Abstract: The article points out insufficiencies in the practice of application of legal provisions with respect to age term in the adoption, especially in mountainous, remote areas, in ethnic groups, in the border and recommendations for completion of this issue.
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em đã khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành hơn trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm”. Đảng, Nhà nước ta luôn có những hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, các điều ước quốc tế. Điều này có thể chứng minh rằng, ngay cả đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp, đến bộ luật, luật, nghị quyết, nghị định, thông tư… đều có những quy định đầy đủ về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục cho, nhận con nuôi.
Năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội ban hành Luật Nuôi con nuôi (trước đó, các quy định về nuôi con nuôi được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác). Theo đó, các quy định về nuôi con nuôi được thể hiện rõ nét hơn. Ý nghĩa của việc nuôi con nuôi một lần nữa được khẳng định trong một đạo luật quan trọng. Tuy nhiên, bài viết chỉ bàn đến một số vần đề điều kiện về độ tuổi trong nhận nuôi con nuôi.
Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, điều kiện của người được nhận làm con nuôi là: (i) Trẻ em dưới 16 tuổi; (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi; (iii) Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cũng quy định một nguyên tắc cơ bản trong nhận nuôi con nuôi tại khoản 4 Điều 8 là: “Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”. Tương ứng với điều kiện của người được nhận làm con nuôi, điều kiện của người nhận con nuôi cũng được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi, cụ thể như sau: “Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt”.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan điều kiện về độ tuổi trong nuôi con nuôi, tác giả thấy có một số bất cập, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi dân cư sống thưa thớt. Sự bất cập về điều kiện độ tuổi trong nuôi con nuôi có liên quan đến điều kiện về độ tuổi đăng ký kết hôn. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện về độ tuổi kết hôn như sau: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Như vậy, người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên (ít nhất là đủ 19 năm 01 ngày), không phân biệt giới tính là nam hay nữ. Thế nhưng, điều kiện kết hôn lại phân biệt độ tuổi giữa nam và nữ: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Sự không tương đồng về độ tuổi như trên dẫn đến các trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Một cặp vợ chồng, chồng từ đủ 20 tuổi trở lên, người vợ từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 20 tuổi, cặp vợ chồng này có thể có con đẻ, nhưng lại không đủ điều kiện nhận con nuôi, do vợ chưa đủ điều kiện “hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên”. Vì vậy, người vợ trong trường hợp này đủ điều kiện làm vợ, làm mẹ theo quy định của pháp luật, nhưng không đủ điều kiện làm mẹ nuôi cũng bởi các quy định của pháp luật. Giải thích về sự không tương đồng điều kiện về độ tuổi này, một số quan điểm cho rằng, việc quy định về độ tuổi trong điều kiện nhận nuôi con nuôi “lệch” so với điều kiện về độ tuổi trong kết hôn là để tạo điều kiện cho cặp vợ chồng hiếm muộn có một khoảng thời gian chung sống, để có con chung. Bởi lẽ, tâm lý của người Á Đông là “một đống con nuôi, không bằng một người con đẻ”. Trong khoảng thời gian người vợ từ đủ 18 tuổi đến dưới 20 tuổi (như trong trường hợp này), người vợ ở trong điều kiện độ tuổi vẫn còn trẻ, còn có cơ hội sinh con, nên không nhất thiết phải nhận con nuôi.
Việc lý giải như vậy có vẻ hợp lý, tuy nhiên, xin đưa ra ví dụ sau để chứng minh sự bất cập trong quy định trên của pháp luật: Gia đình ông Giàng Bả Tủa cư trú tại bản Huổi Sang, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Cả bản Huổi Sang có 16 hộ gia đình, trong đó có 15 hộ gia đình là hộ nghèo. Ngày 13/12/2016, vợ chồng ông Tủa chết vì bị tai nạn giao thông. Cháu Giàng Bả Dở (sinh ngày 20/10/2016) là con của ông Tủa không có người chăm sóc. Vợ chồng ông Hạng A Chống (sinh ngày 16/5/1995) và chị Sộng Thị Mỷ (sinh ngày 28/01/1998) cư trú tại bản Huổi Sang, là gia đình duy nhất trong bản không phải là hộ nghèo. Mặt khác, ông Chống và bà Mỷ cũng có con nhỏ là cháu Hạng A Vạ (sinh ngày 10/10/2016) nên muốn nhận cháu Dở làm con nuôi, vừa là giúp đỡ cháu Dở, vừa là cho con đẻ của ông Chống bà Mỷ có thêm anh, thêm em. Tuy nhiên, ngày 20/01/2017, khi thực hiện thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã Sam Kha, công chức tư pháp - hộ tịch của xã đã từ chối thụ lý hồ sơ với lý do: Bà Sộng Thị Mỷ không đủ điều kiện nhận con nuôi vì không thỏa mãn điều kiện về độ tuổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi là “hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên”.
