1. Khái niệm, vai trò, ý nghĩa của doanh nghiệp xã hội
Trên thế giới hiện nay, thuật ngữ doanh nghiệp xã hội (DNXH) được sử dụng khá phổ biến. Hình hài của DNXH đã xuất hiện từ khá lâu. Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế trung ương, DNXH đầu tiên xuất hiện ở nước Anh từ thế kỷ XVII, tuy nhiên, chỉ phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào rộng lớn trên thế giới như hiện nay kể từ đầu những năm 1980[1]. Có nghiên cứu cho thấy, thuật ngữ DNXH sinh ra từ ý tưởng của William Drayton (người sáng lập Ashoka – tổ chức đầu tiên của thế giới thúc đẩy DNXH) mà ý tưởng này xuất hiện khi ông đi thăm Ấn Độ vào những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ XIX lấy cảm hứng từ “Phong trào tặng đất” ở đây, theo đó, người giàu hiến đất cho người nghèo để xóa bỏ vòng đói khổ trên tinh thần tái phân phối công bằng hơn[2].
Wrigleys Solicitors LLP nhận xét định nghĩa về DNXH không xuất phát từ cấu trúc pháp lý của doanh nghiệp mà xuất phát từ mục đích và hiệu quả của nó[3]. Nhận xét này có ý nghĩa quan trọng cho thấy hai vấn đề: (i) Khó có thể định nghĩa DNXH trên căn bản các loại hình của nó; (ii) Cũng có nghĩa là DNXH biểu lộ ra bên ngoài có thể bằng những hình thức thông thường như những doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận. Thực vậy, hiện nay, hầu hết các định nghĩa về DNXH dựa trên mục tiêu của doanh nghiệp. Chẳng hạn: “Doanh nghiệp xã hội là một doanh thương với các mục tiêu xã hội là trước hết mà các giá trị thặng dư của nó chủ yếu tái đầu tư nhằm mục đích đó trong kinh doanh hoặc trong cộng đồng, khác hơn được dồn vào nhu cầu cần thiết tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông và chủ sở hữu”[4].
Ở Châu Âu, thuật ngữ DNXH được sử dụng để mô tả một cách thức khác trong kinh doanh mà bao gồm thành tố kinh doanh nhiều hơn so với khu vực phi lợi nhuận và yếu tố đổi mới của phong trào hợp tác xã, theo đó, xuất hiện một đặc điểm đặc biệt trong khái niệm DNXH ở Châu Âu là việc thiết lập một cấu trúc thể chế theo đuổi mục tiêu xã hội thách thức quan niệm truyền thống là doanh nghiệp theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận tối đa[5].
Luật Khuyến khích doanh nghiệp xã hội của Hàn Quốc năm 2012 định nghĩa: “Thuật ngữ DNXH dùng để chỉ một doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp với Điều 7 là một doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu xã hội, chẳng hạn như nâng chất lượng sống của cư dân địa phương…, cung cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương với các dịch vụ xã hội hoặc công việc trong khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, ví dụ như sản xuất và mua bán hàng hóa và dịch vụ…”[6]. Tuy nhiên, có công trình luận giải so sánh cho thấy có sự khác biệt phần nào về khái niệm DNXH ở Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Theo Matthew F. Doeringer, có sự khác biệt này trong định nghĩa khái niệm DNXH giữa hai bờ Đại Tây Dương là do có những khó khăn về kinh tế mà mỗi bên phải đối diện trong quá khứ. Ông nhận xét định nghĩa khái niệm DNXH của Hoa Kỳ tập trung vào sự phát sinh ra thu nhập đối với các tổ chức mà cung cấp dịch vụ đặc thù có ý định như được cung cấp bởi khu vực phi lợi nhuận, chẳng hạn như một tổ chức cung cấp miễn phí kiểm tra thị lực trong khi bán kính với giá thấp cho những người có thu nhập thấp, trong khi đó khái niệm DNXH ở Châu Âu khái quát từ việc giải quyết vấn đề thất nghiệp kéo dài[7].
