1. Sự cần thiết phải bảo vệ dữ liệu cá nhân của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử
Một là, xuất phát từ vai trò dữ liệu cá nhân của thanh niên trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch điện tử.
Dữ liệu cá nhân (DLCN) là yếu tố giúp định danh cá nhân - chủ thể dữ liệu khi chủ thể này tham gia giao dịch điện tử. Việc biết chính xác thông tin đối tác tham gia giao dịch giúp các bên chủ thể an tâm về năng lực của người giao kết giao dịch với mình. Ví dụ, thông qua dữ liệu về nơi cư trú, bên bán xác định được địa điểm thực hiện nghĩa vụ chuyển giao hàng cho bên mua, thông qua dữ liệu về số tài khoản ngân hàng, bên mua xác định được người mình thanh toán là bên bán… Nếu không có DLCN, giao dịch điện tử sẽ không thể xác lập và thực hiện trên thực tế. DLCN của người tham gia giao dịch điện tử cần phải được bảo đảm an toàn, tránh bị xâm phạm bởi sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả khó lường cho chính bản thân chủ thể DLCN (trong bài viết này là thanh niên Việt Nam), chủ thể tham gia giao dịch điện tử và các chủ thể khác có liên quan…
Hai là, thanh niên là nhóm cá nhân phổ biến tham gia giao dịch điện tử, việc bảo đảm an toàn thông tin của thanh niên là một phần của hoạt động bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
Nghiên cứu cho thấy, đây là giai đoạn người tiêu dùng Việt Nam tham gia giao dịch điện tử phổ biến, trong đó, “thương mại điện tử chiếm 51% chi tiêu trực tuyến”[2]. Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” do Google, Temasek, Bain công bố, nền kinh tế số của Việt Nam đang dẫn đầu tốc độ về tăng trưởng trong khu vực[3]. Số lượng thanh niên Việt Nam tham gia giao dịch điện tử rất nhiều, đặc biệt là nhu cầu mua sắm trực tuyến của sinh viên: “Sinh viên đã từng mua sắm trực tuyến ở hầu hết các trang thương mại điện tử là khá phổ biến, đặc biệt, có đến hơn 98% sinh viên cho biết đã từng mua sắm trực tuyến ở trang Shopee, trong đó có 88,3% mua sắm ở mức độ thường xuyên và 10,4% mua sắm ở mức độ thi thoảng”[4]. Trong quá trình tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh niên, sinh viên Việt Nam bắt buộc phải cung cấp DLCN của mình cho đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử, điều này đã dẫn tới những nguy cơ lộ lọt DLCN cũng tăng theo.
Ba là, số lượng các vụ việc DLCN bị xâm phạm ngày càng tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện và hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Thương mại năm 2005…, tuy nhiên, DLCN người tiêu dùng, người tham gia giao dịch điện tử vẫn bị xâm phạm hàng ngày, hàng giờ. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 06 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 06 tháng cuối năm 2022. Thực tế cho thấy, có 03 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm sinh viên, thanh niên[5]. Thanh niên với vai trò là lực lượng chính tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử cũng thường xuyên trở thành nhóm nạn nhận chịu rủi ro nếu DLCN bị xâm phạm. Do đó, việc nghiên cứu quy định pháp luật về bảo vệ DLCN nói chung, DLCN của thanh niên nói riêng là việc làm cần thiết.
2. Quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử
Thứ nhất, quy định về loại DLCN của thanh niên khi tham gia vào giao dịch điện tử được bảo vệ.
Trong nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, thanh niên là lực lượng cơ bản tham gia vào các quan hệ xã hội, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử. Để xác lập và thực hiện các giao dịch điện tử, thanh niên phải cung cấp DLCN của mình cho chủ thể khác[6] bao gồm cả DLCN cơ bản và DLCN nhạy cảm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP), DLCN cơ bản của thanh niên bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng năm chết hoặc mất tích; giới tính; hình ảnh của cá nhân; số điện thoại; nơi thường trú… Những DLCN cơ bản này thông thường được thanh niên cung cấp khi tham gia giao dịch điện tử nhằm minh chứng cho thấy chủ thể này đã thành niên hay chưa thành niên (độ tuổi yếu tố dùng để xác định các mức độ năng lực hành vi dân sự), có được pháp luật xác lập quyền tương ứng không.
Bên cạnh đó, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cũng quy định: “Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”, ví dụ như: Dữ liệu về thông tin tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị… Những DLCN nhạy cảm của thanh niên thường được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, các doanh nghiệp vận hành nền tảng điện tử để đề xuất quảng cáo, gửi lời đề nghị giao kết hợp đồng…
Nhìn chung, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP được ban hành đã đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình nỗ lực bảo vệ DLCN nói chung và bảo vệ DLCN của thanh niên khi tham gia giao dịch điện tử nói riêng. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cùng với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã chỉ ra các thông tin được bảo vệ của cá nhân thanh niên khi tham gia giao dịch điện tử.
