Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết, định hướng về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Chính phủ như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em và các nghị định hướng dẫn thi hành. Riêng về Luật Giáo dục năm 2019, quyền được giáo dục, học tập của trẻ em được quy định từ Điều 15 đến Điều 19 của Luật và được đảm bảo thực hiện bằng các nguồn lực, chính sách hỗ trợ cụ thể quy định tại Điều 44. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non, trong thời gian qua, giáo dục mầm non đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phát triển rộng, khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Hằng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trên 15.000 trường mầm non và trên 16.000 cơ sở độc lập, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,3%, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập chiếm 23,2%; toàn quốc có 54.1% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, phổ cập giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, đã được nhận diện có thể kể đến như: Một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo 03, 04 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục và thiệt thòi cho các em; các điều kiện đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo còn hạn chế, đặc biệt liên quan tới phát triển, thu hút, giữ chân và bồi dưỡng năng lực đội ngũ; công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế, dẫn tới gánh nặng vẫn đươc đặt lên các cơ sở giáo dục mầm non công lập…
Do công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo cần có nguồn lực và cách thức triển khai thận trọng, khả thi nên trong Luật chỉ mới quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 05 tuổi (mặc dù nhiệm vụ này đã được hoàn thành từ năm 2017).
Trước những khó khăn, vướng mắc cụ thể kể trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho rằng đây là thời gian phù hợp để triển khai thí điểm 03 năm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi, sau 03 năm triển khai sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ quan trọng này vào Luật Giáo dục năm 2019 để triển khai trên phạm vi cả nước. Mặt khác, để bảo đảm “chất lượng - công bằng - hòa nhập” trong giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo khi triển khai thí điểm công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi, đáp ứng mục tiêu đặt ra, rất cần phải có một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Như vậy, cần thiết phải có nghị quyết của Quốc hội mới đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định đảm bảo tiếp cận công bằng với giáo dục mầm non có chất lượng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất của xã hội để giúp trẻ em xây dựng nền tảng vững chắc cho học tập suốt đời và trường học là một trong những môi trường quan trọng nhất để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết thí điểm tại 14 tỉnh như báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra yêu cầu rất lớn về vai trò, trách nhiệm đối với Nhà nước, gia đình, xã hội cũng như vai trò các tỉnh được lựa chọn thí điểm trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện các chính sách này. Thứ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ một số nội dung về tính khả thi của các chính sách, số liệu cụ thể về các khoản thu chi thuế, nguồn ngân sách trung ương cần hỗ trợ để thực hiện các chính sách cho trẻ em, đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để thực hiện thí điểm; xác định rõ số lượng giáo viên cần bổ sung để tham gia giảng dạy… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thêm về các nội dung thẩm định được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sự cần thiết, tính hợp lý; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi của nội dung chính sách…
Tham gia ý kiến về Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, Bộ Tài chính nhất trí về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Nghị quyết đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá. Tuy nhiên, việc thí điểm phổ cập đặt ra vấn đề rất lớn lên ngân sách nhà nước, để có cơ sở cho việc đánh giá, phân bổ kinh phí cho việc thực hiện thí điểm trong trường hợp Nghị quyết được thông qua, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ một số nội dung về tiêu chí, tiêu chuẩn của các Trường mầm non được lựa chọn thí điểm; xác định số lượng, chi phí dự kiến cần bố trí; dự kiến số lượng trẻ em theo từng giai đoạn; số lượng trường lớp cần phải xây dựng và nguồn kinh phí được sử dụng từ cấp nào (nguồn ngân sách trung ương cần phân bổ, khả năng bố trí ngân sách của địa phương). Đại diện Bộ Tài chính cũng băn khoăn về việc nhiều chính sách được đề xuất đang dự kiến nguồn ngân sách tăng gấp đôi so với quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/09/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự kiến 14 tỉnh được thí điểm được lựa chọn chưa bao quát hết các vùng miền trên cả nước, do đó, đề nghị làm rõ về tiêu chí lựa chọn các đơn vị thí điểm, bổ sung một số tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung (miền biển, hải đảo) để đảm bảo tính đại diện vùng miền, làm cơ sở để đánh giá kết quả thí điểm sau này. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm rõ nhu cầu, kế hoạch, nguồn vốn dự kiến tăng thêm và sự thống nhất, đồng thuận của các địa phương được lựa chọn để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi thực hiện các chính sách thí điểm. Đối với kinh phí chi đầu tư phát triển, đề nghị bổ sung trong dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và chủ động cân đối trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương được giao để thực hiện thí điểm.
Về phía Bộ Nội vụ, đại diện tham dự đề nghị rà soát kỹ các quy định hiện hành về đề xuất các chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo, đề nghị rà soát đánh giá các chính sách hiện hành (bao gồm cả chính sách theo quy định của địa phương), xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất cụ thể các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; xác định rõ số trẻ trong độ tuổi 03 đến 04 tuổi được thí điểm để xác định các số lượng, nguồn giáo viên, chế độ hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, định mức biên chế để bảo đảm cho chất lượng giáo dục và từ đó xác định được hình thức tuyển dụng phù hợp trong thời gian thí điểm như tuyển dụng mới hay ký hợp đồng; việc xử lý cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên sau khi kết thúc thí điểm.
