1. Đặt vấn đề
Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng và có giới hạn. Việc quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẽ đem tới những lợi thế cạnh tranh và tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng[1]. Xuất phát từ lý do này, ngay từ Hiến pháp và những văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đầu tiên, nhu cầu khai thác, thông tin, dữ liệu về đất đai đã sớm được manh nha và qua thời gian, tiếp tục được định hình thành những quy định cụ thể.
Quyền được khai thác thông tin đất đai của công dân là một trong những thành tố quan trọng của quyền tiếp cận thông tin - quyền được quy định trong Hiến pháp năm 2013 hay Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tuy nhiên, với hành lang pháp lý còn thiếu thống nhất, thiếu cụ thể, đặc biệt là những khoảng trống trong quy định của Luật Đất đai năm 2013 cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, quyền tiếp cận, khai thác thông tin đất đai còn chưa được bảo đảm.
Cho đến nay, hệ thống khung chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đã liên tục được hoàn thiện với việc ban hành Luật Đất đai các năm 1987, 1993, 2003, 2013 và được quốc tế công nhận là tương đối đầy đủ và hợp lý[2]. So với các văn bản cũ, các quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã có những bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận quyền của người sử dụng đất nói chung, nhu cầu khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai nói riêng. Tuy nhiên, năng lực thực thi chính sách pháp luật của ngành quản lý đất đai vẫn tiếp tục là hạn chế cơ bản, khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn, đặc biệt, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước[3].
2. Quy định của pháp luật hiện hành về quyền khai thác thông tin đất đai của người dân
Khoản 3 Điều 122 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu đất đai được khai thác, sử dụng qua cổng thông tin đất đai ở trung ương, địa phương và phải nộp phí; khi thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu đất đai phải thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai (Thông tư 34/2014/TT-BTNMT), Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT ngày 31/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Thông tư 24/2019/TT-BTNMT) quy định, các hình thức khai thác thông tin đất đai bao gồm: (i) Khai thác thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS; (ii) Khai thác thông tin đất đai thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản tại cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai.
2.1. Khai thác thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT, việc khai thác thông tin đất đai thông qua hình thức này có một số điểm lưu ý:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai. Khoản 22 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hệ thống thông tin đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin đất đai. Khoản 23 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định, cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. Bàn về hệ thống thông tin đất đai, có quan điểm cho rằng, “hệ thống thông tin đất đai là công cụ quản lý tới từng thửa đất, từng chủ sử dụng, quản lý cả các quá trình chuyển đổi đất đai, kiểm tra đất đai, theo dõi quá trình quản lý và sử dụng đất. Hệ thống thông tin đất đai là công cụ để quản lý thống nhất hệ thống các dữ liệu về hồ sơ địa chính, các thông tin về tài nguyên đất và cung cấp các thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế của các ngành, các địa phương và các đối tượng sử dụng đất”[4].
Thứ hai, khoản 2, khoản 3 Điều 12 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT quy định, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết. Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Về thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:
Thứ ba, tổ chức, cá nhân được cấp quyền truy cập có trách nhiệm:
- Truy cập đúng địa chỉ, mã khóa; không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp;
- Khai thác dữ liệu trong phạm vi được cấp, sử dụng dữ liệu đúng mục đích, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu đất đai;
- Quản lý nội dung các dữ liệu đã khai thác, không được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp đã được thỏa thuận, cho phép bằng văn bản của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
- Không được thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu; không được tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống thông tin đất đai; thông báo kịp thời cho cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.
Thứ tư, nhằm bảo đảm việc thực thi hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin về đất đai, cũng như bảo đảm việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về khai thác thông tin đất đai, pháp luật hiện hành xây dựng hệ thống quy định khá rõ ràng về trách nhiệm đối ứng của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, cơ quan quản lý đất đai phải tuân thủ các quy định sau:
- Bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập thuận tiện; có công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng và cho kết quả đúng nội dung cần tìm kiếm;
- Bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến;
- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân truy cập hệ thống thông tin đất đai;
- Bảo đảm tính chính xác, thống nhất về nội dung, cập nhật thường xuyên và kịp thời của dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai;
- Quy định rõ thời hạn tồn tại trực tuyến của từng loại thông tin;
- Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2.2. Khai thác thông tin đất đai thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản tại cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai
Căn cứ các quy định tại khoản 2 Điều 9 và Điều 11 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT, việc khai thác thông tin đất đai thông qua hình thức này được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Một là, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT.
Hai là, tương tự như hình thức yêu cầu cung cấp thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS, việc tiếp nhận, xử lý thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai trong trường hợp này cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT.
