1. Đặt vấn đề
Chỉ dẫn thương mại là tài sản trí tuệ và giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển của doanh nghiệp. Chỉ dẫn thương mại không chỉ phản ánh danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp mà còn tác động đến quyết định chi tiêu, mua sắm của khách hàng, người tiêu dùng thông qua việc hướng dẫn họ nhận biết, ghi nhớ về doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nội dung bảo vệ các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, vì mục đích lợi nhuận mà một số tổ chức, cá nhân đã có hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của các doanh nghiệp khác như hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp khác để gắn lên sản phẩm, dịch vụ của mình và đưa ra thị trường, bán cho khách hàng, người tiêu dùng... Đặc biệt, trên không gian mạng, việc xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp ngày một nhiều hơn, phổ biến hơn so với trên thực tế. Bởi lẽ, trên không gian mạng, các hành vi xâm phạm được thực hiện dễ dàng, khó kiểm soát, ít chi phí nhưng lại tác động được đến nhiều người vì ở đó không bị giới hạn địa lý và có nhiều đối tượng tham gia. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, mặt trận rất “nóng bỏng”, có lẽ phải đến 80 - 90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bởi bắt giữ ở ngoài thực tế đã khó, bắt giữ trên mạng còn khó hơn rất nhiều vì những đặc thù của internet. Hành vi vi phạm này không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp sở hữu chỉ dẫn thương mại, gây ra thiệt hại cho khách hàng, người tiêu dùng vì họ đã mua phải hàng hóa hay sử dụng dịch vụ không đúng mong muốn mà còn ảnh hưởng đến tính lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Do vậy, việc bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng là cần thiết và cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
2. Bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng theo quy định pháp luật Việt Nam
Chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ và gồm có nhiều đối tượng sở hữu khác nhau. Cũng như các tài sản trí tuệ khác, do có tính chất vô hình nên việc bảo vệ chỉ dẫn thương mại không thể thực hiện như đối với các tài sản vật chất thông thường. Việc bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp nhằm hướng tới bảo vệ các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại thuộc sở hữu của mình. Do vậy, dưới góc độ của khoa học pháp lý, bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng có thể hiểu dưới hai phương diện sau: (i) Theo phương diện khách quan: Bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng là tổng hợp các quy định của pháp luật công nhận chủ sở hữu chỉ dẫn thương mại được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại trên không gian mạng được pháp luật thừa nhận. (ii) Theo phương diện chủ quan: Bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng là những biện pháp cụ thể được áp dụng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm để ngăn ngừa, xử lý, buộc bồi thường và khôi phục lại các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại bị xâm phạm.
Do vậy, bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng gồm có các nội dung như: Xác định các đối tượng của chỉ dẫn thương mại; quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại; xâm phạm chỉ dẫn thương mại và các biện pháp xử lý.
2.1. Căn cứ xác định chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp
Trên bình diện chung, chỉ dẫn thương mại được quy định trong các điều ước quốc tế như: Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại năm 1994 (Hiệp định TRIPS)… và được thừa nhận rộng rãi ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, nước ta đã thừa nhận các quy định pháp luật quốc tế về quyền sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn thương mại thông qua việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế nêu trên. Hơn thế nữa, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định trong các công ước vào trong hệ thống pháp luật của nước ta. Ví dụ như: Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các bản Hiến pháp trước tiếp tục ghi nhận và mở rộng, nâng cao mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Điều 40, Điều 62. Nội dung này cũng được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Xuất bản…
Chỉ dẫn thương mại được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995 theo hình thức là các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như: Nhãn hiệu, tên gọi, xuất xứ hàng hóa (Chương II Phần thứ sáu), song trong Bộ luật Dân sự này chưa nêu ra định nghĩa hay khái niệm về chỉ dẫn thương mại. Cho đến năm 2000, khái niệm về chỉ dẫn thương mại mới được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Khái niệm về chỉ dẫn thương mại tiếp tục được hoàn thiện và được luật hóa thành quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019, 2022 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ). Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa (khoản 2 Điều 130).
