Tóm tắt: Nhằm nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, góp phần xây dựng nghề công chứng phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thông qua bài viết, tác giả đã nêu rõ những nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, từ đó chỉ ra những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Abstract: In order to improve the self-governing role of the social-professional organization of notaries, contributing to building a stable and sustainable development of the notary profession, meeting the requirements of international integration, through the article, the author has clearly stated the duties and powers of the socio-professional organization of the notary, thereby indicating the achieved results, difficulties and problems, and proposing solutions for completion.
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
1.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam
Ngày 13 và 14/01/2019, Đại hội đại biểu Công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội đã thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, đánh dấu sự kiện, giai đoạn mới cho hoạt động công chứng Việt Nam. Hiệp hội ra đời với sứ mệnh khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, phát triển đội ngũ công chứng viên và phát triển nghề công chứng theo hướng bền vững, đúng pháp luật.
Các nhiệm vụ cụ thể của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam[1]:
- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và theo quy định của pháp luật.
- Kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của điều lệ Hiệp hội.
- Ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát hội viên trong việc tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và quy định của pháp luật về công chứng.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tổ chức mình để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường; quản lý Quỹ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hiệp hội; đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội trái với Điều lệ Hiệp hội; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội trái với quy định của pháp luật.
- Báo cáo Bộ Tư pháp về đề án tổ chức đại hội nhiệm kỳ, phương án nhân sự, kết quả đại hội; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.
1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Công chứng viên
Hội Công chứng viên là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công chứng viên hành nghề được thành lập trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hội được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, hoạt động theo nguyên tắc “tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng, Nghị định này và Điều lệ Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên”[2]. Theo đó, tại Điều 26 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP), nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Công chứng viên gồm:
- Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong hành nghề theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và theo quy định của pháp luật.
- Kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, xử lý kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Điều lệ Hiệp hội.
- Giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ Hiệp hội.
- Phối hợp với Sở Tư pháp địa phương trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm cho hội viên; tham gia ý kiến với Sở Tư pháp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật.
- Thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định của Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước, sự kiểm tra của Hiệp hội.
- Tham gia hoạt động hợp tác về công chứng ở trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.
2. Mối quan hệ giữa Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên và cơ quan quản lý nhà nước về công chứng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài
Thứ nhất, quan hệ giữa Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên với cơ quan quản lý nhà nước về công chứng: Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; Hội chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền nơi Hội được thành lập theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, quan hệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hiệp hội có thể tham gia làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội có thể tham gia làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội được thành lập.
Thứ ba, quan hệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên với Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới, tác động sâu sắc đến hoạt động công chứng của Việt Nam. Mối quan hệ này được thể hiện qua các mặt như sau:
- Hiệp hội mở rộng quan hệ quốc tế với Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài trên cơ sở tự chủ, bình đẳng và hợp tác nhằm góp phần phát triển nghề công chứng, nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội và công chứng Việt Nam trên thế giới.
- Hiệp hội là thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế, đại diện cho hội viên trong quan hệ với Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Quan hệ của Hiệp hội, Hội với Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài được thực hiện theo quy chế đối ngoại và hợp tác quốc tế do Hội đồng Công chứng viên toàn quốc ban hành, phù hợp với quy định của Điều lệ, pháp luật về hợp tác quốc tế.
3. Kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
3.1. Kết quả đạt được
Thứ nhất, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đã tập hợp đội ngũ công chứng viên đang hành nghề tại các tỉnh, thành phố trên cả nước thành một khối thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Đến nay, Hiệp hội đã ban hành xong các quy chế, quy định mang tính nội bộ liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan giúp việc của Hiệp hội; hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu của Hiệp hội; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Thường vụ trong việc cung cấp thông tin, duy trì hoạt động website của Hiệp hội.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công chứng viên, tính đến tháng 3/2022, 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được Hội Công chứng viên, 03 tỉnh còn lại (Điện Biên, Hà Nam và Quảng Trị) cũng đang khẩn trương xúc tiến thành lập Hội Công chứng viên trên địa bàn. Hiện nay, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã có tổng số 3.687 hội viên, trong đó có 60 hội viên là tổ chức (các Hội Công chứng viên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và 3.627 hội viên là cá nhân (bao gồm các công chứng viên đang hành nghề). Đội ngũ công chứng viên không ngừng phát triển về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng, có khả năng tập hợp, đoàn kết.
Thứ hai, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đã trở thành cầu nối gắn kết hoạt động giữa các tổ chức hành nghề công chứng, giúp các tổ chức hành nghề công chứng có thể chia sẻ dữ liệu công chứng, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Số lượng đầu việc công chứng được giải quyết qua các năm ngày càng tăng.
Thứ ba, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đã tích cực tham gia các nội dung quản lý nhà nước cùng với cơ quan nhà nước như: Góp ý, tham gia soạn thảo văn bản pháp luật liên quan đến công chứng; hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng định kỳ, thi tập sự hành nghề công chứng; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động công chứng, đề nghị, tham mưu với Bộ Tư pháp về việc phân bố tổ chức hành nghề công chứng; cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thi hành các quy định của pháp luật.
