1. Một số vấn đề cơ bản về từ chối nhận di sản
1.1. Cơ sở của việc ghi nhận quyền từ chối nhận di sản
Dưới góc độ lý luận, thừa kế là “sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống”[1]. Với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự, thừa kế làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định giữa các chủ thể mà đối tượng là tài sản thuộc quyền của người đã chết. Trong đó, một bên chủ thể là người để lại thừa kế, đây là người có tài sản, có quyền định đoạt chuyển giao tài sản hợp pháp của mình cho người khác sau khi họ qua đời và một bên là người thừa kế được chỉ định theo nội dung di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do định đoạt của các chủ thể, việc cho phép cá nhân có quyền để lại di sản sau khi chết luôn tồn tại song song với việc cho phép người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản. Quyền từ chối nhận di sản thể hiện sự định đoạt của người thừa kế mà bản chất là sự từ chối xác lập quyền sở hữu đối với di sản mà họ được hưởng. Khi đồng ý nhận thừa kế, người thừa kế được chuyển giao một cách trọn vẹn quyền sở hữu đối với tài sản và thay thế vị trí của người quá cố trở thành chủ sở hữu mới, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh việc được nhận các quyền đối với tài sản thì người thừa kế cũng được chuyển giao các nghĩa vụ do người quá cố để lại và phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần di sản mà họ được hưởng. Chính vì vậy, để lại di sản và định đoạt di sản là quyền của người có tài sản, tuy nhiên, không phải người thừa kế nào cũng đón nhận những quyết định đó. Là một quan hệ pháp luật trong lĩnh vực tư, trong quan hệ thừa kế, không ai bị ép buộc phải nhận di sản và thực hiện các nghĩa vụ do người chết để lại nếu họ không muốn.
Dưới góc độ pháp luật, thừa kế là một chế định pháp lý đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng. Quyền thừa kế xuất hiện và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội bên cạnh quyền sở hữu. Với tư cách là một quyền cơ bản của công dân, quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ và ghi nhận trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất đó chính là Hiến pháp.
Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều có sự ghi nhận đối với việc tôn trọng và bảo đảm quyền thừa kế tài sản của công dân. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã đặt ra những quy định nền tảng trong việc bảo hộ quyền tư hữu tài sản. Trên cơ sở đó, các Hiến pháp ra đời về sau kế thừa và tiếp tục ghi nhận quyền sở hữu và quyền thừa kế của công dân tại Điều 19 Hiến pháp năm 1959, Điều 27 Hiến pháp năm 1980, Điều 58 Hiến pháp năm 1992, đặc biệt, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một cách cụ thể và rõ ràng hơn: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Thể chế hóa quy định Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định chi tiết về thừa kế tại Phần thứ tư bao gồm 04 chương: Quy định chung, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản. Trong chương về quy định chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định cá nhân có quyền để lại di sản, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật và cả quyền từ chối nhận di sản. Kế thừa pháp luật các thời kỳ trước, Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối đó là nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản đối với người khác; việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và được thông báo đến những người liên quan đồng thời phải được thực hiện trong một thời hạn nhất định. Bên cạnh những nét tương đồng, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có những quy định khác biệt nhằm khắc phục các vướng mắc đã từng tồn tại, tuy nhiên, nhìn chung vẫn tiếp cận trên các phương diện mục đích, thủ tục và thời hạn từ chối nhận di sản.
1.2. Phân biệt từ chối nhận di sản và nhường quyền hưởng di sản
Trước đây, từng có thời kỳ pháp luật đã đồng nhất “từ chối nhận di sản” với “nhường quyền hưởng di sản”. Theo đó, việc người thừa kế nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế theo di chúc hoặc cho người thừa kế theo pháp luật cũng được coi là khước từ quyền hưởng di sản[2]. Tuy nhiên, vấn đề nhường quyền hưởng di sản đã không còn tồn tại trong quy định về từ chối nhận di sản trong các Bộ luật Dân sự ra đời sau đó. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không còn đề cập đến nội dung này nhưng trên thực tế nhường quyền hưởng di sản vẫn tồn tại và nhiều khi bị nhầm lẫn với từ chối nhận di sản do có nhiều điểm tương đồng. Mặc dù vậy, đây là hai vấn đề khác nhau và dẫn đến những hậu quả pháp lý cũng không giống nhau. Trong cùng một vụ án về tranh chấp phân chia di sản thừa kế có thể có cả từ chối nhận di sản và nhường quyền hưởng di sản, do vậy, cần phải phân biệt rõ ràng để làm cơ sở cho việc xác định quyền, nghĩa vụ của những người thừa kế.
