1. Nguyên tắc bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự được quy định tại Chương II Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chính là nguyên tắc bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Theo đó, “đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”[1].
Quyền quyết định và tự định đoạt trong tố tụng dân sự được xác định là quyền vô cùng quan trọng, được bảo đảm trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp kể từ khi đương sự khởi kiện vụ án, Tòa án tiến hành thụ lý, chuẩn bị xét xử và cuối cùng là xét xử vụ án. Chẳng hạn, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân đó “có quyền” khởi kiện vụ án[2]. Khi Tòa án thụ lý vụ án, Tòa án cũng xác định quan hệ tranh chấp cần giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự[3]. Tương tự, trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, bị đơn có quyền việc đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập[4], người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập[5]. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi đã đưa ra yêu cầu vẫn hoàn toàn có quyền quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo của mình như có quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu của mình[6]. Các đương sự vẫn có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự một cách tự nguyện[7]. Thậm chí, tại phiên tòa, các đương sự vẫn có thể hòa giải với nhau, hay thay đổi, bổ sung hoặc rút một phần hay toàn bộ yêu cầu của mình. Như vậy, quyền quyết định, tự định đoạt có thể hiểu là quyền được thể hiện sự tự do ý chí bằng việc lựa chọn quyết định các hành vi tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.
Trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc đương sự có quyền quyết định, tự định đoạt, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết một yêu cầu nếu đương sự đưa ra yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự như không xem xét đầy đủ yêu cầu của đương sự; cưỡng ép đương sự thỏa thuận khi hòa giải… hay giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự[8]. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích trường hợp Tòa án xét xử vượt quá yêu cầu của đương sự và hướng giải quyết của Tòa án cấp trên đối với các phán quyết đó.
2. Một số vụ án cụ thể liên quan đến việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự và hướng giải quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm
Như đã phân tích, về mặt nguyên tắc, Tòa án chỉ được giải quyết vụ án đúng phạm vi yêu cầu của các đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít Tòa án đã giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu. Các phán quyết vi phạm đã bị Tòa án cấp trên hủy/sửa. Sau đây là một số vụ án bị Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự và hướng giải quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm với các phán quyết sơ thẩm có vi phạm.
Vụ án thứ nhất: Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở vô hiệu. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần quyết định trong bản án sơ thẩm.
Ông L là con của ông Th (đã chết) và bà Đ. Ông L có 02 đời vợ (trong đó có chị Q) và 07 người con (trong đó có anh A). Vào khoảng năm 1985, ông L có mua một lô đất và xây dựng một căn nhà ở, sử dụng ổn định liên tục nhưng ông chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này. Năm 1987, ông đưa mẹ là bà Đ lên thành phố Kon Tum để chăm sóc. Vì muốn dùng căn nhà làm từ đường, không muốn các con tranh giành nên vào năm 1999, ông đã để mẹ là bà Đ đứng tên thay ông trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2010, bà Đ phát bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi của mình. Đến năm 2020, ông L phát hiện, vào năm 2018, bà Đ đã tặng cho quyền sử dụng đất và căn nhà nêu trên cho anh A theo dạng hợp đồng tặng cho. Về hiện trạng tài sản, vào năm 2014, bà Đ có cho anh A, chị Q xây dựng căn nhà khoảng 70m2. Toàn bộ tài sản là nhà và đất này đang được thế chấp tại Ngân hàng Agribank để vay số tiền 200.000.000 đồng. Ông L khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng tặng cho cho anh A nhưng không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Anh A đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum tuyên hủy hợp đồng tặng cho năm 2018; ông L được cấn trừ giá trị căn nhà số 02 mà anh A và chị Q đã xây dựng trên đất của bà Đ, trị giá căn nhà là 148.628.000 đồng. Ông L đã trả thay cho anh A, chị Q 120.207.123 đồng nợ Ngân hàng Agribank để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở mà anh A, chị Q đã thế chấp ra, nay, ông L phải trả lại cho anh A, chị Q là 28.420.877 đồng[9]. Sau khi xét xử sơ thẩm, chị Q đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.
Tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L là có căn cứ. Tuy nhiên, trong phán quyết, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, tức là giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của chị Q, hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm[10].
Cần lưu ý, trong vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm nhưng không chuyển hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
Vụ án thứ hai: Tranh chấp quyền sử dụng đất. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy đình chỉ phần quyết định của bản án sơ thẩm.
Năm 1996, ông Trịnh Văn N nhận chuyển nhượng của ông Ngô Văn T phần đất tọa lạc tại ấp 4, xã KB, huyện TVT, tỉnh Cà Mau. Ngày 25/3/1997, ông N được Ủy ban nhân dân huyện TVT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 14.250m2 gồm: Thửa 0499 diện tích 3.888m2 đất vườn và thửa 0450 diện tích 10.368m2 đất lúa. Năm 1998, ông N cho vợ chồng ông Trịnh Văn D (anh cùng cha, khác mẹ) mượn phần đất thửa số 0499 diện tích 3.888m2 để ở. Đến năm 2019, ông N đòi lại đất nhưng vợ, chồng ông D không đồng ý trả. Ông N khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông D tháo dỡ di dời nhà và vật kiến trúc có trên đất trả lại phần đất đã mượn nêu trên. Theo bị đơn (ông D) trình bày, phần đất tranh chấp có diện tích 3.888m2, tọa lạc tại ấp 4, xã KB, huyện TVT, tỉnh Cà Mau hiện do ông N đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguồn gốc đất là của cha của bị đơn nhận chuyển nhượng của ông T, bà Đ, để ông N đứng tên quyền sử dụng. Năm 1998, cha, mẹ kêu ông về cất nhà ở trên phần đất vườn. Năm 1999, gia đình có họp và cha, mẹ tuyên bố cho ông D phần đất mặt tiền. Năm 2000, cha ông có lập di chúc cho ông 4.500m2 đất vườn, 5.100m2 đất lúa. Năm 2004, cha mẹ chuyển nhượng cho ông khoảng 1,5 công (tầm 3m) đất ruộng với giá 10 chỉ vàng 24k, do bà Phan Thị L là em dâu sống chung với cha mẹ nhận vàng. Hiện tại, đất lúa đã cố cho bà Phan Cẩm H2 02 công đất ruộng với giá 10 chỉ vàng 24k. Ông D xác định đất tranh chấp có một phần cha mẹ cho và một phần nhận chuyển nhượng từ cha mẹ, không phải mượn của ông N nên không đồng ý di dời nhà, trả đất như yêu cầu khởi kiện của ông N.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N; tuyên bố hợp đồng cầm cố đất ngày 14/3/2021 giữa vợ chồng ông Trịnh Văn D với bà Phan Cẩm H2 vô hiệu và giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu[11].
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, giao dịch cố đất các bên là có thực tế, được các bên thừa nhận, không yêu cầu tranh chấp. Bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng cố đất vô hiệu là không đúng quy định pháp luật, vượt phạm vi yêu cầu khởi kiện nên hủy đình chỉ phần quyết định của Bản án sơ thẩm về nội dung tuyên hợp đồng vô hiệu này[12].
Vụ án thứ ba: Tranh chấp về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm.
Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 11/5/2019, anh Nguyễn Quốc T điều khiển xe ô tô biển số 43C-142.XX (của doanh nghiệp tư nhân V) va chạm xe ô tô đầu kéo 92C-117.YY kéo theo Sơ mi Rơ mooc tải biển số 92R-000.ZZ (của Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ T) do anh Hồ Tấn P điều khiển, gây tai nạn. Theo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 1265/TB-CQCSĐT kết luận: Xe ô tô đầu kéo biển số 92C-117.YY và Sơ mi Rơ mooc tải biển số 92R-000.ZZ của Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ T bị hư hỏng nặng. Do đó, Công ty T đề nghị Tòa án giải quyết, buộc ông Huỳnh L - chủ doanh nghiệp tư nhân V phải bồi thường cho Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ T số tiền thiệt hại là 431.000.000 đồng và tiền lãi tạm tính từ ngày 03/9/2019 đến ngày 21/9/2022 với lãi suất 10%/năm (1.113 ngày hoặc 03 năm 19 ngày) là 131.499.614 đồng; tổng số tiền bồi thường là 562.699.614 đồng.
Tại Bản án sơ thẩm, Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Huỳnh L - chủ doanh nghiệp tư nhân V phải bồi thường cho Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ T số tiền 258.720.000 đồng và tuyên Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ T có quyền liên hệ với Công ty B Quảng Nam - Tổng công ty Bảo hiểm B để làm thủ tục bảo hiểm đối xe ô tô biển số 92C-117.YY theo quy định của pháp luật[13]. Sau khi xét xử sơ thẩm, Bản án sơ thẩm bị kháng nghị với nội dung “…Cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn”[14].
Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhận định về nội dung liên hệ với phía Công ty Bảo hiểm để làm thủ tục bảo hiểm như sau: “Nguyên đơn Công ty T không có yêu cầu khởi kiện nhưng bản án sơ thẩm nhận định và quyết định Công ty T có quyền liên hệ với Công ty Bảo hiểm B Quảng Nam - Tổng Công ty Bảo hiểm B để làm thủ tục bảo hiểm đối với xe ô tô đầu kéo 92C-117.YY là giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự”. Tại phần quyết định, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và loại bỏ phần phán quyết về nội dung liên hệ với phía Công ty Bảo hiểm để làm thủ tục bảo hiểm như trên[15].
3. Một số bình luận, kiến nghị
Về mặt nguyên tắc, thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sau đây: 1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm; 2. Sửa bản án sơ thẩm; 3. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; 4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; 5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm; 6. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý”[16].
Theo đó, trong bất kỳ trường hợp nào, thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể vượt ngoài phạm vi các thẩm quyền kể trên: Giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (trong trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện…); đình chỉ xét xử phúc thẩm (khi đương sự rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị…) và tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Qua một số vụ án nêu trên, có thể thấy, đối với các phán quyết sơ thẩm vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự, các Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn chưa có hướng xét xử thống nhất. Có thể phân chia cách thức giải quyết của các Tòa án như sau: (i) Một số Tòa án hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với phần nội dung đó (tức “hủy một phần bản án” hoặc “hủy đình chỉ một phần quyết định trong bản án sơ thẩm”); (ii) Một số Tòa án lại áp dụng thẩm quyền “sửa bản án sơ thẩm” theo hướng loại bỏ nội dung giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự.
Theo quan điểm của tác giả, căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần thực hiện thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm (tức theo hướng tiếp cận (ii)) vì lý do như sau: Căn cứ theo quy định tại Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được; 2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Theo đó, pháp luật quy định, trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm thì đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Tức là, nếu một vấn đề đã được Tòa án thụ lý theo đúng quy định (trên cơ sở yêu cầu của đương sự) nhưng quá trình giải quyết có vi phạm không thể khắc phục ngay ở cấp phúc thẩm thì phải hủy phần phán quyết đó và chuyển hồ sơ để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án lại tuyên một nội dung các đương sự không có yêu cầu, Tòa án cũng chưa thụ lý giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể chuyển hồ sơ về để giải quyết lại nội dung đó theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, Tòa án không thể thực hiện thẩm quyền hủy bản án theo quy định tại khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Mặt khác, ngay cả khi các Tòa án “lách” quy định tại nêu trên bằng việc tuyên “hủy và đình chỉ giải quyết các nội dung vượt quá phạm vi khởi kiện” để không chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm thì phán quyết như trên vẫn không bảo đảm đúng pháp luật bởi: (i) Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định cho Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền hủy một phần bản án và đình chỉ giải quyết một vấn đề nào đó mà chỉ quy định thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự[17]. (ii) Về bản chất, nếu Tòa án chưa “thụ lý” giải quyết một nội dung thì cũng không thể “đình chỉ giải quyết” phần nội dung đó.
Trái lại, việc “sửa một phần bản án sơ thẩm” trong trường hợp này sẽ có căn cứ về cả mặt lý luận và pháp luật vững chắc hơn. Cụ thể, căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp sau đây: 1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này; 2. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ”. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ có sai sót trong việc đưa ra phán quyết vì tuyên xử một nội dung không được các đương sự yêu cầu, chưa được thụ lý theo đúng trình tự, thủ tục chung. Do đó, nếu các nội dung khác đã được Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện đúng quy định, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ cần sửa bản án sơ thẩm, loại bỏ nội dung tuyên xử vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự thì đã bảo đảm đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự./.
Nguyễn Hoàng Nam
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Điều 4, khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Lê Thị Thìn (2017), Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn.
[4]. Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[6]. Bùi Mạnh Cường (2018), Quyền tự định đoạt của các đương sự và thực tiễn áp dụng tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, Đại học Luật Hà Nội, tr. 26, 27.
[7]. Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[8]. Bùi Mạnh Cường (2018), tlđd, tr. 40.
[9]. Bản án số 61/2021/DS-ST ngày 31/8/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
[10]. Bản án số 08/2022/DS-PT ngày 24/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tom.
[11]. Bản án số 128/2023/DS-ST ngày 26/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
[12]. Bản án số 345/2023/DS-PT ngày 20/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.
[13]. Bản án số 40/2022/DS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
[14]. Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 853/QĐ-VKS-DS ngày 21/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
[15]. Bản án số 31/2023/DS-PT ngày 20/3/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
[16]. Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[17]. Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)