1. Thực trạng áp dụng pháp luật bảo vệ môi trường trong kiểm soát ô nhiễm môi trường nước
Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã xây dựng và ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên, việc tuân thủ và thực hiện theo đúng các yêu cầu pháp luật quy định chưa thật sự đạt hiệu quả, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước còn phổ biến, nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội còn tồn tại.
Hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông trên địa bàn tại các địa phương chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, đa phần tại các địa phương chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động khai thác tài nguyên cát gây xói mòn đất đã làm gia tăng độ đục trong nước, tạo điều kiện cho các kim loại nặng như sắt, nhôm và các chất ô nhiễm khác lan tỏa vào nguồn nước. Thậm chí, có nơi mặc dù lưu vực sông đã bị ô nhiễm trầm trọng, sức chịu tải suy giảm nhưng các chủ thể vẫn mặc nhiên thực hiện các hoạt động phát thải vào nguồn nước mà không hề thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết trước khi thải ra ngoài môi trường. Nhiều công trình lấn chiếm sông được xây dựng một cách vô tội vạ gây tác động cản trở đến dòng chảy của sông và ảnh hướng đến sự đa dạng môi trường sinh thái. Tất cả những điều đó đã làm cho hệ thống sông ngòi tại các địa phương bị suy thoái, ô nhiễm nặng, gây ra nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống cũng như các hoạt động phát triển kinh tế của người dân.
Hơn nữa, đa phần việc thu gom chất thải tại các địa phương đều giao khoán cho các đơn vị tư nhân tự thực hiện và tự liên hệ tìm chỗ xử lý, tuy nhiên, hiện nay phần lớn khối lượng chất thải sau khi thu gom đã được xử lý bằng cách đổ xuống sông, điều này làm ảnh hưởng môi trường sống xung quanh và gây ô nhiễm môi trường nước. Nước thải y tế ở các bệnh viện hầu hết chưa xử lý chưa đạt yêu cầu trước khi xả thải trực tiếp xuống các lưu vực sông. Tình trạng người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại và thải bỏ trực tiếp các bào bì chứa đựng các loại hóa chất độc hại vào nước sông rất phổ biến làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho xử lý nước thải, bùn đáy ao trong nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi còn trực tiếp thải ra sông, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng[1]. Nhiều có sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc có xây dựng nhưng không đồng bộ, nước thải sau xử lý không đạt tiêu chuẩn quy định. Công tác quản lý kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước ở các lưu vực sông tại các địa phương trong thời gian qua đã được tăng cường, nhiều văn bản được ban hành, nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện để bảo vệ nguồn nước trước tình trạng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thật sự hiệu quả, còn nhiều mặt hạn chế, thiếu chặt chẽ, nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức, né tránh trách nhiệm, chạy theo thành tích, che giấu sự thật, đổ lỗi khách quan, chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Mặt khác, công tác quan trắc môi trường nước để phục vụ cho hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm nguồn nước mới chỉ có ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở chưa có nhiệm vụ này, việc phân cấp còn nhiều bất cập, trình độ nghiệp vụ của cán bộ và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các ao, hồ, kênh, mương, rạch cũng chưa được quan tâm và thực hiện đúng mức. Tình trạng tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp với mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch vẫn còn phổ biến, tình trạng san lấp ao, hồ trong các khu dân cư, khu đô thị diễn ra rất phổ biến điều này làm cho môi trường nước tại các ao, hồ, kênh, mương, rạch bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các hồ chứa nước và nguồn nước dưới đất trên địa bàn vẫn chưa thật sự thực hiện hiệu quả. Hiện nay, các hồ chứa nước chưa được đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng đúng mức, hiệu quả, một số công trình có nguy cơ xuống cấp. Các hoạt động khai thác nước ngầm dưới góc độ tự phát diễn ra phổ biến cùng với việc các chủ thể có hoạt động thăm dò, khai thác nguồn nước ngầm chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc xử lý ô nhiễm nguồn nước dưới đất đã làm cho nguồn nước ngầm trên nhiều địa bàn tỉnh bị suy giảm, cạn kiệt và ô nhiễm trầm trọng. Tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn diễn ra rất phổ biến, lượng nước sạch không đủ để đáp ứng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người.
