1. Một số hạn chế, vướng mắc trong quy định về quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Mặc dù các quy định về quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong Luật Phá sản năm 2014 có nhiều ưu điểm, tiến bộ hơn so với trước đây và đạt được nhiều kết quả đáng kể trong quá trình thực thi. Tuy nhiên, sau gần sáu năm thi hành, pháp luật phá sản nói chung, quy định về quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nói riêng đang dần bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để pháp luật về quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được hoàn thiện hơn, cụ thể:
Thứ nhất, về tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Việc xác định khối tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là một trong số những vấn đề mấu chốt của Luật Phá sản. Ở Việt Nam, Luật Phá sản qua các thời kỳ đều không đưa ra khái niệm “tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán” mà chỉ liệt kê các loại tài sản của doanh nghiệp ra. Cụ thể, Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 đã quy định tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán gồm: Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản; tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản; giá trị của tài sản bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm mà doanh nghiệp phải thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm…
Luật Phá sản năm 2014 sử dụng phương pháp liệt kê các loại tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán như trên giúp cơ quan tố tụng cũng như các bên liên quan có thể định hình, đánh giá và kiểm kê dễ dàng, đầy đủ hơn khối tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc liệt kê các tài sản của doanh nghiệp ra như trên chưa mang tính khái quát cao và có thể dẫn tới việc liệt kê thiếu các loại tài sản phát sinh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, Luật Phá sản năm 2014 không có quy định về tài sản thuộc diện loại trừ khỏi khối tài sản phá sản, điều này chưa thể hiện được sự nhân đạo của Nhà nước cũng như các chủ nợ đối với con nợ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh vì chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản. Thông thường, pháp luật một số nước trên thế giới sẽ liệt kê danh mục tài sản được miễn trừ bao gồm: Các đồ vật phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mang tính chất tối thiểu của con nợ và các khoản trợ cấp cho con nợ do không còn khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm...[1].
Thứ hai, về thông báo mất khả năng thanh toán
Khoản 1 Điều 6 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện doanh nghiệp, mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Quy định về mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức là chưa hoàn toàn phù hợp, bởi nếu áp dụng với các tổ chức tín dụng là không hợp lý, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Như vậy, các tổ chức tín dụng nếu biết được tình trạng mất khả năng thanh toán của khách hàng cũng không thể thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.
Thứ ba, về tiêu chí để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Luật Phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít những doanh nghiệp lại là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ phải thanh toán cho các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thiện chí trả nợ cho các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản nhưng vì lý do chưa thu hồi được tiền trong kinh doanh nên không có khả năng trả nợ và các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản không đồng ý thương lượng gia hạn, theo đó đề nghị Tòa án tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp. Điều này vô hình chung làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động kinh doanh của là doanh nghiệp, thậm chí lại là nguyên nhân chính dẫn đến làm ăn thua lỗ sau đó và phải phá sản “thật”.
Thứ tư, về chủ thể quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
- Hạn chế trong việc chỉ định quản tài viên: Pháp luật chưa có quy định bắt buộc các quản tài viên phải tham gia vụ phá sản khi được chỉ định. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 45 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán có trách nhiệm chỉ định quản tài viên. Thực tiễn áp dụng quy định này lại phát sinh vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: Sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản thì thẩm phán giải quyết vụ phá sản đó đã ra văn bản chỉ định một quản tài viên và văn bản này được tống đạt ngay đến quản tài viên được chỉ định đó. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản thì quản tài viên được chỉ định lại có văn bản từ chối tham gia vụ phá sản đó vì cho rằng, vụ phá sản này quá phức tạp hoặc do quản tài viên không có điều kiện tham gia… Vấn đề này xảy ra trong thực tiễn làm cho các thẩm phán lúng túng trong xử lý tình huống, đồng thời, việc trì hoãn này sẽ khiến cho một số trường hợp giải quyết phá sản trở lên rắc rối hơn vì doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản sẽ nhân cơ hội đó để tẩu tán tài sản… Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan không có quy định nào bắt buộc các quản tài viên phải tham gia vụ phá sản khi được chỉ định, nên họ hoàn toàn có quyền từ chối trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, Luật Phá sản năm 2014 không quy định rõ số lượng quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hay thứ tự ưu tiên có thể được chỉ định trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản dẫn đến việc thực thi gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong trường hợp nhiều người cùng có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, mỗi người chỉ định một hoặc nhiều quản tài viên, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cùng lúc thì sẽ ưu tiên chọn ai. Hoặc có trường hợp chỉ có một người có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và chỉ định một quản tài viên nhưng quản tài viên đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 46 thì trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu không đề nghị quản tài viên mới thì chủ thể nào có quyền đề xuất quản tài viên mới.
