1. Dẫn nhập
Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số vấn đề về định tội và quyết định hình phạt đối với các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141,142,143,144,145,146,147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, với mong muốn góp phần vào việc hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác giải quyết, xét xử án hình sự tại các Tòa án.
2. Một số vấn đề về định tội danh
Thứ nhất, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP giải thích: “Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: Hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: Cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...)”. Thực tiễn xét xử cho thấy hướng dẫn trên đã bao quát gần hết các hành vi biểu hiện ra bên ngoài liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi nói riêng. Tuy nhiên, việc đối tượng dùng chất kích thích hoặc biện pháp kích dục khác khiến người dưới 16 tuổi không làm chủ bản thân, chủ động tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục lại không thuộc trường hợp hướng dẫn trên, trở thành vướng mắc trong việc xác định tội danh. Bởi lẽ, hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng người phạm tội đã “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ” người dưới 16 tuổi khi mà người bị hại bị người phạm tội sử dụng hoặc hướng dẫn, ép buộc sử dụng chất kích dục, biện pháp kích dục, khiến bị hại chủ động tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục. Mặt khác, tình trạng sử dụng ma túy trong các hoạt động nhóm của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và phim, ảnh, thuốc, phương tiện, biện pháp kích dục trong đời sống hiện nay đa dạng, chưa được kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi dưới hình thức làm cho người bị hại tự nguyện, chủ động tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục. Do vậy, vấn đề tác giả đặt ra là cấp thiết, cần được quan tâm, xem xét, hướng dẫn kịp thời.
Thứ hai, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP giải thích: “Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác”. Thực tiễn phát sinh các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Một người dùng bộ phận khác trên cơ thể (miệng, lưỡi, tay, chân…) xâm nhập vào bộ phận sinh dục nam của người khác để thỏa mãn dục vọng của người đó. Ví dụ: A là nam thanh niên khống chế B và C (nam, dưới 16 tuổi), buộc B, C cởi quần và A tự dùng miệng xâm nhập vào bộ phận sinh dục của B và C khiến B và C xuất tinh. Rõ ràng hành vi này nguy hiểm và gây hậu quả nặng hơn so với việc A dùng ngón tay, chân, lưỡi xâm nhập vào hậu môn của B và C. Thế nhưng hành vi này chỉ được xử lý về Tội dâm ô theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP. Trong khi đó, đối tượng thực hiện hành vi tương tự vào hậu môn của bị hại sẽ bị xác định là “hành vi quan hệ tình dục khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp 2: Người phạm tội là nam đủ 18 tuổi, ép buộc người bị hại là nam dưới 16 tuổi đưa bộ phận sinh dục bị hại vào hậu môn của người phạm tội để họ thỏa mãn dục vọng. Có quan điểm cho rằng hành vi này thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP, nhưng đa số các quan điểm khác thì cho rằng trường hợp này không thỏa mãn hướng dẫn tại các điểm a, b khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết 06/2019, bởi đối tượng không đưa bộ phận sinh dục của mình vào hậu môn người khác mà ngược lại họ ép buộc người khác đưa bộ phận sinh dục vào hậu môn của mình.
Từ những vướng mắc trên, tác giả đề xuất bổ sung hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/HĐTP, có thể cân nhắc theo các hướng:
- Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP về nội dung: “Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ, kích thích người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục…”.
- Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP về nội dung: “Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác hoặc đưa bộ phận sinh dục nam của người khác xâm nhập vào miệng, hậu môn của mình; b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục, hậu môn của người khác”.
