Rượu, bia là những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có nguy cơ gây ra các vấn đề kinh tế - xã hội. Hậu quả của rượu, bia có thể xuất hiện ngay sau khi uống và nếu người sử dụng mà điều khiển phương tiện, vận hành máy móc thì rất dễ xảy ra tai nạn bởi khi có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện giao thông thường không làm chủ được thần kinh dẫn đến nguy cơ rất cao gây tai nạn giao thông (TNGT). Các báo cáo y học cho thấy, tỷ lệ TNGT và tử vong sau khi bị TNGT do sử dụng đồ uống có cồn luôn chiếm tỷ lệ cao. Do đó, cần nghiên cứu các giải pháp kiểm soát, hạn chế TNGT đường bộ có liên quan đến nồng độ cồn, tập trung vào bốn vấn đề: Cưỡng chế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật, cấp cứu. Trong đó, cưỡng chế bằng các quy định về giới hạn nồng độ cồn và chế tài xử phạt liên quan là biện pháp bảo đảm cho sự thành công và hiệu quả của các biện pháp khác.
Quy định về giới hạn nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Concentration - BAC) trong pháp luật quốc gia là cốt lõi của mọi biện pháp giải quyết vấn đề TNGT có liên quan đến nồng độ cồn. Một trong những biện pháp hạn chế vi phạm quy định về BAC khi tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) hàng đầu được thảo luận, triển khai là ban hành luật nhằm giới hạn BAC khi tham gia giao thông và áp dụng các chế tài xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. Mặc dù được triển khai đồng bộ, quyết liệt và tạo được chuyển biến bước đầu, song vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây TNGT, số người tử vong do TNGT gây ra còn ở mức cao. Vì vậy, cần thiết tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia GTĐB nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, trật tự xã hội, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ TNGT liên quan đến chất có cồn.
1. Quy định pháp luật của một số quốc gia về xử phạt vi phạm nồng độ cồn
So sánh pháp luật của một số quốc gia quy định chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia GTĐB cho thấy có nhiều quốc gia áp dụng chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi này mà không cần xét đến yếu tố hậu quả. Chính sách luật này đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể:
Tại Trung Quốc, Điều 133 Bộ luật Hình sự[1] quy định về tội gây sự cố giao thông, theo đó, người nào vi phạm pháp luật và các quy định quản lý giao thông vận tải (kể cả quy định về nồng độ cồn), gây thương tích nặng, chết người hoặc gây thiệt hại tài sản thì bị phạt tù không quá 03 năm, trường hợp đặc biệt nguy hiểm khác thì bị phạt tù không quá 07 năm. Điều 133-1 quy định chi tiết về tội lái xe nguy hiểm, theo đó, người nào điều khiển xe trên đường trong tình trạng say rượu sẽ bị tạm giữ hình sự và phạt tiền. Về chế tài xử phạt hành chính, các mức phạt cao nhất tại Điều 91 Luật An toàn giao thông đường bộ[2] dành cho người lái xe trong tình trạng say xỉn gồm: Bị giam giữ (tối đa 10 ngày hoặc 15 ngày), bị phạt tiền từ 1.000 ¥ - 2.000 ¥ hoặc bị phạt 5.000 ¥, tịch thu Giấy phép lái xe có thời hạn (05 năm, 10 năm hoặc vĩnh viễn).
Luật hình sự Canada cấm lái xe khi say rượu (với BAC ≥ 0,08 g/dL), các chế tài phạt tối thiểu đối với hành vi lái xe khi say rượu là phạt tiền tối đa 5.000 $ và phạt tù đến 06 tháng. Hình phạt tối đa cho hành vi lái xe khi say rượu gây chết người là tù chung thân[3].
