Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả tập trung làm rõ cơ sở pháp lý về định tội danh giết người theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, đồng thời, nêu lên thực trạng và đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện nội dung này trong thời gian tới.
1. Cơ sở pháp lý về định tội danh giết người theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam
Định tội danh thể hiện sự xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp (đồng nhất) giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế khách quan với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Hay nói cách khác, định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nhất định trong số các tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện nay, có nhiều quan điểm về nội hàm định tội danh, tuy nhiên, tiếp cận dưới góc độ định tội danh chính thức, cùng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong điều tra hình sự, nhóm tác giả đưa ra khái niệm về định tội danh trong điều tra hình sự như sau: Định tội danh trong điều tra hình sự là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhằm xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa hành vi phạm tội đã xảy ra với cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định.
Từ cơ sở lý luận về định tội danh nêu trên, cùng với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giết người, nhóm tác giả đưa ra khái niệm về định tội danh đối với tội giết người như sau: Định tội danh đối với tội giết người là hoạt động thực tiễn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền trên cơ sở các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự để xác định, so sánh và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể trong thực tế đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có liên quan, qua đó làm tiền đề để phân tích, đánh giá và ra quyết định về trách nhiệm hình sự cũng như hình phạt của người phạm tội giết người.
Hiện nay, cơ sở pháp lý trong hoạt động định tội danh đối với tội giết người bao gồm các văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư liên ngành của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp... Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý trực tiếp cho toàn bộ quá trình định tội danh, các văn bản còn lại đóng vai trò là cơ sở pháp lý bổ trợ (gián tiếp) cho quá trình định tội danh đối với tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng.
2. Thực tiễn hoạt động định tội danh giết người ở nước ta hiện nay
Đánh giá về thực trạng hoạt động định tội danh giết người cho thấy, hiện nay, cơ sở pháp lý cho việc định tội danh nói chung và tội giết người nói riêng đã được quan tâm xây dựng và hoàn thiện đó là Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Ngoài ra, để bảo đảm việc định tội danh giết người được khách quan và thống nhất, Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua và công bố 63 án lệ, trong đó có 14 án lệ về hình sự để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong xét xử đối với các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự. Việc công bố các án lệ liên quan đến hình sự của Tòa án nhân dân tối cao không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động xét xử, đây còn là một nguồn tham khảo có giá trị đối với hoạt động định tội danh trong điều tra hình sự, nhằm bảo đảm thống nhất đường lối xử lý giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với những trường hợp quy định của pháp luật hình sự còn có cách hiểu khác nhau.
Những cơ sở pháp lý nêu trên đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để các chủ thể định tội danh giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong quá trình định tội danh, từ đó bảo đảm được các yêu cầu đặt ra, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình định tội danh giết người vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Một là, còn trường hợp một số chủ thể có thẩm quyền trong việc định tội danh áp dụng cứng nhắc án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi định tội danh trong các trường hợp dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào các vùng trọng yếu trên cơ thể như dùng cây đánh vào đầu, dùng dao chém vào vùng trọng yếu là tội giết người. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra đã chứng minh, người phạm tội không mong muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại nhưng do quá trình ẩu đả hai bên cùng tấn công nhau, tư thế, vị trí liên tục thay đổi do giằng co thì việc dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu (không cố ý) chỉ gây thương tích cho bị hại, không có ý thức tước đoạt tính mạng người khác, bị hại vẫn kịp thời bỏ chạy và được cấp cứu kịp thời, người phạm tội không truy đuổi thì trường hợp này phải xác định là phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Hai là, không áp dụng Án lệ số 47/2021 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25/11/2021 để định tội danh về tội giết người, mặc dù xác định người phạm tội dùng hung khí đâm nhiều nhát vào đầu, cổ của bị hại gây ra nhiều dấu vết thương tích, trường hợp này mặc dù người phạm tội có khẳng định không có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại thì vẫn định tội giết người. Điển hình như Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với vụ án Lê Bá Đăng phạm tội cố ý gây thương tích và Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/03/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với vụ án Tạ Duy Hiền phạm tội cố ý gây thương tích có nêu về trường hợp phạm tội giết người mà không căn cứ vào hậu quả chết người. Nói cách khác, chỉ cần người phạm tội sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công vào vùng trọng yếu có khả năng dẫn đến chết người là có dấu hiệu của tội giết người (thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt).