Đại diện Bộ Lao động và Thương binh và xã hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết thí điểm. Tuy nhiên, Bộ Lao động và Thương binh và xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất về cách thể hiện tên Nghị quyết trong tất cả văn bản. Cùng với đó, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với các chỉ tiêu hoàn thành chương trình phổ cập tại các xã đặc biệt khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa do thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên việc đạt được tỷ lệ như đề xuất tại chính sách là khó khả thi, nhất là lộ trình thực hiện thí điểm ngắn chỉ trong 03 năm.
Xác định chính sách đồng bộ, thống nhất giữa các chủ thể, địa phương
Thay mặt các địa phương được thí điểm, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh nhất trí cao về sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết thí điểm. Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng nếu Nghị quyết được thông qua sẽ giúp các địa phương đạt được nhiều mục tiêu quốc gia mà Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đang được giao thực hiện như chỉ tiêu tối thiểu về giáo viên đứng lớp, tỷ lệ trẻ mầm non được phổ cập tại các trường công lập và tư thục và cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo tư thục. Đại diện tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ nhận được sự quan tâm, quyết tâm của các Bộ, ngành Trung ương nhất là từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề xuất các chính sách phù hợp, khả thi và Nghị quyết sớm được ban hành và đưa vào thực hiện.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Minh cảm ơn những góp ý cụ thể, hữu ích, xác đáng của các thành viên tham dự. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm.
Cần xác định rõ chính sách và lộ trình thực hiện Nghị quyết thí điểm cụ thể, phù hợp
Kết luận tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và chia sẻ những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng cơ chế chính sách cho trẻ em trong giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, để hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm hoàn thiện hơn, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách đề xuất, trong đó lưu ý đánh giá kỹ tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đánh giá kỹ tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết; xác định được các chính sách mang tính đặc thù, khác biệt so với quy định của luật hiện hành, các chính sách cần có có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải; đồng thời xác định rõ phạm vi thí điểm (về đối tượng áp dụng, phạm vi địa bàn thực hiện, đảm bảo tính đại diện vùng miền); cân nhắc thời điểm thí điểm hợp lý để có thời gian tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết kết quả. Về thẩm quyền quyết định các chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ, tiếp thu ý kiến phát biểu tại cuộc họp để quy định thẩm quyền phù hợp giữa Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đảm bảo sự thống nhất giữa các chính sách đặc thù của các địa phương.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa tờ trình và báo cáo đánh giá tác động chính sách; bổ sung đầy đủ bản tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, ngành, địa phương theo đúng quy định và thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số nội dung chính của Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi tại một số tỉnh, thành phố 1. Chính sách thực hiện: Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, ưu đãi thu hút đầu tư, ưu đãi, thu hút đối với giáo viên mầm non, trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi 03 tuổi, 04 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non. 2. Phạm vi triển khai thí điểm: Tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu. 3. Đề nghị xây dựng Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 04 nhóm chính sách, cụ thể như sau: Nhóm chính sách 1: Chính sách đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non: Thí điểm một số chính sách miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi vùng khó khăn; hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; hỗ trợ ăn trưa, được chăm sóc bán trú cho trẻ em mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi vùng khó khăn khi đến trường. Đảm bảo các điều kiện tốt nhất để trẻ mẫu giáo 03 tuổi, 04 tuổi được tiếp cận giáo dục sớm hơn, bảo đảm hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Nhóm chính sách 2: Chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Bổ sung đội ngũ giáo viên, mở rộng nguồn tuyển để đáp ứng nhu cầu phổ cập (số lượng giáo viên còn thiếu ở thời điểm hiện tại và số giáo viên cần bổ sung do tăng số lượng trẻ để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non). Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuẩn đào tạo; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Giải quyết các vấn đề về lương và phụ cấp, giờ làm vượt quy định. Thúc đẩy các địa phương ban hành cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút, khuyến khích đội ngũ giáo viên mầm non yên tâm công tác, gắn bó, tâm huyết với nghề. Nhóm chính sách 3: Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho đơn vị thực hiện phổ cập giáo dục mầm non: Ưu tiên phân bổ ngân sách chi cho phát triển giáo dục mầm non trong phạm vi ngân sách được giao theo phân cấp; các đơn vị thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số đối với trẻ em mẫu giáo theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán năm 2024 và trong thời gian thực hiện thí điểm. Số chi tăng thêm được bố trí cho nhiệm vụ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nhóm chính sách 4: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non: Bổ sung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng, bổ sung phòng học, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non để đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ theo quy định. Đẩy mạnh việc ban hành các chính sách đầu tư của địa phương để thu hút, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non. 4. Lộ trình thực hiện Nghị quyết: 03 năm. |
Hiên Lê