Thứ hai, quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn DLCN của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử.
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan và Nghị định này. Theo đó, các phương thức bảo vệ quyền dân sự cũng được áp dụng để bảo vệ quyền của chủ thể DLCN khi quyền này bị xâm phạm (khoản 10 Điều 9 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP). Bảo vệ DLCN bằng biện pháp dân sự chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các phương thức bảo vệ quyền dân sự được quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm chống lại hành vi xâm phạm quyền đối với DLCN[7].
Theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Bộ luật Dân sự năm 2015, các phương thức bảo vệ quyền dân sự bao gồm:
- Tự bảo vệ quyền dân sự: Đối với việc tự mình thực hiện bảo vệ quyền dân sự, Điều 12 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Phương thức tự bảo vệ do chủ thể nắm quyền tự thực hiện hành vi bảo vệ dựa trên tinh thần công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Cá nhân, bằng hình thức đơn giản như tự đưa ra quyết định là cá nhân hay tổ chức bất kỳ nào, thời điểm nào và DLCN nào của chính chủ thể được phép cho người khác tiếp cận, sử dụng hoặc khai thác vì bất kỳ mục đích gì, bên cạnh đó, chủ thể hạn chế không chia sẻ, công khai quá nhiều DLCN trên internet, nhất là những dữ liệu quan trọng. Phương thức tự bảo vệ của chủ thể dữ liệu đối với DLCN là phương thức phổ biến bởi sự chủ động, tuy nhiên, tính hiệu quả lại chưa cao bởi khả năng tự bảo vệ của các chủ thể không phải đều giống nhau[8].
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Trường hợp đã tiến hành tự bảo vệ, những chủ thể có hành vi xâm phạm DLCN không chấm dứt, khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra, chủ thể DLCN có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành bảo vệ quyền dân sự là biện pháp bảo vệ quyền hiệu quả và phổ biến nhất. Bởi thông thường, sau khi nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy định buộc chủ thể có hành vi xâm phạm DLCN phải chấm dứt và khắc phục hậu quả của hành vi đó gây ra. Trong các cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật dân sự bảo vệ quyền dân sự thì Tòa án là cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu và áp dụng có hiệu quả nhất. Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để bảo vệ quyền dân sự của chủ thể dữ liệu và các chủ thể khác liên quan:
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm: Về chủ thể áp dụng biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm DLCN, quyền đối với DLCN, có quan điểm cho rằng, Bộ luật Dân sự năm 2015 được thiết kế giống với quy định của Bộ luật Dân sự của Pháp, theo đó, chủ thể áp dụng biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với DLCN chỉ có thể là Tòa án[9]. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm DLCN, quyền đối với DLCN có đặc tính thường được thực hiện trên môi trường không gian số, tốc độ xâm phạm nhanh, rộng đòi hỏi biện pháp bảo vệ DLCN nói chung, áp dụng biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm nói riêng cũng phải được thực hiện nhanh chóng. Nếu quy định cứng nhắc chỉ có Tòa án mới có quyền áp dụng biện pháp này, ngay cả thông qua thủ tục rút gọn cũng không bảo đảm biện pháp này còn có hiệu quả.
+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai: Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, biện pháp này được thực hiện khi quyền dân sự của cá nhân nói chung, quyền đối với DLCN của cá nhân nói riêng bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền buộc người xâm phạm DLCN, quyền đối với DLCN phải xin lỗi, cải chính công khai. Buộc xin lỗi là buộc chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm DLCN thể hiện sự hối cải vì hành vi vi phạm pháp luật của mình. Việc lời xin lỗi được đưa ra từ chính chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm DLCN sẽ làm chủ thể bị xâm phạm cảm thấy tốt hơn[10]. Trong khi đó, cải chính công khai là việc chủ thể xâm phạm xác nhận công khai, điều chỉnh và công bố công khai việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến những thông tin về DLCN bị xâm phạm là không chính xác.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm DLCN gây ra: Trong trường hợp hành vi xâm phạm gây ra thiệt hại (cả về vật chất và tinh thần) với chủ thể dữ liệu hoặc các chủ thể khác có liên quan đến DLCN, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được coi là một chế tài dân sự đối với các hành vi xâm phạm DLCN. Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về trách bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm 03 yếu tố: (i) Có hành vi trái pháp luật của chủ thể gây ra thiệt hại; (ii) Có thiệt hại xảy ra; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Như vậy, trong trường hợp có hành vi xâm phạm DLCN, quyền của cá nhân đối với DLCN diễn ra, gây hậu quả là có thiệt hại xảy ra cho chủ thể dữ liệu hoặc các chủ thể khác có liên quan đến DLCN và họ chứng minh được có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm hại quyền nhân thân và thiệt hại thì Tòa án có căn cứ để buộc chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại. Khoản 10 Điều 9 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định: “Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Tuy nhiên, loại thiệt hại nào được bồi thường khi DLCN bị xâm phạm thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.
