Tóm tắt: Bài viết đề cập khái niệm, đặc điểm, vai trò, thực tiễn sử dụng chứng cứ gián tiếp trong tố tụng hình sự, đồng thời, đưa ra một số nhận xét, kiến nghị nhằm nâng cao vai trò, bảo đảm tính pháp lý trong việc sử dụng chứng cứ gián tiếp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Abstract: The article discusses the concept, characteristics, role and practice of using indirect evidence in criminal proceedings, and at the same time, makes some comments and recommendations to improve the role and ensure legality in the use of indirect evidence in the settlement of criminal cases.
1. Dẫn nhập
Trong lĩnh vực khoa học pháp lý, dựa trên cơ sở mối liên hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh, khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam phân biệt chứng cứ thành hai loại gồm chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp. Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng cần chứng minh, giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thấy ngay được sự kiện xảy ra có phải là sự kiện phạm tội hay không, ai là người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yếu tố nhân thân cũng như những tình tiết có ý nghĩa khác trong việc giải quyết vụ án.
Bên cạnh chứng cứ trực tiếp, khoa học luật tố tụng hình sự còn xác định: Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không tự nó làm rõ được ngay tình tiết nào đó của đối tượng chứng minh (người phạm tội, hành vi phạm tội…) nhưng khi kết hợp với các chứng cứ khác thì xác định được tình tiết nào đó của đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp chỉ xác định sự kiện chứng minh, không chỉ rõ hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa trong giải quyết vụ án.
Những sự kiện do chứng cứ gián tiếp xác định không trực tiếp làm rõ ngay vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như chứng cứ trực tiếp. Chứng cứ gián tiếp thường tản mạn, ít rõ ràng hơn chứng cứ trực tiếp và quá trình suy luận liên quan đến nó cũng tương đối khó tiếp cận, là loại chứng cứ không thể sử dụng đơn lẻ để chứng minh một sự thật mà cần phải kết hợp với các chứng cứ phạm tội khác để chứng minh các tình tiết chính của vụ án. Có thể nói, chứng cứ gián tiếp có bản chất của suy luận nhân tạo, được sử dụng để chứng minh sự kiện cần lãm rõ bằng cách thông qua quá trình suy luận của con người. Khi đánh giá chứng cứ gián tiếp phải thông qua hai bước:
Thứ nhất, phải xem xét chứng cứ đó có thỏa mãn ba thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp hay không.
Thứ hai, đánh giá sự kiện mà chứng cứ đó được xác định trong mối quan hệ với các chứng cứ khác thông qua quá trình suy luận lôgíc. Điều kiện tiên quyết để chứng cứ gián tiếp có tác dụng chứng minh là quá trình suy luận của người sử dụng chứng cứ đó, tức là suy ra một sự việc khác (tình tiết cần chứng minh) dựa trên sự xâu chuỗi, kết hợp của những chứng cứ gián tiếp đã biết.
2. Đặc điểm của chứng cứ gián tiếp
Một là, tính đa dạng của chứng cứ gián tiếp: Chứng cứ gián tiếp có thể được thể hiện dưới dạng lời nói, vật chất hoặc văn bản. Ví dụ, trong một vụ án giết người thì các chứng cứ lời khai, vết máu, công cụ phạm tội... đều có thể được sử dụng làm chứng cứ gián tiếp. Chứng cứ gián tiếp dạng văn bản là bất kỳ loại tài liệu mang thông tin có liên quan và có giá trị chứng minh cho tình tiết trong vụ án (như bản hợp đồng, giấy khai sinh, khai tử...). Chứng cứ gián tiếp dưới dạng vật chất, hay còn gọi là chứng cứ hiện vật được quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Trong thực tiễn tư pháp, biểu hiện của chứng cứ vật chất có thể chia thành các loại như: Dấu vết tại hiện trường vụ án, công cụ phạm tội, sản phẩm có được do hành vi phạm tội mà có (chẳng hạn như lô thuốc giả sản xuất trong vụ án sản xuất trái phép thuốc giả, tiền thu được trong vụ án đánh bạc…), đối tượng bị xâm phạm. Về chứng cứ gián tiếp dạng lời nói: Các học giả và nhà làm luật về cơ bản có cùng quan điểm cho rằng, có thể được chia thành bốn loại cơ bản, đó là: Lời khai của bị can, bị cáo, lời khai của bị hại, lời khai của người làm chứng và ý kiến thẩm định của chuyên gia. Phân loại này cũng thể hiện rõ trong các điều 91, 92, 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hai là, tính phụ thuộc của chứng cứ gián tiếp: Chứng cứ gián tiếp có đặc điểm là phụ thuộc lẫn nhau, mọi chứng cứ gián tiếp chỉ có thể chứng minh một dữ kiện nào đó của vụ án hoặc một số tình tiết riêng lẻ từ một khía cạnh nhất định chứ không thể trực tiếp chứng minh những tình tiết chính của vụ án.