Ba là, định tội danh về hành vi giết người trong trường hợp có hành vi thái quá của người thực hành còn có những quan điểm khác nhau, cụ thể: Trong vụ án giết người, chỉ cần người chủ mưu có hành vi khởi xướng, lên kế hoạch, cầm đầu việc đi gây thương tích nhưng trong nhóm có người thực hiện hành vi thái quá là dùng dao đâm chết người thì trường hợp này, người chủ mưu là đồng phạm với tội giết người; thực tế, có địa phương chỉ khởi tố người chủ mưu trong trường hợp này phạm tội gây rối trật tự công cộng. Nội dung này đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Thông báo rút kinh nghiệm số 256/TV-VKSNDTC ngày 29/11/2022.
3. Định hướng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động định tội danh giết người
Một là, bảo đảm vận dụng nghiêm túc, đầy đủ quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với việc định tội danh giết người.
Để giải quyết vụ án giết người một cách nghiêm minh, đúng người, đúng tội thì vấn đề định tội danh lại vô cùng quan trọng, có tính quyết định tới khung hình phạt. Định tội danh là cơ sở cần thiết đầu tiên cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội giết người. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần bảo đảm vận dụng một cách nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật hình sự nói chung và Bộ luật Hình sự năm 2015 nói riêng. Trên cơ sở xác định người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội giết người quy định cụ thể tại một trong các khoản của Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ quyết định mức độ hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội đó. Nói cách khác, định tội danh đối với tội giết người là sự thể hiện việc đánh giá chính trị - xã hội và pháp lý đối với hành vi giết người.
Định tội danh đối với tội giết người chính xác đòi hỏi phải có viện dẫn cụ thể tại một trong các khoản của Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp phạm tội có đồng phạm, phạm tội chưa đạt, chuẩn bị phạm tội, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và độ tuổi trách nhiệm hình sự... thì ngoài quy định tại Điều 123, còn phải viện dẫn cả các điều luật tương ứng ở phần chung của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Yêu cầu thực tiễn áp dụng quy định pháp luật đối với tội giết người phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, tức là việc định tội danh và quyết định hình phạt phải đầy đủ những hành vi đã được thực hiện. Người phạm tội giết người thực hiện bao nhiêu hành vi thì phải bị xử lý về bấy nhiêu tình tiết được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu thực hiện cả hành vi nguy hiểm cho xã hội khác mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định là tội phạm thì cũng phải bị xử lý thêm về tội danh tương ứng.