Sự khác nhau cơ bản giữa từ chối nhận di sản và nhường quyền hưởng di sản thể hiện qua việc người thừa kế từ chối nhận di sản không mong muốn nhận di sản và cũng không quan tâm đến số phận pháp lý hay số phận thực tế của phần di sản mà đáng lẽ ra họ được hưởng. Di sản bị từ chối được chuyển giao cho những ai, bằng hình thức nào không liên quan đến người thừa kế đã từ chối nhận. Ngược lại, đối với nhường quyền hưởng di sản, người thừa kế không chỉ bày tỏ ý chí không nhận di sản mà đồng thời còn định hướng số phận của di sản mà họ từ chối. Việc định hướng đó được thể hiện qua việc người nhường quyền thừa kế chỉ định đích danh người được nhận di sản, quyết định tỷ lệ, giá trị di sản mà họ nhường cho người thừa kế khác.
Từ những khác biệt như đã phân tích giữa từ chối nhận di sản và nhường quyền hưởng di sản sẽ dẫn đến những khác biệt về hậu quả pháp lý. Cụ thể, khi người thừa kế từ chối nhận di sản tức là người thừa kế không xác lập quyền sở hữu đối với di sản nên phần di sản đó sẽ được phân chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế khác, khi đó, các quy định về hàng thừa kế, thừa kế thế vị sẽ được áp dụng. Đồng thời, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại cùng với đó nghĩa vụ tài sản của người quá cố cũng sẽ được chuyển giao theo tỷ lệ di sản mà các đồng thừa kế được nhận bổ sung. Ngược lại, đối với nhường quyền hưởng di sản có thể xem như người thừa kế đã nhận di sản và sau đó tặng cho lại người thừa kế khác theo sự chỉ định của người nhường quyền thừa kế nên không áp dụng các quy định chung về thừa kế theo pháp luật. Bởi vì đã chấp nhận hưởng di sản nên người nhường quyền hưởng di sản vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người quá cố để lại tương ứng với phần di sản mà họ được nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định nên việc nhường quyền nhận di sản được thực hiện theo sự cam kết hoặc thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án cũng chấp nhận việc nhường quyền thừa kế theo nguyện vọng của đương sự tại phiên tòa.
2. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về từ chối nhận di sản
2.1. Mục đích từ chối nhận di sản
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ về tài sản với người khác. Về nguyên tắc, người thừa kế có quyền tự do định đoạt việc nhận hay không nhận di sản do người quá cố để lại và việc không nhận di sản thừa kế có thể xuất phát từ bất kỳ lý do nào theo ý chí của người được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, quyền thừa kế là một quyền tài sản tức là quyền có thể trị giá được bằng tiền, do đó, việc từ chối nhận di sản không phải chỉ là vấn đề riêng của người thừa kế mà còn có khả năng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của những người thừa kế khác và những người có quyền mà người thừa kế từ chối nhận di sản là bên còn lại trong quan hệ nghĩa vụ. Nhìn chung, việc từ chối nhận di sản của một người thừa kế không đưa đến những bất lợi cho các đối tượng có khả năng được nhận thừa kế khác nhưng ngược lại, lại có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của các chủ thể có quyền. Chính vì vậy, hạn chế này là nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người có quyền mà người từ chối nhận di sản phải thực hiện các nghĩa vụ như trả nợ, bồi thường thiệt hại, đóng góp phí tổn nuôi con hoặc cấp dưỡng cho vợ, chồng sau khi li hôn..., vì nếu người từ chối nhận di sản không thực hiện các nghĩa vụ này khi đến hạn thì sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi cho người mang quyền. Do đó, pháp luật đặt ra giới hạn để buộc người thừa kế phải nhận di sản và thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên có quyền. Cần lưu ý thêm, thuật ngữ “nghĩa vụ tài sản của mình” được quy định trong điều luật này chỉ bao gồm các nghĩa vụ về tài sản của bản thân người thừa kế mà không bao gồm nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và chuyển cho người thừa kế[3].
