Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp; đồng chí Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng thường trực; PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng.
TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Hội nghị khoa học được tổ chức trong bối cảnh đất Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Điều này xuất phát từ quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo sâu sát với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo đó xác định: “để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển…”. Bên cạnh đó, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” do Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 06/3/2025, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhận định “xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới cần phải có tư duy mở, cách làm mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận 03 nội dung chính gồm: (i) làm rõ những nội dung mới trong chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới có liên quan trực tiếp đến khoa học pháp lý; (ii) xác định các vấn đề lý luận lớn, cấp thiết mà giới nghiên cứu pháp lý cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm cung cấp kịp thời luận cứ khoa học cho việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn; (iii) đề xuất những hướng nghiên cứu lớn, mang tính chiến lược cho các lĩnh vực của khoa học pháp lý trong các lĩnh vực luật học chuyên ngành.
Đất nước đang khẩn trương chuẩn bị để bước vào “kỷ nguyên mới” - kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những ưu tiên trọng tâm là tháo gỡ các điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Đây là thời điểm khoa học pháp lý có thể phát huy vai trò của mình để tham mưu với Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận vững chắc cho các quyết sách lớn.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên, đại diện Khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến những định hướng lớn của nghiên cứu khoa học pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đối với các lĩnh vực như: lý luận nhà nước và pháp luật, luật Hiến pháp, luật hành chính; pháp luật dân sự; pháp luật kinh tế; tư pháp hình sự; pháp luật quốc tế; luật so sánh; tiếp cận liên ngành nghiên cứu khoa học pháp lý trong bối cảnh mới… Theo đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII vừa qua đã thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để vươn mình thành công, rất cần thống nhất nhận thức, niềm tin; sáng tỏ tầm nhìn, chiến lược và nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xây dựng và hoàn thiện thể chế có vai trò quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu khát vọng của dân tộc. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ là cơ hội để mở ra những định hướng chủ đề nghiên cứu cho khoa học pháp lý. Xuất phát từ chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, một số lĩnh vực cần tiếp tục được nghiên cứu, cụ thể:
Một là, đối với những định hướng lớn trong nghiên cứu về lý luận nhà nước và pháp luật, luật Hiến pháp, luật hành chính đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới, cần xác định 03 nội dung sau: (i) định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; (ii) cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và dự báo những vấn đề thực tiễn cần phải có khung pháp lý điều chỉnh; (iii) định hướng nghiên cứu về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật.
PGS.TS. Cao Thị Oanh, đại diện Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Hai là, liên quan đến định hướng nghiên cứu về chính sách, pháp luật dân sự trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số, tài sản số, có thể tập trung vào một số hướng nghiên cứu mới như: nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số, quyền sở hữu tài sản số, thương mại tài sản số trong nền kinh tế số; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về một số loại tài sản mới và giao dịch liên quan đến tài sản mới; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu về các giao dịch dân sự số; nghiên cứu về những hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghệ số. Ngoài ra, đối với lĩnh vực pháp luật dân sự cũng cần nghiên cứu các chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội
Ba là, về định hướng lớn trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực pháp luật kinh tế được nghiên cứu dựa trên 07 nội dung gồm: (i) thể chế, khung pháp lý để thúc đẩy, nâng cao vị trí của kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa; (ii) khung pháp lý về tài sản ảo; (iii) khung pháp lý về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, quản lý, vận hành hệ thống tàu tốc độ cao; (iv) cơ sở pháp lý để thúc đẩy, điều chỉnh, quản lý hiệu quả mô hình nền kinh tế bạc; (v) cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phát triển bền vững; (vi) cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới; (vii) đánh giá, tổng kết 80 năm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục phát triển hệ thống pháp luật kinh tế đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới.