Ba là, tính liên hệ gián tiếp của chứng cứ gián tiếp: Mối liên hệ gián tiếp được xác định rằng, việc sử dụng chứng cứ gián tiếp phải được hoàn thành thông qua suy luận. Các tình tiết gián tiếp phản ánh trong bản thân chứng cứ gián tiếp thu thập được là khác xa với các tình tiết chính của vụ án. Chỉ khi người sử dụng chứng cứ gián tiếp biết vận dụng suy luận một cách khoa học, chặt chẽ nhất thì chứng cứ gián tiếp mới có giá trị xác minh tính xác thực của các sự kiện chính trong vụ án.
3. Vai trò của chứng cứ gián tiếp
Thứ nhất, xác nhận lẫn nhau trong hệ thống chứng cứ.
Xác nhận lẫn nhau là việc hai hoặc nhiều chứng cứ có ít nhất một điểm chung và hướng đến cùng một tình tiết, lúc này giữa chúng phát sinh mối quan hệ tương hỗ, xác nhận cho nhau nhằm củng cố giá trị chứng minh cho toàn bộ chuỗi chứng cứ.
Trong các vụ án hình sự phức tạp, chỉ cần sơ suất là có thể gây ra các sai phạm dẫn đến án oan, sai gây ra các tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người dân. Nhìn lại lịch sử tư pháp, có thể kể đến một vài trường hợp điển hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang), vụ Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận), vụ Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang)... Vì vậy, để tránh xảy ra những vụ án oan, sai tương tự, chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc chứng minh trong quá trình điều tra, xét xử. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong tố tụng hình sự, tất cả các tình tiết của vụ án không bắt buộc phải xác nhận lẫn nhau mà chỉ xác nhận những tình tiết chính của vụ án nhằm phục vụ cho mục đích chứng minh sự thật cuối cùng trong một vụ án.
Thứ hai, bổ sung của chứng cứ gián tiếp.
Trong thực tế, có một số trường hợp mà chỉ chứng cứ trực tiếp thôi không đủ để chứng minh sự thật của vụ án, lúc này, chứng cứ gián tiếp là cần thiết để bổ sung nhằm thể hiện đầy đủ, rõ ràng hơn mối quan hệ nội hàm, nhân quả, từ đó phục vụ cho mục đích tìm ra sự thật trong vụ án.
Một chứng cứ trực tiếp duy nhất có thể giải thích các sự kiện chính trong vụ án nhưng nó không đủ để làm rõ mức độ hậu quả của hành vi đó. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình xác định tội danh, cũng như lượng khung, lượng hình trong quá trình thực hành quyền công tố của các cơ quan tố tụng. Việc thu thập, vận dụng chứng cứ gián tiếp lúc này có ý nghĩa bổ sung, củng cố cho quá trình chứng minh sự thật trong vụ án được đầy đủ, hoàn thiện hơn.
Thứ ba, là cơ sở để đưa ra phán quyết độc lập.
Ở các nước phương Tây, “phán quyết độc lập” hay “tư pháp độc lập” chỉ việc Tòa án thực thi quyền quyết định, tuyên án một cách độc lập mà không bị chỉ đạo hay giám sát trực tiếp. Sử dụng chứng cứ gián tiếp để đưa ra các phán quyết độc lập áp dụng đối với những trường hợp không có hoặc không thu thập được chứng cứ trực tiếp trong quá trình giải quyết vụ án, dựa trên nhóm chứng cứ gián tiếp đã có, sử dụng các phương pháp suy luận khoa học để đạt được tác dụng trong việc chứng minh các tình tiết của vụ án. Ví dụ, tình huống hiện trường vụ án trong các vụ án cố ý giết người thường bị hung thủ phá hoại nghiêm trọng để che đậy hành vi của mình hoặc cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của điều tra viên sang các đối tượng khác. Hay trong một số vụ án lừa đảo kinh tế, các chứng cứ trực tiếp thậm chí còn ít hơn. Lúc này, chứng cứ gián tiếp sẽ giúp gợi ý manh mối, chỉ ra hướng điều tra, gia tăng khả năng thu thập chứng cứ trực tiếp, từ đó giúp Tòa án có cơ sở để đưa ra phán quyết độc lập.