2.2. Thủ tục từ chối nhận di sản
Người thừa kế phải minh thị ý chí của mình thông qua hình thức văn bản. Khi chấp nhận thừa kế, người thừa kế được thừa hưởng di sản do người chết để lại và chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của người chết chuyển giao trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng. Có thể nói, việc người thừa kế nhận di sản là việc nhận thêm một lợi ích mà không phải nhận thêm một gánh nặng do vậy là “bất thường” khi người thừa kế lại khước từ hưởng di sản. Vậy nên, để chắc chắn về quyết định của mình, pháp luật đòi hỏi người thừa kế phải khẳng định tuyên bố từ bỏ quyền hưởng di sản. Với mức độ tin cậy cao nhất, văn bản được quy định là hình thức bắt buộc của việc từ chối nhận di sản.
Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định việc từ chối nhận di sản phải lập thành văn bản và pháp luật về công chứng, chứng thực cũng không có bất kỳ quy định nào bắt buộc người từ chối nhận di sản phải thực hiện các thủ tục này. Cụ thể, Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản …”[4] và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng chỉ đề cập Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản[5]. Do đó, trong trường hợp việc từ chối nhận di sản đã được lập thành văn bản phù hợp với quy định pháp luật nhưng không công chứng hoặc chứng thực thì vẫn có giá trị pháp lý.
Sau khi lập văn bản từ chối nhận di sản, văn bản này được người thừa kế “gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết”. Trước đây, khoản 2 Điều 642 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người từ chối “phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”. Như vậy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi, theo đó, hình thức lập văn bản từ chối nhận di sản là quy định bắt buộc, còn việc thông báo không phải là điều kiện bắt buộc vì chỉ mang tính chất thông báo “để biết”. Ngoài ra, đối tượng được thông báo cũng có sự thay đổi, cụ thể đã loại bỏ việc thông báo cho cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế thay vào đó là thông báo đến người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.
2.3. Thời hạn từ chối nhận di sản
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản nhưng việc thực hiện quyền này phải diễn ra trước thời điểm di sản được phân chia. Mục đích của quy định là nhằm tạo điều kiện cho việc xác định đương sự khi giải quyết các nghĩa vụ tài sản do người quá cố để lại[6]. Điều này đã khắc phục được hạn chế trong quy định của pháp luật trước đây, cụ thể, thời hạn từ chối nhận di sản là quá ngắn, chỉ được thực hiện trong vòng sáu tháng, kể từ thời điểm mở thừa kế. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thay đổi theo hướng thời điểm kết thúc thời hạn từ chối nhận di sản là một thời điểm “động”, theo đó, Bộ luật cho phép các đồng thừa kế được thỏa thuận về thời điểm phân chia di sản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vụ việc, từng gia đình. Nếu việc phân chia di sản được bắt đầu càng muộn thì người thừa kế có nhiều thời gian để quyết định việc từ chối nhận di sản và ngược lại. Do đó, thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế có thể kéo dài lên đến 10 năm đối với di sản là động sản hoặc 30 năm đối với di sản là bất động sản trong trường hợp thời điểm phân chia di sản trùng với thời điểm kết thúc của thời hiệu yêu cầu phân chia di sản. Thậm chí, thời hạn từ chối nhận di sản còn có thể kéo dài hơn nữa trong trường hợp những người thừa kế đã thực hiện văn bản đồng thuận phân chia di sản và thỏa thuận sẽ tiến hành phân chia sau[7].
Tóm lại, pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của người thừa kế thông qua việc từ chối nhận di sản. Tuy nhiên, giao dịch này có thể gây ra ảnh hưởng nhất định trong việc thực hiện quyền thừa kế của những người thừa kế khác cũng như quyền lợi của các chủ thể có quyền mà người từ chối di sản đang có nghĩa vụ về tài sản với họ. Chính vì vậy, để việc khước từ di sản có hiệu lực pháp luật đòi hỏi người từ chối phải tuân thủ các quy định về mục đích, thời hạn, thủ tục từ chối di sản bên cạnh các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
3. Bất cập trong quy định về từ chối nhận di sản và kiến nghị hoàn thiện
3.1. Khả năng thay đổi quyết định của người thừa kế sau khi từ chối nhận di sản
Về nguyên tắc, sau khi người thừa kế từ chối nhận di sản thì họ không được nhận phần di sản mà đáng lẽ ra họ được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật và những người thừa kế khác có thể sẽ được gia tăng tỷ lệ phần di sản được hưởng. Vấn đề sẽ không có gì đáng bàn thêm nếu người thừa kế duy trì ý chí đó cho đến khi di sản được phân chia. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, sau một thời gian kể từ khi hoàn tất các thủ tục khước từ di sản, người thừa kế thay đổi quyết định và mong muốn được nhận lại phần di sản trước đó. Điều này gây ra nhiều tranh cãi về khả năng nhận lại di sản của người thừa kế đã từ chối.