Thứ tư, trong mối quan hệ với Liên minh Công chứng Quốc tế, các tổ chức công chứng quốc tế và nước ngoài: Hợp tác quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, tạo ra cơ hội cho công chứng Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, chắc chắn trong thời gian ngắn. Những kinh nghiệm, thành tựu hợp tác khi được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, đặc thù của Việt Nam sẽ trở thành một động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của công chứng Việt Nam nói chung, cũng như sự lớn mạnh của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, việc nhiệt tình tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế cũng là cơ hội để công chứng Việt Nam thể hiện vai trò của một thành viên năng động và đầy trách nhiệm của Liên minh Công chứng Quốc tế (UINL) nói chung và Ủy ban các vấn đề châu Á (CAAs) nói riêng.
Thứ năm, tạo được sự thống nhất, gắn kết giữa Hiệp hội và Hội. Đây là kết quả của sự trưởng thành về mọi mặt của hoạt động công chứng Việt Nam, khẳng định giá trị kết nối đã được tạo dựng qua thời gian.
3.2. Hạn chế, vướng mắc
Thứ nhất, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công chứng với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn hạn chế do chưa phân định rõ công tác quản lý nhà nước với trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, thiếu quy chế phối hợp giữa các hội và cơ quan quản lý nhà nước địa phương (trong đó Sở Tư pháp đóng vai trò chủ quản).
Thứ hai, thời gian gần đây đã xuất hiện những hoạt động chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng, như: Văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, đồng thời không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm. Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển của các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản[3].
Tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương; một số văn phòng công chứng bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng ở các địa bàn ngoài trụ sở của tổ chức mình để tiếp nhận yêu cầu công chứng; phí thù lao công chứng cao hơn niêm yết; việc hợp danh trong văn phòng công chứng không ổn định, bền vững, xuất hiện tình trạng hợp danh “ảo”… hay tình trạng công chứng viên không hành nghề thực sự mà chỉ ghi danh và ký chứng thực một vài bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân trên tài liệu hoặc chỉ ký một vài giao dịch đơn giản, “chợ” công chứng viên diễn ra trong suốt thời gian dài vừa qua vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để tình trạng gây mất trật tự trong hoạt động công chứng.
Qua các bất cập nêu trên, có thể thấy rằng, trách nhiệm giám sát hội viên, trách nhiệm tự quản chưa được phát huy ở các hội, việc tham gia ý kiến với Sở Tư pháp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, việc thành lập, chuyển nhượng văn phòng công chứng chưa được các hội chú trọng; chưa theo sát đánh giá kết quả, năng lực hội viên, khó khăn, vướng mắc của hội viên...
Thứ ba, sự thống nhất, gắn kết giữa Hiệp hội và Hội đã bước đầu tạo được sự liên kết chặt chẽ. Tuy nhiên, vai trò, gắn kết thống nhất vẫn chưa được phát huy tốt, chưa kịp thời nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn hiện nay để đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động công chứng.
3.3. Đề xuất, kiến nghị
Để tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên có thể thực sự phát huy hơn nữa vai trò của một tổ chức tự quản, cơ quan quản lý nhà nước về công chứng cũng như Hiệp hội, Hội cần triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn, trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và Hiệp hội, Hội công chứng viên. Bởi vì, hoạt động công chứng trên thực tế liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: Dân sự, thương mại, đất đai, thuế... Do đó, Hội cần phát huy vai trò là kênh kết nối giữa các tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan nhà nước, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thi hành án dân sự… Việc phối hợp cần được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như: Văn bản trao đổi; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm theo từng chuyên đề… Đây là cơ sở để Hội cũng như cơ quan nhà nước từng bước xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế liên thông từ tổ chức hành nghề công chứng đến văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế…
Thứ ba, nâng cao vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc góp ý xây dựng pháp luật công chứng, các luật và văn bản hướng dẫn lĩnh vực khác liên quan đến công chứng.
Thứ tư, nâng cao vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng viên trong việc tham gia xây dựng, vận hành và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu điện tử về công chứng. Liên quan đến việc vận hành cơ sở dữ liệu về công chứng, hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng đều tham gia; cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng tại tổ chức mình vào cơ sở dữ liệu chung. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được quan tâm triển khai thực hiện; việc xây dựng khai thác cơ sở dữ liệu còn chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối, tích hợp giữa các cơ sở dữ liệu gây lãng phí thời gian, tiền bạc cho xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm và nâng cao vai trò của Hội Công chứng viên tại các địa phương. Để Hội giám sát hội viên tốt, phát huy được trách nhiệm tự quản đòi hỏi các Hội phải có quy định, chế tài cụ thể (nội quy) phù hợp với Quy chế của Hiệp hội.