Từ thực trạng nêu trên có thể thấy, hiện nay vấn đề áp dụng các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, bất cập. Sự hạn chế, bất cập này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, các quy định về kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể làm cho quá trình áp dụng khó khăn, lúng túng. Đơn cử như trường hợp pháp luật quy định việc phát thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông; chất lượng nước sông và trầm tích phải được đánh giá theo dõi (khoản 2, khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Như vậy, quản lý như thế nào là phù hợp với sức chịu tải của sông, để xác định sức chịu tải của sông phải căn cứ vào những tiêu chí nào hay khi thực hiện việc đánh giá, theo dõi chất lượng nước sông hoặc trầm tích thì cần phải căn cứ vào đâu, việc theo dõi, đánh giá phải tuân thủ theo những quy trình nào cho phù hợp. Tất cả những vấn đề trên chưa được pháp luật môi trường quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho các chủ thể có cơ hội để lách luật gây nhiều hậu quả tiêu cực cho vấn đề kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, các quy định về điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng, điều hòa nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch cũng còn rất chung chung, chưa có sự điều chỉnh rõ ràng, chưa đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai áp dụng trên thực tế.
Thứ hai, ở cấp độ địa phương, mặc dù các cơ quan chức năng đã xây dựng, ban hành một số văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề về bảo vệ, kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Tuy nhiên, với tình trạng môi trường nước đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng trước sự tác động của con người thì với số lượng văn bản do các địa phương ban hành cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu trên thực tế, nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn chi tiết. Điều này làm cho các chủ thể áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn, lúng túng, dẫn đến công tác áp dụng pháp luật bảo vệ môi trường vào hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước không đạt kết quả cao.
Thứ ba, các vấn đề về triển khai áp dụng thực hiện các quy định pháp luật vào hoạt động xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại địa phương chưa được chú trọng. Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình hồ chứa thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xây dựng quy hoạch hồ chứa nước, các công trình hạ tầng đô thị chưa được tính toán khoa học, phù hợp với hiện trạng và sức chịu tải của môi trường nước tại địa bàn. Việc chỉ đạo, triển khai, vận hành mạng lưới quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường còn lơ là. Cơ chế phối hợp tổ chức hoạt động giữa các cơ quan, ban ngành tại địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ, tình trạng nể nang, lợi ích nhóm còn tồn tại. Hoạt động đầu tư xây dựng, hoạn thiện các công trình xử lý nước thải, chất thải để phục vụ cho hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải trên địa bàn thực hiện chưa hiệu quả.
Thứ tư, tình trạng người dân trên địa bàn thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nước diễn ra khá phổ biến. Đa phần người dân và doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi của bản thân mà không quan tâm đến lợi chung của cộng đồng. Nhiều người xem hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc của các chủ thể cung ứng dịch vụ kiểm soát, xử lý nguồn nước ô nhiễm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản chủ chốt dẫn đến tình trạng hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại địa bàn hiện nay gặp nhiều khó khăn và không đạt kết quả như mong muốn.
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò của các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong việc duy trì, bảo vệ, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên, vấn đề áp dụng pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục, hoàn thiện vấn đề này.
2. Giải pháp hoàn thiện
Để khắc phục các vấn đề bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động kiểm soát, xử ô nhiễm môi trường nước như đã phân tích, theo tác giả cần phải thực hiện một số giải pháp điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước, cũng như hoàn thiện các vấn đề triển khai áp dụng các quy định này trên thực tế. Cụ thể:
Thứ nhất, để đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng các quy định pháp luật bảo vệ môi trường vào hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước, đồng thời để ngăn chặn được các hành vi lách luật gây ô nhiễm môi trường nước. Pháp luật cần phải quy định hướng dẫn cụ thể các tiêu chí để xác định sức chịu tải của sông cũng như các vấn đề về nội dung, thủ tục, yêu cầu cụ thể đối với hoạt động theo dõi, đánh giá chất lượng nước sông, trầm tích để đảm bảo việc áp dụng trên thực tế được khả thi, minh bạch, hiệu quả, rõ ràng. Bên cạnh đó, các vấn đề về điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng, điều hòa nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch cũng cần phải có sự điều chỉnh rõ ràng để đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai áp dụng trên thực tế. Để làm được điều này, đòi hỏi phải ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này. Nội dung của văn bản hướng dẫn cần phải làm rõ được các vấn đề về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm tra, đánh giá, căn cứ để thực hiện việc kiểm tra, tiêu chí để xác định việc đánh giá… Khi tất cả các vấn đề trên được quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết sẽ là cơ sở quan trọng để phục vụ hiệu quả cho hoạt động điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch trên thực tế. Mặc khác, cần phải nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường để phục vụ kịp thời cho hoạt động đánh giá, kiểm soát và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nước.
