Tóm tắt: Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhượng quyền thương mại được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và nhiều quy định khác có liên quan. Tuy nhiên, quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu phát sinh những bất cập cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Abstract: Legal issues on franchise contracts are governed by many legal regulations such as the Civil Code, Commercial Law, Intellectual Property Law, Competition Law and many other related regulations. However, the provisions on the legal consequences of an invalid franchise contract give rise to inadequacies that need to be amended and supplemented to ensure the feasibility of this provision.
1. Đặt vấn đề
Theo Điều 285 Luật Thương mại năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại), hợp đồng nhượng quyền thương mại (NQTM) phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Các điều kiện quy định về hoạt động NQTM mại được quy định trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (Nghị định số 08/2018/NĐ-CP).
Trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự về NQTM không bảo đảm các điều kiện có hiệu lực về giao dịch dân sự theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ dẫn đến hợp đồng NQTM vô hiệu. Khi hợp đồng NQTM vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử hiện nay đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến yêu cầu tuyên bố hợp đồng NQTM vô hiệu chưa giải quyết toàn diện về hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo.
2. Quy định pháp luật về các điều kiện của hoạt động nhượng quyền thương mại
Hợp đồng dân sự có hiệu lực khi bảo đảm được các điều kiện về chủ thể giao kết hợp đồng, sự tự nguyện, mục đích, nội dung hợp đồng không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội và hình thức hợp đồng phù hợp với các quy định pháp luật. Theo pháp luật về NQTM, hợp đồng NQTM phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Điều kiện hình thức hợp đồng: Hợp đồng NQTM phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Mặc dù, nguyên tắc cơ bản nhất của hợp đồng là tự do, ý chí, nhưng để bảo đảm về an toàn pháp lý trong quan hệ hợp đồng, tránh phát sinh tranh chấp trong tương lai và theo tính chất của đối tượng hợp đồng mà pháp luật dân sự có những yêu cầu khác nhau về hình thức hợp đồng. Đối với hợp đồng NQTM, hợp đồng có nội dung phức tạp, đối tượng thực hiện hợp đồng đồng có thể là tài sản vô hình hoặc tài hữu hình, thời gian thực hiện hợp đồng tương đối dài, thường xảy ra tranh chấp và khó giải quyết nếu chỉ được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể nên phải được lập thành văn bản[1]. Trường hợp các bên không bảo đảm về điều kiện hình thức, hợp đồng dân sự có thể bị vô hiệu theo khoản 2 Điều 117, Điều 129 và khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Điều kiện chủ thể tham gia giao dịch: Mặc dù, Luật Thương mại không quy định về chủ thể trong hoạt động NQTM nhưng Nghị định số 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn về hoạt động nhượng quyền đã định nghĩa: Bên nhượng quyền là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với bên nhận quyền thứ cấp (khoản 1 Điều 3); bên nhận quyền là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với bên nhượng quyền thứ cấp (khoản 2 Điều 3). Như vậy, chủ thể tham gia giao dịch trong hợp đồng NQTM phải là thương nhân, hay có thể hiểu là những tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại).
- Điều kiện hoạt động NQTM: Bên NQTM chỉ được phép nhượng quyền khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất một năm (theo Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP).
Ngoài ra, hợp đồng NQTM còn có thể bao gồm những điều khoản về sự chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền trong suốt quá trình thực hiện và nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ đối ứng khác giữa bên nhận quyền và bên nhượng quyền nên tùy thuộc vào nội dung hợp đồng mà sẽ có những tình huống pháp lý khác nhau dẫn đến hợp đồng dân sự vô hiệu.
3. Thực trạng hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu và hậu quả pháp lý
3.1. Một số trường hợp hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu
Thứ nhất, hợp đồng NQTM vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức, thực tiễn tranh chấp về các hợp đồng NQTM, các bên tham gia hoạt động NQTM có thể sử dụng các hình thức pháp lý tương đương văn bản theo khoản 5 Điều 15 Luật Thương mại mà không dẫn đến vô hiệu về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động NQTM điện tử ngày càng phổ biến, nếu không có quy định cụ thể về xác thực điện tử sẽ dẫn đến phát sinh tranh chấp trong tương lai về cách hiểu “hình thức tương đương với văn bản là thông điệp dữ liệu”.