Trong Chiến lược phát triển DNXH năm 2002, Chính phủ Anh đưa ra định nghĩa: “DNXH là một doanh thương có các mục tiêu xã hội trước hết mà lợi nhuận của nó chủ yếu được tái đầu tư cho mục đích đó trong kinh doanh hoặc trong cộng đồng khác hơn được để lại bởi nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông và các chủ sở hữu”[8]. Định nghĩa này được sao chép nguyên văn trong tài liệu nói về “Doanh nghiệp xã hội: Tổng quan về khung chính sách ở Ấn Độ”[9]. Cũng như vậy, cuốn “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách” do British Council, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và CSIP giới thiệu chép nguyên văn định nghĩa nói trên của Anh Quốc với đoạn dịch như sau: “Doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”[1]0.
Về khái niệm DNXH, cả trong học thuật cũng như trong thực tiễn ở Hoa Kỳ nói chung là rộng hơn và tập trung hơn vào mục tiêu làm phát sinh lợi nhuận so với những nơi khác[11]. Sự khác biệt này được Janelle A. Kerlin giới thiệu định nghĩa dưới đây phù hợp với nhận thức của các trường kinh doanh thuộc các đại học tốp đầu ở Hoa Kỳ: “Trong giới học thuật Hoa Kỳ, doanh nghiệp xã hội được hiểu bao gồm những tổ chức mà chấp nhận sự tiếp tục từ kinh doanh có định hướng lợi nhuận tiến hành các hoạt động vì lợi ích xã hội (trách nhiệm xã hội hay trách nhiệm từ thiện của doanh nghiệp) tới hoạt động kinh doanh với mục đích kép mà làm trung gian giữa các mục tiêu lợi nhuận với các mục tiêu xã hội tới tổ chức phi lợi nhuận tiến hành hành vi thương mại hỗ trợ sứ mệnh (tổ chức có mục tiêu xã hội. Đối với tổ chức có mục tiêu xã hội, hành vi thương mại hỗ trợ sứ mệnh có thể bao gồm chỉ sự làm phát sinh lợi tức mà hỗ trợ đặt chương trình phi lợi nhuận hoặc các hoạt động mà đồng thời làm phát sinh lợi tức và cung cấp chương trình mà đáp ứng các mục tiêu sứ mệnh như hội thảo về nhà ở cho người khuyết tật (Young, 2001; 2003a). Doanh nghiệp xã hội tiến hành bởi phi lợi nhuận có thể khác các hình thức tổ chức khác bao gồm các dự án thương mại nội bộ, các chi nhánh lợi nhuận và phi lợi nhuận và các hợp danh với các doanh thương bao gồm tiếp thị liên hệ tới sự nghiệp (cause-related marketing)”[12].
Như vậy, theo định nghĩa này, xét về mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận, có thể chia doanh nghiệp nói chung thành mấy loại sau: Một là, các doanh nghiệp lợi nhuận đơn thuần; hai là, các doanh nghiệp lợi nhuận có hoạt động vì lợi ích xã hội nói chung; ba là, các doanh nghiệp có mục tiêu kép (cả lợi nhuận và cả phi lợi nhuận); bốn là, các doanh nghiệp phi lợi nhuận có tiến hành các hành vi thương mại hỗ trợ. Cách phân loại này khá linh động và có khả năng khuyến khích cao cho các doanh nghiệp tham gia vào các mục tiêu xã hội. Tuy nhiên sẽ dễ bị lợi dụng bởi các doanh nghiệp để thu lợi bất chính và sẽ là khó cho việc thiết kế chính sách và các qui tắc pháp lý để điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh, nhất là ở những nước có nền tảng pháp lý yếu và hay bị biến động như Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả vẫn tiếp nhận sự lựa chọn của nhà làm luật khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014, tức là lựa chọn theo quan niệm DNXH của Châu Âu.
