1. Quy định pháp luật Việt Nam về sự kiện bất khả kháng
Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) không quy định sự kiện bất khả kháng trong phần hợp đồng, mà trong phần quy định chung, cụ thể là trong mục thời hiệu. Theo khoản 1 Điều 156 BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
1.1. Điều kiện để được xem là sự kiện bất khả kháng
BLDS 2015 không đưa ra bất kỳ tiêu chí nào để xác định các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng cũng không liệt kê sự kiện nào được gọi là sự kiện bất khả kháng, mà vấn đề này được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành[1]. Tuy nhiên, dựa vào khoản 1 Điều 156 BLDS 2015, có thể thấy một sự kiện được gọi là bất khả kháng khi hội đủ các điều kiện sau: (i) Xảy ra một cách khách quan, (ii) Không thể lường trước được và (iii) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
(i) Yếu tố khách quan của sự kiện: Một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó không phụ thuộc vào ý chí các bên (các bên liên quan đến sự kiện, cụ thể là các bên trong hợp đồng). Ví dụ như, chiến tranh có thể được xem là sự kiện bất khả kháng, mặc dù việc xảy ra chiến tranh là do ý chí của con người, nhưng chiến tranh lại không phụ thuộc vào ý chí của các bên liên quan đến sự kiện, tức các bên trong hợp đồng.
(ii) Yếu tố không lường trước được của sự kiện: Có thể hiểu không lường trước được ở đây là nằm ngoài khả năng dự đoán của các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với hợp đồng, thời điểm nào được xem là thời điểm các bên không lường trước được việc xảy ra sự kiện. Thời điểm giao kết hợp đồng hay thời điểm thực hiện hợp đồng? Theo quan điểm của tác giả, thời điểm không lường trước được của việc xảy ra sự kiện phải là thời điểm giao kết hợp đồng. Đặt trường hợp nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, một trong các bên lường trước được sự kiện, nhưng không báo cho bên kia biết, đến thời điểm thực hiện hợp đồng mới đưa ra vấn đề sự kiện bất khả kháng, thì bên này đã vi phạm nguyên tắc trung thực khi xác lập hợp đồng. Do đó, bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 127 BLDS 2015. Dưới một góc độ khác, có thể vì lý do miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, đến thời điểm thực hiện hợp đồng, bên này mới đưa vấn đề sự kiện bất khả kháng đối với bên kia.
(iii) Yếu tố không thể khắc phục được của sự kiện: Phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực của pháp luật dân sự[2] nói chung, pháp luật về hợp đồng nói riêng[3], khi xảy ra sự kiện, bên có nghĩa vụ theo hợp đồng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục các tác động của sự kiện đến hợp đồng nhằm mục đích thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là các bên vẫn không thể hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Trên thực tế, yếu tố này thường không dễ chứng minh và phải được xem xét trong từng tình huống cụ thể.
1.2. Phân biệt sự kiện bất khả kháng và các trường hợp khác
Trước tiên, cần phải phân biệt sự kiện bất khả kháng và sự kiện bất ngờ. Nếu như sự kiện bất khả kháng là một khái niệm được quy định trong luật dân sự, thì sự kiện bất ngờ là một khái niệm chỉ có trong lĩnh vực hình sự. Theo đó, Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rằng người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, cũng cần phải phân biệt sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Sự kiện bất khả kháng, tiếng Pháp gọi là force majeure, có nguồn gốc từ Bộ luật Dân sự Napoléon[4]. Trong khi đó, hoàn cảnh thay đổi cơ bản, tiếng Anh gọi là hardship, bắt nguồn từ nghiên cứu của Marcel Fontaine vào năm 1976[5]. Sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 BLDS 2015. Còn hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 420 BLDS 2015. Sự kiện bất khả kháng hàm ý rằng hợp đồng không thể thực hiện được, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó và có thể đứng trước nguy cơ chấm dứt hợp đồng. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản chỉ khiến cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn, đặc biệt là về phương diện chi phí, chứ không phải là không thể thực hiện được hợp đồng[6].
2. Covid-19 và vấn đề miễn trách nhiệm dân sự
2.1. Covid-19 là sự kiện bất khả kháng
Đối với dịch Covid-19, ngày 29/01/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007[7]. Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Đến ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, thời điểm xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020[8]. Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc[9], thay thế cho Quyết định số 173/QĐ-TTg.
Tối ngày 11/3 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (World Health Organization) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu[10].