Ở ví dụ cụ thể này, bà Sộng Thị Mỷ đã kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật, sau đó mới mang thai và sinh con. Tuy nhiên, bà Mỷ lại không đủ điều kiện để nhận con nuôi, mặc dù người được nhận nuôi bằng tuổi hoặc thậm chí kém tuổi (nếu tính cả về ngày, tháng) con đẻ của mình. Trong hoàn cảnh này, cháu Dở mồ côi, nên rất cần nhận được sự yêu thương, chăm sóc. Mặt khác, gia đình ông Chống và bà Mỷ là hộ duy nhất trong bản không phải là hộ nghèo, nên có đủ điều kiện về kinh tế. Bên cạnh đó, Bà Mỷ cũng vừa mới sinh cháu Vạ, nên việc nhận nuôi cháu Dở cũng là tạo điều kiện cho cháu Dở được hưởng dòng sữa mẹ. Nếu như Ủy ban nhân dân xã Sam Kha thụ lý giải quyết theo nguyên tắc “Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi” sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, quan hệ cha, mẹ - con nuôi đã không được thiết lập do sự “bất tương đồng” trong các quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai: Một người nam giới đơn thân, đã đủ 19 tuổi 01 ngày trở lên, nhưng chưa đủ 20 tuổi chưa đủ điều kiện kết hôn, nhưng lại đủ điều kiện nhận con nuôi.
Ví dụ: Bà Tòng Thị Chung, cư trú tại bản Gia Lan, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, có con ngoài giá thú là cháu Tòng Văn Hải (sinh ngày 22/02/2017). Ngày 18/4/2017, bà Chung kết hôn với ông Quàng Văn Bạt. Do đó, bà Chung đã đồng ý cho cháu Hải làm con nuôi của ông Lò Trung Thành (sinh ngày 16/01/1998). Ngày 25/4/2017, ông Thành đã đăng ký nhận nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã Mường Giàng. Tuy nhiên, là đàn ông, lại đơn thân, lại phải đi làm nương, nên ông Thành thường xuyên phải gửi cháu Hải cho hàng xóm. Do đó, việc chăm sóc con nhỏ cùng công việc nương rẫy của ông trở nên rất khó khăn và không được đảm bảo. Để gánh nặng được chia sẻ, ông Thành quyết định kết hôn cùng bà Vì Thị Tuyết. Ngày 16/5/2017, ông Thành và bà Tuyết đến Ủy ban nhân dân xã Mường Giàng đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, công chức tư pháp - hộ tịch xã đã từ chối thụ lý, bởi ông Thành chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Như vậy, ở ví dụ này, chúng ta thấy sự ngược lại của ví dụ trong trường hợp 1, nếu cùng xét điều kiện về độ tuổi. Ở ví dụ trong trường hợp 1 thì người nhận con nuôi đủ điều kiện kết hôn, nhưng không đủ điều kiện nhận con nuôi. Ở ví dụ trong trường hợp 2 thì người nhận con nuôi đủ điều kiện nhận con nuôi, nhưng lại không đủ điều kiện kết hôn.
Trong thực tiễn đăng ký nuôi con nuôi hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đối với các trường hợp vướng mắc trên, nếu công chức tư pháp - hộ tịch không thụ lý giải quyết thì sẽ dễ nảy sinh ra những vi phạm pháp luật khác. Vì đứa trẻ được nhận làm con nuôi còn rất nhỏ (mới được vài tháng tuổi), thậm chí có trường hợp còn chưa đăng ký khai sinh. Khi xảy ra những vướng mắc điều kiện độ tuổi trong trường hợp trên, người nhận con nuôi thường “lách luật” bằng cách đi xin lại giấy chứng sinh để biến con nuôi thành con đẻ (trong ví dụ của trường hợp 1) hoặc đổi lại ngày, tháng, năm sinh của đứa trẻ được nhận làm con nuôi cho phù hợp với điều kiện của pháp luật (trong ví dụ của trường hợp 2); hoặc họ không có giấy chứng sinh mà chỉ viết cam đoan về việc sinh (vì sinh ra ở nhà) nhưng các thông tin về việc sinh đó đã bị thay đổi, không đúng sự thật. Vẫn biết rằng, việc cấp giấy chứng sinh và viết cam đoan như vậy là không đúng quy định, nhưng công tác kiểm soát và kiểm tra là rất khó khăn đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có địa hình rộng, mật độ dân cư thưa thớt. Bởi nếu xét hồ sơ, giấy tờ, thì không phát hiện ra sai phạm, trừ khi công chức tư pháp - hộ tịch biết rõ về việc sinh.
Qua các trường hợp trên, để có sự tương thích, thống nhất giữa các đạo luật, thiết nghĩ nên có sự điều chỉnh về độ tuổi chênh lệch giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi theo giới tính của người nhận con nuôi. Ví dụ, điểm b khoản 1 Điều 14 có thể sửa thành: “Người được nhận làm con nuôi phải kém người được nhận làm cha nuôi ít nhất từ đủ 20 tuổi trở lên, kém người được nhận làm mẹ nuôi ít nhất từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi về điều kiện về độ tuổi trong nuôi con nuôi, rất mong các nhà làm luật lưu tâm và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới.
Trường Chính trị tỉnh Sơn La