Hai là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hình sự đối với định tội danh giết người phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Một số quy định của pháp luật hình sự có liên quan còn có vướng mắc nhất định đối với hoạt động định tội danh giết người. Điển hình như, theo Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), việc giám định thương tích phải có bệnh nhân, không tiến hành giám định trên hồ sơ trong trường hợp bị hại từ chối giám định. Trên thực tế, việc bị hại từ chối giám định thương tích hoặc vì lý do khách quan mà vắng mặt tại địa phương nơi cư trú dẫn đến tình trạng tạm đình chỉ giải quyết tin báo hoặc không thể khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, theo nhóm tác giả, đối với bị hại đã được điều trị tại cơ sở y tế, có hồ sơ bệnh án nhưng cố tình vắng mặt, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm thì cần thiết xem xét cho phép tiến hành giám định trên hồ sơ bệnh án.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y (Thông tư số 47/2013/TT-BYT) thì bên cạnh quyết định trưng cầu giám định, các cơ quan tố tụng phải gửi cho cơ quan giám định các tài liệu kèm theo gồm: Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định; các hồ sơ về y tế có liên quan đến giám định pháp y; biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng. Trong trường hợp muốn giám định thương tích cho bị hại sớm thì cơ quan điều tra phải gửi văn bản yêu cầu đề nghị cơ quan giám định. Hiện tại, bệnh viện và các cơ sở y tế điều trị chuyên khoa chỉ cung cấp hồ sơ bệnh án khi người bệnh đã xuất viện. Do đó, để giám định thương tích của bị hại thì phải đợi họ xuất viện. Nếu bị hại phải điều trị lâu dài (không xác định được thời gian xuất viện) sẽ khiến cho việc giải quyết tin báo, tố giác bị quá thời hạn; gây khó khăn, cản trở việc xử lý đối tượng phạm tội. Hơn nữa, việc cung cấp biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng cho cơ quan giám định trong một số trường hợp là bất hợp lý. Bởi lẽ, cơ quan giám định là cơ quan chuyên môn độc lập, cần bảo đảm tính khách quan khi thực hiện nhiệm vụ. Việc cơ quan giám định tham khảo tài liệu điều tra có các nội dung liên quan đến diễn biến hành vi phạm tội của các đối tượng chỉ cần thiết khi gặp khó khăn trong xác định cơ chế hình thành thương tích. Hiện tại, tất cả các quy trình giám định ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT đều quy định phải có những tài liệu gửi kèm như trên là bất cập, làm ảnh hưởng đến bí mật điều tra vụ án.
Theo nhóm tác giả, Thông tư số 47/2013/TT-BYT cần được hướng dẫn một cách cụ thể hơn như: Hồ sơ giám định gồm…, “biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng khi cần thiết”. Các cơ quan tố tụng cũng cần xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế để tiến hành giám định tư pháp kịp thời, bảo đảm tiến độ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà không phải đòi hỏi văn bản yêu cầu giám định sớm.
Ba là, cần chú ý phân biệt giữa tội giết người và các tội phạm khác theo quy định pháp luật, tránh nhầm lẫn khi định tội danh các loại tội phạm này.
Thông qua thực tiễn áp dụng pháp luật về tội giết người và nghiên cứu quy định về tội này theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho thấy, hiện vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội giết người dẫn đến có nơi, có lúc quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có sự khác nhau trong hoạt động áp dụng pháp luật. Do vậy, cần sớm có thêm những văn bản hướng dẫn về các dấu hiệu pháp lý để phân biệt tội giết người với các tội giáp ranh khác nhau như giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác gây ra hậu quả chết người.
Ngoài ra, một số tình tiết như giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và một số tình tiết định khung tăng nặng của tội giết người như: “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, tình tiết “có tính chất côn đồ”, “để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”… mặc dù đã có hướng dẫn, song, để quá trình vận dụng đạt được sự thống nhất thì vẫn cần có sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn.
Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về định tội danh giết người để rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế và vướng mắc của các quy định pháp luật và xây dựng án lệ về tội giết người.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong những năm qua ở nước ta về cơ bản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm các lợi ích hợp pháp của người phạm tội khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn cá biệt các vụ việc để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người. Do đó, cần thiết thường xuyên sơ kết, tổng kết những kết quả đạt được cũng như những vấn đề cần phải sửa đổi để rút kinh nghiệm, từ đó có những hướng dẫn cụ thể trong việc giải quyết các vụ án giết người một cách khách quan, toàn diện; đồng thời, nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót, hạn chế, vướng mắc của các quy định pháp luật trong quá trình áp dụng thực tiễn để đề xuất, kiến nghị kịp thời, góp phần sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật chính xác, phù hợp và hiệu quả hơn, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho việc giải quyết các vụ án giết người được chính xác, có tính thuyết phục cao.
TS. Nguyễn Tiến Nam
ThS. Vũ Thị Hồng Phương
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)