EMES (một mạng lưới nghiên cứu quốc tế của 16 trung tâm nghiên cứu do các trường đại học thiết lập và nhiều nhà nghiên cứu độc lập có mục tiêu từng bước xây dựng ở Châu Âu một bộ tài liệu về kiến thức kinh nghiệm và lý thuyết đa ngành, đa phương pháp luận xung quanh DNXH và những vấn đề về khu vực thứ ba[13]) đưa ra định nghĩa về DNXH như sau: “Các doanh nghiệp xã hội là các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan trực tiếp tới mục tiêu rõ ràng của họ vì lợi ích của cộng đồng. Họ dựa trên động cơ tập thể bao gồm những dạng khác nhau của những người có lợi ích trong các cấu thành dưới sự điều chỉnh của họ, họ đặt giá trị cao trên sự tự trị của họ và họ gánh chịu các rủi ro kinh tế liên quan tới hoạt động của mình”[14].
2. Bản chất và các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội
DNXH nhấn mạnh tới sự thay đổi xã hội hơn là nhằm tới lợi nhuận, phản ứng lại với những hoạt động kinh doanh lựa chọn điểm cốt yếu có khuynh hướng lợi ích ngắn hạn trên những chi phí phúc lợi dài hạn đối với xã hội[15]. Tìm hiểu về lịch sử DNXH mới phát hiện ra rằng, DNXH thường bởi sáng kiến của một cá nhân mà người này thiết lập các quy tắc và công cụ liên quan tới tinh thần doanh nhân và động cơ làm giàu và giúp đỡ cho xã hội hơn là làm giàu cho bản thân[16].
Tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) và Chương trình LEED (Local Economic and Employment Development Programme) nghiên cứu và đi đến kết luận rằng: DNXH đã phát triển từ và trong khu vực kinh tế xã hội mà có ranh giới giữa thị trường và Nhà nước và thường được liên hệ với khái niệm “khu vực thứ ba” (third sector) và “khu vực phi lợi nhuận” (non-profit sector); khái niệm DNXH không cố gắng tìm kiếm thay thế các khái niệm của khu vực phi lợi nhuận hay kinh tế xã hội, mà nó có ý tưởng làm cầu nối giữa hai khái niệm bởi tập trung vào tinh thần (động cơ) doanh nhân mới về các sáng kiến công dân theo đuổi mục tiêu xã hội[17].
Từ các nghiên cứu trên cho thấy, bản chất của DNXH là một thực thể hỗ trợ các vấn đề xã hội bằng các hoạt động kinh doanh. Thực thể này có hình thức hầu như giống với các hình thức thương nhân thông thường và có thể có các hình thức riêng biệt và tiến hành các hành vi thương mại nhưng lợi nhuận hầu hết dành cho giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Sự khác biệt giữa tổ chức lợi nhuận và tổ chức phi lợi nhuận đã được Paul Miesing tổng kết lại bao gồm:
- Về sứ mệnh: Tổ chức lợi nhuận lấy lợi nhuận làm sứ mệnh; còn tổ chức phi lợi nhuận lấy sự kiến tạo giá trị xã hội làm sứ mệnh.
- Về mục tiêu: Mục tiêu của tổ chức lợi nhuận rõ ràng và dứt khoát; còn mục tiêu của tổ chức phi lợi nhuận phức tạp và có những ưu tiên khác biệt.
- Về những người có lợi ích liên quan: Đối với tổ chức lợi nhuận, là các cổ đông (thành viên); còn đối với tổ chức phi lợi nhuận, là đa diện, phức tạp.
- Về ảnh hưởng chính trị: Tổ chức lợi nhuận ảnh hưởng tối thiểu và gián tiếp; còn tổ chức phi lợi nhuận ảnh hưởng cao hơn.
- Về quỹ tài chính: Các quỹ của tổ chức lợi nhuận phát sinh từ nguồn vốn của bản thân tổ chức; còn của tổ chức phi lợi nhuận thường phát sinh từ sự hiến tặng.
- Về phương cách thực hiện: Tổ chức lợi nhuận sử dụng tài chính và tài sản vật chất; còn tổ chức phi lợi nhuận sử dụng ảnh hưởng xã hội.
- Về người nhận dịch vụ: Đối với tổ chức lợi nhuận là khách hàng chi trả; còn đối với tổ chức phi lợi nhuận điển hình là người hưởng lợi không chi trả.