Dưới góc độ văn bản pháp luật, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trước thời điểm phân chia di sản nhưng lại không cho biết người thừa kế có thể thay đổi quyết định đó hay không. Hiện nay, khi bàn về chủ đề này, trong khoa học pháp lý đang tồn tại các quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, văn bản từ chối nhận di sản không thể hủy bỏ hay nói cách khác người thừa kế không có quyền thay đổi quyết định sau khi từ chối nhận di sản vì khi đã lập văn bản từ chối thì phần thừa kế của người đó đã dịch chuyển sang cho những người thừa kế khác. Theo đó, việc từ chối nhận di sản của người thừa kế về bản chất là việc từ bỏ quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản là quyền thừa kế và khi đã từ bỏ quyền sở hữu thì chủ sở hữu đã chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản đó. Vì vậy, khi người thừa kế đã từ chối nhận di sản thì họ sẽ không còn bất kỳ quyền năng nào đối với quyền thừa kế đã từ bỏ. Điều này nhằm hướng đến ràng buộc trách nhiệm của người thừa kế trong việc từ chối nhận di sản, tránh việc thay đổi ý chí một cách tùy tiện[8].
Quan điểm thứ hai theo hướng người thừa kế vẫn có thể thay đổi quyết định sau khi từ chối nhận di sản nếu việc thay đổi này được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản[9]. Đây cũng là quan điểm của tác giả và quan điểm này được củng cố bởi các lý lẽ sau:
Một là, Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, ngoài ra không có nội dung nào thể hiện việc không cho phép người thừa kế được thay đổi quyết định của mình. Trên cơ sở tự do ý chí, tự do định đoạt, người thừa kế có thể làm mọi việc miễn sao việc đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể khác và việc đó cần phải được tôn trọng.
Hai là, cho đến trước khi di sản được phân chia, phần di sản bị từ chối vẫn thuộc khối di sản chung của tất cả những người thừa kế cho nên “nếu di sản thừa kế chưa chia thì không ai có quyền thực hiện hành vi liên quan đến số phận thực tế hay số phận pháp lý của di sản khi không được sự đồng thuận của tất cả những người thừa kế và người hưởng di sản khác”[10]. Việc người thừa kế thay đổi quyết định nhận lại di sản sau khi từ chối không gây bất cứ xáo trộn nào cũng như không gây ảnh hưởng gì đến việc xác lập quyền sở hữu riêng của những người thừa kế khác nếu thời điểm phân chia di sản chưa đến.
Ba là, bản chất của việc từ chối nhận di sản không phải là sự từ bỏ quyền sở hữu mà là sự từ chối xác lập quyền sở hữu (đây là điều quan trọng nhất). Bởi lẽ, Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 mặc dù quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” nhưng quy định này chỉ xác định từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có các “quyền” mà không quy định “di sản thuộc quyền sở hữu của người thừa kế”[11]. Thừa kế là cách thức chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho người thừa kế và người thừa kế có quyền nhận hoặc không nhận di sản. Trong trường hợp, người thừa kế từ chối nhận di sản thì không thể phát sinh bất cứ việc chuyển dịch nào, do đó, người thừa kế từ chối nhận di sản chưa xác lập quyền sở hữu nên không có việc từ bỏ quyền sở hữu. Hơn nữa, nếu cho rằng từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế chính thức trở thành chủ sở hữu mới của tài sản thì lại càng không hợp lý. Bởi vì, nếu di sản đã trở thành tài sản của người thừa kế thì người thừa kế không thể áp dụng quy định về từ chối nhận di sản mà phải áp dụng các quy định về sở hữu để giải quyết, cụ thể là quy định về từ bỏ quyền sở hữu tại Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015 và từ đó sẽ dẫn đến hậu quả hoàn toàn khác biệt so với từ chối nhận di sản.
Bên cạnh đó, đối với các văn bản từ chối nhận di sản đã công chứng, chứng thực, Luật Công chứng cũng không hạn chế việc thay đổi quyết định của người thừa kế. Cụ thể, khoản 1 Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó”. Từ chối nhận di sản thừa kế là giao dịch dân sự được xác lập dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương nên khi người từ chối thay đổi quyết định thì cũng không cần có sự đồng ý của những người thừa kế khác mà chỉ cần họ thể hiện ý chí hủy bỏ giao dịch mà họ đã xác lập trước đó. Do vậy, việc thay đổi quyết định của người từ chối nhận di sản cũng không làm phức tạp thêm trong vấn đề phân chia di sản.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này cho thấy, pháp luật dân sự của nhiều quốc gia cũng tán thành phương án cho phép người thừa kế được thay đổi ý chí sau khi đã thực hiện các thủ tục tuyên bố từ chối nhận di sản. Cụ thể, Điều 807 Bộ luật Dân sự Pháp quy định khi thời hiệu thực hiện quyền chấp nhận di sản vẫn chưa chấm dứt, người thừa kế có thể hủy bỏ quyết định từ chối nhận di sản bằng việc chấp nhận di sản thừa kế vô điều kiện, nếu như di sản đó vẫn chưa được người thừa kế khác chấp nhận hoặc chưa được Nhà nước chiếm hữu[12] hay Bộ luật Dân sự Québec (Canada) cũng ghi nhận tại Điều 649 với nội dung người thừa kế đã từ bỏ việc thừa kế vẫn có quyền nhận thừa kế trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày phát sinh quyền thừa kế với điều kiện việc thừa kế chưa được người khác chấp nhận[13].
Bên cạnh vấn đề thay đổi quyết định, các vấn đề về hình thức, thủ tục và thời hạn để thay đổi quyết định từ chối nhận di sản cũng cần được bàn đến. Theo quy định của pháp luật hiện hành, xuất phát từ việc khước từ di sản có thể tác động đến quyền lợi của những chủ thể khác nên việc từ chối nhận di sản phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Do vậy, để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể phát sinh, việc hủy bỏ quyết định từ chối nhận di sản cũng nên tuân thủ các điều kiện, quy trình của việc từ chối nhận di sản. Cụ thể, việc hủy bỏ quyết định từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, việc công chứng, chứng thực thực hiện tương tự như đối với văn bản từ chối nhận di sản; quyết định này được thông báo đến những người có liên quan đến di sản thừa kế bao gồm: Người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản; đồng thời, việc thay đổi quyết định từ chối nhận di sản chỉ được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Như vậy, thông qua các phân tích nêu trên, người thừa kế hoàn toàn có cơ sở trong việc thay đổi quyết định sau khi từ chối nhận di sản với điều kiện việc thay đổi được thực hiện trước thời điểm di sản được phân chia. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người thừa kế cũng như thống nhất trong cách hiểu và vận dụng pháp luật, tác giả kiến nghị Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần bổ sung quy định cho phép người người thừa kế được hủy bỏ quyết định từ chối nhận di sản với nội dung: “Người thừa có quyền hủy bỏ quyết định từ chối nhận di sản theo thủ tục và thời hạn tương tự việc từ chối nhận di sản”.
3.2. Thời điểm bắt đầu thời hạn từ chối nhận di sản
Trong một thời gian dài kể từ khi Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 ra đời và tiếp sau đó là các Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005, nhà làm luật luôn duy trì quan niệm quyền từ chối nhận di sản chỉ có thể được thực hiện trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau thời hạn này, người thừa kế bị mất quyền từ chối và phải chấp nhận hưởng di sản.
