1. Tính chất pháp lý của loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ từ hợp đồng
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ là hậu quả pháp lý bất lợi mà bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu khi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ, dẫn đến những tổn thất về vật chất hoặc tinh thần cho bên mang quyền. Theo tinh thần Bộ luật Dân sự năm 2015, yếu tố lỗi không còn là điều kiện bắt buộc đặt ra đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, việc chứng minh lỗi không cần được đặt ra. Tuy nhiên, trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ muốn thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thì họ phải chứng minh được họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại như thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết, do lỗi của người bị thiệt hại[1]… Việc áp dụng trách nhiệm bồi thường luôn hướng tới việc bù đắp tổn thất mà người có quyền phải gánh chịu. Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước dẫn đến chủ thể có nghĩa vụ đã không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trước chủ thể mang quyền. Để giải trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ, pháp luật quy định một số trường hợp, theo đó, bên vi phạm không phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do bị áp dụng các hình thức chế tài dân sự, thương mại, đó là các trường hợp loại trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại.
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật, việc sử dụng thuật ngữ “loại trừ” hay “miễn trừ” là không thống nhất. Về bản chất, việc một bên vi phạm không phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra trong một số trường hợp không phải là căn cứ để “miễn trừ” hoàn toàn hay một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cần phải hiểu rằng, mặc dù bên vi phạm nghĩa vụ đã gây thiệt hại cho chủ thể có quyền nhưng theo quy định của pháp luật hoặc các bên thỏa thuận không phát sinh trách nhiệm pháp lý (giải thoát khỏi trách nhiệm pháp lý), không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ, có nghĩa là trách nhiệm bồi thường thiệt hại được loại trừ (không cấu thành trách nhiệm). Tinh thần này cũng được xác định rất rõ trong Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp: “Việc không thể thực hiện nghĩa vụ sẽ giải phóng nghĩa vụ cho bên con nợ nếu đó là trường hợp bất khả kháng và tình trạng không thể thực hiện đó là vĩnh viễn, trừ trường hợp bên con nợ có thỏa thuận chịu trách nhiệm, hoặc đã được thông báo nhắc nhở từ trước”[2]. Còn đối với “miễn trừ” nghĩa là trên thực tế đã xảy ra sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng và có gây thiệt hại, nhưng không rơi vào các trường hợp được pháp luật loại trừ trách nhiệm, được bên bị thiệt hại đã miễn cho bên kia không phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật. Theo đó, có thể hiểu, miễn trừ là miễn cho khỏi phải chấp hành; loại trừ là loại bỏ, làm cho mất đi, không kể đến vì đã được quy định từ trước.
Miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng là việc người có quyền trong hợp đồng cho phép bên chủ thể vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại không bị áp dụng một phần hoặc toàn bộ các chế tài nhằm khôi phục tình trạng ban đầu về tài sản và nhân thân cho bên chủ thể bị vi phạm. Bản chất của loại trừ trách nhiệm dân sự là việc bên chủ thể vi phạm nghĩa vụ đáng lẽ phải gánh chịu toàn bộ và đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm, tuy nhiên, vì thiệt hại xảy ra trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà bên vi phạm nghĩa vụ được loại trừ toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.
Từ những lý giải trên đây, có thể đưa ra khái niệm: “Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là việc các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định về các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà theo đó, bên chủ thể vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại không bị áp dụng biện pháp khôi phục một phần hoặc toàn bộ tình trạng ban đầu về tài sản cho bên có quyền”.
2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ từ hợp đồng
Về nguyên tắc, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh các điều kiện làm căn cứ yêu cầu bồi thường[3]. Tuy nhiên, trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, chủ thể vi phạm nghĩa vụ không phải tuân theo nguyên tắc luật định. Điều này đã được cụ thể hóa thành quy định liên quan đến các trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại như sau: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”[4]. Trong khi đó, Luật Thương mại năm 2005 lại quy định bốn căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, bao gồm: Thỏa thuận của các chủ thể trong hợp đồng, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng[5]. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “… Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”[6].