3. Một số khó khăn, vướng mắc khi bảo vệ dữ liệu cá nhân của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử
Một là, khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi xâm phạm: Hoạt động xâm phạm DLCN của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử diễn ra trên môi trường internet với tính ẩn danh cao, hành vi xâm phạm diễn ra và chấm dứt nhanh chóng khiến chủ thể DLCN không có khả năng phòng vệ và ngăn chặn[11].
Hai là, năng lực số của thanh niên Việt Nam chưa đáp ứng và ý thức bảo vệ DLCN của thanh niên Việt Nam chưa cao: Nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lộ, lọt, chiếm đoạt DLCN trên không gian mạng, trong đó có hoạt động thương mại điện tử. Trào lưu chia sẻ thông tin cá nhân trên nhiều phương tiện thông tin xã hội hoặc dễ dàng cung cấp DLCN công khai cũng là lý do giúp tội phạm mạng có thể sử dụng những thông tin này vào mục đích xấu.
Ba là, cơ sở hạ tầng số của Việt Nam chưa thực sự bảo đảm cho hoạt động bảo vệ DLCN của thanh niên nói riêng, người tham gia giao dịch điện tử nói chung: Theo một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, hạ tầng công nghệ thông tin còn đang ở tình trạng xây dựng riêng rẽ, độc lập, do đó, chưa bảo đảm tính liên tục của dịch vụ. Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng các yêu cầu về phát triển internet vạn vật[12]… Thực trạng này dẫn tới hoạt động khiếu nại, thông báo của người dân về những hành vi xâm phạm DLCN có thể bị chậm tiếp nhận, việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hạn chế do đường truyền không bảo đảm dẫn đến tốc độ xâm phạm nhanh hơn tốc độ xử lý vi phạm.
4. Một số đề xuất
4.1. Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử
Mặc dù sự ra đời của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc bảo vệ DLCN, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần được cân nhắc điều chỉnh, cụ thể:
Thứ nhất, về dữ liệu được bảo vệ, cần xác định các tài khoản số, định danh điện tử của cá nhân nói chung và thanh niên nói riêng cũng được coi là DLCN cần được bảo vệ, bởi lẽ, hiện nay, theo cách định nghĩa của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP thì chưa có quy định cụ thể về tài khoản số, định danh điện tử của cá nhân là DLCN cơ bản hay DLCN nhạy cảm. Trong khi đó, trong giao dịch điện tử tài khoản định danh số trên các nền tảng lại là yếu tố giúp định danh chính xác chủ thể tham gia, xác lập, thực hiện giao dịch điện tử.
Thứ hai, về các biện pháp dân sự bảo vệ DLCN của thanh niên khi tham gia giao dịch điện tử: (i) Đối với biện pháp buộc xin lỗi, cải chính công khai: Để chủ thể quyền đối với DLCN khi bị xâm phạm DLCN nói chung, bị xâm phạm DLCN khi tham gia giao dịch điện tử nói riêng có thể được “an ủi” phần nào khi bị xâm phạm thì Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cần bổ sung quy định về nội dung xin lỗi. Nội dung xin lỗi chứa đựng đủ các yếu tố như thừa nhận lỗi, sự hối lỗi, cam kết không vi phạm trong tương lai. (ii) Đối với biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm DLCN gây ra: Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần cân nhắc xây dựng quy định về căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường khi DLCN bị xâm phạm. Trong thời gian chờ quy định pháp luật được hoàn thiện, Tòa án có thể cân nhắc ban hành án lệ về nội dung này.
4.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử
Bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, các chủ thể tiến hành hoạt động bảo vệ DLCN của thanh niên khi tham gia vào giao dịch điện tử cũng cần chú trọng:
Thứ nhất, đối với Nhà nước, Chính phủ, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cần tăng cường các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực số cho thanh niên Việt Nam, khích lệ, động viên lực lượng này tìm tòi, nghiên cứu khoa học công nghệ. Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho cán bộ đoàn, thanh thiếu niên; tổ chức các cuộc thi, hoạt động thúc đẩy, nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về chuyển đổi số[13].
Thứ hai, đối với cơ quan chuyên trách bảo vệ DLCN, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định rõ cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Đồng thời, cơ quan này chính là chủ thể vận hành Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân với chức năng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cập nhật thông tin, tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp nhận thông tin, hồ sơ, dữ liệu về hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân…[14]. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cần sớm vận hành Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ DLCN như dự kiến.