Thứ hai, để tạo các cơ pháp lý đa dạng, vững chắc cho hoạt động kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại địa bàn đòi hỏi bên cạnh các văn bản pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bàn hành thì Ủy ban nhân dân các cấp tại các địa phương cần phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bàn hành thêm các văn bản điều chỉnh các vấn đề về kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền cấp trung ương ban hành. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, xử lý, trám lấp giếng không sử dụng, bảo vệ nước dưới đất, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá... để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình mới tại địa phương. Xây dựng các quy định hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa. Đồng thời, phải rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa nước, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nước nhằm nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp vận hành điều tiết nguồn nước để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống bão lũ vào mùa mưa, cấp nước mùa cạn và đảm bảo duy trì nguồn nước của các hồ chứa.
Thứ ba, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường thì còn cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, theo dõi, đánh giá, bảo vệ chất lượng môi trường nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cần phải tăng cường triển khai áp dụng thực hiện các quy định pháp luật vào hoạt động xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Chú trọng công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình hồ chứa thủy lợi. Phát huy hoạt động nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát việc vận hành các hồ chứa nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa bằng công nghệ hiện đại, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nước sông và các nguồn nước khác. Tổ chức chỉ đạo triển khai đồng bộ, vận hành hiệu quả mạng lưới quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước để kịp thời ngăn chặn ô nhiễm, khắc phục suy thoái. Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp, khắc phục các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của một chủ thể nào đó mà bất chấp thiệt hại về lợi ích môi trường chung của địa phương trên các lưu vực sông và các nguồn nước khác. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, chất thải để phục vụ cho hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải trên địa bàn nhằm hạn chế được tình trạng phát thải bừa bãi vào môi trường nước tại các sông, ao, hồ, kênh, mương, rạch… như hiện nay. Công tác xây dựng quy hoạch hồ chứa nước, các công trình hạ tầng đô thị phải được tính toán khoa học, phù hợp với hiện trạng và sức chịu tải của các lưu vực sông và các nguồn nước khác tại địa bàn trên cơ sở đồng bộ, thống nhất.
Thứ tư, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục vận động người dân trên địa bàn về việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường nước tại các nguồn khác nhau. Hoạt động tuyên truyền sẽ giúp người dân nhận thức được vai trò và tầm quan trọng trong hoạt động bảo vệ, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước, khi thay đổi được nhận thức sẽ giúp người dân thay đổi được hành vi của mình theo chiều hướng tích cực trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Để công tác tuyên truyền giáo dục được hiệu quả đòi hỏi các chủ thể thực hiện phải tích cực thường xuyên đổi mới phương thức tạo sự mới lạ, phải sử dụng các công cụ có tính chất đại chúng cao để phạm vi tuyên truyền được mở rộng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo bởi các quy định pháp luật nhằm tránh tình trạng hình thức, sáo rỗng. Đồng thời, phải tăng cường áp dụng các hình thức ưu đãi khác nhau để thu hút, tạo động lực thúc đẩy các chủ thể tích cực tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về vấn đề kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn.
Tóm lại, để công tác áp dụng pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước được hiệu quả đòi hỏi chúng ta không chỉ hoàn thiện trong các quy định pháp luật, mà cần phải khắc phục được những vấn đề còn tồn đọng, hạn chế trong việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật để từ đó mang lại hiệu quả trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh