1. Đặt vấn đề
Thuật ngữ “chia sẻ” thường được nhận diện bởi thay vì sở hữu thì chỉ cần truy cập tạm thời và phân phối lại hàng hóa vật chất, tài sản, không gian hoặc thời gian[1]. Mô hình kinh doanh này còn được định nghĩa là xuất phát từ xu hướng sử dụng tài sản hoặc dịch vụ theo nhu cầu tiêu dùng thay vì sở hữu tài sản vĩnh viễn hoặc ký hợp đồng dịch vụ dài hạn[2].
Logistics có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, theo đó, trong tiếng Việt, từ tương đương gần nhất là “hậu cần”. Logistics có khái niệm bắt nguồn từ nhu cầu hậu cần quân sự trong việc cung cấp cho quân đội trong quá trình hành quân ra tiền tuyến[3]. Logistics có khái niệm liên quan đến kinh doanh từ những năm 1950. Logistics là một phần của chuỗi cung ứng, bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm: Quá trình chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, đóng gói, kẻ ký mã hiệu và bảo quản hàng hóa, vận chuyển hàng hóa ra cảng và làm thủ tục thông quan xuất khẩu hoặc nhập khẩu cho hàng[4].
Theo Hội đồng các chuyên gia Quản trị Chuỗi cung ứng Hoa Kỳ (CSCMP) thì “Logistics được định nghĩa là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm các quá trình hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả việc dự trữ và lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, thông tin hai chiều giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng”.
Logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó, yêu cầu phát triển ngành logistics là yêu cầu quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm gần đây, ngành logistics trên thế giới đang có xu hướng chuyển dịch sang ứng dụng công nghệ số với tên gọi “logistics 4.0”. Mục tiêu của logistics 4.0 là đơn giản hóa các quy trình, tăng hiệu quả và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, vai trò chuyển đổi số trong hoạt động logistics được quan tâm, trong đó có phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực này để giải quyết các vấn đề khan hiếm tài nguyên và tiết kiệm chi phí. Bộ Công Thương nhận định, với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics có tác dụng kích hoạt chuyển đổi số của nhiều ngành khác. Đồng thời, làm cơ sở tiến đến kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, mạng cung ứng[5]. Logistics thông minh để không còn những chuyến xe rỗng, kho bãi và vật tư sử dụng tối đa, cắt giảm chi phí và giải quyết vấn đề thiếu vật tư, nguồn lực là những bài toán đòi hỏi phải nghiên cứu và áp dụng kinh tế chia sẻ vào lĩnh vực này.
Hiện nay, trên thế giới, mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics gồm 07 nhóm: (i) Kho hàng chia sẻ (Shared Warehousing); (ii) Kho đô thị đơn giản (Urban Discreet Warehousing); (iii) Hàng hóa cộng đồng theo nhu cầu (Community Goods On-demand); (iv) Chia sẻ tài sản logistics (Logistics Asset Sharing); (v) Chia sẻ năng lực vận chuyển (Transport Capacity Sharing); (vi) Nhân lực theo nhu cầu (On-Demand Staffing); (vii) Chia sẻ dữ liệu logistics (Logistics Data Sharing)[6]. Trong khi đó, ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chỉ mới “manh nha” ở 03 nhóm: (i); (ii) và (v). Hiện nay, nước ta cũng chưa có khung pháp lý riêng điều chỉnh cho mô hình kinh doanh này. Do đó, một số vấn đề pháp lý đặt ra cần giải quyết như sau: (i) Pháp luật về kinh doanh dịch vụ logistics nằm rải rác trong nhiều văn bản áp dụng chung với các lĩnh vực khác nên nhận thức về logistics còn khá “mơ hồ” và nhầm lẫn với dịch vụ vận tải thông thường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tra cứu, áp dụng; (ii) Chưa có khung pháp lý riêng điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam; (iii) Thiếu khung pháp lý và chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số tiến đến kinh tế chia sẻ.
2. Khái quát về mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics
Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới nổi, có nhiều khái niệm khác nhau và chưa được thống nhất. Rachel Botsman cho rằng, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế dựa trên việc chia sẻ tài sản chưa sử dụng hết thông qua nền tảng công nghệ để tạo ra những lợi ích tài chính hoặc phi tài chính[7].
Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Thương mại năm 2005) thì “dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc”.
Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, thông qua những phân tích ở trên, có thể hiểu, kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics là mô hình kinh doanh, trong đó có bên thứ ba làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ kết nối giữa bên có nguồn lực dư thừa và bên có nhu cầu, bằng việc chia sẻ mô hình này là “chìa khóa” giải quyết các bài toán về khan hiếm nguồn lực và giúp tiết kiệm chi phí trong logistics hiện nay.
Các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics gồm:
- Kho hàng chia sẻ: Kho chia sẻ hay kho chung là một kho duy nhất hoạt động như một trung tâm phân phối hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Ý tưởng về một nhà kho dành cho nhiều khách hàng không có gì mới đối với các công ty logistics. Tuy nhiên, ở đây kho được chia sẻ linh hoạt bằng cách sử dụng nền tảng chia sẻ kỹ thuật số giúp người có nhu cầu tìm thấy không gian họ cần, ở đúng vị trí và đặt chỗ trực tuyến. Tại Hoa Kỳ, hai đại diện tiên phong trong lĩnh vực này là DHL Spaces và công ty khởi nghiệp Flexe.
- Kho đô thị tinh giản: Với không gian ở các thành phố ở mức cao, nhu cầu doanh nghiệp về việc lưu trữ ngày càng tăng. Mô hình kho đô thị đơn giản xuất phát từ hai công ty khởi nghiệp của Mỹ là MakeSpace và Omni. Các công ty này giúp kết nối những người có nhu cầu về kho chứa với chủ sở hữu không gian chưa sử dụng trong nhà, văn phòng thông qua điện thoại di động và nền tảng website.
- Hàng hóa cộng đồng theo nhu cầu: Dịch vụ chia sẻ hàng hóa cộng đồng theo nhu cầu xuất hiện lần đầu tại Hà Lan, Công ty khởi nghiệp Peerby đã biến những món đồ ít sử dụng của các hộ gia đình thành nguồn thu nhập thông qua nền tảng chia sẻ hàng hóa ngang hàng. Một công ty khác, Công ty khởi nghiệp Logistics Shyp của Hoa Kỳ cũng cung cấp dịch vụ này.
- Chia sẻ tài sản logistics: Mô hình chia sẻ này xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ, các mô hình dựa trên nền tảng tốt để chia sẻ tài sản lớn với hai đại diện là công ty như MuniRent và công ty khởi nghiệp Turo. Các công ty này cho phép chủ sở hữu phương tiện cá nhân cho thuê phương tiện cá nhân, các công ty xây dựng và chính quyền chia sẻ máy móc hạng nặng đắt tiền.
- Chia sẻ năng lực vận chuyển: Sự phát triển nhanh chóng ngày nay của các nền tảng kỹ thuật số dành cho môi giới vận tải hàng hóa đang giúp giải quyết tình trạng lãng phí khi lái những chiếc xe tải rỗng hoặc chở đầy một phần. Các công ty đứng đầu trong lĩnh vực này có thể kể đến như Saloodo của DHL ở châu Âu, Freightos, Convoy và Loadsmart ở Mỹ và Huochebang ở Trung Quốc.
- Nhân lực theo nhu cầu: Trong những “mùa cao điểm” cần nhân lực trong dịch vụ logistics, việc chia sẻ nhân lực theo yêu cầu giúp kết nối hiệu quả giữa nhân công “nhàn rỗi” và các doanh nghiệp có nhu cầu. Khởi đầu từ Công ty khởi nghiệp Jobdoh ở Hồng Kông, hiện nay ở Hoa Kỳ có các đại diện như Postmate và TaskRabbit.
- Chia sẻ dữ liệu logistics: Lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập bởi các nền tảng và ứng dụng chia sẻ kỹ thuật số có thể là vô giá đối với chất lượng và hiệu quả của các thành phố. Điển hình về chia sẻ dữ liệu logistics là nhóm Hitachi (Hitachi’s Social Innovation) đã đi tiên phong trong nền tảng Trao đổi Dữ liệu Thành phố (City Data Exchange platform) tại Copenhagen, Đan Mạch vào năm 2015[8].
Có thể thấy, kinh tế chia sẻ đã phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics với nhiều dịch vụ phong phú.
3. Thực trạng pháp luật về kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam
Chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế chia sẻ vào lĩnh vực logistics là vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logictics là một trong số 08 ngành được ưu tiên chuyển đổi số.
Ở Việt Nam hiện nay, dịch vụ logistics tập trung vào 17 nhóm dịch vụ và được sắp xếp thành 04 nhóm lớn: (i) Dịch vụ vận tải; (ii) Dịch vụ kho bãi; (iii) Dịch vụ giao nhận, chuyển phát; (iv) Dịch vụ khác. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 04 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan[9].
Về thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam hiện nay, kinh tế chia sẻ phát triển chỉ ở 03 hình thức, cụ thể:
- Kho hàng chia sẻ: Cushman & Wakefield trong Báo cáo thị trường 2023 cho biết, nguồn cung nhà kho ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt lần lượt 2,022 triệu m2 và 5,13 triệu m2[10]. Xuất phát từ tình trạng khan hiếm nguồn cung kho nhu cầu chia sẻ kho hàng phát sinh và mô hình kinh tế chia sẻ được vận dụng. Ở Việt Nam, Khochiase, Nhật Việt Logistics là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho chia sẻ. Ngoài ra, FM Logistic có trụ sở chính tại Pháp cũng thành lập công ty con tại Việt Nam để khai thác thị trường dịch vụ này.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định kho chia sẻ theo mô hình kinh tế chia sẻ hay kinh doanh dịch vụ kết nối chia sẻ kho. Vì thế, khi đăng ký kinh doanh dịch vụ kinh doanh này, các doanh nghiệp đăng ký dưới các ngành, nghề truyền thống: Kho bãi và lưu giữ hàng hóa (mã 5210); kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê gồm cho thuê kho bãi, kinh doanh bất động sản (mã 6810); xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan (mã 6311).
- Kho đô thị tinh giản: Hiện nay, tại Việt Nam, trong khâu lưu trữ và giao nhận hàng hóa, các kho hàng lớn và tập trung thường đặt cách xa khu đô thị nên việc vận chuyển đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nhân công. Trong khi các tòa nhà văn phòng, cửa hàng, quán ăn tại các khu trung tâm, ngoài không gian phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính, vẫn còn nhiều khu vực để trống chưa được sử dụng. Thông qua dịch vụ kết nối, kinh tế chia sẻ giúp kết hợp hai yếu tố cung và cầu trên. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng về hoạt động này. Vì vậy, việc cho thuê kho dưới hình thức chia sẻ các không gian trống chưa sử dụng phải đáp ứng điều kiện kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
- Chia sẻ năng lực vận chuyển: Tại Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Logivan Việt Nam và Công ty cổ phần công nghệ EcoTruck là những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ năng lực vận chuyển đường bộ. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, mô hình chia sẻ trong logistics tại Việt Nam phát triển mạnh nhất ở lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ[11].
Một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, chưa có khung pháp lý điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này, các văn bản pháp lý liên quan rất rộng và bao trùm nhiều lĩnh vực[12], vì vậy, phát sinh nhu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics.
Thứ hai, hệ thống pháp luật về logistics chưa thống nhất gây khó khăn cho công tác thống kê và áp dụng trên thực tế, cụ thể: (i) Chưa thống nhất trong khái niệm phân ngành dịch vụ logistics giữa các văn bản như: Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, quy định gồm 17 phân ngành logistics. Trong khi đó, theo cam kết với ASEAN về logistics lại phân thành 11 phân ngành. Sự thiếu đồng nhất về khái niệm này gây nhiều khó khăn cho các công tác quản lý, điều hành đặc biệt là khi có ứng dụng công nghệ để chia sẻ vận tải hoặc kho bãi và công tác thống kê các chỉ tiêu về logistics. (ii) Chưa có quy định về hợp đồng giữa các bên ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ; các quy định hiện có về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ logistics còn nằm rải rác trong nhiều văn bản và vẫn còn tồn tại một số điều, khoản chưa rõ gây khó khăn trong áp dụng thực tiễn.
Thứ ba, kinh tế chia sẻ chưa phát triển trên nhiều nhóm ngành của logistics theo xu hướng chung của thế giới: Như phân tích ở trên, trên thế giới có 07 dịch vụ ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics thì Việt Nam mới chỉ có 03 dịch vụ.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics chưa hoàn thiện: Theo Dự thảo Đề án Chiến lược Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những tồn tại và hạn chế hiện nay trong lĩnh vực này là cơ sở hạ tầng logistics còn yếu kém, chưa đồng bộ, phân tán và thiếu tính kết nối[13].
4. Một số kiến nghị
Thứ nhất, nghiên cứu, tiến tới thừa nhận và phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này. Theo báo cáo của Bộ Công Thương về logistics năm 2023, với yêu cầu xanh hóa hoạt động logistics, một số yêu cầu đề ra gồm: (i) Sử dụng hệ thống quản lý vận tải thông minh trong việc tối ưu lộ trình vận tải và giảm thiểu nhiên liệu tiêu thụ; (ii) Giảm tỷ lệ % phương tiện chạy rỗng; (iii) Thực hiện việc chia sẻ vận tải cho các đơn hàng[14]. Trong đó, áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics sẽ giải quyết được các vấn đề trên. Giải pháp này cũng phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới như thị trường châu Âu và Hoa Kỳ[15]. Như vậy, việc thừa nhận và phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics là cần thiết và phù hợp với xu thế trên thế giới, đồng thời cũng mang nhiều lợi ích cho xã hội thông qua việc khai thác tiềm năng thị trường chia sẻ vận tải và kho bãi tại Việt Nam.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật liên quan để phát triển kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics theo hướng: (i) Thống nhất về khái niệm dịch vụ logistic tại các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế; (ii) Thống nhất quy định hợp đồng trong lĩnh vực logistics trong một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hợp đồng giữa các bên trong mô hình kinh tế chia sẻ lĩnh vực logistics.
Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thiện quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Giải pháp này mang tính chất quan trọng trong phát triển ngành logistics nói chung và kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực này nói riêng.
Thứ tư, ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực logistics như hỗ trợ vốn, tài chính, tập huấn, tuyên truyền./.
ThS. NCS. Hồ Thị Thanh Trúc
Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing
(Ảnh: Internet)
[1]. Kathan, W., Matzler, K., Veider, V., 2016, The sharing economy: Your business model’s friend or foe?, Business Horizons, 59, 663- 672, http://dx.doi.org/10.1016/j.bushor.2016.06.006.
[2]. Deloitte, 2016, The rise of the sharing economy. Impact on the transportation space, 1 - 12.
[3]. Jovan T Ilija Tanackov,epić, Gordan Stojić(2011), Ancient logistics - historical timeline and etymology, https://www.researchgate.net/publication/283863501_Ancient_logistics__historical_timeline_and_etymology, truy cập ngày 30/4/2024.
[4]. Vương Thị Bích Ngà (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, tr. 31,
http://lrc.quangbinhuni.edu.vn:8181/dspace/bitstream/DHQB_123456789/5733/1/C%C3%A1c%20y%E1%BA%BFu%20t%E1%BB%
91%20%E1%BA%A3nh%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20%C4%91%E1%BA%BFn%20s%E1%BB%B1%20ph%C3%A1t%20tri%
E1%BB%83n%20c%E1%BB%A7a%20ng%C3%A0nh%20logistics%20Vi%E1%BB%87t%20Nam.pdf, truy cập ngày 28/4/2024.
[5]. Đông Phong (2021), Chuyển đổi số trong logistics là cơ sở xây dựng nền kinh tế chia sẻ, https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-trong-logistics-la-co-so-xay-dung-nen-kinh-te-chia-se-i398368.html, truy cập ngày 28/4/2024.
[6]. Matthias Heutger (2017), The Sharing Economy: How logistics can contribute and benefit, https://www.linkedin.com/pulse/sharing-economy-how-logistics-can-contribute-benefit-matthias-heutger, truy cập ngày 28/4/2024.
[7]. Rachel Botsman (2015), Defining the sharing economy what is collaborative consumption and what isnt, https://www.fastcompany.com/3046119/defining-the-sharing-economy-what-is-collaborative-consumption-and-what-isnt,truy cập ngày 28/4/2024.
[8]. Shigeyuki Tani (2023), Social Reforms Accelerated by Data Distribution https://www.hitachi.com/rev/archive/2017/r2017_06/pdf/p53-59_R6-04.pdf, truy cập ngày 03/5/2024.
[9]. Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính (2024), https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiettin?dDocName=MOFUCM096861#:~:text=D%E1%BB%8Bch%20v%E1%BB%A5%20logistics%20%E1%BB%9F%20Vi%E1%BB%87t,
Singapore%2C%20Malaysia%2C%20Th%C3%A1i%20Lan, truy cập ngày 28/4/2024.
[10]. Vũ Anh (2023), Gia tăng “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi, https://baodautu.vn/batdongsan/gia-tang-con-khat-nguon-cung-nha-xuong-kho-bai-d200849.html, truy cập ngày 29/4/2024.
[11]. Bộ Công Thương (2023), tr. 59, https://valoma.vn/wp-content/uploads/2023/12/Bao-cao-Logistics-Viet-Nam-2023.pdf, truy cập ngày 28/4/2024.
[12]. Nguyễn Xuân Quyết và Trần Thị Ngọc Lan (2019), Nghiên cứu thực trạng dịch vụ hậu cần điện tử (e-logistics) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, 19(2), tr. 147 - 159.
[13]. Bộ Công Thương (2024), Dự thảo Đề án Chiến lược Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tr. 52, https://drive.google.com/drive/folders/17EQYjMlj6l-J5rljLSMNJnM0CxFyTA-P, truy cập ngày 30/4/2024.
[14]. Bộ Công Thương (2023), tlđd, tr. 91.
[15]. Kołacz, M. K. (2022). Sharing Economy in Logistics: Towards a legal framework for co-operation (Doctoral dissertation, University of Antwerp).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)