Ba là, mặc dù pháp luật ghi nhận quyền của người dân trong việc khai thác dữ liệu đất đai, tuy nhiên, nhu cầu này không mang tính tuyệt đối mà bị giới hạn trong một số trường hợp nhất định: Nếu thuộc những trường hợp quy định tại Điều 13 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT, cơ quan có thẩm quyền sẽ không cung cấp dữ liệu đất đai.
Theo quan điểm của tác giả, điều khoản giới hạn quyền của người sử dụng đất thông qua các trường hợp ngoại lệ như trên góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn thông tin trong quá trình cung cấp, khai thác, sử dụng , hệ thống thông tin về đất đai, tránh trường hợp một số chủ thể lợi dụng việc khai thác để thực hiện các hành vi bất hợp pháp.
Như vậy, mặc dù không được quy định thành một điều khoản cụ thể trong hệ thống các quy định về quyền của người sử dụng đất, song căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan cho thấy, quyền khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những phạm trù quan trọng nhất của quyền tiếp cận thông tin về đất đai của công dân. Do đó, đòi hỏi hành lang pháp lý cần được xây dựng đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, vừa có các quy định là nguyên tắc, định hướng, vừa có hệ thống điều khoản ghi nhận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của công dân khi khai thác thông tin đất đai. Song song với đó, yếu tố không thể thiếu đó là tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể đối ứng, điển hình là các cơ quan quản lý đất đai.
Xét trên bình diện lý luận, pháp lý, cũng như thực tiễn, có thể thấy rằng, việc ghi nhận quyền được khai thác hệ thống thông tin về đất đai của người dân đã mang lại những vai trò đáng kể. Đối với chủ thể quyền sử dụng đất, việc thừa nhận bằng các quy định tương đối rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật đã giúp người dân nắm bắt thông tin đất đai một cách kịp thời, hiệu quả, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như an toàn pháp lý khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, bên cạnh đó, còn góp phần đáng kể vào hạn chế các xung đột về đất đai. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, nội dung này đã tạo cơ sở cho công tác quản lý, thanh tra, giám sát, điều phối đất đai của các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương được vận hành một cách minh bạch, khoa học, hiệu quả.
3. Thực tiễn thực hiện quy định về quyền khai thác thông tin đất đai, bất cập và một số kiến nghị hoàn thiện
Sau gần 10 năm đi vào thực tiễn, những đóng góp quan trọng mà Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều chế định còn rất chung chung, thiếu tính thống nhất, vô hình trung làm cho việc triển khai, áp dụng trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
3.1. Về các hình thức khai thác thông tin đất đai
Một là, tại mục 5 Mẫu số 01/PYC kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT có nội dung: “Mục đích sử dụng dữ liệu” nhưng lại không có hướng dẫn rõ ràng về nội dung này. Trong khi đó, khoản 3 Điều 13 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT quy định, một trong những trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cung cấp dữ liệu đất đai là “Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nội dung này sẽ được nhận diện, đánh giá dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn nào? Việc người yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai chỉ cần điền thông tin không trái với quy định pháp luật có đương nhiên được xem là phù hợp với quy định của pháp luật để được cung cấp thông tin theo yêu cầu? Có cần thiết phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh mục đích sử dụng dữ liệu là không trái với quy định của pháp luật hay không? Bên cạnh đó, tiêu chí không cung cấp cho bất kỳ bên thứ ba nào khác có loại trừ các trường hợp được quy định trong pháp luật chuyên ngành khác hay không? Chẳng hạn, cung cấp cho Tòa án, Viện kiểm sát, hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ việc giải quyết vụ việc thì có bị xem là vi phạm hay không?
Mặt khác, việc đánh giá về tính không phù hợp với quy định của pháp luật như quy định hiện hành chủ yếu mang tính chủ quan từ phía cơ quan có thẩm quyền giải quyết, như có hành vi vi phạm quy định về mục đích sử dụng cơ sở dữ liệu nhưng làm sao để có thể chứng minh, ví dụ như người dân đưa ra mục đích là để bảo đảm việc thực hiện các giao dịch về đất như chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho… hợp pháp, tuy nhiên, thực tế giao dịch này không diễn ra vì lý do khách quan hoặc ngay cả chủ quan là các bên không có sự đồng thuận về mặt ý chí.