- Hạn chế trong việc tính thù lao, chi phí cho quản tài viên: Theo khoản 1 Điều 24 Luật Phá sản năm 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Nghị định số 22/2015/NĐ-CP), việc tính thù lao cho quản tài viên như sau: Giờ làm việc của quản tài viên, mức thù lao trọn gói, mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý. Với cách tính thù lao theo giờ làm việc, pháp luật chưa quy định rõ ràng về cách tính giờ làm việc của quản tài viên cho hợp lý, công bằng cho cả bên quản tài viên và bên doanh nghiệp bị phá sản. Khối lượng công việc mà các quản tài viên làm là rất lớn, nhưng quy định thù lao lại chưa tương xứng. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, tài sản doanh nghiệp không còn thì chi phí quản tài viên cũng không được bảo đảm, nhiều khi quản tài viên phải tự bỏ tiền túi ra, mà khả năng được bồi hoàn thấp.
Thứ năm, về phương thức quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
- Kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán: Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vắng mặt thì người được quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ định làm đại diện của doanh nghiệp thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014). Trên thực tế, việc kiểm kê tài sản gặp rất nhiều khó khăn vì người đại diện của doanh nghiệp vắng mặt, người được quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ định thường là không chịu làm, hoặc không biết về tình hình công ty nên thực hiện việc này rất khó khăn. Mặc dù, pháp luật có quy định về chế tài xử lý đối với việc không hợp tác về việc kiểm kê tài sản (xử phạt vi phạm hành chính), tuy nhiên chế tài này cũng không hiệu quả và khả thi.
Trong đó, việc lập bảng kê tài sản là khó khăn và trở ngại nhất trong vụ việc phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản (khoản 1 Điều 65), thế nhưng trên thực tế thực hiện rất khó khăn do doanh nghiệp không còn ai làm việc.
Trong trường hợp trên, mặc dù khoản 5 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014 quy định trường hợp đại diện doanh nghiệp và những người khác không hợp tác về việc kiểm kê tài sản hoặc cố tình làm sai lệch việc kiểm kê tài sản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp tại Mục 37 của Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cũng bất khả thi (vì doanh nghiệp không còn ai để xử lý).
Ngoài ra, kể cả những trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục là chính doanh nghiệp và doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính thì tình trạng thực tế là doanh nghiệp làm sổ sách kế toán rất sơ sài, có doanh nghiệp còn không có sổ sách kế toán, hoặc làm chứng từ kế toán giả dẫn đến sự không rõ ràng, minh bạch về công nợ. Sự không minh bạch về tài chính khiến cho việc xác định phạm vi cũng như tình trạng tài sản của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
- Quy định thu hồi tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán: Khoản 1 Điều 125 Luật Phá sản năm 2014 quy định, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chấp hành viên đề nghị Tòa án nhân dân ra quyết định thu hồi lại tài sản của doanh nghiệp do thực hiện giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật này. Việc thu hồi tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Theo quy định trên, thì trong trường hợp có vi phạm chỉ đề cập đến thu hồi tài sản từ giao dịch vô hiệu, mà không đề cập đến thu hồi tài sản từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệptrong khi tài sản này cũng thuộc phạm vi tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 Luật Phá sản năm 2014.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 về tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã có sự sửa đổi, bổ sung so với Luật Phá sản năm 2004. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định về các loại tài sản được miễn trừ khỏi tài sản phá sản.
Hiện nay, Luật Phá sản năm 2014 lại không đưa ra danh mục các tài sản thuộc diện loại trừ khỏi khối tài sản phá sản. Trong khi đó, theo quan điểm nhân đạo, nhiều nước trên thế giới đã cho phép con nợ là cá nhân (chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh) được giữ lại một số tài sản, chủ yếu là những đồ dùng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày và các khoản trợ cấp cho con nợ do không còn khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm; tiền lương hưu, các khoản nhận được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ,… nếu họ không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có hành vi gian lận trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp. Chính vì thế, pháp luật phá sản nước ta nên bổ sung quy định về các loại tài sản miễn trừ khỏi khối tài sản phá sản để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đồng thời thể hiện được sự nhân đạo của Nhà nước.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về phương thức quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
- Kiểm kê, xác định tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Khoản 4 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014 quy định về việc kiểm kê, xác định tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhưng không quy định chi tiết thế nào kiểm kê là “không chính xác” và không chính xác ở mức độ nào thì phải tiến hành kiểm kê lại vì có việc sai số kỹ thuật không đáng kể. Đặc biệt, việc định giá trị tài sản cần phải có những quy định, tiêu chí hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa, không nên quy định chung chung là theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê. Bên cạnh đó, theo quy định trên của pháp luật thì chưa có quy định về thời hạn cụ thể thực hiện việc kiểm kê, xác định lại tài sản trước đó, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức hội nghị chủ nợ và các hoạt động khác trong quá trình quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Do hội nghị chủ nợ được thẩm phán triệu tập trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản... (khoản 1 Điều 75 Luật Phá sản năm 2014). Vì vậy, để hội nghị chủ nợ được tổ chức nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng ảnh hưởng đến việc tổ chức hội nghị chủ nợ thì phải quy định thời hạn kiểm kê, xác định lại tài sản của doanh nghiệp để các chủ nợ có thể yên tâm.
Bên cạnh đó, bản kiểm kê tài sản nhằm xác định số lượng, giá trị tài sản của doanh nghiệp mắc nợ. Theo quy định, bản kiểm kê tài sản đã được xác định giá trị phải “gửi ngay” cho Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 không quy định rõ thời hạn gửi bản kiểm kê tài sản là trong phạm vi bao ngày. Điều này gây nên sự lúng túng trong lúc áp dụng, vì vậy, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn làm rõ quy định của pháp luật về thời hạn gửi bản kiểm kê tài sản, cụ thể cần quy định rõ ràng bản kiểm kê tài sản phải gửi đi trong vòng bao nhiêu ngày kể từ khi bản kiểm kê tài sản hoàn thành.
- Vấn đề thu hồi nợ của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Luật Phá sản năm 2014 chưa có quy định rõ ràng về việc trả nợ cho chủ nợ chính là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, điều này gây nên sự chậm trễ trong việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với những khoản nợ khó đòi. Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ thời gian trả nợ của con nợ đối với chủ nợ là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và hậu quả pháp lý đối với việc trả nợ. Quá thời hạn quy định, nếu con nợ không trả nợ được thì cần tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật. Cần có phương án giải quyết thống nhất đối với doanh nghiệp sau khi bán hết tài sản mà vẫn còn một số nợ chưa đòi được, cơ quan thi hành án tiếp tục việc thu hồi nợ theo quy định và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về quản tài viên
- Về chỉ định quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Hiện nay, việc chỉ định quản tài viên vẫn còn gặp nhiều lúng túng, như trường hợp quản tài viên được chỉ định nhưng quản tài viên đó lại có văn bản từ chối tham gia vụ phá sản, hay căn cứ bắt buộc để thẩm phán chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là khi có đề xuất của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (điểm b khoản 2 Điều 45 Luật Phá sản năm 2014) nhưng không quy định hạn chế số lượng; không quy định rõ số lượng quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hay thứ tự ưu tiên có thể được chỉ định trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản dẫn đến việc thực thi gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan có liên quan cần ban hành hướng dẫn về việc chỉ định quản tài viên theo hướng chỉ có những quản tài viên có tên trong danh sách do Sở Tư pháp cung cấp để bảo đảm tính pháp lý, tiêu chuẩn, năng lực của quản tài viên và ưu tiên những quản tài viên đã được chỉ định theo yêu cầu của người nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản hoặc của chủ nợ trong vụ án phá sản.
- Về thanh toán thù lao, chi phí cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Mục đích cuối cùng của bất cứ công việc nào đó là thù lao. Căn cứ theo quy định tại các điểm a, c, d khoản 4 Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP đều quy định về mức thù lao do thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thỏa thuận được thì giải quyết như thế nào? Ngoài ra, đối với trường hợp thỏa thuận được nhưng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và các chủ nợ (chủ thể có quyền và lợi ích liên quan) không đồng ý với mức thù lao đó thì giải quyết như thế nào? Do đó, cần xem xét bổ sung những căn cứ pháp lý cụ thể để tính mức thù lao của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận được nhưng không được doanh nghiệp và chủ nợ đồng ý.
Nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của quản tài viên ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của quản tài viên, đáp ứng yêu cầu đặc thù của hoạt động quản lý tài sản. Điều đó sẽ giúp chủ thể này chủ động hơn trong công việc, góp phần giúp hoạt động quản lý tài sản trở thành một hoạt động có tính chuyên nghiệp, đảm bảo nhanh nhất về thời gian, đầy đủ nhất về tài sản[2].
Thứ tư, cần rà soát các đạo luật có quy định liên quan đến thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ, thống nhất
Ngoài Luật Phá sản thì việc xử lý tài sản phá sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán còn được quy định trong các văn bản khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trong thực tế việc áp dụng các quy định của pháp luật về phá sản để giải quyết các trường hợp phá sản cụ thể vẫn còn bị hạn chế, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật thì thời gian tới cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan trong vấn đề này, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Cụ thể:
- Đối với Luật Doanh nghiệp: Đây là đạo luật có vai trò mật thiết đối với Luật Phá sản. Đối với việc xử lý tài sản phá sản của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp hiện nay vẫn còn có quy định chưa tương thích với Luật Phá sản. Theo quy định của Luật Phá sản, tất cả các cổ đông đều thuộc cùng một thứ tự ưu tiên thanh toán. Do vậy, tất cả các cổ đông đều được nhận giá trị tài sản còn lại của công ty cùng lúc và theo tỷ lệ sở hữu cổ phần. Trong khi đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi lại có cơ sở pháp lý tương đối rõ ràng để được nhận thanh toán trước các cổ đông khác. Vì vậy trong thời gian tới, cần phải có sự thống nhất về vấn đề này để giải quyết tài sản khi doanh nghiệp phá sản một cách hợp lý.
- Đối với Luật Thi hành án dân sự: Cơ quan thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản và thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những hạn chế liên quan đến thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản; về thời hạn ra quyết định thi hành án; về quyền của người thi hành án; về định giá, định giá lại; về bán đấu giá tài sản; về trình tự thủ tục khi chấp hành viên tiến hành việc thanh lý tài sản; về chi phí phá sản. Từ những hạn chế, bất cập đó, các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới cần rà soát, sửa đổi Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được hiệu quả hơn.
- Đối với Luật Đất đai: Về việc xử lý tài sản phá sản của doanh nghiệp liên quan đến quyền sử dụng đất, Luật Đất đai và Luật Phá sản vẫn còn có những quy định chưa đồng bộ. Trong trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê đất hàng năm, các thu hồi đất liên quan đến quan đến những trường hợp này để giải tỏa vướng mắc cho trường hợp xử lý tài sản có liên quan đến quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, nhất là đối với các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có vốn nhà nước.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.