Tuy nhiên, cuộc sống của các gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc hội nhập xã hội, tỷ lệ ly hôn ngày một tăng cao. Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục… mà còn thể hiện thông qua các cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam và Hàn Quốc. Trong số 240.000 phụ nữ di trú kết hôn đang sinh sống tại Hàn Quốc, thì có đến 55.700 người là phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ 23% và là quốc gia có phụ nữ đến Hàn Quốc kết hôn cao thứ hai sau Trung Quốc. Đặc biệt, trong số 204.000 đứa trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa thì có 54.700 đứa trẻ có mẹ là người Việt Nam, chiếm tỷ lệ 27%, là tỷ lệ cao nhất so với các nước khác[1].
Từ con số thống kê nêu trên cho thấy, tỷ lệ kết hôn giữa nam giới Hàn Quốc và nữ giới Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn của gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam lại có xu hướng tăng cao (từ 1.292 vụ năm 2009 lên 2.057 vụ năm 2013). Điều đó cho thấy, cuộc sống của các cặp vợ chồng trong gia đình đa văn hóa là không hoàn toàn hạnh phúc. Tỷ lệ ly hôn cao của các cặp vợ chồng Hàn Quốc - Việt Nam nói riêng và các cặp vợ chồng trong gia đình đa văn hóa của Hàn Quốc nói chung không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực về tinh thần, cuộc sống của các cặp vợ chồng, các thành viên trong gia đình của họ, mà nó còn là sự cản trở hội nhập xã hội, sự phát triển chung của xã hội. Để giúp các gia đình đa văn hóa nói chung và gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam nói riêng, pháp luật gia đình Hàn Quốc đã có những quy định điều chỉnh, bên cạnh đó, nhiều chính sách được thực hiện nhằm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa.
1. Những yếu tố ảnh hưởng tới ly hôn của các gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam
Có nhiều các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao của các gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam. Trong đó, có một số nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất, đó là sự khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ. Những cô dâu Việt Nam đến Hàn Quốc phải trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa, lối sống giữa gia đình của họ ở Việt Nam và gia đình nhà chồng ở Hàn Quốc. Thêm vào đó, cản trở về ngôn ngữ khiến họ khó khăn trong việc hòa nhập với gia đình nhà chồng và xã hội.
Thứ hai, những cô gái Việt Nam đến Hàn Quốc kết hôn chủ yếu với mục đích cải thiện kinh tế cho gia đình ở quê hương của họ. Tuy nhiên, những người họ kết hôn lại không giống như những gì họ đã được biết từ những người mai mối. Những người đàn ông Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ nước ngoài thường là những người sống ở nông thôn, những người có thu nhập thấp, người đã từng kết hôn, những người có độ tuổi cao… gặp khó khăn trong việc kết hôn với những người phụ nữ ở trong nước nên thường hướng đến các cuộc hôn nhân với phụ nữ ở các quốc gia có điều kiện kinh tế thấp hơn. Do đó, những cô dâu Việt Nam sẽ nhanh chóng thất vọng khi đến gia đình chồng ở Hàn Quốc.
Thứ ba, thu nhập của hộ gia đình thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình đa văn hóa. Những người nam giới Hàn Quốc lấy vợ là phụ nữ Việt Nam phần lớn là những người có thu nhập và địa vị xã hội thấp. Những cô dâu Việt Nam đến Hàn Quốc cũng khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do cản trở về ngôn ngữ và trình độ giáo dục. Thu nhập của hộ gia đình thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các cặp vợ chồng đa văn hóa và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn.
Thứ tư, những cô dâu Việt Nam và con cái của họ phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Hàn Quốc là một quốc gia có một dân tộc thuần nhất. Do đó, sự xuất hiện của những người di trú kết hôn đã tạo ra những đặc trưng và sự khác biệt về ngoại hình, văn hóa, ngôn ngữ. Điều đó đã khiến họ và con cái của họ bị phân đối xử tại Hàn Quốc và tạo ra những tổn thương về tinh thần. Sự kỳ thị là một hình thức bạo lực tinh thần vô cùng đáng sợ, nó cản trở sự hội nhập và gây ra những bất ổn trong các gia đình đa văn hóa nói chung và gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam nói riêng.