Thứ ba, đối với chủ thể dữ liệu cá nhân - thanh niên Việt Nam khi tham gia giao dịch điện tử, thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt của mọi hoạt động kinh tế - xã hội - chính trị tại Việt Nam, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thanh niên Việt Nam cần trang bị cho mình kiến thức về công nghệ nhằm bảo vệ tốt nhất DLCN khi tham gia giao dịch điện tử, không cung cấp dữ liệu cá nhân của mình công khai trong các hoạt động mua bán hàng trực tuyến tạo cơ hội cho kẻ gian có thể nắm bắt được DLCN của mình nhằm tạo lập các đơn hàng giả mạo người bán, giao hàng không bảo đảm chất lượng, giả mạo lệnh thanh toán thành công nhằm nhận hàng mà không cần thanh toán…
Cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về việc thực hiện quyền đối với DLCN, tuyệt đối không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, ví dụ như, cho thuê tài khoản ngân hàng, lập tài khoản ma, cung cấp DLCN không chính xác khi tham gia giao dịch điện tử… Đồng thời, với thanh niên, trong quá trình khởi nghiệp cũng cần tuyệt đối tuân thủ nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu được pháp luật quy định.
Nguyễn Thị Long
Bùi Thị Kiều Phượng
Trường Đại học Luật Hà Nội
Hà Trọng Bắc
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
[1]. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài của Trường Đại học Luật Hà Nội, “Pháp luật Việt Nam về bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử”.
[2]. Phan Anh, “Thương mại điện tử Việt Nam dự báo tăng trưởng cao nhất khu vực”, https://vneconomy.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-truong-cao-nhat-khu-vuc.htm, truy cập ngày 12/4/2023.
[3]. Hoàng Minh Huệ, “Những vấn đề đặt ra về bảo đảm an ninh kinh tế số của Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”, Bộ Công an, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 334 - 335.
[4]. Dương Thị Thu Hương, Phạm Thị Mến Thương, “Xu hướng mua hàng trực tuyến của sinh viên hiện nay (nghiên cứu trường hợp sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)”, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, tháng 10/2022, https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/xu-huong-mua-hang-truc-tuyen-cua-sinh-vien-hien-nay-nghien-cuu-truong-hop-sinh-vien-hoc-vien-bao-chi-va-tuyen-truyen-p26396.html, truy cập ngày 12/4/2023.
[5]. Trà My, “6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng gần 65%”, https://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/so-vu-lua-dao-truc-tuyen-tang-65_149589.html, truy cập ngày 12/7/2023.
[6]. Ngô Vĩnh Bạch Dương, “Bảo vệ thông tin người tiêu dùng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (388) tháng 6/2019, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210358, truy cập ngày 12/03/2023.
[7]. Nguyễn Xuân Quang, Lê Nhật Hồng, “Bảo vệ quyền đối với Dữ liệu cá nhân trong môi trường số bằng biện pháp dân sự”, Kỷ yếu Hội thảo Bảo vệ Dữ liệu cá nhân trong môi trường số, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/5/2023, tr. 43.
[8]. Phạm Hoàng Thanh, 2022, “Bảo vệ dữ liệu cá nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận văn Thạc sỹ Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội.
[9]. Nguyễn Xuân Quang, Lê Nhật Hồng, tlđd, tr. 45.
[10]. David De Cremer, Madan M.Pillutla and Chris Reinders Folmer, 2011, “How Important is an Apology to You?”, https://www.academia.edu/68877204/How_important_is_an_apology_to_you_Forecasting_errors_in_evaluating_the_value_of_apologies, truy cập ngày 12/4/2023.
[11]. Võ Minh Tuấn, “Những khó khăn, vướng mắc về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam”, tháng 02/2022, https://lsvn.vn/nhung-kho-khan-vuong-mac-ve-toi-pham-trong-linh-vuc-cong-nghe-thong-tin-mang-vien-thong1643810364.html, truy cập ngày 12/3/2023.
[12]. Xem: “Thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam”, http://vjst.vn/vn/_layouts/15/ ICT.Webparts.TCKHCN/mt_poup/Intrangweb.aspx?IdNews=6760, truy cập ngày 12/7/2023.
[13]. Xem các hoạt động nâng cao năng lực số tại các địa phương như Hà Nam, Bình Phước, Kiên Giang tập huấn đăng ký, sử dụng chữ ký điện tử cho đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ Long An với hoạt động chuyển đổi số…, https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/tuoi-tre-tien-phong-chuyen-doi-so/nang-cao-nang-luc-so-cho-thanh-thieu-nien-ha-nam-giai-doan-2023—-2027, truy cập ngày 12/3/2023.
[14]. Ban Biên Tập, “Từ 01/7/2023 bắt đầu áp dụng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật”, Bộ Công an, tháng 6/2023, https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-moi/tu-0172023-bat-dau-ap-dung-quy-dinh-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-t1062.html, truy cập ngày 12/7/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)