Về phía Bộ Tư pháp, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đã đến tham dự và chủ trì Lớp tập huấn. Trao đổi tại Lớp tập huấn này là các luật sư giàu kinh nghiệm đến từ các văn phòng luật sư, đoàn luật sư như: Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cùng với sự tham gia của các luật sư đến từ các văn phòng luật sư tại khu vực phía Nam…
Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề tổng quan về giới và vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, khái niệm giới tính, giới; bạo lực trên cơ sở giới; các hình thức bạo lực đối với phụ nữ; mức độ phổ biến của bạo lực giới; nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới; tác động của bạo lực giới; kỹ năng tư vấn pháp luật cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Luật sư cũng trao đổi về các kỹ năng cụ thể và yêu cầu đối với luật sư khi hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới, kỹ năng tiếp xúc với phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới, kỹ năng tư vấn cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Luật sư cũng đã trao đổi sâu về việc nhận diện phụ nữ bị bạo lực giới như: (i) Phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực qua các hình thức: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân của tệ nạn mua bán người; nạn nhân bị lạm dụng tình dục; nạn nhân của tội phạm công nghệ; đồng thời, luật sư cũng lưu ý, một người có thể đan xen, cùng lúc là nạn nhân của nhiều hình thức. (ii) Nhận diện phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực theo độ tuổi: Tuổi chưa thành niên; tuổi thành niên từ 28 - 20 tuổi; tuổi sinh sản từ 20 - 60 tuổi; tuổi già (trên 60 tuổi).
Việc nhận diện và phân loại này giúp nhanh chóng bước đầu nắm bắt được đối tượng mình đang tiếp xúc thuộc hình thức bạo lực nào để từ đó có phương pháp tiếp xúc và tư vấn phù hợp. Nhận diện rõ những rào cản, tâm lý tác động đến phụ nữ bị bạo lực giới gây ra ngại tiếp xúc hoặc ngại nhờ luật sư, nhạy cảm với hoạt động cơ quan công quyền, thiếu niềm tin vào Tòa án, cơ quan chức năng. Đồng thời, luật sư cũng trao đổi cụ thể về việc phân nhóm các nhóm đối tượng phụ nữ bị bạo lực để hiểu tâm lý, nhận thức, đặc điểm của họ để có các tiếp cận phù hợp... Tại Lớp tập huấn, luật sư cũng tập trung vào các kỹ năng để tìm hiểu được lý do vì sao nạn nhân thường vẫn chấp nhận bạo lực và truyền tải các cách thức, kinh nghiệm nhằm nâng cao các kỹ năng tư vấn cho phụ nữ là nạn nân bạo lực gia đình.
Lớp tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới khu vực phía Nam đã tạo ra một diễn đàn để các luật sư có thể trao đổi thẳng thắn về kiến thức liên quan đến bạo lực gia đình và các kỹ năng tư vấn cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới. Đồng thời, làm rõ các yêu cầu đối với luật sư khi hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới, kỹ năng tạo lập niềm tin của đối tượng, giúp người bị bạo lực giới tin tưởng vào luật sư - người am hiểu pháp luật và đại diện về sự tân tậm, trách nhiệm với vụ việc. Lớp tập huấn cũng đã giúp các học viên trau dồi, tăng cường các kỹ năng tiếp xúc với phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới cũng như kỹ năng tiến hành đầy đủ các bước, các hoạt động nghiệp vụ của luật sư và cân nhắc vận dụng phù hợp tâm lý bảo vệ kẻ yếu của xã hội nhằm phát huy hiệu quả vai trò của việc tư vấn pháp luật cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới trong xã hội hiện nay.
Phúc Bảo