Từ quy định pháp luật nêu trên cho thấy, chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp có nhiều đối tượng khác nhau và mục đích của các đối tượng này nhằm hướng dẫn thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp cho khách hàng, người tiêu dùng. Cấu tạo của chỉ dẫn thương mại gồm các dấu hiệu, thông tin nhưng không phải dấu hiệu nào, thông tin nào cũng có thể trở thành chỉ dẫn thương mại. Để được xác định là chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp, các dấu hiệu, thông tin phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Thứ nhất, dấu hiệu, thông tin đó phải nhằm mục đích hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Có nghĩa là, dấu hiệu, thông tin đó phải có tác dụng hướng dẫn khách hàng, người tiêu dùng nhận biết, ghi nhớ về doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất hoặc cung ứng, phân biệt được doanh nghiệp có dấu hiệu, thông tin đó với các chủ thể kinh doanh khác trên thị trường.
Thứ hai, dấu hiệu, thông tin đó phải được định hình dưới hình thức của các đối tượng như: Nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, kiểu dáng bao bì của hàng hóa và nhãn hàng hóa. Những dấu hiệu, thông tin của doanh nghiệp định hình dưới những hình thức khác như: Báo cáo, dự án, đề tài… không được xác định là chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp.
Thứ ba, các đối tượng là định hình của dấu hiệu, thông tin đó phải đáp ứng điều kiện về bảo hộ, theo đó, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải đăng ký bảo hộ, tên thương mại phải được sử dụng hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các đối tượng khác như: Biểu tượng kinh doanh, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, khẩu hiệu kinh doanh, nhãn hàng hóa được sử dụng một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
2.2. Các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại trên không gian mạng
Chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ và gồm có nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý). Mỗi chủ thể kinh doanh đều có quyền sở hữu chỉ dẫn thương mại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Pháp luật không có quy định riêng cho từng chủ thể kinh doanh về các quyền đối với chỉ dẫn thương mại mà quy định chung cho mọi chủ thể kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có các quyền đối với chỉ dẫn thương mại trên không gian mạng như sau (Điều 123, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ):
Một là, doanh nghiệp có quyền sử dụng chỉ dẫn thương mại trong các hoạt động kinh doanh như làm biển hiệu, gắn trên giấy tờ giao dịch, hàng hóa, dịch vụ, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ… Doanh nghiệp có quyền đưa các hình ảnh về hàng hóa, dịch vụ, các thông tin về doanh nghiệp chứa chỉ dẫn thương mại của mình trên các trang mạng xã hội, các trang web, thư điện tử… nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Hai là, cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trong các hoạt động của tổ chức, cá nhân đó, ngoại trừ tên thương mại và chỉ dẫn địa lý là các đối tượng doanh nghiệp không được cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng.
Ba là, doanh nghiệp được quyền sử dụng các đối tượng của chỉ dẫn thương mại để đăng ký, sử dụng tên miền trên internet nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bốn là, doanh nghiệp sở hữu chỉ dẫn thương mại có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân sử dụng trái pháp luật chỉ dẫn thương mại của mình. Doanh nghiệp có quyền thực hiện biện pháp tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp.
Năm là, doanh nghiệp có quyền định đoạt chỉ dẫn thương mại của mình thông qua các hoạt động chuyển giao chỉ dẫn thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được chuyển quyền sử dụng cũng như chuyển nhượng chỉ dẫn địa lý, chuyển quyền sử dụng tên thương mại. Doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng tên thương mại khi chuyển nhượng cùng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh gắn với tên thương mại của doanh nghiệp.
Sáu là, doanh nghiệp có quyền thực hiện biện pháp tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình trên không gian mạng. Các biện pháp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng gồm biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự và biện pháp kiểm soát hải quan.
2.3. Các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng
Hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp là những hành vi trái pháp luật, vi phạm các quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại, mục đích là làm giảm uy tín của doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh trên thị trường hoặc nhằm thu lời bất chính từ việc khách hàng, người tiêu dùng đã mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó do nhầm tưởng là hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có chỉ dẫn thương mại.