Cộng hòa Pháp có những quy định rất nghiêm ngặt liên quan đến việc lái xe sau khi uống rượu, giới hạn BAC cho phép là dưới 0,05 g/dL. Trường hợp người lái xe có mức BAC từ 0,05 g/dL đến 0,08 g/dL thì mức phạt là từ 135 € - 750 € và phải chờ đến khi BAC giảm xuống dưới 0,05 g/dL mới được phép tiếp tục lái xe. Nếu người lái xe có mức BAC vượt quá 0,08 g/dL thì bị phạt tiền 4.500 € và phạt tù tối đa 02 năm. Trong mọi trường hợp, nếu quá giới hạn BAC 0,05 g/dL, người lái xe có thể bị thu giữ Giấy phép lái xe (lên đến 03 năm) cũng như phương tiện giao thông[4].
Kể từ năm 2008, Brazil thông qua Luật 11705 (thường được gọi là Lei Seca) áp dụng chế độ không khoan nhượng đối với nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông. Năm 2012, Brazil tiếp tục thông qua Luật 12760 quy định phạt 2.934,7 BRL và tước Giấy phép lái xe trong 12 tháng đối với người lái xe có bất kỳ mức BAC nào trên 0,00 g/dL và không quá 0,06 g/dL. Phạt tù từ 06 - 36 tháng đối với trường hợp có nồng độ cồn trong máu trên 0,06 g/dL.
Tựu trung lại, đối với quy định quản lý trật tự giao thông nhằm kéo giảm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia GTĐB, chính sách pháp luật ở một số nước trên thế giới có các điểm đáng chú ý sau: (i) Chế tài phạt rất nghiêm khắc và đa dạng hình thức xử phạt (phạt tiền, tịch thu phương tiện, đình chỉ hiệu lực Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn, tạm giữ người, phạt tù có thời hạn hoặc chung thân); (ii) Hình sự hóa (phạt tù) đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia GTĐB mà không cần xét đến yếu tố hậu quả gây thiệt hại cho người khác; (iii) Gặt hái được nhiều kết quả tốt (được chứng minh bởi các khảo sát, nghiên cứu khoa học độc lập, uy tín), góp phần đạt được các mục tiêu an toàn giao thông đã đề ra.
2. Pháp luật Việt Nam về xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông đường bộ
2.1. Quy định về giới hạn nồng độ cồn trong máu
Trước khi luật hóa, giới hạn BAC khi tham gia GTĐB tại Việt Nam được quy định tại Điều lệ an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị (ban hành kèm theo Nghị định số 36-CP của Chính phủ ngày 29/5/1995 về bảo đảm an toàn GTĐB và trật tự an toàn giao thông đô thị), trong đó, tại Điều 29 Điều lệ này nghiêm cấm người điều khiển các loại xe trong trường hợp người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80 mmg/100 mml máu (BAC ≤ 0,08 g/dL). Từ năm 2001, cơ sở pháp lý nhằm giới hạn BAC khi tham gia GTĐB tại Việt Nam được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Các lần sửa đổi năm 2018 và năm 2019 của đạo luật này liên tục siết chặt và ngày càng tăng cường giới hạn BAC khi tham gia GTĐB. Sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (BAC = 0,00 g/dL). Trong khi đó, thông lệ tốt nhất của thế giới theo GsRRs 2018 là BAC ≤ 0,05 g/dL đối với người bình thường và BAC ≤ 0,02 g/dL đối với người trẻ tuổi hoặc người mới lái xe.
Như vậy, có thể thấy, mức giới hạn BAC của pháp luật Việt Nam từ năm 1995 đến nay đã tiệm cận và vượt qua thông lệ chung của thế giới, ấn định giới hạn BAC ở mức bằng không (0,00g/dL). Có nghĩa là, pháp luật Việt Nam hiện nay áp dụng chính sách luật theo quan điểm không khoan nhượng, nghiêm cấm người nào có nồng độ cồn trong cơ thể điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, mà không cần quan tâm đến các mức chỉ số BAC như trước đây. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của Nhà nước trong việc hạn chế tối đa BAC đối với người tham gia giao thông nhằm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Để người dân tuân thủ các quy định trên, Nhà nước đặt ra các chế tài xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông dựa theo tính chất, mức độ vi phạm. Các chế tài gồm: (i) Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB; (ii) Truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.2. Xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) quy định về đối tượng bị xử phạt và các mức xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, gồm phạt tiền và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB. Theo đó, có thể thấy, mức phạt tiền tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là cao so mức thu nhập bình quân của 01 người 01 tháng. Ngoài ra, đối chiếu với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt thì mức phạt đối với các hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã tăng lên nhiều lần.