Thứ năm, bạo lực gia đình là nguyên nhân chính và không thể chối cãi cho sự tan vỡ của các gia đình đa văn hóa. Trong một khảo sát ngẫu nhiên về các gia đình đa văn hóa của Shanghee Kim đã cho thấy, trong số 63 gia đình đa văn hóa có bạo lực gia đình đều dẫn tới ly hôn[3]. Cũng trong thời gian qua, các cô dâu Việt Nam và các cô dâu đến từ các quốc gia khác đều phải đối mặt với vấn đề bạo lực gia đình khi đến Hàn Quốc kết hôn. Họ phải chịu những vấn đề bạo lực cả về thể chất và tinh thần. Đây cũng là nguyên nhân khiến các cuộc hôn nhân quốc tế Hàn Quốc - Việt Nam có xu hướng chững lại trong thời gian gần đây.
Thứ sáu, khoảng cách tuổi tác của các cặp vợ chồng cũng có liên quan mật thiết đến tỷ lệ ly hôn cao của các gia đình đa văn hóa. Khoảng cách tuổi tác trung bình của các cặp vợ chồng đa văn hóa là 6,9 tuổi (năm 2000), thì đến năm 2010 khoảng cách tuổi trung bình đã mở rộng ra lên đến 12,1 tuổi. Những người chồng Hàn Quốc đã từng kết hôn cũng chiếm một tỷ lệ cao.
Ngoài những vấn đề trên, còn có nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của các gia đình đa văn hóa như khu vực sống, vô sinh… Tất cả những điều đó đã tạo nên những bất hòa, sự căng thẳng, mệt mỏi và dẫn tới ly hôn. Thời gian trung bình của một cuộc hôn nhân đa văn hóa là 3,2 năm quá ngắn so với cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng người Hàn Quốc là 14 năm. Do đó, giải quyết các vấn đề của các gia đình đa văn hóa là một vấn đề quan trọng được đặt ra với Chính phủ Hàn Quốc và để đạt được hiệu quả cao, sự phối hợp giữa các quốc gia có công dân di trú đến Hàn Quốc kết hôn là điều rất cần thiết.
2. Áp dụng pháp luật gia đình Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề ly hôn của các gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam
Hiện nay, pháp luật gia đình Hàn Quốc đã có nhiều quy định cụ thể để điều chỉnh và hỗ trợ các gia đình đa văn hóa nói chung và đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam nói riêng. Bên cạnh Luật Gia đình được quy định trong Bộ luật Dân sự Hàn Quốc năm 2005 còn có các văn bản luật điều chỉnh các vấn đề cụ thể của các gia đình đa văn hóa như: Luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa năm 2007; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2006; Luật Quốc tịch sửa đổi năm 1997; Luật Quản lý nghề môi giới hôn nhân năm 2013.
Cũng như gia đình có vợ chồng đều là người Hàn Quốc, các mối quan hệ của gia đình đa văn hóa cũng được điều chỉnh bởi Luật Gia đình Hàn Quốc về các vấn đề liên quan đến các vấn đề thân tộc, kết hôn, ly hôn, quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ cấp dưỡng, nuôi dưỡng… nhằm đảm bảo sự ổn định chung của các gia đình Hàn Quốc. Hàn Quốc đã ban hành Luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa vào năm 2007 (có hiệu lực từ tháng 9/2008) nhằm xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa để thích nghi với xã hội Hàn Quốc, cung cấp thông tin để đồng nhất xã hội và cải thiện đời sống của các gia đình đa văn hóa, nhiều chính sách về kinh tế, giáo dục, y tế, pháp lý, chống bạo lực gia đình và các phúc lợi xã hội được đẩy mạnh.
Năm 2008, Chính phủ đã hỗ trợ những người phụ nữ Việt Nam di trú đến Hàn Quốc kết hôn khắc phục các vấn đề về kinh tế như làm nhân viên tư vấn, thông dịch viên, giáo viên dạy tiếng Việt - Hàn, giảng dạy về đa văn hóa. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đã ưu tiên áp dụng chế độ khám chữa bệnh cho những phụ nữ là người nước ngoài đến Hàn Quốc kết hôn trong đó có các phụ nữ đến từ Việt Nam. Năm 2010, đặc thù hóa trung tâm phát triển nguồn nhân lực phụ nữ và bắt đầu đào tạo nghề, hướng nghiệp cho phụ nữ di trú kết hôn. Các công tác giáo dục và đào tạo dành cho phụ nữ nước ngoài di trú kết hôn được đẩy mạnh. Các trung tâm, chương trình dạy tiếng Hàn miễn phí cho phụ nữ di trú kết hôn nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Hàn và hiểu biết về văn hóa của Hàn Quốc.