Theo quy định của pháp luật (Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ), các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại trên không gian mạng gồm:
Thứ nhất, hành vi sử dụng trái phép các đối tượng của chỉ dẫn thương mại như: Tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì, nhãn mác hàng hóa… thuộc quyền sở hữu, sử dụng của doanh nghiệp khác để gắn lên các trang mạng xã hội, trang web, thư điện tử… của mình nhằm gây nhầm lẫn cho khách hàng, người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ, xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có chỉ dẫn thương mại.
Thứ hai, hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của doanh nghiệp khác với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng để thu lời bất chính.
Thứ ba, hành vi thông tin, quảng bá trên các trang mạng xã hội, trang web của mình hàng hóa nhập khẩu mang chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp khác.
2.4. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng
Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng là những cách thức do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm mục đích răn đe, buộc bồi thường và khôi phục lại các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại đã bị xâm phạm.
Các đối tượng của chỉ dẫn thương mại khi bị xâm phạm sẽ gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp ở những mức độ khác nhau, ví dụ như: Việc xâm phạm nhãn hiệu sẽ gây ra mức độ thiệt hại hơn so với việc xâm phạm nhãn hàng hóa... Do vậy, pháp luật đã quy định một số biện pháp có thể áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp, đó là: Biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Thứ nhất, biện pháp tự bảo vệ.
Biện pháp tự bảo vệ là cách thức mà doanh nghiệp tự thực hiện nhằm xử lý các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình, xuất phát từ quyền tự bảo vệ của doanh nghiệp trước những hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình. Biện pháp tự bảo vệ thực hiện thành công sẽ làm giảm đi những bất đồng, mâu thuẫn và đỡ tốn kém về kinh tế hơn so với việc áp dụng các biện pháp khác.
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, biện pháp tự bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng gồm những nội dung sau (Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ):
- Doanh nghiệp có quyền áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại;
- Doanh nghiệp có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ, xóa nội dung vi phạm trên mạng viễn thông và mạng internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình; khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Doanh nghiệp có thể trực tiếp lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp nêu trên để tự bảo vệ chỉ dẫn thương mại của mình trên không gian mạng, hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này, doanh nghiệp không được làm trái quy định của pháp luật, vi phạm quyền của các tổ chức, cá nhân khác. Ví dụ như, khi yêu cầu tổ chức, cá nhân khác chấm dứt hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình, doanh nghiệp không được dùng ngôn từ hay hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay đe dọa tính mạng của các cá nhân đó…
Thứ hai, các biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Ngoài các biện pháp tự bảo vệ, pháp luật còn quy định về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp mà cơ quan nhà nước sẽ áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Ví dụ, theo điểm b khoản 15 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) và Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử (Nghị định số 126/2021/NĐ-CP), việc sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng tùy theo tích chất, mức độ vi phạm của hành vi đó…
Doanh nghiệp bị xâm phạm chỉ dẫn thương mại trên không gian mạng có quyền khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ và các điều 30, 31, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, yêu cầu bồi thường thiệt hại với mức bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 204, Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ. Hơn thế nữa, trong trường hợp hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp có yếu tố cấu thành tội phạm thì tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Ví dụ như: Theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (điểm d khoản 1)…
Bên cạnh đó, nếu phát hiện hàng hóa xuất, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm chỉ dẫn thương mại của mình, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đó. Tuy nhiên, để thực hiện yêu cầu tạm dừng hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền bảo đảm bằng 20% giá trị hàng hóa đó. Trong trường hợp, doanh nghiệp không nộp khoản tiền bảo đảm nêu trên thì phải có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác cho doanh nghiệp.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, pháp luật nước ta đã quy định chặt chẽ các nội dung về chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp, qua đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình đối với chỉ dẫn thương mại cũng như tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm. Tuy vậy, các văn bản quy phạm pháp luật về chỉ dẫn thương mại vẫn còn có quy định chưa phù hợp với thực tiễn, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại, cụ thể như sau:
Theo các quy định của pháp luật, việc bảo hộ biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa dựa trên việc “sử dụng rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam”. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn hay giải thích thêm về việc sử dụng những đối tượng trên như thế nào thì được xác định là “sử dụng rộng rãi, ổn định”?. Việc bảo hộ đối với các đối tượng này hoàn toàn dựa trên việc doanh nghiệp sử dụng các đối tượng đó trên thực tế mà không qua bất cứ thủ tục xác lập quyền nào. Do vậy, quy định pháp luật nêu trên cần được trình bày cụ thể, rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho việc thực hiện trên thực tế.
