1. Các nguyên tắc áp dụng pháp luật
Trong xã hội hiện đại, luôn có sự đan xen tồn tại nhiều loại quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội, như: Quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo, quy phạm tập quán, quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, quy phạm pháp luật… Quy phạm pháp luật có vị trí quan trọng, vai trò trung tâm trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh quan hệ xã hội.
Ở Việt Nam, quan niệm về áp dụng pháp luật vẫn được nhìn nhận rộng hẹp khác nhau, chưa có sự đồng nhất[1]. Ở mức độ phổ quát, áp dụng pháp luật là một dạng thức biểu hiện của thực hiện pháp luật, đó là hoạt động của các chủ thể nhân danh quyền lực nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền theo quy định pháp luật, căn cứ vào các quy định pháp luật để đưa ra quyết định có tính cá biệt nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội theo mục tiêu cụ thể.
Các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngày càng đa dạng về chủ thể, phong phú về mục đích cũng như phức tạp về nội dung mối quan hệ giữa các bên. Bởi vậy, pháp luật của xã hội hiện đại cũng ngày càng phát triển, đa dạng và phức tạp về cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nội dung. Khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đa dạng, nội dung điều chỉnh pháp luật ngày càng phức tạp trên nhiều lĩnh vực thì nguy cơ xung đột pháp luật cũng ngày càng gia tăng và việc đặt ra nguyên tắc (tư tưởng chỉ đạo) áp dụng vản bản quy phạm pháp luật là điều tất yếu, cần thiết.
Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là tư tưởng chỉ đạo được quán triệt trong các quy phạm pháp luật đòi hỏi mọi chủ thể có thẩm quyền khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật phải triệt để tuân thủ.
Các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vụ việc thực tiễn, bao gồm:
1.1. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi
Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.
Theo nguyên tắc này, phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ khi áp dụng nguyên tắc này. Theo đó, trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) thì áp dụng theo quy định đó.
Quy định hiệu lực hồi tố chỉ được đặt ra trong trường hợp đặc biệt, thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
- Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
- Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn[2].
Chỉ luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước[3]. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới[4].
1.2. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn[5].
Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
1.3. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau[6].
Văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau thường chỉ rõ hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, có thể vẫn nảy sinh một vấn đề được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau do cùng một cơ quan ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật này đều đang có hiệu lực thì áp dụng nội dung quy định của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau.
1.4. Áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành
Nguyên lý (học thuyết pháp lý) về mối quan hệ luật riêng/luật chuyên ngành với luật chung được quy định và áp dụng phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, điển hình như: Nhật Bản, Đức, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc[7]. Khi xem xét đến mối quan hệ giữa luật riêng/luật chuyên ngành và luật chung, người ta coi đây là: (i) Vấn đề về mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật; (ii) Đối tượng được nói đến chỉ là các văn bản giá trị luật[8].
Nguyên lý ưu tiên áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành trước luật chung đến nay vẫn chưa được nhìn nhận nhất quán trong giới luật học ở Việt Nam. Nguyên lý này cũng chưa được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng hạt nhân của nguyên lý này cũng đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số luật khác, cụ thể như sau:
- Theo Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015) được ưu tiên áp dụng. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng.
Nguyên lý ưu tiên áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành cũng được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
- Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
“1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan.
2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự”.
- Khoản 2 Điều 5 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó”.
- Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”.
Ngoài ra, nguyên lý ưu tiên áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành trước luật chung cũng được đề cập tại Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020...
Qua các quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành được vận dụng như sau:
Một là, trường hợp luật riêng/luật chuyên ngành có quy định khác với Luật Thương mại về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành;
Hai là, trường hợp luật riêng/luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng Luật Thương mại có quy định về vấn đề đó và quy định của Luật Thương mại không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Luật Thương mại;
Ba là, trường hợp luật riêng/luật chuyên ngành hoặc Luật Thương mại có quy định khác Bộ luật Dân sự về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng luật riêng/luật chuyên ngành hoặc Luật Thương mại;
Bốn là, trường hợp luật riêng/luật chuyên ngành và Luật Thương mại không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan hoặc có quy định khác với Bộ Luật Dân sự mà các quy định này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Bộ luật Dân sự.
1.5. Một số nguyên tắc khác
Bên cạnh các nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật nêu trên, trong thực tiễn giải quyết vụ tranh chấp còn áp dụng một số nguyên tắc khác, như:
- Áp dụng điều ước quốc tế khi khác biệt với văn bản quy phạm pháp luật trong nước về cùng một vấn đề, trừ Hiến pháp[9];
- Áp dụng hiệu lực về không gian[10];
Ngoài ra, cần lưu ý đến trật tự áp dụng nguồn bổ trợ khác, như: Áp dụng tập quán, thói quen trong thương mại[11] và áp dụng tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng[12].
2. Góc nhìn áp dụng pháp luật từ thực tiễn vụ tranh chấp nội bộ công ty
2.1. Tóm tắt vụ tranh chấp
Năm 2006, Công ty Cp X (trụ sở tại tỉnh A) làm Dự án đầu tư Nhà máy gạch Tuynel tại tỉnh B (viết tắt Dự án). Ngày 18/10/2007 UBND tỉnh B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE…86 cho Công ty Cp X. Công ty Cp X đã ký hợp đồng thuê đất Dự án trả tiền hàng năm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do thiếu vốn để triển khai thực hiện Dự án, Công ty Cp X đã mời Công ty Cp Y (trụ sở tại tỉnh B) hợp tác đầu tư. Công ty Cp Y đã đầu tư vào Dự án 11 tỷ VND. Công ty Cp Z (trụ sở tại tỉnh B) tiến hành xây dựng Trạm biến áp và đường dây 35 KVA tại Dự án theo Hợp đồng xây dựng với Công ty Cp X, trị giá 1.5 tỷ VND nhưng Công ty Cp X không có tiền thanh toán cho Công ty Cp Z.
Ngày 26/01/2010, Công ty Cp X cùng Công ty Cp Y và Công ty Cp Z đã ký thỏa thuận thành lập Công ty Cp K để thực hiện Dự án. Ngày 16/02/2010, Công ty Cp K được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1000…195 với số vốn điều lệ 5 tỷ VND, trong đó: Công ty Cp X góp 1.5 tỷ VND bằng tài sản gắn liền trên đất của Dự án, Công ty Cp Y góp 3 tỷ VND, Công ty Cp Z góp 0,5 tỷ VND. Tổng số vốn các bên đã đầu tư vào Dự án là 18 tỷ, bao gồm tài sản là động sản và bất động sản gắn liền trên đất của Dự án được giao cho Công ty Cp K quản lý, khai thác. Sau khi hạch toán vốn góp của mỗi bên vào vốn điều lệ, số vốn còn lại của các bên hoạch toán vào công nợ Công ty Cp K phải trả, bao gồm: nợ Công ty Cp X 2,1 tỷ; nợ Công ty Cp Y 8 tỷ; nợ Công ty Cp Z 1 tỷ.
Sau khi được thành lập, Công ty Cp K đã quản lý toàn bộ tài sản gắn liền với đất và tài sản lưu động để triển khai các hoạt động kinh doanh tại Dự án Nhà máy gạch tuynel. Quá trình hoạt động, phát sinh bất đồng trong nội bộ Công ty Cp K. Công ty Cp X giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE…186 mang tên Công ty Cp X, không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dự án và phát sinh tranh chấp.