- Về rủi ro: Tổ chức lợi nhuận bằng lòng chấp nhận; còn đối với tổ chức phi lợi nhuận thông thường không thích rủi ro.
- Về quản trị: Tổ chức lợi nhuận từng trải qua hoạt động phát sinh lợi nhuận; còn tổ chức phi lợi nhuận thiếu kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh cần thiết[18].
J.A. Kerlin xác định rằng, DNXH được hình thành bởi sự ảnh hưởng của bốn yếu tố thể chế kết nối với nhau bao gồm: (i) Văn hóa, toàn cầu, khu vực và hệ thống chính quyền địa phương và lịch sử kinh tế chính trị; (ii) Kiểu loại chính quyền (dân chủ, độc tài, hỗ trợ (supportive), không hỗ trợ (unsupportive); (iii) Các giai đoạn phát triển kinh tế (đổi mới, hiệu quả và thực tế); và (iv) Mô hình xã hội dân sự (tự do, đối tác phúc lợi, dân chủ xã hội, trì trệ)[19]. Vì vậy, việc cân nhắc để xây dựng một mô hình DNXH có hiệu quả và phù hợp cần phải tính đến trong chiến lược liên quan và định hướng xây dựng pháp luật.
Sau khảo cứu về các định nghĩa DNXH, tổ chức Community Waltham Forest đã rút ra các đặc điểm cơ bản sau của DNXH: (i) Có sứ mệnh xã hội và môi trường rõ ràng được thiết lập trong văn bản điều chỉnh của họ; (ii) 50% thu nhập của họ phát sinh từ thương mại hoặc mua bán hàng hóa và dịch vụ; (iii) Tái đầu tư phần lớn lợi nhuận cho các hoạt động của chính DNXH; (iv) Độc lập với nhà chức trách quốc gia và địa phương; và (v) Phần lớn được kiểm soát liên quan tới lợi ích của sứ mệnh xã hội hơn lợi ích của các thành viên[20].
Sự khác biệt giữa doanh nhân (business entrepreneur) và doanh nhân xã hội (social entrepreneur) tập trung ở sứ mệnh của hai loại doanh nhân này. Đối với doanh nhân thông thường thì sáng tạo có tính chất của cải là tiêu chuẩn quan trọng bởi gắn với thị trường nơi mà doanh nhân phải thu hút khách hàng chi trả cho hàng hóa và dịch vụ do doanh nhân bán; còn đối với doanh nhân xã hội thì sứ mệnh xã hội là tiêu chuẩn quan trọng và thị trường không phải là tốt cho mục tiêu xã hội vì những người trong nhóm được hướng tới trong mục tiêu xã hội khó có thể chi trả cho hàng hóa và dịch vụ[21].
Tóm lại, các nghiên cứu ở trên cho thấy, sự hiểu biết về DNXH ở Việt Nam chưa thật sự thấu đáo, trong khi chúng ta đã vội vã đưa một vài qui định đơn lẻ về DNXH vào Luật Doanh nghiệp năm 2014. Các quy định này bị lạc lõng trong một vô số các quy định về doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận. Điều đáng nói nhất là khi chưa có các nghiên cứu đầy đủ về các mô hình khác nhau của DNXH trên thế giới, chúng ta đã lấy ngay một vài quan niệm của Vương quốc Anh để gắn vào pháp luật, do đó, đã làm mất tính thống nhất của pháp luật nói chung và của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nói riêng. Vì vậy, trước hết cần có nghiên cứu sâu rộng thêm về doanh nghiệp xã hội và hướng tới xây dựng một đạo luật riêng cho khu vực này.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam
[1]. British Council, CIEM và CSIP (2012), Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách, Hà Nội. tr. XI.
[2]. N. Nayab (2011), “History of Social Entrepreneurship”, Edited by Jean Scheid, Bright Hub, [http://www.brighthub.com/office/entrepreneurs/articles/73851.aspx].
[3]. Wrigleys Solicitors LLP, A Guide to Legal Structures for Social Enterprise, (www.wrigleys.co.uk), tr. 1.