Chỉ dẫn thương mại là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định về việc xác lập quyền đối với chỉ dẫn thương mại và quy định riêng về các quyền của doanh nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại. Việc thiếu các quy định này sẽ gây ra khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp khi thực hiện các quyền của mình đối với chỉ dẫn thương mại cũng như các cơ quan nhà nước khi thực hiện việc bảo vệ chỉ dẫn thương mại cho doanh nghiệp.
- Theo quy định của pháp luật, mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất đối với hành vi gây nhầm lẫn về chỉ dẫn thương mại là 250.000.000 đồng tương ứng với hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng (Điều 10 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Điều 1 của Nghị định số 126/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, mức xử phạt này còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe và tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm. Hơn thế nữa, hình phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động kinh doanh từ một đến ba tháng” đối với chủ thể có hành vi vi phạm không có nội dung về việc các chủ thể này tái phạm thì xử lý thế nào? Mức xử phạt có cao hơn hay chỉ như mức xử phạt trước đó? Với việc thiếu các nội dung trên sẽ làm giảm tính khả thi của chế tài này và chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm (xem điểm b khoản 13 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP).
- Tại Điều 204, Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nguyên tắc, căn cứ xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, do các đối tượng của chỉ dẫn thương mại là tài sản vô hình nên việc xác định thiệt hại trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Cùng với đó, trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng không có quy định về việc bồi thường cho doanh nghiệp trong trường hợp các đối tượng như: Biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa bị xâm phạm. Việc thiếu quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tạo ra khó khăn cho việc thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ có đề cập đến “quy mô thương mại” mà hành vi đó đã vi phạm. Tuy nhiên, trong quy định này cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan không có giải thích hay hướng dẫn về thuật ngữ trên. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng trong thực tiễn xét xử.
3. Thực tiễn bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trên không gian mạng ở nước ta
Theo nhận định chung, với việc không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, sở hữu trí tuệ… cùng với định hướng phát triển sở hữu trí tuệ tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các quyền của mình đối với chỉ dẫn thương mại cũng như có cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ chỉ dẫn thương mại cho doanh nghiệp. Điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trên không gian mạng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số nền kinh tế ở nước ta. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỷ USD, năm 2022 thị phần bán lẻ trực tuyến là trên 16 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỷ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Những kết quả này đã phản ánh hiệu quả mà hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng đem lại không thua kém so với hoạt động kinh doanh trên thực tế mà còn đang có xu hướng phát triển hơn.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, trong đó có chỉ dẫn thương mại vẫn tiếp tục diễn ra với chiều hướng gia tăng. Trong 10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng, trong đó có khá nhiều vi phạm trên các kênh thương mại điện tử. Các hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại thường liên quan đến các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản[1]…
Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng đang trở thành đối tượng nhắm tới của các hành vi xâm phạm. Ví dụ như: Vụ việc Công ty cổ phần Vinpearl mới đây đã bị sử dụng trái phép chỉ dẫn thương mại của mình như: Logo, nhãn hiệu và hình ảnh trên các nền tảng xã hội để quảng bá nội dung không có thực: “Tập đoàn VINGROUP cho ra mắt nền tảng đầu tư quảng bá trực tuyến về khách sạn cao cấp khu nghỉ dưỡng VINPEAL với chính sách hấp dẫn”, để kêu gọi đầu tư vào nền tảng mới mang tên “Vinpearl E+ Nền tảng đầu tư mới 4.0” với cam kết “siêu lợi nhuận”… Đây là thủ đoạn giả mạo chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp có danh tiếng trên nền tảng số một cách trắng trợn, nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người tin vào quảng bá trên và chuyển tiền cho các đối tượng đó.
Hơn thế nữa, không chỉ các tổ chức, cá nhân trong nước mà những tổ chức ở nước ngoài cũng thực hiện hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như: Hành vi của hai doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình có trụ sở ở London - Anh là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (EO) đã xâm phạm chỉ dẫn thương mại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect). Theo đơn khởi kiện của Sconnect tại Tòa án Vương Quốc Anh, từ tháng 02/2022, EO đã có hành vi vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng Wolfoo của Sconnect. Cụ thể, Sconnect phát hiện EO đã sử dụng các từ khóa Wolfoo trong rất nhiều video Peppa Pig và đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập vi bằng về hành vi vi phạm nhãn hiệu Wolfoo của EO. Theo bản tự khai tại Tòa án Vương Quốc Anh hồi tháng 7/2022, EO đã thừa nhận việc có sử dụng từ khóa Wolfoo trong các video và các kênh của Peppa Pig nhằm thu hút lượng người xem đến với Peppa Pig. Đến nay, vụ việc vẫn đang chờ Tòa án Vương Quốc Anh xét xử…
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng xâm phạm chỉ dẫn thương mại là do còn có tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh mà bất chấp quy định pháp luật để thực hiện những hành vi xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật về chỉ dẫn thương mại có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến tính khả thi chưa cao, chưa đủ tính răn đe đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm. Cùng với đó, năng lực của một số bộ phận trong lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế dẫn đến hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chỉ dẫn thương mại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số trường hợp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhận thức của công chức, kiểm soát viên còn chưa đồng bộ; chất lượng đội ngũ công chức, công tác quản lý địa bàn, thu thập, xử lý thông tin còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa chặt chẽ, nghiêm túc; hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ…
4. Nhận xét và kiến nghị
Trong nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh, trao đổi, buôn bán hàng hóa không chỉ được thực hiện trên môi trường thực tế mà còn diễn ra trên các nền tảng số. Cùng với đó, tài sản trí tuệ ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị của doanh nghiệp, quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế của mỗi quốc gia. Theo John P Ogier, sở hữu trí tuệ hiện nay là loại tài sản có giá trị nhất trên hành tinh... Cho đến những năm 1980, tài sản hữu hình chiếm 80% giá trị công ty; phần còn lại được tạo thành bởi tài sản vô hình, bao gồm cả tài sản trí tuệ. Ba mươi năm sau, điều ngược lại lại đúng với 80% giá trị công ty được tạo thành từ tài sản vô hình… Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vấn đề bảo đảm các quyền đối với tài sản trí tuệ được thực hiện đầy đủ trên thực tế là cần thiết và cũng là một trong các cam kết của nước ta trong các hiệp định hợp tác song phương, đa phương với các nước trên thế giới (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...). Vì vậy, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa việc bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ nói chung và bảo vệ chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp nói riêng, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về chỉ dẫn thương mại có nội dung hạn chế, chưa phù hợp với thực tế như đã phân tích ở mục 2 để bảo đảm tính khả thi, tính nghiêm minh của pháp luật.
Hai là, các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ các đối tượng của chỉ dẫn thương mại bằng việc chủ động đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng đó, đặc biệt là nhãn hiệu - đối tượng mà các hành vi xâm phạm hay hướng tới. Đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là cần thiết. Doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp muốn bảo hộ nhãn hiệu của mình hoặc đăng ký thông qua Hệ thống Madrid mà Việt Nam là thành viên…
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thực hiện có hiệu quả hơn việc kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và xâm phạm chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp nói riêng./.
TS. Trần Nguyên Cường
Khoa luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Ảnh: internet
[1]. Đỗ Đạt, xử lý 44.554 hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong 10 tháng, https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/xu-ly-44554-vu-hang-gia-hang-xampham-quyen-so-huu-tri-tue-trong-10-thang-5281.html, truy cập ngày 16/7/2024.
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)