Tóm tắt: Bài viết nhận diện về lý luận và pháp luật liên quan đến một số biện pháp bảo toàn tài sản trong pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Abstract: The article identifies the theory and law related to some measures to preserve assets in the current corporate bankruptcy law in Vietnam.
1. Tuyên bố giao dịch vô hiệu
Trong pháp luật dân sự, giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý phổ biến như hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự nói chung được coi là có hiệu lực thì phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch không được đáp ứng thì giao dịch bị coi là vô hiệu.
Trong pháp luật phá sản, một trong những biện pháp bảo toàn tài sản trong phá sản doanh nghiệp được đưa ra đó là xác định giao dịch của doanh nghiệp với chủ thể khác bị coi là vô hiệu khi xác lập trong một thời gian nhất định. Điều 59 Luật Phá sản năm 2014 quy định giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường; (ii) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp; (iii) Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn; (iv) Tặng cho tài sản; (v) Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; (vi) Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thực hiện một trong những giao dịch nêu trên với những người liên quan trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu. Có thể nói rằng, thông qua những điều chỉnh cơ bản về vấn đề tuyên bố giao dịch vô hiệu trong quá trình giải quyết phá sản, pháp luật phá sản giúp cho việc bảo toàn được tài sản của doanh nghiệp mắc nợ một cách trọn vẹn nhất, qua đó bảo vệ cho những nhóm lợi ích có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng hay sụt giảm tài sản của doanh nghiệp mắc nợ[1].
2. Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực
Khi doanh nghiệp bị chủ thể có liên quan gửi đơn yêu cầu phá sản đến Tòa án có thẩm quyền, nhiều trường hợp doanh nghiệp vẫn đang hoạt động kinh doanh nhằm thoát khỏi tình trạng “mất khả năng thanh toán” nợ đến hạn hoặc thu hồi những khoản lợi ích từ các hợp đồng đang được thực hiện. Do đó, có thể vẫn tồn tại những hợp đồng đã được doanh nghiệp giao kết từ trước và đang có hiệu lực, chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện một phần. Việc thực hiện các hợp đồng đó có thể mang đến những lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể gây bất lợi thêm cho khối tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản. Vì vậy, những hợp đồng có khả năng gây bất lợi bị tuyên bố tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc thực hiện để bảo vệ lợi ích chung của doanh nghiệp và các chủ nợ của doanh nghiệp. Thông qua việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thực hiện những hợp đồng đang có hiệu lực có khả năng gây bất lợi, tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ được bảo toàn.
Pháp luật phá sản quy định tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực là một trong những biện pháp bảo toàn tài sản trong giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp. Theo đó, Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp thì chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Về tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực, thủ tục này được thực hiện trước khi Tòa án có thẩm quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu chấp nhận thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng; nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết. Nếu Tòa án quyết định không mở thủ tục phá sản thì Tòa án đã quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Về tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án phải xem xét các hợp đồng đang có hiệu lực đã bị tạm đình chỉ để quyết định: (i) Tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp; (ii) Đình chỉ thực hiện hợp đồng và giải quyết vấn đề thanh toán, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
3. Bù trừ nghĩa vụ
Qua các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy, các nhà làm luật Việt Nam không nhìn nhận bù trừ nghĩa vụ là một biện pháp bảo đảm. Bản chất của bù trừ nghĩa vụ là việc các bên đối trừ nghĩa vụ tài sản cùng loại cùng đến hạn cho nhau. Trên thực tế, bù trừ nghĩa vụ bao gồm bù trừ nghĩa vụ theo hợp đồng, bù trừ nghĩa vụ trong phá sản, bù trừ nghĩa vụ độc lập, bù trừ nghĩa vụ giao dịch[2].
Pháp luật phá sản quy định bù trừ nghĩa vụ là một trong những biện pháp bảo toàn tài sản trong giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp. Bù trừ nghĩa vụ được quy định tại Điều 63 Luật Phá sản năm 2014, theo đó, sau khi Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.
Về phương pháp, bù trừ nghĩa vụ được thực hiện thông qua các cách thức như: (i) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản tương đương với nhau thì không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (ii) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp phải thanh toán phần giá trị tài sản chênh lệch để gộp vào khối tài sản của doanh nghiệp; (iii) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp trở thành chủ nợ không có bảo đảm đối với phần giá trị tài sản chênh lệch.
4. Đăng ký giao dịch bảo đảm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra. Để có nhiều sự lựa chọn đối với các chủ thể về các biện pháp bảo đảm, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó là: Cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản, trong đó 02 biện pháp bảo đảm mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.
Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Đây là thủ tục pháp lý có ý nghĩa quan trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các chủ thể, đó là: (i) Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực trong những trường hợp pháp luật quy định; (ii) Đăng ký biện pháp bảo đảm có giá trị pháp lý đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký; (iii) Đăng ký biện pháp bảo đảm là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.
Với những quy định pháp lý và ý nghĩa như trên, đăng ký giao dịch bảo đảm là một thủ tục cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho các bên trong giao dịch. Pháp luật về phá sản cũng đã có những quy định về việc đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những biện pháp bảo toàn tài sản trong phá sản doanh nghiệp nhằm bảo đảm thu hồi đầy đủ tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Theo quy định tại Điều 69 Luật Phá sản năm 2014, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng chưa đăng ký thì doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc đăng ký; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
5. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự và áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án. Việc quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời với mục đích tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc thi hành án thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn nhằm mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án[3].
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã liệt kê 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời và 01 quy định “quét” về biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của luật khác. Luật Phá sản năm 2014 đã liệt kê cụ thể các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà các chủ thể có thể yêu cầu Tòa án áp dụng cũng như quy định thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, giải quyết đề nghị xem xét lại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và thi hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định của Luật Phá sản, pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, để tránh việc yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách tùy tiện, không có cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tiễn, pháp luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Đối với người yêu cầu, người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với người áp dụng, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về cơ bản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được xác định trên cơ sở yếu tố lỗi của chủ thể. Do đó, các chủ thể cần có sự cẩn trọng xem xét các căn cứ, các yếu tố liên quan để có thể yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách đúng đắn nhất.
TS. Nguyễn Thị Nga
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
[1]. Xem: Thái Thị Tường Vi, Tuyên bố giao dịch vô hiệu: Biện pháp bảo toàn tài sản quan trọng trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản, Tạp chí Công Thương, Số 27 (tháng 11/20200), tr. 15 - 19.
[2]. Xem: Đỗ Minh Tuấn, Áp dụng chế định “bù trừ nghĩa vụ dân sự” trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, Tạp chí Quản lý và kinh tế quốc tế, https://tapchi.ftu.edu.vn/các-số-tạp-chí-ktđn/tạp-chí-ktđn-số-81-90/ tạp-chí-ktđn-số-88/1419-áp-dụng-chế-định-“bù-trừ-nghĩa-vụ-dân-sự”-trong-hoạt-động-cấp-tín-dụng-của-ngân-hàng.html.
[3]. Xem: PGS.TS. Trần Anh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr. 288 - 291.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)