Hai là, cũng tại Mẫu số 01/PYC nêu trên, ở phần chữ ký người yêu cầu, biểu mẫu đòi hỏi người yêu cầu phải ký, ghi rõ họ tên. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT quy định: “Phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu” là trường hợp bị từ chối cung cấp dữ liệu. Như vậy, đối với trường hợp các chủ thể bị mù chữ hoặc vì một số khuyết tật mà không thể ký, ghi rõ họ tên thì phải xử lý như thế nào? Tham khảo quy định tại các quốc gia có thể thấy rằng, “phần lớn các luật đều quy định cụ thể về việc hỗ trợ cho những người có đơn yêu cầu, ví dụ như khi người yêu cầu gặp khó khăn trong việc mô tả thông tin đầy đủ thông tin cần tìm hoặc họ không thể tự viết đơn yêu cầu do mù chữ hay tàn tật. Ở Ấn Độ, luật còn quy định hỗ trợ người tàn tật tiếp cận các thông tin đã được công khai. Mức độ hỗ trợ có khác nhau song nhiều luật quy định một cách đơn giản là hỗ trợ “một cách hợp lý””[5].
Vì vậy, nhằm bảo đảm sự công bằng hơn với mọi chủ thể có đầy đủ năng lực dân sự, tác giả đề xuất, khoản 2 Điều 13 và mục chữ ký người yêu cầu trong Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT cần bổ sung “điểm chỉ”.
3.2. Về tính thống nhất của các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý, số hóa, cung cấp thông tin đất đai
Một là, một trong những nguyên nhân chính gây ra bất cập, khó khăn trong việc khai thác thông tin đất đai là khả năng thực thi và hệ thống công cụ công nghệ để hỗ trợ, vận hành còn khá hạn chế. Trong xã hội ngày càng phát triển, thời đại mà khoa học công nghệ đang có những bước tiến như vũ bão thì có lẽ việc nỗ lực hoàn thiện các phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai là một trong những nội dung tối quan trọng. Điều này được lý giải bởi “Hệ thống thông tin đất đai (Land Information System - LIS) là hệ thống thống tin cung cấp các thông tin về đất đai. Nó là cơ sở cho việc ra quyết định liên quan đến việc đầu tư, phát triển, quản lý và sử dụng đất đai[6]. Hệ thống thông tin đất đai là công cụ hiện đại được xây dựng dựa trên những giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến, nhằm trợ giúp và đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho công tác quản lý nhà nước các cấp về đất đai. Nó có tính đa mục đích, phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng khác nhau về thông tin đất đai của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và cộng đồng xã hội[7].
Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ sẽ tạo ra những kênh trung gian hữu hiệu để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương dễ dàng quản lý, vận hành, phối hợp, điều phối là phương tiện tối ưu để mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả các thông tin về đất đai bất cứ khi nào. Đồng thời, cũng là công cụ pháp lý quan trọng góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu của một phận cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, hiện nay, khoản 2 Điều 15 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT quy định: “Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính”. Tuy nhiên, hiện nay, thực tiễn thi hành quy định này đã cho thấy tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, sự bất nhất trong việc lưu trữ, cung cấp thông tin của các cơ quan có vai trò chính trong quản lý đất đai, sự thiếu thống nhất trong quản lý, giải quyết giữa các địa phương, điều này gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, việc thiếu minh bạch, khách quan về thông tin đất đai là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, đặc biệt đối với những nơi được xem là “vùng trũng pháp lý về đất đai” - khu vực mà tình hình đất đai chưa được rõ ràng về tình trạng pháp lý, đất đai thuộc các dự án treo; chưa được cấp giấy tờ pháp lý, làm phát sinh nhiều giao dịch ngầm, là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, giám sát, thanh tra… của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng công chứng, Cơ quan cảnh sát điều tra, Tòa án… đã vô hình trung gây ra những bất lợi một bộ phận người dân, tạo ra những tranh chấp không đáng có. Điều này đòi hỏi cần thiết phải có sự đồng bộ, thống nhất hệ thống thông tin, dữ liệu về đất đai.
Đánh giá trên bình diện thực tiễn, không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan quản lý đất đai khi triển khai thực hiện những đề án của Chính phủ trong thời gian vừa qua, góp phần hình thành nên LIS vừa đáp ứng nhu cầu quản lý, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác thông tin của con người. “LIS được coi như một giải pháp kỹ thuật nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai theo xu hướng tin học hóa để quản trị đất đai. Đây là sự phát triển tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, không chỉ giúp cho quản lý chính xác hơn, mà còn tạo nhiều hiệu quả mới trong quản lý do có sự trợ giúp của LIS”[8]. Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa quy định trên, Thông tư số 34/2014/TT-BTNM là văn bản điều chỉnh khá chi tiết về việc xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, văn bản này điều chỉnh các khía cạnh như việc xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai; điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn về xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành những quy định này vẫn còn tạo ra những bất cập. Do vậy, tác giả đề xuất, cần sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay - thời đại của nền kinh tế số, công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu được tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin của người dân ngày càng cao; kéo theo đó là công tác quản lý, thanh tra, giám sát, điều phối của các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cũng đặt ra những yêu cầu nhất định đối với việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai áp dụng, vận hành thống nhất hệ thống quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Không quá khi nói rằng “Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan[9]”
Thứ hai, không thể phủ nhận những điểm sáng đáng kể trong các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như các kế hoạch thí điểm, chiến lược ngắn hạn, dài hạn mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra liên quan đến việc ghi nhận các quyền của người dân trong quá trình sử dụng, khai thác các thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất của mình hay các thông tin được công khai, không thuộc bí mật nhà nước bởi lẽ “quy định ghi nhận quyền là các quy định cần thiết đầu tiên, có tầm quan trọng đặc biệt, xác định được cho công dân rằng họ có quyền tiếp cận thông tin về đất đai[10]”. Tuy nhiên, hệ thống quy định hiện hành vẫn còn thiếu những quy định bảo đảm cho quyền này được thực hiện, thực thi trên thực tế, bên cạnh đó là cơ chế pháp lý để xử lý khi quyền của người dân bị xâm phạm. Tức là, mặc dù pháp luật đã có những quy định về hình thức, cách thức, thời hạn thực hiện nhưng lại thiếu những biện pháp chế tài trong trường hợp chủ thể có thẩm quyền không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn pháp luật quy định.
