tin không vi phạm yếu tố tự nguyện trong xác lập giao dịch chỉ đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, để phù hợp hơn với pháp luật các nước, Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định rõ hơn theo hướng, không chỉ hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng mà cả hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng cũng có thể bị tuyên vô hiệu.
3.2. Quy định về trách nhiệm pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
Theo điểm b khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí và trung thực” sẽ dẫn đến hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. Có thể thấy, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động gắn bó mật thiết và được xây dựng từ nguyên tắc thiện chí và trung thực. Vì vậy, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là hợp đồng lao động vô hiệu. Tuy nhiên, cùng là vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng nhưng theo quy định chung về hợp đồng tại Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm pháp lý tương ứng là bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra, còn pháp luật lao động lại đặt ra trách nhiệm pháp lý là hợp đồng vô hiệu tương tự như nội dung của chế định giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động mà gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì có áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại giống như quy định tại Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 hay không, đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng? Mức bồi thường và cách xác định thiệt hại ra sao? Hơn nữa, Điều 51 Bộ luật Lao động năm 2019 về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu mới chỉ dừng lại ở việc quy định rất khái quát: “… 2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại; 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. Vậy, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động có ký lại hợp đồng lao động hay không? Nếu ký lại, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại xử lý như thế nào? Trường hợp hai bên không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì xử lý hậu quả như thế nào[7]? Đây là những vấn đề mà nghị định của Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động là một chủ đề không mới. Theo các quy định hiện hành, trách nhiệm pháp lý được áp dụng cho hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng là hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các quy đinh chung về hợp đồng đã đặt ra những vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể hơn./.
TS. Đỗ Thị Hoa
Khoa Luật - Trường Đại học Thương mại
[1]. Nguyễn Thị Kiều Linh, “Nghĩa vụ tiền hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật Dân sự”, Tạp chí Luật học, số đặc biệt, tháng 6/2015.
[2]. Lê Trường Sơn (2015), “Nghĩa vụ bảo mật thông tin có được trong giai đoạn tiền hợp đồng”, Tạp chí Khoa học pháp lý, tr. 26.
[3]. Nguyễn Như Phát, Lê Thị Thu Thủy (2003), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 22.
[4]. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Trung_th%E1%BB%B1c, truy cập ngày 15/12/2023.
[5]. https://iluatsu.com/dan-su/he-qua-phap-ly-do-vi-pham-nghia-vu-cung-cap-thong-tin-tien-hop-dong/.
[6]. Đỗ Văn Đại (2007), “Nghĩa vụ thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, tr. 36.
[7]. Nguyễn Hữu Chí, Nguyễn Văn Bình (2021), “Bình luận khoa học Bộ luật Lao động năm 2019”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 147 - 148.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 400), tháng 3/2024)