Thực tế cho thấy, theo thói quen của các gia đình Việt Nam, việc phân chia thừa kế rất ít khi được đặt ra ngay sau thời điểm mở thừa kế mà thường kéo dài lên đến ít nhất ba năm sau khi đã hết thời kỳ tang chế và sau đó những người thừa kế mới bắt đầu tính đến việc khai nhận di sản. Vấn đề đặt ra là, nhiều trường hợp sau nhiều năm kể từ khi người để lại di sản qua đời, người thừa kế kiên quyết không nhận di sản nhưng không thể thực hiện được do đã kết thúc thời hạn từ chối. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự khác biệt, theo đó, thời hạn thực hiện việc từ chối nhận di sản không còn bị giới hạn như trước. Thời điểm từ chối do người thừa kế quyết định nhưng phải thực hiện trước thời điểm di sản được phân chia. Quy định này đã khắc phục hạn chế của các Bộ luật Dân sự cũ, tuy nhiên, nó lại đặt ra vấn đề khác đó là chưa xác định thời điểm bắt đầu của thời hạn từ chối nhận di sản. Bởi lẽ, Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định “người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản” và “việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Việc Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ thời điểm người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản có thể dẫn đến các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Việc từ chối nhận diễn ra trước thời điểm mở thừa kế và đến trước thời điểm phân chia di sản người thừa kế “chưa” đáp ứng đủ các điều kiện từ chối. Trường hợp này do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nên việc từ chối nhận di sản không được công nhận và do vậy, họ vẫn được hưởng di sản. Nếu họ vẫn không muốn nhận di sản sau thời điểm phân chia thì có thể tặng cho hoặc từ bỏ quyền sở hữu để chuyển giao tài sản đó cho người khác, khi đó các quy định về quyền sở hữu sẽ được áp dụng.
Trường hợp 2: Việc từ chối nhận diễn ra trước thời điểm mở thừa kế và cho đến trước thời điểm phân chia di sản người thừa kế “đã” đáp ứng đầy đủ các điều kiện từ chối. Dưới góc độ văn bản pháp luật, sự thiếu vắng các quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn từ chối nhận di sản rất khó để kết luận người thừa kế không được bày tỏ ý chí của mình trong khi thời hạn từ chối chưa kết thúc, hơn nữa, về nguyên tắc, khi các điều kiện đã được thỏa mãn thì việc từ chối nhận di sản phải phát sinh hiệu lực. Dưới góc độ thực tiễn, nếu không công nhận việc từ chối nhận di sản trước thời điểm mở thừa kế và người thừa kế vẫn không muốn nhận di sản thì họ lại phải tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục như đã từng làm sau thời điểm mở thừa kế, điều này thực chất chỉ mang nặng tính hình thức.
Từ chối nhận di sản là quyền của người thừa kế và theo lẽ thông thường không ai có quyền từ chối những thứ mà mình chưa có. Người thừa kế là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật và Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”. Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “thời điểm mở thừa kế là thời điểm mà người có tài sản chết…” và Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Thông qua các quy định này cho thấy, tư cách của người thừa kế và quyền của người thừa chỉ có thể được phát sinh từ sau thời điểm người để lại tài sản qua đời. Điều này là hoàn toàn phù hợp với lý luận về ý nghĩa của việc xác định thời điểm mở thừa kế, theo đó, khi xác định được thời điểm mở thừa kế sẽ có thể “xác định người thừa kế có quyền hưởng di sản thì đồng thời có quyền từ chối quyền hưởng di sản kể từ thời điểm mở thừa kế cho đến trước khi phân chia di sản”[14]. Mặt khác, quy định về từ chối nhận di sản nói chung và thời hạn từ chối nhận di sản nói riêng của Bộ luật Dân sự năm 2015 là sự kế thừa có chọn lọc quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và các Bộ luật Dân sự đã từng tồn tại mà theo đó các văn bản này đều thống nhất cách thức xác định thời điểm bắt đầu thời hạn từ chối nhận di sản là “kể từ thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, có cơ sở để cho rằng, thời điểm người thừa kế phát sinh quyền từ chối nhận di sản là tại thời điểm mở thừa kế.
Trong thực tế, việc từ chối nhận di sản trước thời điểm mở thừa kế không chỉ đơn thuần là do người thừa kế không muốn nhận di sản của người chết hoặc không muốn thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại mà còn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác trong đó có trường hợp người từ chối nhận di sản trước đó đã được nhận một lợi ích nào đó từ người để lại di sản nên họ cam kết từ chối nhận di sản sau khi người để lại di sản qua đời. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu không xem trường hợp này là từ chối nhận di sản theo tinh thần Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 vì người từ chối nhận di sản sẽ được hưởng phần di sản mà họ đã từ chối. Điều này sẽ là không công bằng cho những người thừa kế khác vì người từ chối trước đó đã được nhận lợi ích tương tự như phần di sản thừa kế và bây giờ họ tiếp tục được nhận di sản mà đáng lẽ ra theo cam kết phần di sản này được chia cho những người thừa kế còn lại.