Tiêu chuẩn áp dụng chứng cứ gián tiếp trong đưa ra phán quyết độc lập không ngừng thay đổi và phát triển cùng với sự tiến bộ của hệ thống pháp lý. Những thay đổi trong việc sử dụng chứng cứ gián tiếp trong tố tụng hình sự thể hiện vai trò ngày càng lớn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng của chứng cứ gián tiếp. Một số lượng lớn các vụ án oan, sai trong lịch sử xảy ra đến từ áp lực xã hội, áp lực từ cấp trên hoặc những hạn chế trong nghiệp vụ của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên. Một số trường hợp được kết luận một cách vội vàng, chủ quan, từ đó dẫn đến việc xảy ra các sai phạm trong tố tụng.
4. Thực tiễn sử dụng chứng cứ gián tiếp trong hoạt động tiến hành tố tụng hiện nay
Ở các nước châu Âu (như Pháp, Đức…), việc sử dụng chứng cứ gián tiếp vào việc đưa ra phán quyết độc lập trong hoạt động xét xử từ lâu đã được công nhận và áp dụng dưới khái niệm “án lệ”. Trong hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp hiện nay ở nước ta, án lệ vẫn là một chủ đề tồn tại nhiều tranh luận. Việc vận dụng chứng cứ gián tiếp trong hoạt động tố tụng hiện nay ở nước ta thể hiện hiệu quả nhất ở giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố.
Trong thực tiễn, chức năng bổ sung, chức năng xác nhận lẫn nhau của chứng cứ gián tiếp thường bị xem nhẹ và có rất ít trường hợp người có thẩm quyền sử dụng chứng cứ gián tiếp một cách độc lập để đưa ra các phán quyết cho một vụ án. Điều tra viên có xu hướng sử dụng chứng cứ trực tiếp hơn và việc hạn chế sử dụng chứng cứ gián tiếp có thể đến từ một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, quá tập trung vào mô thức chứng minh trong hoạt động tố tụng. Mô thức chứng minh có thể hiểu là để giải quyết một vụ án hình sự, mọi yếu tố chứng minh phải được xác nhận bằng các chứng cứ khác, nếu không sẽ không thể dùng làm chứng cứ và mất khả năng chứng minh trong vụ án. Tham khảo Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự Trung Quốc quy định: “Khi quyết định các vụ án, phải dựa trên chứng cứ, coi trọng quá trình điều tra, nghiên cứu; không được chỉ dựa vào lời khai. Bị cáo không thể bị coi là có tội và chịu hình phạt nếu chỉ có lời khai mà không có chứng cứ buộc tội; bị cáo có thể bị kết tội và chịu hình phạt nếu có đủ chứng cứ đáng tin cậy, cho dù không có lời khai của người này”. Trên thực tế, chứng cứ gián tiếp chỉ phản ánh một phần diễn biến của toàn bộ vụ án, nên khi không thể xác nhận khả năng chứng minh của phần chứng cứ này, thẩm phán thường xác định rằng nghi phạm không có tội với lý do không đủ căn cứ để buộc tội, hoặc sự việc phạm tội không được chứng minh. Ở một mức độ nào đó, điều này đã phản ánh sự tiến bộ của hệ thống tư pháp tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng với tình hình tội phạm ngày càng diễn biến tinh vi, thủ đoạn phức tạp và biết cách che dấu như hiện nay, tác giả cho rằng, sẽ không hiếm trường hợp “cá lọt lưới”.
Thứ hai, hiểu sai nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo nguyên tắc này, kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm không còn nghi ngờ hợp lý xung quanh hành vi bị nghi ngờ là phạm tội của nghi phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc này đang bị hiểu lầm thành loại bỏ mọi nghi ngờ hợp lý, từ đó bỏ qua việc thu thập các chứng cứ gián tiếp có khả năng chứng minh trong vụ án.
Thứ ba, lực lượng tiến hành tố tụng phụ thuộc quá nhiều vào lời thú tội trong công tác giải quyết vụ án mà bỏ qua chứng cứ gián tiếp. Lời thú tội là một dạng chứng cứ trực tiếp, ưu điểm là nó phản ánh trực tiếp những tình tiết chính của vụ án một cách trực quan, rõ ràng. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào lời thú tội có thể dẫn đến việc điều tra viên bức cung, ép cung, dùng nhục hình để thu thập lời nhận tội từ nghi phạm. So sánh với chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp thường dễ dàng bị bỏ quên, vai trò bị hạn chế khiến cho trong thực tế có rất ít trường hợp chứng cứ gián tiếp được sử dụng độc lập làm cơ sở cho các phán quyết.
5. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm tính pháp lý và hiệu quả sử dụng chứng cứ gián tiếp phục vụ giải quyết các vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay
Một là, tăng cường nhận thức về vai trò của chứng cứ gián tiếp trong giải quyết các vụ án hình sự.
Lực lượng thực thi pháp luật cụ thể là điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ Tòa án cần không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò của chứng cứ gián tiếp và phát huy được giá trị của việc vận dụng chứng cứ gián tiếp trong công tác nghiệp vụ, hướng đến thừa nhận và áp dụng rộng rãi hơn nữa chứng cứ gián tiếp vào hoạt động điều tra, chứng minh tội phạm. Thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, nước có hệ thống pháp luật tương đồng với Việt Nam để tiến đến xây dựng, hoàn thiện và cải cách nền tư pháp nước nhà.
Hai là, thay đổi tư duy tìm kiếm sự thật của lực lượng tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự.
Đối với những vụ án hình sự không dễ thu thập chứng cứ trực tiếp, cơ quan tố tụng nên mạnh dạn sử dụng chứng cứ gián tiếp kết hợp với quá trình suy luận hợp lý, để từ đó tìm ra được “tình tiết chính của vụ án”. Quá trình điều tra cần tránh rơi vào tình trạng coi trọng quá mức mô thức chứng minh, từ đó ảnh hưởng đến phán đoán toàn diện. Đồng thời, trong những trường hợp có chứng cứ trực tiếp, chúng ta cũng phải chú ý đến vai trò bổ sung của chứng cứ gián tiếp để làm cho bản chất toàn bộ vụ án được gợi mở rõ ràng hơn, đồng thời góp phần xác định hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra.
Ba là, tôn trọng quyền im lặng của người bị buộc tội trong quy trình tố tụng hình sự.
Ở Việt Nam, quyền im lặng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, trong quá trình tham gia tố tụng, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, yếu tố không bị ép buộc hay còn gọi là tính tự nguyện là yếu tố cơ bản nhất của quyền im lặng. Tuy nhiên, căn cứ nội dung luật định, người bị buộc tội vẫn phải tham gia trong các cuộc thẩm vấn và không thể giữ im lặng suốt thời gian này, đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoàn toàn không có điều khoản nào đề cập đến tính tự nguyện và mức độ chất lượng của sự tự nguyện trong đánh giá lời khai của người bị buộc tội. Trong thực tế, một số cán bộ điều tra chưa tuân theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự, sử dụng biện pháp chưa phù hợp với quy định của pháp luật để khai thác chứng cứ từ lời khai của người bị buộc tội. Nhìn lại lịch sử nền tư pháp nước ta, hầu hết các vụ án oan, án sai một phần đến từ lời khai nhận hành vi phạm tội của đối tượng.
Việc tôn trọng quyền im lặng của người bị buộc tội, chuyển sự chú ý nhiều hơn đến chứng cứ gián tiếp và mở rộng không gian áp dụng cho các phán quyết độc lập của chứng cứ gián tiếp sẽ giúp điều tra viên, kiểm sát viên thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào lời nhận tội của đối tượng. Ngoài ra, luật sư cũng đóng vai trò rất quan trọng, họ cần sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình để can thiệp vào quá trình điều tra nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các bên. Mặc dù, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: Người bị nghi ngờ phạm tội có thể thuê luật sư khi bị thẩm vấn lần đầu tiên, nhưng luật sư không có nhiều quyền cơ bản tại thời điểm này. Tác giả cho rằng, luật sư có thể được trao nhiều quyền hơn, chẳng hạn như quyền có mặt và giám sát cơ quan điều tra khi xét hỏi tội phạm.
Bốn là, cần coi trọng hơn nữa suy luận lô gíc của lực lượng tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án hình sự.
Trong thực tiễn tố tụng, người làm công tác điều tra cần dựa trên cơ sở định lượng khi thu thập chứng cứ gián tiếp, từ đó, thông qua suy luận để loại trừ các tình tiết không liên quan và xác định mối quan hệ giữa các chứng cứ đã tìm được với nhau. Mục đích của việc xác định mối quan hệ chứng cứ là bảo đảm kết luận được rút ra gần với sự thật của vụ án nhất. Chứng cứ gián tiếp có những giới hạn của nó, vì thế, việc sử dụng chứng cứ gián tiếp đơn thuần là một hoạt động có xác suất, các kết luận rút ra không phải là tất yếu nhưng cũng không thể từ bỏ hoàn toàn giá trị của nó. Việc chúng ta cần làm là suy luận bám sát các nguyên tắc khoa học và logic, để bảo đảm rằng, các kết luận của quá trình suy luận càng đúng càng tốt.
Viện kiểm sát quân sự khu vực 71, Quân khu 7