3. Một số vấn đề về quyết định hình phạt
3.1. Một số vấn đề về tình tiết định khung hình phạt
Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/HĐTP hướng dẫn một số tình tiết định khung liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và các hướng dẫn này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác xét xử loại tội phạm này. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử phát sinh các vấn đề sau:
Thứ nhất, về tình tiết “đối với 02 người trở lên”: Thực tiễn xét xử chưa có nhận thức và quyết định thống nhất về việc xác định phạm vi số lượng người bị hại theo tình tiết này trong toàn bộ quá trình diễn biến của tội phạm. Bởi lẽ, tình huống thực tiễn cho thấy, có trường hợp trong cùng một khoảng thời gian, tại một địa điểm, bị cáo vừa xâm hại bị hại này xong thì liền tiếp xâm hại bị hại khác; có tình huống bị cáo xâm hại bị hại này xong, sau đó một thời gian ngắn thì tiếp tục xâm hại bị hại khác; cũng có tình huống trong cùng một khoảng thời gian, một địa điểm, bị cáo đồng thời thực hiện hành vi phạm tội xâm hại tình dục đối với nhiều người. Nghị quyết số 06/2019/HĐTP chưa hướng dẫn tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên”. Hiện nay, một số Tòa án vận dụng hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tình tiết “đối với 02 người trở lên” về các tội phạm khác (các tội phạm về ma túy…) để áp dụng tình tiết định khung hình phạt này, tuy nhiên cách làm này cần được hướng dẫn thống nhất.
Thứ hai, về tình tiết định khung “làm nạn nhân có thai”: Thực tiễn việc nạn nhân có thai xảy ra sau thời điểm phạm tội, nhưng có thể thai nhi không còn hoặc đã sinh con tại thời điểm phát hiện, xử lý hành vi phạm tội. Do vậy, việc cơ quan tố tụng chứng minh bị cáo phạm tội thuộc tình tiết định khung này khi mà thai nhi không còn hoặc bị hại đã sinh con gặp phải khó khăn và phát sinh cách hiểu không thống nhất.
Trường hợp bị hại khai đã có thai nhưng không giữ được nên tại thời điểm phát hiện, xử lý hành vi phạm tội không thu thập được chứng cứ khoa học (kết quả giám định ADN) để chứng minh, nên việc truy cứu trách nhiệm của người phạm tội chỉ dựa trên lời khai của các bên là không bảo đảm tính ổn định và tính an toàn của kết quả xét xử. Bởi lẽ, thông thường trong những vụ án này bị hại và bị cáo dễ thay đổi lời khai theo hướng “hòa giải”, có lợi cho bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, rất nhiều vụ án xảy ra do người phạm tội và bị hại đều thuộc người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, tập tục liên quan đến thai nhi chết còn lạc hậu, do vậy, việc thu thập chứng cứ chứng minh hết sức khó khăn.
Trường hợp bị hại đã sinh con thì cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý theo hướng là “làm cho nạn nhân có thai thì mới có điều kiện để sinh con”, nên đủ điều kiện để áp dụng tình tiết định khung này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cho rằng có thai là một việc, sinh con là một việc. Mặt khác, thực tiễn xét xử phát sinh trường hợp bị hại không hợp tác, ngăn cản cơ quan có thẩm quyền lấy mẫu AND của đứa trẻ đi giám định dẫn đến không có cơ sở khoa học để kết luận đứa trẻ là con của người phạm tội do hành vi phạm tội gây ra.
Thứ ba, về tình tiết định khung “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc 61% trở lên”. Thực tiễn phát sinh các vướng mắc sau:
Trường hợp có 02 bị hại trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người đều dưới 31% nhưng tổng tổn thương cơ thể của tất cả các bị hại từ 31% đến 60% thì có áp dụng tình tiết định khung này không? Hay chỉ áp dụng 01 tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên”?.
Trường hợp có 02 bị hại trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người đều từ 31% đến 60%, nhưng tổng tổn thương cơ thể của tất cả các bị hại trên 61% thì có áp dụng tình tiết định khung này không?.
Từ những vướng mắc trên, tác giả đề xuất bổ sung hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/HĐTP. Có thể cân nhắc các theo hướng:
- Tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên” được hiểu là: Trong một lần phạm tội, người phạm tội đã hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với từ 02 người trở lên hoặc sử dụng 02 người dưới 16 tuổi trở lên vào mục đích khiêu dâm.