Thứ hai, hợp đồng NQTM vô hiệu do vi phạm điều kiện về chủ thể là vi phạm tương đối phổ biến trong giao dịch dân sự. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, mô hình nhượng quyền xe đẩy cà phê ngày càng phổ biến[2]. Vì cá nhân muốn tham gia hợp đồng NQTM thì phải đăng ký kinh doanh để trở thành hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Vì vậy, các xe đẩy cà phê khó có thể bảo đảm điều kiện về chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng NQTM. Thực tiễn giải quyết tranh chấp cũng đã có nhiều trường hợp các bên tham gia giao kết hợp đồng nhưng không bảo đảm điều kiện về chủ thể.
Thứ ba, về điều kiện hoạt động NQTM, bên NQTM chỉ được phép nhượng quyền khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất một năm. Trường hợp không bảo đảm điều kiện trên là một trong những căn cứ dẫn đến hợp đồng NQTM vô hiệu tuyệt đối do vi phạm điều cấm của luật.
3.2. Hậu quả pháp lý của hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu
Hợp đồng NQTM có đối tượng hợp đồng là quyền thương mại. Theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Nhật Bản, quyền thương mại là quyền sử dụng những dấu hiệu đại diện của bên nhượng quyền, bao gồm logo, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại cũng như bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền để thực hiện hoạt động kinh doanh theo mô hình của bên nhượng quyền. Theo Nghị quyết số 4087/88 của Cộng đồng châu Âu (EC Commission Regulation No. 4087/88), quyền thương mại là tập hợp các quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết kinh doanh hoặc sáng chế được khai thác để bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đến người sử dụng cuối cùng. Theo pháp luật Việt Nam, quyền thương mại là một nhóm quyền bao gồm quyền sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh… thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của bên nhượng quyền. Hiện nay, hậu quả pháp lý của hợp đồng NQTM vô hiệu cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề “khôi phục lại tình trạng ban đầu”, trong trường hợp đối tượng hợp đồng là tài sản, nhưng tài sản không còn giữa được tình trạng ban đầu hoặc là công việc đã được thực hiện thì không thể áp dụng được việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Trường hợp tài sản đã qua sử dụng: Đối với hợp đồng NQTM, bên nhượng quyền để bảo đảm việc thống nhất, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống, bên nhượng quyền có thể buộc bên nhận quyền phải sử dụng tài sản của bên nhận quyền như bàn ghế, máy móc, vật dụng… Trường hợp này, sau khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bên nhận quyền hoàn trả lại những tài sản trên đã qua sử dụng hay hoàn trả một khoản tiền tương đương sau khi khấu hao giá trị tài sản?
Trường hợp thực hiện công việc: Thực hiện hợp đồng NQTM, có hỗ trợ bên nhận quyền bằng cách đào tạo, hướng dẫn hoặc xây dựng quy trình cho bên nhận quyền. Đối tượng thực hiện hợp đồng liên quan đến giá trị nhân thân của các bên chủ thể nên việc hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận rất khó thực hiện. Thực tiễn, các bên trong hợp đồng NQTM có thể ký những hợp đồng khác như hợp đồng tư vấn, hợp đồng quản lý. Tuy nhiên, khi hợp đồng NQTM vô hiệu có dẫn đến các hợp đồng còn lại vô hiệu không? Nếu các hợp đồng tư vấn, hợp đồng quản lý là có tính độc lập về hiệu lực pháp lý đối với hợp đồng NQTM thì các bên có tiếp tục thực hiện hợp đồng không hay là các hợp đồng đó cũng sẽ vô hiệu do đối tượng hợp đồng không còn tồn tại nữa.
Thứ hai, xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu liên quan đối tượng hợp đồng NQTM là quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh nhãn hiệu, các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh có thể được nhượng quyền trong hoạt động NQTM. Tuy nhiên, đối với quyền thương mại là quyền sở hữu trí tuệ mà các bên có đăng ký bảo hộ sẽ đương nhiên được bảo hộ. Còn các quyền thương mại hoặc các yếu tố khác không được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, khi hợp đồng NQTM bị vô hiệu, bên nhận quyền có bắt buộc chấm dứt sử dụng hay vẫn được tiếp tục sử dụng những quyền thương mại. Như vậy, ý nghĩa của việc xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu sẽ không được bảo đảm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhượng quyền.
