Tóm tắt: Bài viết này nêu lên một số bất cập, hạn chế của Luật Trọng tài thương mại Việt Nam năm 2010, đồng thời đưa ra một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại ở Việt Nam.
Abstract: The article raises some shortcomings, insufficiencies of the Law on Commercial Arbitration of Vietnam of 2010, at the same time, suggests some solutions for completing legal frame, strengthening operation effect of commercial arbitration in Vietnam.
1. Một số bất cập của Luật Trọng tài thương mại năm 2010
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam ra đời được đánh giá là một bước tiến tích cực nhằm xây dựng cơ chế trọng tài thương mại tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã tiếp thu được những nguyên tắc cơ bản nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên thế giới và trong Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) như nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên, tính độc lập của thỏa thuận trọng tài và quyền được tự xem xét vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, tính chung thẩm của phán quyết trọng tài và nguyên tắc bảo mật. Những nguyên tắc cơ bản này là cơ sở đảm bảo hoạt động trọng tài tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thực tiễn trọng tài thế giới và quan trọng hơn là thực sự đưa trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng cho các bên[1].
Ở Việt Nam, từ sau khi có Luật Trọng tài thương mại, hoạt động trọng tài thương mại đã từng bước được củng cố và phát triển. Số lượng vụ, việc được giải quyết bằng trọng tài đang có xu hướng tăng, loại tranh chấp được trọng tài giải quyết cũng đa dạng hơn[2], đồng thời, chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được nâng cao, hoạt động trọng tài đang dần đi theo hướng chuyên nghiệp. Hoạt động trọng tài trong thời gian qua góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, giảm tải cho hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện nay vẫn còn một số vấn đề trong việc áp dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại gây ra lo lắng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, liên quan đến địa điểm tiến hành trọng tài: Trong các vụ việc liên quan đến trọng tài quốc tế thì việc lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài đồng nghĩa với việc lựa chọn luật của quốc gia tại nơi tiến hành trọng tài. Đây là điều mà Luật Trọng tài thương mại Việt Nam chưa xác định rõ. Hơn nữa, luật điều chỉnh tố tụng trọng tài bị quy định bởi các quy tắc của chính sách công và trật tự công cộng của quốc gia ban hành ra đạo luật này[3], trong khi đó, ở Việt Nam, khái niệm này không thông dụng, các văn bản hướng dẫn cũng như các tài liệu nghiên cứu cũng chưa đề cập một cách thích đáng. Trước đây, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đã dùng khái niệm “các nguyên tắc của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa” khi quy định trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm các nguyên tắc của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đã có nhiều ý kiến xác đáng cho rằng, khái niệm này tạo nhận thức chung chung, mơ hồ dễ gây tùy tiện cho các bên và cho trọng tài viên trong quá trình giải quyết tranh chấp và đặc biệt gây khó khăn cho các bên là người nước ngoài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ngoài việc tiếp tục sử dụng khái niệm này tại khoản 3 Điều 14 về luật áp dụng giải quyết tranh chấp, tại khoản 1 Điều 4 quy định “Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”. Thiết nghĩ rằng, khái niệm “điều cấm” hay “đạo đức xã hội” vẫn tiếp tục là những khái niệm không kém phần khó hiểu và mơ hồ, không có nhiều điểm chung với khái niệm “trật tự công” mà Luật mẫu và các công ước và nhiều quy tắc trọng tài trên thế giới đã ghi nhận. Điều đó chắc chắn sẽ là một trong những trở ngại đối với các bên chủ thể tranh chấp có yếu tố nước ngoài, yếu tố quốc tế cũng như đối với các trọng tài viên Việt Nam.
Thứ hai, lý do hủy quyết định trọng tài thường ở dạng “trừu tượng” nên có thể xảy ra nguy cơ một bên yêu cầu Tòa án can thiệp để làm chậm việc thi hành quyết định trọng tài vì trong khi xem xét hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết này không thể được thi hành[4]. Một trong các lý do để các doanh nghiệp lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình đó chính là khả năng thi hành của phán quyết trọng tài bởi phán quyết của trọng tài Việt Nam sẽ được thi hành tương tự như bản án của Tòa án tại Việt Nam và hơn thế, có khả năng thi hành tại 155 quốc gia thành viên khác của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Do đó, việc đảm bảo khả năng thi hành của phán quyết trọng tài là một điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp cân nhắc khi chọn sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010, trong đó có một mục đích là hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay về tỷ lệ thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam là rất đáng lo ngại[5]. Điều này làm giảm niềm tin và hiệu quả của phương thức trọng tài, môi trường pháp lý và kinh doanh của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong số nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân quan trọng đó là do ở Việt Nam có tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì phán quyết trọng tài bị hủy khi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Quy định này quá chung chung nên việc áp dụng một cách tùy tiện là không thể tránh khỏi. Hiện nay, trong các đạo luật ở các lĩnh vực khác nhau đều có những quy định về nguyên tắc, nên nếu gộp lại thì nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là rất nhiều. Nếu không quy định rõ ràng, bên yêu cầu có thể dễ dàng viện dẫn phán quyết trọng tài “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” và đưa ra giải thích hợp lý và vì vậy, nguy cơ phán quyết trọng tài bị hủy là rất cao.