- Tòa án áp dụng tình tiết định khung hình phạt “làm nạn nhân có thai” khi có chứng cứ khoa học (kết quả giám định AND) xác định mối quan hệ huyết thống giữa bị cáo và thai nhi hoặc con sinh ra từ hành vi phạm tội của bị cáo đối với bị hại. Trong trường hợp không có, không thu thập được chứng cứ khoa học (kết quả giám định AND) xác định về mối quan hệ huyết thống giữa bị cáo và thai nhi hoặc con sinh ra từ hành vi phạm tội của bị cáo đối với bị hại thì Tòa án không áp dụng tình tiết định khung này.
- Được xem là phạm tội theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 141; điểm c khoản 2 Điều 142; điểm e khoản 2 Điều 143; điểm c khoản 2 Điều 144; điểm đ khoản 2 các Điều 145, Điều 146; điểm e khoản 2 Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi một lần phạm tội đối với 02 bị hại trở lên và tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi bị hại đều dưới 31% nhưng tổng tổn thương cơ thể của các bị hại từ 31% đến 60%. Được xem là phạm tội theo quy định tại điểm a khoản 3 các Điều 141, Điều 143, Điều 145, Điều 146, Điều 147; điểm d khoản 3 Điều 142; điểm b khoản 3 Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi một lần phạm tội đối với 02 bị hại trở lên và tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi bị hại đều từ 31% đến 60% nhưng tổng tổn thương cơ thể của các bị hại từ 61% trở lên.
3.2. Một số vấn đề về quyết định loại, mức hình phạt
Thứ nhất, áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 141; khoản 4 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 phát sinh vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có nhiều người bị hại, trong đó có bị hại thuộc độ tuổi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có bị hại thuộc độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, tạo nên nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau của Tòa án khi quyết định hình phạt.
Ví dụ: Bị cáo A bị truy tố về tội hiếp dâm với tình tiết định khung là phạm tội đối với 02 người trở lên, trong đó có 01 bị hại 17 tuổi và 01 bị hại 19 tuổi. Trường hợp này, khi có đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 141; khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phát sinh hai cách hiểu, cách làm khác nhau: (i) Cách 1 là quyết định hình phạt của bị cáo theo khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 141 (từ 02 năm tù đến 07 năm tù), khoản 1 Điều 143 (từ 01 năm tù đến 05 năm tù); (ii) Cách hai là quyết định hình phạt của bị cáo theo khung hình phạt được quy định tại khoản 4 Điều 141 (từ 05 tù năm đến 10 năm tù), khoản 4 Điều 143 (từ 02 năm tù đến 07 năm tù).
Thứ hai, trong một số trường hợp cụ thể, bị hại đã sinh con và sau đó bị cáo, gia đình bị cáo cung cấp tiền để bị hại sinh con, nuôi dưỡng con. Khi xem xét, quyết định hình phạt đối với bị cáo thì tình tiết “chu cấp tiền để sinh con, nuôi dưỡng con” có được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không? Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này nên thực tiễn xét xử có nhiều cách áp dụng pháp luật khác nhau, một số địa phương chấp nhận tình tiết này theo điểm b khoản 1 Điều 51 và khi đủ điều kiện thì áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định hình phạt của bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, nhưng cũng có một số địa phương áp dụng tình tiết này thuộc khoản 2 Điều 51 và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo.
Từ những vướng mắc trên, theo tác giả cần xem xét, bổ sung Nghị quyết số 06/2019/HĐTP theo hướng sau:
- Khi xét xử bị cáo phạm tội tại các Điều 141, Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 và vụ án có nhiều bị hại, có bị hại từ đủ 18 tuổi trở lên, có bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong trường hợp đủ điều kiện để áp dụng các khoản 1, khoản 3 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, Tòa án được quyết định hình phạt như trong trường hợp các bị hại là người đủ 18 tuổi; trường hợp các bị hại đều từ đủ 16 tuổi, đến dưới 18 tuổi thì Tòa án phải quyết định hình phạt theo mức hình phạt được quy định tại khoản 4 các Điều 141, Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Bị cáo nộp tiền hoặc tác động gia đình nộp tiền phục vụ việc sinh con, nuôi con sau khi thực hiện hành vi phạm tội khiến bị hại sinh con thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định hình phạt đối với bị cáo.
ThS. Nguyễn Văn Dũng
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam