Biển, đảo Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc về điều đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các địa phương ven biển thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trái phép của tầu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển, đảo Việt Nam; kịp thời ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho các ngành kinh tế biển, ven bờ và hợp tác quốc tế phát triển.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm cho cán bộ, nhân dân, các chủ phương tiện, các doanh nghiệp và bà con ngư dân các địa phương về những nội dung chính sau đây:
Một là, chú trọng phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nhất là đối với ngư dân, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện hoạt động ở vùng biển xa bờ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; nhằm làm cho cán bộ, nhân dân, ngư dân, chủ phương tiện nắm vững kiến thức cơ bản về biển, đảo, như: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, khu vực biên giới biển và các quy định liên quan đến biển, đảo Việt Nam, cũng như các hiệp định đã ký với các nước trong khu vực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm trên biển; hướng dẫn, giúp đỡ bà con ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam.
Hai là, phối hợp tuyên truyền về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông; vùng biển, đảo có chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; phù hợp với Luật Biển của Việt Nam năm 2013.
Ba là, phối hợp tuyên truyền về luật pháp liên quan đến biển, đảo Việt Nam, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam năm 2013 và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam năm 2015.
Bốn là, phối hợp tuyên truyền cho các chủ tàu thuyền, ngư dân, người lao động, sản xuất, làm ăn trên biển ở 28 tỉnh, thành phố ven biển không xâm phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển của các nước láng giềng.
Năm là, phối hợp tuyên truyền phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, thảm họa môi trường, tìm kiếm cứu nạn cho các chủ tàu thuyền và ngư dân khi có bão, áp thấp nhiệt đới và sự cố môi trường biển xảy ra.
Sáu là, phối hợp tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện và bà con ngư dân tham gia cùng Bộ đội Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép đánh bắt hải sản trên vùng biển có chủ quyền của Việt Nam; giữ gìn an ninh trật tự các vùng biển, đảo và an ninh nông thôn.
Với những nội dung phối hợp tuyên truyền cơ bản nói trên, 03 năm qua (2015 - 2017), Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo Việt Nam, cụ thể: Các đơn vị của hai lực lượng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 1.298 buổi/89.721 lượt cán bộ, nhân dân, ngư dân, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông; vùng biển, đảo có chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với Luật Biển của Việt Nam năm 2013. Đặc biệt, các đơn vị Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các sở, ngành địa phương tổ chức tuyên truyền về luật pháp liên quan đến biển, đảo Việt Nam, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam năm 2013 và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam năm 2015 được 3.729 buổi/108.891 lượt người tham gia; tuyên truyền cho các chủ tàu thuyền, ngư dân, người lao động, sản xuất, làm ăn trên biển ở 28 tỉnh, thành phố ven biển không xâm phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển các nước láng giềng. Tiêu biểu: Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình phối hợp tuyên truyền với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế phối hợp tuyên truyền với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tầu phối hợp tuyên truyền với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang phối hợp tuyên truyền với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.
Năm 2017, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển bàn giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam xâm phạm trái phép vùng biển các nước láng giềng khai thác hải sản, được Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đánh giá cao.
Từ kết quả phối hợp tuyên truyền nói trên, các đơn vị Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đã phối hợp với ngư dân phát hiện, xua đuổi được trên 1.200 lượt tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta; xác lập 119 chuyên án; xử lý 790 vụ vi phạm; bắt 270 đối tượng, thu tang vật, phương tiện, sung công quỹ Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Cảnh sát biển trong tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phối hợp ở một số đơn vị trong cả hai lực lượng chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Một số nội dung trong quy chế phối hợp giữa hai lực lượng chưa phù hợp với diễn biến thực tế mới hiện nay, nhất là việc phân định phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mỗi lực lượng trên từng vùng biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phối hợp tuyên truyền.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”; thời gian tới, trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Bộ đội Biên phòng với Cảnh sát biển, hai lực lượng thống nhất tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ đội Biên phòng cần tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với Cảnh sát biển và các lực lượng khác trong công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, tình hình an ninh trên các vùng biển nước ta còn nhiều phức tạp; đặc biệt là hoạt động của các loại tội phạm (cướp biển, buôn lậu, buôn bán vũ khí, chất nổ, buôn lậu xăng dầu, tội phạm ma túy,...) chưa có chiều hướng giảm; tình trạng tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam hoạt động trên biển, hải đảo còn mỏng. Vì vậy, để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ đội Biên phòng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.
Thứ hai, các hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Bộ đội Biên phòng với Cảnh sát biển phải toàn diện; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu. Trước hết, chú trọng phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm vận động quần chúng, nhất là đối với ngư dân, phương tiện hoạt động ở vùng biển xa bờ, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp với Cảnh sát biển và các lực lượng khác hiệp đồng với các quân khu, quân chủng, binh chủng và chính quyền các địa phương đứng chân trên các vùng biển, hải đảo để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để từ đó nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện giữa Bộ đội Biên phòng với Cảnh sát biển là nhằm làm cho cán bộ, nhân dân, nhất là ngư dân nắm vững kiến thức cơ bản về biển, đảo. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm trên biển; hướng dẫn, giúp đỡ họ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo.
Thứ ba, đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên biển, Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát biển, các lực lượng khác và chính quyền địa phương ven biển tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có các biện pháp đấu tranh ngoại giao, trên tinh thần giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, mềm mỏng trong sách lược, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC); hợp tác giải quyết bằng phương pháp hòa bình, tránh manh động, mắc mưu các thế lực thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ gây ra xung đột, chiến tranh trên biển.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005