Thứ ba, về thủ tục hủy quyết định trọng tài: Theo khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì quyết định hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng có hiệu lực thi hành. Nghĩa là, đối với quyết định của Tòa án về hủy phán quyết trọng tài, các bên hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, các đương sự không có quyền kháng cáo và Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị. Quy định này đã thực sự hợp lý hay chưa? Tòa án là cơ chế giám sát bảo đảm tính thượng tôn pháp luật và các giá trị vĩnh cửu của hệ thống pháp luật áp dụng nhưng ai sẽ là người giám sát Tòa án nếu Tòa án có vi phạm hoặc ra quyết định chưa thỏa đáng gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp vì hiện nay không có phúc thẩm và giám đốc thẩm lại các quyết định huỷ phán quyết của trọng tài do Tòa án đưa ra.
Thứ tư, Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về luật áp dụng giải quyết tranh chấp như sau: “1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp; 2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất...”. Những nội dung của Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 có thể coi là sự nỗ lực của nhà làm luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp có yếu tố quốc tế trong các tranh chấp khi điều luật đã phân biệt “tranh chấp không có yếu tố nước ngoài” và “tranh chấp có yếu tố nước ngoài”. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận quy định đó từ góc độ của nguyên tắc về quyền tự do định đoạt của các bên tranh chấp thì đây là một rào cản pháp lý của quyền tự do để khi “đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp”, điều này đồng nghĩa với việc hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các bên tranh chấp là công dân Việt Nam và trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài. Do đó, nếu như nguyên lý này là bất di bất dịch thì quy định tại khoản 1 Điều 14 nói trên là vô nghĩa.
Luật áp dụng phải bao hàm trong đó luật thủ tục và luật nội dung. Việc lựa chọn luật thủ tục không nhất thiết phải trùng hợp với việc lựa chọn luật nội dung và ngược lại. Khái niệm về luật điều chỉnh tố tụng trọng tài nhất là trường hợp để cho tố tụng trọng tài được tiến hành ở quốc gia này chịu sự điều chỉnh của luật thủ tục của quốc gia khác đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn khoa học và thực tiễn trọng tài quốc tế. Nguyên tắc bất di bất dịch ở đây là phải cho phép các bên trong tố tụng trọng tài có thể tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài theo luật thủ tục mà họ lựa chọn. Nếu luật thủ tục của một quốc gia nào đó có lợi hay quen thuộc đối với các bên khiến họ mong muốn áp dụng thì họ sẽ cố gắng hơn để tiến hành tố tụng trọng tài tại quốc gia đó. Chính vì vậy, quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam là không hợp lý và sẽ là một rào cản pháp lý đối với việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam.
Thứ năm, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của trọng tài viên trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Hội đồng trọng tài chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự yêu cầu và đúng với mức tài sản mà đương sự đưa ra. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây ra thiệt hại bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự[6]. Vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “khác” là khác thế nào thì lại chưa được hướng dẫn chi tiết. “Khác” ở đây cũng có thể là “khác với yêu cầu của đương sự” nhưng cũng có thể hiểu là “khác so với luật quy định”, tức là đương sự yêu cầu áp dụng một biện pháp mà không có quy định trong luật và hội đồng trọng tài vẫn chấp nhận áp dụng theo yêu cầu của đương sự[7]. Nếu trong trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác so với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nhưng đối với trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có quy định trong luật nhưng vẫn trên cơ sở yêu cầu của các bên đương sự mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba thì Hội đồng trọng tài có phải bồi thường không hay đương sự phải bồi thường? Chính vì sự không rõ ràng trong quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên thực tế có thể xảy ra những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với Hội đồng trọng tài.