Không chỉ người dân, thực trạng bất cập liên quan đến việc khai thác, sử dụng các dữ liệu đất đai cũng ảnh hưởng đến công tác giải quyết tranh chấp về đất đai tại Tòa án. Theo đó, một số vụ án dân sự, hành chính, hình sự có liên quan đến nguồn gốc đất đai, quá trình xác lập, thực hiện các giao dịch bị kéo dài thời hạn giải quyết hoặc tạm đình chỉ giải quyết do phải chờ cơ quan chuyên môn cung cấp tài liệu, chứng cứ. Điểm đáng lưu ý là, trong các công văn yêu cầu, Tòa án đều quy định rõ thời hạn phải có nghĩa vụ cung cấp, trường hợp không cung cấp được phải nêu rõ lý do nhưng qua nhiều lần có văn bản đề nghị, Tòa án cũng chỉ nhận được là sự “im lặng”. Việc chậm trễ, thiếu thiện chí này làm cho vụ án bị trì hoãn, kéo dài, thậm chí đã quá thời hạn giải quyết vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.
Từ thực tiễn nêu trên, tác giả đề xuất cần quy định chế tài đối với trường hợp chủ thể có thẩm quyền quản lý dữ liệu đất đai nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không đúng hạn theo yêu cầu của người dân mà không có lý do chính đáng. Theo đó, nhằm bảo đảm quyền của công dân được thực thi trên thực tế, tác giả cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 và hệ thống văn bản hướng dẫn cần đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp cơ quan quản lý đất đai vi phạm.
Ngoài ra, trên cơ sở những bất cập trong thực tiễn hiện nay, tác giả đồng tình với ý kiến đề xuất của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Nam - Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Nguyễn Hoàng Long - Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, theo đó, cần thiết nên có Quy chế liên tịch giữa Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các cấp[11], trong đó, quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn ở địa phương, các cá nhân có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu về quản lý đất đai đối với đất tranh chấp khi có yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát, đương sự. Trong văn bản này, chú trọng các nội dung như: Nội dung và hình thức yêu cầu cung cấp của đương sự hoặc cơ quan tư pháp; thời hạn mà cơ quan đang quản lý dữ liệu đất đai phải cung cấp; phương thức cung cấp (thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, văn bản,…); trường hợp không cung cấp được thì phải phản hồi như thế nào; hành vi vi phạm cụ thể và các biện pháp chế tài xử lý tương ứng; trường hợp đã áp dụng biện pháp xử lý hành vi vi phạm mà chủ thể có nghĩa vụ vẫn vi phạm, không cung cấp thì cần có cơ chế xử lý như thế nào.
Phó Trưởng Phòng Pháp lý, Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
lam-sau-sac-hon-noi-ham-%E2%80%9Cnha-nuoc-thong-nhat-quan-ly-dat-dai%E2%80%9D-thong-qua-doi-moi-
to-chuc-bo-may-dia-chinh-va-toi-uu-hoa-quan-ly%2C-khai-thac%2C-su-dung-du-lieu%2C-thong-tin-ve-dat-dai-gan-voi-chuyen-doi-so.aspx, truy cập ngày 15/02/2022.
quan-ly-khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-dat-2708.html, truy cập ngày 28/02/2022.
[6] “The Effectiveness of Land Information System”, https://www.habitat.org/lac-en/newsroom/2018/effectiveness-land-information-system, truy cập ngày 03/02/2022.
1%BB%B1%20tr%E1%BB%A3%20gi%C3%BAp%20c%E1%BB%A7a%20LIS, truy cập ngày 27/02/2022.