Theo quan điểm của tác giả, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, trường hợp này không nên xem là từ chối nhận di sản mà nên khai thác các quy định về giao dịch dân sự có điều kiện để giải quyết tranh chấp. Cụ thể, giao dịch tặng cho lợi ích là giao dịch có điều kiện, sẽ phát sinh hiệu lực khi người được nhận lợi ích “từ chối nhận di sản” hợp pháp. Bản chất của việc nhận lợi ích trong trường hợp này chính là việc nhận di sản trước thời hạn hay nói cách khác là việc nhận di sản khi người để lại di sản còn sống nên khi di sản được phân chia thì họ không có quyền nhận nữa. Hơn nữa, Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Theo quy định này, chỉ khi việc “từ chối nhận di sản” xảy ra tức là việc từ chối nhận di sản được công nhận hợp pháp thì người thừa kế mới được nhận lợi ích và ngược lại, nếu việc từ chối nhận di sản là không được công nhận, không có giá trị pháp lý thì phải xem như là điều kiện không xảy ra và giao dịch này bị vô hiệu. Do đó, người thừa kế đã nhận lợi ích phải hoàn trả lợi ích đã nhận, phần tài sản đó trở thành di sản của người chết và được chia theo pháp luật cho những người thừa kế, bao gồm cả người đã trả lại phần lợi ích.
Với quy định như hiện nay khi chỉ ghi nhận việc từ chối nhận di sản phải được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản nhưng không cho biết thời điểm bắt đầu thời hạn này đã làm phát sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi trong việc xác định giá trị pháp lý của nhiều trường hợp người thừa kế thể hiện ý chí từ chối nhận di sản trước khi người để lại di sản qua đời. Với các phân tích như trên cũng như so sánh, đối chiếu với các quy định đã từng tồn tại trong các Bộ luật Dân sự trước đây về cùng chủ đề, tác giả kiến nghị trong tương lai khi có điều kiện sửa đổi Bộ luật Dân sự, nhà làm luật nên cân nhắc điều chỉnh lại quy định về thời hạn từ chối nhận di sản theo hướng bổ sung thời điểm bắt đầu với nội dung: “Thời hạn từ chối nhận di sản bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế và kết thúc trước thời điểm phân chia di sản”./.
ThS. Lê Hoàng Nam
Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam
[1] Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Tư pháp và Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 754.
[2] Xem thêm: Điều 31 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Mục 8 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế.
[3] Đỗ Văn Đại (2019), Luật Thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 261.
[4] Điều 59 Luật Công chứng năm 2014.
[5] Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
[6] Phạm Văn Bằng (2014), “Những vấn đề đặt ra về chế định thừa kế khi sửa đổi Bộ luật Dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 05, tr. 34.
[7] Nguyễn Thị Anh Thư (2019), “Sự thay đổi về quyền từ chối nhận di sản trong quy định của pháp luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 4, tr. 45.
[8] Nguyễn Phương Thảo, Huỳnh Quang Thuận (2018), “Hoàn thiện quy định của pháp luật về quyền từ chối nhận di sản”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 37, tr. 94.
[9] Đỗ Văn Đại, Luật Thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, tr. 251.
[10] Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (đồng chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 940.
[11] Trước đây, Điều 30 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định rõ: “Tại thời điểm mở thừa kế, di sản thuộc quyền sở hữu của người thừa kế và từ đó họ có quyền lợi, nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại”. Tuy nhiên, quy định đã có sự thay đổi trong Bộ luật Dân sự năm 1995, năm 2005 và năm 2015.
[12] https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc/LEGIARTI000006431767?isSuggest=true, truy cập ngày 20/02/2024.
[13] https://www.legisquebec.gouv.qc.ca/fr/version/lc/CCQ-1991?code=se:649&historique=20240220#20240220,
truy cập ngày 20/02/2024.
[14] Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 427.