Quá trình giải quyết đơn yêu cầu, Thanh tra Sở KH và ĐT tỉnh B đã ra Quyết định số 03/QĐ-XPHC ngày 24/12/2012 xử phạt Công ty Cp X 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) về hành vi không điều chỉnh Dự án đầu tư (Công ty Cp X đã nộp phạt). Kết luận thanh tra số 33/KL-TTr ngày 23/1/2015 của Thanh tra Nhà nước tỉnh B cũng đồng thời kiến nghị UBND tỉnh B chỉ đạo “Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý và tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý buộc Công ty Cp X thực hiện đúng thủ tục hành chính về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, về đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 12, Điều 15 Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ”.
Đầu tháng 7/2017, Công ty Cp X đã khởi kiện Công ty Cp K tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Công ty Cp K trả lại cho Cty Cp X các tài sản sau:
(i) Quyền sử dụng đất Dự án (69.482 m2);
(ii) Tài sản là động sản và bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất (24 loại tài sản được liệt kê) trị giá 9,59 tỷ VND;
(iii) Các khoản khấu hao mà Công ty Cp K đã chiếm dụng 12,59 tỷ VND.
Công ty Cp K có đơn kiện lại (phản tố), đề nghị tòa án buộc Công ty Cp X thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Dự án để cấp cho Công ty Cp K theo quy định của pháp luật.
2.2. Phán quyết của tòa án
Sau khi xem xét vụ việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã bác toàn bộ nội dung khởi kiện của Công ty Cp X, chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cp K. Công ty Cp X kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại Phiên tòa phúc thẩm, Công ty Cp X đã rút kháng cáo đối với quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (ii) và yêu cầu (iii), giữ nguyên kháng cáo đối với phần quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (i). Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét đối với phần kháng cáo đã rút, chỉ xem xét kháng cáo đối với quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (i) để sửa một phần Bản án sơ thẩm.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận định, Công ty Cp X thuê đất trả tiền hàng năm không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp và áp dụng điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 (áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi) để bác quyền của Công ty Cp K được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã xác định của Dự án, buộc Công ty Cp K trả lại quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm cho Công ty Cp X.
2.3. Một số bình luận
Thứ nhất, đối với quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu 2 và yêu 3 của Công ty Cp X:
Trong tình huống này, Công ty Cp X không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh “tài sản là động sản và bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất (24 loại tài sản được liệt kê) trị giá 9,59 tỷ VND” thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Cp X cũng như các khoản khấu hao mà Công ty Cp X cho rằng “Công ty Cp K đã chiếm dụng 12,59 tỷ VND” nên Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định bác yêu cầu (ii) và bác yêu cầu (iii) (tại đơn khởi kiện) của Công ty Cp X là đúng pháp luật.
Tại Phiên tòa phúc thẩm, Công ty Cp X đã rút kháng cáo đối với quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (ii), yêu cầu (iii) và giữ nguyên kháng cáo đối với phần quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (i). Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét đối với phần kháng cáo đã rút, chỉ xem xét kháng cáo đối với quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (i) là đúng với quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng dân sự. Điều này cũng đồng nghĩa với quyết định bác yêu cầu (ii) và bác yêu cầu (iii) của Công ty Cp X tại Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, đối với phần quyết định của Bản án sơ thẩm về yêu cầu (i) của Công ty Cp X:
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, Công ty Cp X thuê đất trả tiền hàng năm nên không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp là đúng với quy định pháp luật về đất đai (vì giá trị của đất thuê, trả tiền thuê hàng năm là bằng không).
Trong vụ tranh chấp này, Công ty Cp X không góp vốn bằng đất thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà góp vốn bằng tài sản của Công ty Cp X gắn liền với đất của Dự án là hợp pháp, phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003[13].
Tuy nhiên, sau khi Công ty Cp K được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1000…195, Công ty Cp X không thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn cho Công ty Cp K là trái với quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2005 (áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi)[14].
Điểm bất cập của khoản 1c Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 khi cho phép tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có các quyền bán tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê nhưng chỉ quy định “người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định” mà không quy định quyền này cho người nhận tài sản góp vốn. Đây là căn nguyên dẫn đến phán quyết của tòa án gây bất lợi cho bên trung thực, ngay thẳng và công lý đã không được thực thi. Sự bất cập này đã được sửa đổi bởi Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“1. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:…
c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
d) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;”.
