Toàn cảnh Đại hội.
Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2019 - 2024), Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động đạt nhiều kết quả tích cực, hỗ trợ, gỡ vướng về pháp lý cho các thành viên nói riêng và cho cộng động doanh nghiệp nói chung, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế của đất nước.
Về công tác phát triển hội viên, Ban Chủ nhiệm đã tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ như: rà soát tổng thể doanh nghiệp là hội viên của Câu lạc bộ và các doanh nghiệp tiềm năng chưa tham gia Câu lạc bộ; xây dựng gói dịch vụ miễn phí mà các doanh nghiệp được hưởng khi trở thành hội viên của Câu lạc bộ; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về pháp luật kinh doanh cho cán bộ của doanh nghiệp là hội viên của Câu lạc bộ có nhu cầu; tạo sự kết nối thường xuyên giữa Câu lạc bộ và hội viên; tư vấn pháp luật thường xuyên và theo nhu cầu cho các doanh nghiệp.
Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội.
Về hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, Câu lạc bộ tiếp tục phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp ý kiến pháp lý cho hội viên. Câu lạc bộ có đội ngũ chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm hiện đang công tác tại các bộ, ngành trung ương và địa phương, các công ty luật và văn phòng luật sư có uy tín.
Về hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đây là một trong những hoạt động nổi trội của Câu lạc bộ. Câu lạc bộ đã phối hợp với các doanh nghiệp hội viên tổ chức được nhiều chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ theo chuyên đề cho từng đối tượng cụ thể, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nhiệp. Trong nhiệm kỳ qua, Câu lạc bộ đã tổ chức được hơn 80 chương trình bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, tọa đàm về những vấn đề pháp lý, những kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, cán bộ các phòng, ban và người quản lý doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ IV phát biểu tại Đại hội.
Về công tác tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật, Câu lạc bộ đã tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp và các bộ, ngành soạn thảo như: tham gia đóng góp ý kiến tại các hội thảo, hội đồng thẩm định và góp ý văn bản pháp luật; đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật đối với từng đạo luật cụ thể và các văn bản dưới luật khác.
Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, Câu lạc bộ đặt mục tiêu xây dựng phát triển vững mạnh về tổ chức và hoạt động đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy về pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp; là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế; hợp tác quốc tế và tham gia thực hiện các dự án, đề án. Để đạt được mục tiêu này, Câu lạc bộ chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động, đổi tên thành Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành và bộ máy hoạt động của Hiệp hội; tăng cường tính tự chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động; đẩy mạnh công tác phát triển thành viên, tạo điều kiện để thành viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh…
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Trao đổi tại Đại hội về việc tăng cường sự phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho hội viên, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đưa ra các giải pháp như: cần phải phổ biến, tăng cường nhận thức giữa lãnh đạo, các hội viên trong hệ thống Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiểu về vấn đề pháp chế doanh nghiệp, phạm vi hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp để cả hai bên hiểu rõ hơn về phạm vi hoạt động của nhau, những vấn đề mà Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp có thể làm cho doanh nghiệp; lãnh đạo hai tổ chức đại diện cần thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn về công tác hội, qua đó học hỏi kinh nghiệm trong việc quản lý, phát triển hội viên, đặc biệt là công tác hỗ trợ hội viên trong các vấn đề về pháp lý; hai bên tăng cường phối hợp trong công tác tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tạo sự kết nối giữa các văn phòng đại diện Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tại các vùng miền trên cả nước với các hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong hệ thống của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhằm tranh thủ đội ngũ chuyên gia, luật sư của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp thực hiện tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp ngay tại địa phương và hỗ trợ các hiệp hội địa phương trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên của doanh nghiệp…
Ban Chấp hành Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ 2025 - 2030 ra mắt Đại hội.
Đại hội cũng đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động với tên gọi mới là Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam, thông qua điều lệ, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 27 thành viên; Ban Thường vụ gồm 09 thành viên, trong đó, Chủ tịch là ông Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Các Phó Chủ tịch gồm: bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10; ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chúc mừng Đại hội Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã thành công tốt đẹp. Thứ trưởng cho biết, sự ra đời của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh, trọng trách của Bộ Tư pháp, nhất là sau khi Bộ Tư pháp được tái thành lập và cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới, hội nhập. Thứ trưởng khẳng định, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng lực pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau 25 năm thành lập và đi vào hoạt động. Sự đóng góp của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trong công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động của doanh nghiệp là rất to lớn. Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp là chỗ dựa pháp lý tin cậy cho các thành viên khi gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh, đồng thời cũng là “cầu nối” để tham gia triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Bước sang một giai đoạn mới, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Bộ Tư pháp đề nghị các thành viên Ban Chấp hành và Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới cần nghiên cứu những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện nay của đất nước để Câu lạc bộ với mô hình tổ chức, hoạt động với tên gọi mới là Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế đất nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được xác định trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới với yêu cầu phát triển lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, có năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc để doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thông qua Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, qua đó phát huy vị trí, vai trò của Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp thành viên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Hội doanh nghiệp khác để hỗ trợ, bảo trợ cho thành viên Hiệp hội; nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm pháp chế doanh nghiệp, nhất là những vấn đề thường gặp trong đời sống pháp lý doanh nghiệp, vấn đề pháp luật quốc tế. Hiệp hội cũng cần phát huy tính chủ động trong việc đề xuất chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; kịp thời tập hợp các phản ánh của thành viên Hiệp hội để phối hợp các cơ quan, hiệp hội khác tổ chức diễn đàn, hội thảo để kiến nghị với các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp luôn ủng hộ hoạt động của Hiệp hội và đề nghị Hiệp hội chủ động đề xuất các hoạt động, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ./.
Hoàng Trung