Theo tác giả, từ “khác” ở trong khoản 5 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần phải được hiểu là “khác với yêu cầu của đương sự”. Nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của hội đồng trọng tài không khác với yêu cầu của đương sự nhưng lại khác với quy định của luật thì các đương sự phải bồi thường thiệt hại. Việc lý giải này xuất phát từ thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế. Hầu hết ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều không có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Hội đồng trọng tài khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, trừ trường hợp vì lý do tham nhũng[8]. Việc áp dụng bồi thường thiệt hại không đúng mà gây thiệt hại thì chính người yêu cầu áp dụng phải bồi thường chứ không phải hội đồng trọng tài vì hội đồng trọng tài là người được các bên trao cho thẩm quyền xét xử tranh chấp, mang lại công lý cho các bên, chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp theo yêu cầu của các bên. Chính vì thế, luật cũng cần tạo cho hội đồng trọng tài có một sự độc lập nhất định. Nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này dẫn đến nguy cơ bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì trọng tài viên có thể sẽ rất e dè trong việc ra quyết định áp dụng. Mặt khác, việc quy trách nhiệm cho các bên trong trường hợp này để nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của người yêu cầu, hạn chế việc lợi dụng quyền yêu cầu áp dụng để gây thiệt hại cho phía bên kia.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại
Thứ nhất, về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài cần được hướng dẫn cụ thể hơn nữa theo hướng thu hẹp hơn phạm vi của căn cứ này bằng việc quy định thế nào là nguyên tắc liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trọng tài, những quy định nào được xem là liên quan đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hoặc giới hạn những nguyên tắc đó thuộc Bộ luật Dân sự hay luật nào? Cần có những quy định cụ thể như vậy thì mới có thể khắc phục tình trạng các bên đã lạm dụng tính chung chung, không minh bạch, không cụ thể rõ ràng của các căn cứ này để đưa ra yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Thứ hai, cần có cơ chế xét lại quyết định của Tòa án đối với quyết định hủy phán quyết của trọng tài thương mại. Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án sẽ ra một quyết định, hoặc hủy, hoặc không hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là có vụ hủy phán quyết xong thì được xem xét giám đốc thẩm, có vụ lại không được với giải thích “không có quy định về giám đốc thẩm đối với quyết định này”. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, theo quy định của khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quyết định của Tòa án về việc hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài là quyết định có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng vẫn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc tình tiết mới. Vì khoản 2 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Toà án khác, trừ trường hợp luật định”. Đồng thời, theo quy định của khoản 2 Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Do vậy, nếu hiểu quy định của khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo hướng không áp dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định của Tòa án thì có thể sẽ vi hiến. Từ đó, quyết định của Tòa án trong trường hợp này vẫn cần thiết phải được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên[9]. Tác giả hoàn toàn đồng ý với ý kiến này và cho rằng cần chỉnh sửa quy định theo hướng cho phép giám đốc thẩm quyết định của Tòa án để tránh trường hợp Tòa án tùy tiện hủy phán quyết của trọng tài.
Thứ ba, cần có văn bản hướng dẫn khoản 5 Điều 49 về trách nhiệm của Hội đồng trọng tài khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Cần giải thích từ “khác” ở đây là khác so với yêu cầu của đương sự. Chỉ trong trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với yêu cầu của đương sự gây ra thiệt hại thì hội đồng trọng tài mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn khác so với luật định nhưng vẫn trên cơ sở yêu cầu của các đương sự thì Hội đồng trọng tài không phải bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về người yêu cầu áp dụng.
Thứ tư, cần bỏ quy định hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các bên tranh chấp là công dân Việt Nam vì như đã phân tích ở phần trên, quy định này không chỉ trái với nguyên tắc về tự do định đoạt của các bên mà còn trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài.
Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài được đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án thuận tiện và ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Việt Nam đã có chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích phát triển tổ chức và hoạt động của trọng tài thương mại cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhanh chóng, vì một thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp hiện tại của các doanh nghiệp, vẫn còn là một thách thức rất lớn trong việc tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ chính các quy định pháp luật và việc thực thi pháp luật trọng tài trong thực tiễn. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế này. Xóa bỏ khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế và thực thi pháp luật một cách thỏa đáng sẽ là yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững, là yếu tố tạo nên những lợi thế cạnh tranh của trọng tài Việt Nam trên trường quốc tế.
Viện Nhà nước và Pháp luật
[1]. Nguyễn Mạnh Dũng & Nguyễn Thị Thu Trang, Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam - Một số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài, http://dzungsrt.com/category/co-so-du-lieu/hoi-nghi-hoi-thao/.
[2]. Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), từ năm 2010 đến năm 2016, chỉ tính riêng số lượng vụ việc tranh chấp tại VIAC là 734 việc, tăng 487 việc so với giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009, số vụ việc năm sau tăng cao hơn năm trước. Tham khảo thêm tại http://viac.vn/thong-ke/thong-ke-tinh-hinh-giai-quyet-tranh-chap-tai-viac-nam-2017-a1141.html.
[3]. Alan Redfern và Martin Hunter, (1991), Law and Practice of International Commercial Arbitration (tạm dịch là “Pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế”), tái bản lần thứ 2, Nxb. Sweet & Maxwell, London, tr. 100-101.
[4]. Xem khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[5]. Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Công ước New York năm 1958 của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (ngày 21/11/2014), thì từ ngày 01/01/2005 đến ngày 20/6/2014, chỉ có 23 trên tổng số 52 phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận tại Việt Nam (chiếm 44% số phán quyết được yêu cầu).
Theo Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp sơ kết 04 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thì số phán quyết trọng tài được thi hành mới đạt 60% trong tổng số đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phán quyết trọng tài.
[6]. Xem thêm khoản 5 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[7]. Xem: Tưởng Duy Lượng (2016), Bình luận Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, tr. 250.
[8]. Xem Tưởng Duy Lượng, Tlđd, tr. 251.
[9]. Xem: Phạm Thị Hồng Đào, Vai trò của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và kiến nghị, http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2154.