Như vậy, theo điểm c và điểm d khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 thì người mua tài sản cũng như người nhận góp vốn bằng tài sản đều được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định.
Ở vụ tranh chấp trên, áp dụng khoản 1c Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 (áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi) thì chỉ người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định (quyền này không được quy định cho người nhận tài sản góp vốn).
Tuy nhiên, ở thời điểm giải quyết vụ tranh chấp, Công ty Cp K đang tồn tại hợp pháp, hành vi góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm của Công ty Cp X và hành vi nhận góp vốn bằng tài sản của Công ty Cp K vẫn đang tiếp diễn và Luật Đất đai năm 2013 đang có hiệu lực pháp luật. Bởi vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần áp dụng điểm d khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 để ra phán quyết theo hướng: Cho phép Công ty Cp K (người nhận góp vốn bằng tài sản) được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định mới “thấu tình, đạt lý” và phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Nguyên tắc áp dụng pháp luật này cũng đã được thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ ở Việt Nam[15].
Trong vụ việc tranh chấp nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ áp dụng điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003, không áp dụng điểm d khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013 - văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đối với hành vi nhận và sử dụng vốn góp bằng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm (hành vi đang tiếp diễn) để sửa phần quyết định của Bản án sơ thẩm đối với yêu cầu (i) của Công ty CP X theo hướng: Buộc Công ty Cp K trả lại quyền sử dụng đất của Dự án (thu tiền thuê đất hàng năm) cho Công ty Cp X (không cho phép Công ty Cp K được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định) là không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, không bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của bên cần được pháp luật bảo vệ (theo Luật Đất đai năm 2013), gây khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án ở địa phương[16]./.
ThS. GVC. Hoàng Minh Chiến
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1] Xem thêm: TS. Nguyễn Thị Hồi (chủ biên), Áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2009, tr.22 - tr.30.
[2] Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBHN năm 2020).
[3] Hiệu lực trở về trước (hồi tố) cũng đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, như: khoản 1 và khoản 2 Điều 118 Luật Cạnh tranh năm 2018; khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020; khoản 2, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); khoản 1d Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015…
[4] Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBHN năm 2020).
5 Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBHN năm 2020).
[6] Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[7] Xem thêm: TS. Nguyễn Văn Hiến, Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nguồn: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210476/
Nguyen-tac-ap-dung-phap-luat-trong-truong-hop-cac-van-ban-do-cung-mot-chu-the-ban-hanh-co-quy-dinh-khac-nhau-ve-cung-mot-van-de.html.
[8] Xem thêm: PGS, TS. Nguyễn Như Phát, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học của VCCI ngày 08/12/2004.
[9] Khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[10] Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[11] Xem: Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 3, khoản 4 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005. Luật Thương mại năm 2005, chỉ định nghĩa tập quán, thói quen trong thương mại, không quy định về thứ bậc ưu tiên áp dụng tập quán, thói quen trong thương mại. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm thói quen trong thương mại và quy định tại Điều 5, Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thói quen trong hoạt động thương mại được áp dụng khi các bên không có thỏa thuận. Các bên không có thỏa thuận (cũng không có thói quen trong thương mại), pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng tương tự pháp luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.
[12] Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015
[13] Điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Bán tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định”.
[14] Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản…”.
[15] Xem: Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013; các điều 20, 21, 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
[16] Toàn bộ tài sản gắn liền với đất của Dự án và tài ản khác tại Dự án đều thuộc sở hữu của Công ty Cp K. Công ty Cp X không có quyền sở hữu với bất kỳ tài sản nào tại Dự án (Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật đối với phần quyết định về bác yêu cầu đòi lại tài sản là động sản và bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất và khấu hao tài sản của Công ty Cp X).