Mở đầu Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp báo cáo tóm tắt công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 06 tháng cuối năm 2023. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm, toàn Ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương; chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Từ kết quả số liệu thống kế cho thấy, kết quả công tác trong 06 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, Ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả... những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Nhằm đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác tư pháp 06 tháng đầu năm; nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong các mặt công tác; xác định đúng, đầy đủ, khả thi phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác đến hết năm 2023; tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2023, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề cụ thể như: (i) Đánh giá khó khăn, vướng mắc trong nhiệm vụ lập đề nghị, xây dựng, soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện các quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh và các giải pháp khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản; (ii) Tình hình thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nguyên nhân và giải pháp khắc phục việc chậm xử lý văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và chậm xử lý văn bản sau rà soát; (iii) Việc triển khai công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; (iv) Đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan/đơn vị/địa phương; những tồn tại, hạn chế và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới; (v) Kết quả, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự; vấn đề phối hợp liên ngành, hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương; giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền trong công tác THADS, thúc đẩy thi hành án hành chính; (vi) Đánh giá tình hình quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; (vii) Kết quả, kinh nghiệm tham gia của các cơ quan tư pháp, pháp chế ở Trung ương và địa phương đối với việc tham gia ý kiến, cơ sở pháp lý ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp vào giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh, các nhiệm vụ còn tồn đọng góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh; (viii) Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, bảo đảm nguồn lực cho triển khai nhiệm vụ tư pháp tại Bộ, ngành, địa phương. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp...
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương tinh thần thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm cao và tập trung vào những vấn đề chuyên môn sâu cụ thể của các đại biểu tham dự Hội nghị. Bộ trưởng nhận định, trong 06 tháng đầu năm 2023, mặc dù công việc có nhiều thách thức về tiến độ, chuyên môn và nguồn lực, nhưng toàn Ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời nỗ lực trong thực hiện hiện nhiệm vụ, theo đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong 06 tháng đầu năm 2023, một số lĩnh vực công tác tư pháp còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, trong 06 tháng cuối năm 2023, Bộ, Ngành Tư pháp cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Một là, tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Hai là, tập trung xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, tập trung nguồn lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật; chú trọng xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Ba là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2023; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Bốn là, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm là, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Sáu là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản, đề án trình các cấp có thẩm quyền và ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao và nhiệm vụ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, toàn Ngành Tư pháp cần tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm.
Bùi Huyền
Ảnh: Diệp Linh