Như vậy, có thể khẳng định rằng Covid-19 là một dịch bệnh truyền nhiễm. Trong lĩnh vực hợp đồng, dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 không thể là sự kiện bất ngờ, vốn được quy định trong luật hình sự. Dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 cũng không thuộc trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bởi vì, đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hợp đồng vẫn có thể thực hiện được, nhưng xét về mặt chi phí, giá thành thực hiện cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Trong khi đó, trên thực tế, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản[11], nhiều trường mầm non tư thục “đóng cửa”[12]… Dưới khía cạnh pháp lý, ngày 27/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Ngày 31/03/2020, Thủ tướng chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, theo đó, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các cơ sở kinh doanh khác bị tạm đình chỉ hoạt động[13]. Chính lệnh cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh không được hoạt động trong một thời hạn đã làm cho Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng. Nói cách khác, dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 đã hội đủ các điều kiện để trở thành một sự kiện bất khả kháng, bao gồm: Xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
2.2. Hệ quả pháp lý của Covid-19 đối với hợp đồng
Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định rằng trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Theo khoản 1 Điều 351 BLDS 2015, trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm phát sinh do bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. Tương tự như quy định tại BLDS 2015, điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 xem sự kiện bất khả kháng là một trong những trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm đối với bên có quyền trong hợp đồng.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy rằng, dù có hay không có thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng, cụ thể là dịch bệnh trong hợp đồng, trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thì bên đó không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng với bên bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác. Cần phải lưu ý rằng, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm không có nghĩa là được miễn thực hiện nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng với bên còn lại, trừ trường hợp bên có quyền trong hợp đồng chủ động miễn một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ đó cho bên có nghĩa vụ.
Như vậy, đối với hợp đồng vay tiền, nếu bên vay chứng minh được việc không thanh toán tiền vay đúng hạn là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì bên vay được miễn trách nhiệm đối với bên cho vay đối với các khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Đối với hợp đồng tín dụng, ngày 13/03/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Triển khai thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất vay cho khách hàng và cam kết tiếp tục giảm lãi suất thêm 2% đối với các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân[14]. Đối với hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng, nếu bên thuê vẫn sử dụng nhà hoặc văn phòng, nhưng không thể thanh toán tiền thuê cho bên cho thuê với lý do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì bên thuê sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đối với bên cho thuê. Đối với hợp đồng xây dựng, việc nhà thầu phải giãn tiến độ thực hiện hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại thực tế phát sinh từ việc chậm tiến độ và cũng không phải chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, việc miễn trách nhiệm trong các hợp đồng không đồng nghĩa với việc loại trừ các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.
Kết luận, dịch bệnh Covid-19 là tình huống pháp lý phát sinh chưa có tiền lệ từ trước đến nay, do vậy, các bên khó có thể dự liệu trong hợp đồng. Để tránh xung đột hoặc tranh chấp phát sinh về sau, ngay khi xảy ra dịch Covid-19 hoặc ít nhất là vào thời điểm này, bên vi phạm hợp đồng cần phải gửi thông báo ngay cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong đó cần phải ghi rõ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm và các biện pháp mà bên vi phạm đã thực hiện để hạn chế những ảnh hưởng của Covid-19.
Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh
[5]Fabio Bortolotti, Dorothy Ufot, Hardship and Force Majeure in International Commercial Contracts Dealing with unforeseen events in a changing world, ICC Publication, 2018, https://books.google.com.vn/books?id=h2a5DwAAQBAJ&pg=PT9&lpg=PT9&dq=%22Marcel+Fontaine%22+%2B+hardship&source=bl&ots=-
GkN5kunp8&sig=ACfU3U0Vss_IoaUB3BtOMX3elZ6O-No_nw&hl=en&sa=X&ved=2ahUKEwjih-PVrdDoAhXymuYKHeaHC14Q6AEwAXoECAsQLg#v=onepage&q=%22Marcel%20Fontaine%22%20%2B%20hardship&f=false, truy cập ngày 02/04/2020, xem phần Giới thiệu (Introduction).
[14] Báo Tuổi trẻ, L. Thanh, Giảm lãi suất cho vay thêm 2% - 2,5%/ năm, https://tuoitre.vn/giam-lai-suat-cho-vay-them-2-25-nam-20200331192222891.htm, ngày đăng: 31/03/2020, ngày truy cập: 04/04/2020.