Thứ ba, xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu liên quan bí mật kinh doanh, khoản 1 Điều 284 Luật Thương mại quy định bí quyết kinh doanh là một trong những đối tượng của hợp đồng NQTM. Luật Thương mại không định nghĩa như thế nào là bí quyết kinh doanh. Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022) quy định, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Khoản 1 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định, bí quyết là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ; bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ. Như vậy, nội hàm khái niệm “bí quyết kinh doanh” có thể được hiểu như “bí mật kinh doanh” theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022) và “bí quyết” theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 không? Việc không xác định chính xác các bí quyết kinh doanh có thể dẫn đến các phát sinh tranh chấp trong tương lai.
Ví dụ như: Vụ việc điển hình trong việc xác định bí quyết doanh là vụ việc giữa bên nhượng quyền là I Can’t Believe It’s Yogurt (sau đây gọi tắt là ICBIY) và bên nhận quyền là Gunn[3]. Bên nhượng quyền đã yêu cầu Tòa án ngăn cấm bên nhận quyền trước đây là Gunn tiếp tục mở cửa hàng và kinh doanh sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, Tòa án đã nhận định toàn bộ các yếu tố của hệ thống kinh doanh như thủ tục kế toán, cách sử dụng máy chế biến, pha trộn yogurt, thủ tục đăng ký, phương thức quản lý hàng tồn kho, quản lý chi phí nhân sự, quản lý chất thải, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận, ngân sách, phương thức phỏng vấn, tuyển dụng và gợi ý bán hàng của bên nhượng quyền là bí mật kinh doanh do ICBIY không chứng minh được những yếu tố trên là bí mật kinh doanh và những bí mật kinh doanh trên là phổ biến và dễ tiếp cận.
Nếu các bên có thỏa thuận quy định về trách nhiệm giữ bí mật kinh doanh hoặc bí quyết kinh doanh, trường hợp hợp đồng NQTM vô hiệu có dẫn đến thỏa thuận quy định giữ bí mật kinh doanh hoặc bí quyết kinh doanh có bị vô hiệu không và bên nhượng quyền có quyền tiếp tục sử dụng các bí quyết kinh doanh không? Trường hợp, không có quy định về thỏa thuận về giữa bí mật kinh doanh đối với các bí quyết kinh doanh, bên nhượng quyền có bị hạn chế sử dụng các bí quyết kinh doanh này trong hoạt động kinh doanh của mình không?
4. Kiến nghị
Hoạt động NQTM đã trở thành một trong những cách thức để thương nhân nước ngoài tiếp cận với thị trường Việt Nam, cũng như thương nhân Việt Nam tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khác với quy định một số quốc gia khi xác định quan hệ NQTM là tổng hợp các quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch, chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, bí mật kinh doanh, sở hữu công nghiệp…, Luật Thương mại xác định quan hệ NQTM được thực hiện qua hợp đồng NQTM, trong đó có đối tượng thực hiện hợp đồng là quyền thương mại. Do quyền thương mại theo Luật Thương mại và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP được quy định không thống nhất với với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022), Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018); tính chất phức tạp của hợp đồng, những điểm giống nhau giữa hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng NQTM, hợp đồng li-xăng đã dẫn đến sự bất cập khi xử lý hậu quả vô hiệu của hợp đồng. Do đó, cần xây dựng một khung pháp lý chi tiết đối với hoạt động NQTM hoặc lựa chọn các bản án, quyết định có chứa các lập luận, phán quyết liên quan đến việc xử lý hậu quả hợp đồng NQTM vô hiệu làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp đang phát sinh và có thể sẽ phát sinh trong tương lai.
ThS. Nguyễn Đức Vũ
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. TS. Lê Minh Hùng, Hình thức hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2005, tr. 31.
[2]. https://plo.vn/bung-no-nhuong-quyen-thuong-hieu-ca-phe-0-dong-post544251.html.
[3]. Mark S. Vanderbroek - Christian B. Turner (2006), “Protecting and enforcing franchise trade secrets”, Franchise Law Journal, Volume 25, Number 4, p. 194.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)