PGS.TS. Trần Anh Tuấn, đại diện Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Bốn là, tư pháp hình sự là một bộ phận của hệ thống tư pháp, liên quan đến việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự. Ngoài ra, tư pháp hình sự còn liên quan đến các chính sách và biện pháp phòng ngừa tội phạm, bảo vệ quyền con người và bảo đảm công bằng trong hệ thống pháp luật. Tư pháp hình sự Việt Nam trong kỷ nguyên mới phải hiện đại hóa, bảo vệ quyền con người, ứng phó tội phạm công nghệ cao, hội nhập quốc tế và số hóa hoạt động xét xử, theo đó, định hướng nghiêm cứu tập trung vào 04 nội dung gồm: (i) những định hướng lớn trong nghiên cứu Bộ luật Hình sự Việt Nam; (ii) những định hướng lớn trong nghiên cứu Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam; (iii) những định hướng lớn trong nghiên cứu tội phạm học và các xu hướng phạm tội mới; (iv) những định hướng lớn trong nghiên cứu Luật Thi hành án hình sự.
Năm là, trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và thách thức, Đảng và Nhà nước ta đã luôn xác định tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, định hướng lớn nghiên cứu các lĩnh vực pháp luật quốc tế trong kỷ nguyên mới tập trung vào các lĩnh vực sau: công pháp quốc tế và pháp luật ASEAN, tư pháp quốc tế, thương mại quốc tế.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Sáu là, trong kỷ nguyên mới, với sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, hệ thống pháp lý của Việt Nam cần có những bước phát triển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, bảo đảm sự công bằng, hiệu quả và thúc đẩy phát triển bền vững. Một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu này chính là nghiên cứu và ứng dụng luật học so sánh. Luật học so sánh không chỉ giúp Việt Nam tiếp thu các mô hình pháp lý tiên tiến từ các quốc gia trên thế giới mà còn tạo cơ sở vững chắc để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Đặc biệt, trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia, việc phát triển khoa học pháp lý, trong đó có luật học so sánh, được coi là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp với xu hướng phát triển quốc tế mà còn mở rộng khả năng cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, trong lĩnh vực luật học so sánh, các định hướng lớn gồm: (i) các xu hướng phát triển mới của luật học so sánh; (ii) ứng dụng luật học so sánh trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam; (iii) các hệ thống pháp luật mà Việt Nam có thể tham khảo.
Bảy là, tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học pháp là phương pháp kết hợp kiến thức, lý thuyết và phương pháp từ nhiều lĩnh vực khác nhau để nghiên cứu các vấn đề pháp lý, theo đó, thay vì chỉ sử dụng các phương pháp truyền thống của ngành luật, cách tiếp cận liên ngành đưa ra quan điểm, góc nhìn về pháp luật từ các ngành khác mà điển hình là các lĩnh vực khoa học vốn được xem là gần gũi với luật học như chính trị học, xã hội học, kinh tế học, sử học, ngôn ngữ học đến các lĩnh vực khoa học tưởng chừng ít liên quan như khoa học môi trường, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính. Theo đó, tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học pháp lý gồm các cách tiếp cận sau: luật và chính trị học; luật và kinh tế học; luật và xã hội học.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi một số nội dung về yêu cầu của kỷ nguyên mới đối với khoa học pháp lý; vai trò của khoa học pháp lý trong việc cung cấp các cơ sở khoa học để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật…
PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, khoa học pháp lý có phạm vi nghiên cứu rộng lớn, bao trùm mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống quốc gia. Song trong bối cảnh chuẩn bị khẩn trương cho kỷ nguyên mới, việc xác định những định hướng nghiên cứu lớn, trọng tâm và ưu tiên là vô cùng cấp thiết. Chỉ khi các định hướng này được xác lập rõ ràng và thống nhất, giới nghiên cứu khoa học pháp lý mới có thể chủ động cung cấp cơ sở lý luận, đề xuất các nguyên lý, giải pháp pháp luật để thực hiện thành công các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, kết quả của Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu trong việc định hình rõ nét những hướng nghiên cứu khoa học pháp lý lớn cho thời gian tới, đồng thời bày tỏ mong muốn, sau Hội nghị, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cụ thể hóa các ý tưởng, hoàn thiện các luận cứ khoa học để phục vụ trực tiếp quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị, pháp luật trọng đại của đất nước.
Thùy Dung