Tháng 12/2008, Chính phủ Hàn Quốc đã “thẩm định, quyết định kế hoạch cơ bản chính sách dành cho người nước ngoài lần thứ nhất” dưới sự giám sát của Thủ tướng. Đến năm 2013, chính sách cơ bản về người nước ngoài và đa văn hóa được ban hành lần thứ 2 (từ năm 2013 đến 2017) nhằm đưa ra những chính sách tốt nhất để hỗ trợ người nước ngoài và các gia đình đa văn hóa.
Luật Quốc tịch Hàn Quốc sửa đổi được thông qua vào ngày 13/12/1997 đã cho phép phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc được phép nhập quốc tịch Hàn Quốc sau 02 năm sinh sống ở Hàn Quốc. Những trường hợp kết hôn sau ngày 20/01/2014 dù chưa sinh sống ở Hàn Quốc được 2 năm nhưng nếu chồng mất hoặc chồng mất tích; ly hôn do lỗi của chồng hoặc phải nuôi con tuổi vị thành niên thì được nhập quốc tịch Hàn Quốc. Khi được nhập quốc tịch, những người phụ nữ này được hưởng các chính sách, phúc lợi xã hội như những người phụ nữ Hàn Quốc khác.
Bên cạnh đó, để đảm bảo giảm thiểu tỷ lệ ly hôn của các gia đình đa văn hóa, tình trạng kết hôn giả tạo, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật Quản lý nghề môi giới hôn nhân để kiểm soát các hoạt động tư vấn và giới thiệu hôn nhân, trong đó có môi giới hôn nhân quốc tế. Có thể nhận thấy, sự cung cấp thông tin sai lệch của người môi giới hôn nhân về đối tượng kết hôn đã dẫn tới việc kết hôn không như mong muốn. Những người phụ nữ Việt Nam đến Hàn Quốc kết hôn với mục đích cải thiện kinh tế của gia đình họ ở quê hương. Tuy nhiên, khi đến Hàn Quốc họ nhận thấy rằng, điều kiện kinh tế của họ không được cải thiện, những thông tin mà người môi giới đưa ra không chính xác và họ nhanh chóng thất vọng. Với quy định của Luật Quản lý nghề môi giới hôn nhân, những người hành nghề môi giới phải cung cấp chính xác các thông tin về tiểu sử hôn nhân, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, lý lịch tư pháp, quy định của pháp luật nước sở tại. Những thông tin này phải được viết bằng tiếng mà người nhận thông tin và đối phương có thể hiểu được.
3. Kết luận
Hiện nay, các gia đình đa văn hóa chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong xã hội Hàn Quốc. Những gia đình đa văn hóa có phụ nữ Việt Nam luôn được Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Pháp luật gia đình Hàn Quốc đã có nhiều quy định để điều chỉnh và hỗ trợ những gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam. Để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tỷ lệ ly hôn ngày một tăng cao của các gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam cần có sự trao đổi, phối hợp giữa hai quốc gia trong việc xây dựng các quy định của pháp luật gia đình, các chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam.
Nghiên cứu sinh tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Gia đình Hàn Quốc năm 2005;
2. Luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Hàn Quốc năm 2007;
3. Luật Quốc tịch Hàn Quốc năm 1997;
4. Luật Quản lý nghề môi giới hôn nhân năm 2013;
5. Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2006;
6. Kim ShangHee, Ly hôn của người nhập cư kết hôn tại Hàn Quốc: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới ly hôn, Trường Đại học Quản lý hành chính công Martin, 2015;
7. Kang HyeSook, Đề án Phát triển chính sách gia đình đa văn hóa và giáo dục định hướng nhìn từ các trường hợp hỗ trợ phụ nữ di trú kết hôn, Trung tâm Nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc;
8. GS. Seol DongHoon, Tình hình hiện nay và triển vọng trong tương lai của kết hôn quốc tế và gia đình đa văn hóa, Trường Đại học Chonbuk;
9. Cục Thống kê Hàn Quốc, Thống kê về hôn nhân - ly hôn (2000 - 2013).