Mặc dù vậy, mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung và ít có tác dụng đối với người có thu nhập cao, làm cho tình trạng TNGT có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn còn diễn ra phức tạp, gây mất an ninh, trật tự, an toàn GTĐB khiến việc thực hiện các mục tiêu kiểm soát, kéo giảm TNGT năm 2022 theo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông có khả năng không đạt được.
2.3. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Nhà nước còn áp dụng chế tài hình sự đối với các tội xâm phạm an toàn giao thông. Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) xếp các tội xâm phạm an toàn giao thông tại Mục 1 Chương XXI quy định về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, trong đó có 03 tội danh liên quan tới nồng độ cồn trong máu khi tham gia GTĐB, gồm: Tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB (Điều 260), tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia GTĐB (Điều 263), tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia GTĐB (Điều 264). Các mức phạt quy định tại các điều này có liên quan đến nồng độ cồn đều được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã gây hậu quả cho người khác, gồm gây thiệt hại về tài sản, gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe (tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên) hay làm chết người.
Tác giả cho rằng, các quy định trên có tác dụng răn đe, trừng trị người phạm tội nhưng tác dụng phòng ngừa chung của các chế tài hình sự thì còn chưa đủ đáp ứng thực tiễn xã hội. Bởi lẽ, các chế tài hình sự này khiến cho người vi phạm có tâm lý chủ quan, tin rằng miễn là chưa gây ra hậu quả làm thiệt hại cho người khác thì người vi phạm chỉ bị áp dụng các chế tài hành chính khi bị xử lý.
Ngoài ra, đối với tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB (Điều 260), Bộ luật Hình sự năm 2015 còn có chế tài xử phạt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời với mức hình phạt tối đa lên đến 01 năm tù (khoản 4 Điều 260). Tuy nhiên, thế nào là “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời” thì chưa được quy định, hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến trong thực tế chưa có vụ án nào liên quan đến điều này. Đồng thời, “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời” phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan, năng lực chủ thể thực hiện (có khả năng thực tế) cũng như các điều kiện ngoại cảnh (ngăn chặn kịp thời). Như vậy, đây là một điều khoản chế tài hình sự mà chính nó đã tự vô hiệu hóa, khó có khả năng áp dụng trên thực tế. Theo tác giả, cần thay đổi quan điểm theo hướng thừa nhận chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (BAC > 0,00 g/dL) thì đã đủ khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời. Từ đó áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia GTĐB.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP theo hướng nâng mức xử phạt tiền đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm tính răn đe hơn. Hiện mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi này chỉ đến 40 triệu đồng (tại khoản 9 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) tương đương với 4% mức trần phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính (1 tỷ đồng) quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2017, 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng bổ sung hình thức xử phạt “tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn” làm cơ sở pháp lý cho việc bổ sung hình thức xử phạt “tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn” tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung biện pháp ngăn chặn “tạm giữ người” theo thủ tục hành chính (phù hợp với khoản 1 Điều 119, điểm a khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) đối với người tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cho đến khi không còn nồng độ cồn (tối đa không quá 24 giờ theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Thứ tư, hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn theo hướng loại bỏ dấu hiệu mô tả về hậu quả (gây thiệt hại). Do đó, cần bổ sung Điều 260a tại Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù hoặc cao hơn tùy theo tính chất, mức độ phạm tội và hậu quả gây ra cho xã hội.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
1141484ead7d01b58958e0ae.pdf .
92%8C%E5%9B%BD%E9%81%93%E8%B7%AF%E4%BA%A4%E9%80%9A%E5%AE%89%E5%
85%A8%E6%B3%95/149277.