Thứ sáu, Hiệp hội cần xây dựng mô hình tư vấn chuyên môn cho công chứng viên. Đề xuất giao cho Ban chuyên môn tổ chức mô hình tư vấn cho công chứng viên (như mô hình trung tâm CRIDON của Pháp). Bước đầu có thể miễn phí, sau đó có thể tính đến phương án thu phí.
Thứ bảy, nâng cao vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng trong việc thành lập văn phòng công chứng, đào tạo nghề công chứng, bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, tập sự hành nghề công chứng, thi hết tập sự, trong đó, tác giả kiến nghị những giải pháp sau:
(i) Nghiên cứu, sửa đổi thủ tục thành lập văn phòng công chứng có thể theo hướng: Các công chứng viên thành lập văn phòng công chứng nộp hồ sơ cho Hội Công chứng viên nơi thành lập, Hội kiểm tra, thẩm định hồ sơ và có tờ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Hội có trách nhiệm báo cáo với Hiệp hội về việc này). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập hoặc từ chối thành lập văn phòng công chứng. Sở Tư pháp phối hợp với Hội Công chứng viên trong việc thanh tra và giám sát.
(ii) Đối với hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, để thống nhất vấn đề bồi dưỡng hằng năm giữa Hiệp hội và Hội, bảo đảm chương trình đào tạo, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ đạt chất lượng, hiệu quả, Hiệp hội có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng hằng năm và cấp giấy chứng nhận trên cơ sở kế hoạch đầu năm, đề xuất ý kiến nội dung chuyên đề, các nội dung trọng tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của các Hội. Cần xem trọng hình thức trao đổi nghiệp vụ trong công chứng viên có sự chủ trì của Ban chuyên môn, linh hoạt tổ chức bồi dưỡng trực tuyến hoặc trực tiếp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, giúp các hội viên các tỉnh tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cũng như tiết kiệm chi phí tổ chức nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả bồi dưỡng theo chương trình kế hoạch đặt ra.
(iii) Nâng cao vai trò của Hiệp hội, Hội trong việc tập sự hành nghề công chứng, thi hết tập sự, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên. Theo đó, quy định về tập sự hành nghề công chứng[4] nên được sửa đổi theo hướng, việc đăng ký tập sự được thực hiện tại Hội Công chứng viên nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, Hội Công chứng viên ra quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề công chứng và ghi tên người tập sự vào danh sách người tập sự của Hội Công chứng viên (Hội có trách nhiệm gửi quyết định hành nghề công chứng nhận tập sự đến Hiệp hội, đồng gửi Sở Tư pháp nơi có trụ sở của Hội) và báo cáo về quá trình tập sự hành nghề công chứng trong thời gian tập sự hành nghề công chứng; lập danh sách, đề nghị cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng đối với người đạt yêu cầu để gửi Hiệp hội và đồng gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm lập danh sách, theo dõi người tập sự đăng ký tại Hội Công chứng viên của địa phương mình; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về tập sự hành nghề công chứng theo quy định pháp luật. Bộ Tư pháp có vai trò tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Thứ tám, cần xây dựng ấn phẩm, tạp chí riêng để quảng bá hình ảnh của Hiệp hội, Hội tại các địa phương nhằm giới thiệu tổ chức, văn bản của Hiệp hội và Hội, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục công chứng, tin bài và ý kiến của cá nhân, tổ chức, các bài viết nghiên cứu chuyên sâu… Đây là kênh thông tin kết nối Hiệp hội với các hội viên và Hội của các địa phương trên cả nước. Hiện nay, Hiệp hội chỉ phối hợp với một số tạp chí như Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) mà chưa có tạp chí độc lập.
Thứ chín, cần sớm có phương án triển khai việc thành lập quỹ bồi thường thiệt hại, mức phí, cơ chế bồi thường, trách nhiệm, quyền hạn của Hiệp hội đối với quỹ này để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên là công chứng viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ để bồi thường.
Thứ mười, hoạt động hội nhập quốc tế: Hiệp hội và Hội cần khai thác tốt và phát huy hiệu quả hơn nữa các quan hệ lợi ích đan xen với các nước thành viên UINL và các nước hợp tác. Việc hợp tác quốc tế cần có chiến lược rõ ràng, bền vững và mở rộng các đối tác hợp tác hơn nữa. Tăng cường kế hoạch hội thảo, tọa đàm, học hỏi kinh nghiệm các nước có hoạt động công chứng lâu đời và phát triển (như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức...) để việc tham gia góp ý sửa đổi Luật Công chứng trong thời gian tới đạt kết quả tốt, góp phần phát triển hoạt động công chứng, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho hội viên mình. Để làm được điều này, cần phải quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sâu, vừa thông thạo ngoại ngữ để tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia công chứng các nước khác.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam
[1]. Điều 30 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
[2]. Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
[3]. Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
[4]. Điều 11 Luật Công Chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).