[4]. Wrigleys Solicitors LLP, A Guide to Legal Structures for Social Enterprise, (www.wrigleys.co.uk), tr. 1.
[5]. Carlo Borzaga, Giulia Galera (2012), “The Concept and Practice of Social Enterprise. Lessons from the Italian Experience” (tr. 85 – 102), International Review of Social Research, International Review of Social Research, IRSR Volume 2, Issue 2, June 2012, tr. 89.
[6]. Khoản 1 Điều 2 Luật Khuyến khích doanh nghiệp xã hội của Hàn Quốc năm 2012.
[7]. Matthew F. Doeringer (2010), “Fostering Social Enterprise: A Historical and International Analysis”, Duke Journal of Comparative & International Law, Vol 20:291, tr. 292.
[8]. Nguyên văn: “A social enterprise is a business with primarily social objectives whose surpluses are principally reinvested for that purpose in the business or in the community, rather than being driven by the need to maximise profit for shareholders and owners” (Department of Trade and Industry (2002), Social Enterprise – A Strategy for Success, [http://www.dti.gov.uk/], DTI/Pub 6058/5k/07/02/NP. URN 02/1054, tr. 7).
[9]. British Council India (2015), Social Enterprise: An Overview of Policy Framework in India, tr. 10.
[10]. British Council, CIEM và CSIP (2012), Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách, Hà Nội, tr. 4.
[11]. Janelle A. Kerlin (2006), “Social Enterprise in the United States and Europe: Understanding and Learning from the Differences” (tr. 247 – 263), Voluntas (2006), 17:247–263, DOI 10.1007/s11266-006-9016-2, Original Paper, tr. 248.
[12]. Janelle A. Kerlin (2006), “Social Enterprise in the United States and Europe: Understanding and Learning from the Differences” (tr. 247 – 263), Voluntas (2006), 17:247–263, DOI 10.1007/s11266-006-9016-2, Original Paper, tr. 248.
[13]. Third Sector Impact (2017),EMES International Research Network, Partner Description, [http://thirdsectorimpact.eu/partners/emes-international-research-network/].
[14]. Jacques Defourny & Marthe Nyssens (2008), “Social Enterprise in Europe: Introduction to An Update” (tr. 4 – 12), Social Enterprise in Europe: Recent Trends and Developments, Edited by Jacques Defourny & Marthe Nyssens, WP no. 08/01, tr. 5.
[15]. N. Nayab (2011), “History of Social Entrepreneurship”, Edited by Jean Scheid, Bright Hub, [http://www.brighthub.com/office/entrepreneurs/articles/73851.aspx].
[16]. N. Nayab (2011), “History of Social Entrepreneurship”, Edited by Jean Scheid, Bright Hub, [http://www.brighthub.com/office/entrepreneurs/articles/73851.aspx].
[17]. OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) and LEED Programme (Local Economic and Employment Development Programme) (2013), The Social Enterprise Sector: A Conceptual Framework, [www.oecd.org/employment/leed/37753595.pdf].
[18]. Paul Miesing (2016), Defining and Distinguishing Social Entrepreneurship, School of Business, UAlbany-SUNY, Albany, New York, [https://www.albany.edu/faculty/miesing/teaching/socent/2%20Defining%20and%20Distinguishing% 20Social%20Entrepreneurship.pdf].
[19]. Heather Douglas (2014), Conceptualising the baggy beast: An institutional framework for social entrepreneurship and social enterprise, Social Innovation and Entrepreneurship Research Colloquium @RMIT.
[20]. Community Waltham Forest (2016), An Introduction to Social Enterprise, [http://www.communitywalthamforest.org/sites/default/files/images/An%20Introduction%20to%20Social%20Enterprise_0.pdf], Registered Charity No. 1105835. Company limited by guarantee in England and Wales No. 5090324, tr. 2.
[21]. J. Gregory Dees (2001), The Meaning of “Social Entrepreneurship”, Dule Innovation & Entrepreneurship, [https://entrepreneurship.duke.edu/news-item/the-meaning-of-social-entrepreneurship/].