Như vậy, giữa quy định của Bộ luật Dân sự với Luật Thương mại và Bộ luật Lao động liên quan tới vấn đề miễn trừ, loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng không thống nhất với nhau. Trong khi đồng bộ hóa luật tư ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết và quan trọng. Theo quy định của các văn bản pháp luật trên đây, bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Quy định này được hiểu, một sự kiện xảy ra trên thực tế phải thỏa mãn các điều kiện như sau mới được coi là sự kiện bất khả kháng: (i) Sự kiện đó phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan. Tính khách quan của sự kiện thể hiện ở chỗ nó phát sinh hay không phát sinh không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ chủ thể nào. Nếu bên có nghĩa vụ hoặc bất cứ bên nào tác động khiến cho sự kiện xảy ra trái với tính khách quan thì coi như sự kiện đó không xảy ra. Ví dụ, sự kiện bão, lụt, động đất…; (ii) Bên có nghĩa vụ không thể lường trước được về việc sự kiện đó có xảy ra hay không. Đây là yếu tố thể hiện tính đột ngột, bất ngờ của sự kiện được coi là bất khả kháng kéo đến có thể kể đến như lốc xoáy bất ngờ, mưa đá, động đất núi lửa, sóng thần...; (iii) Bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được sự vi phạm nghĩa vụ.
Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: “Trường hợp bất khả kháng được xác định khi có một sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên con nợ, bên con nợ không thể được thông báo một cách hợp lý ở thời điểm ký kết hợp đồng và tác động của sự kiện đó không thể tránh khỏi bằng các biện pháp phù hợp, cản trở việc thực hiện hợp đồng của bên con nợ. Nếu việc cản trở là tạm thời, việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tạm hoãn trừ trường hợp sự chậm trễ đi kèm không phải là lý do để hủy bỏ hợp đồng. Nếu việc cản trở là vĩnh viễn, hợp đồng sẽ mặc nhiên được hủy bỏ và các bên được giải phóng khỏi các nghĩa vụ theo các điều kiện được quy định tại các điều 1351 và 1351-1”[7]. Đối với pháp luật Cộng hòa Pháp, để một sự kiện được coi là bất khả kháng cần phải chứng minh sự kiện đó thỏa mãn một số điều kiện nhất định như: Sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát, tác động của sự kiện đó không thể tránh khỏi bằng các biện pháp phù hợp, cản trở việc thực hiện hợp đồng của bên con nợ, không thể cưỡng lại[8]… Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp còn quy định các khoản bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng được xác định là một sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của con nợ, vào thời điểm đó không thể lường trước một cách hợp lý về việc ký kết hợp đồng, những ảnh hưởng không thể tránh được bằng các biện pháp thích hợp và điều này ngăn cản con nợ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình[9]... Ngoài ra, Bộ luật này còn quy định cho trường hợp cụ thể về trách nhiệm bồi thường sẽ được loại trừ khi phần nghĩa vụ không được thực hiện, hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ nếu chứng minh được việc thực hiện nghĩa vụ đã bị cản trở bởi một sự việc bất khả kháng: “Bên con nợ phải bồi thường cho những thiệt hại nếu có, hoặc trên cơ sở phần nghĩa vụ không được thực hiện, hoặc trên cơ sở chậm thực hiện nghĩa vụ nếu không chứng minh được rằng việc thực hiện nghĩa vụ đã bị cản trở bởi một sự việc bất khả kháng”[10].
Theo pháp luật Việt Nam, khái niệm sự kiện bất khả kháng được quy định còn sơ sài, không có một quy định cụ thể nào trong chế định nghĩa vụ và hợp đồng về sự kiện bất khả kháng. Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đặt ra quy định sự kiện bất khả kháng liên quan đến phần thời hiệu, cụ thể là để xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chứ không phải là một quy định cụ thể hoặc khái niệm cụ thể về sự kiện bất khả kháng. Luật Thương mại năm 2005 cũng không có quy định nào đề cập cụ thể về khái niệm sự kiện bất khả kháng. Tại các Điều 294, 295 và 296 Luật Thương mại năm 2005 quy định về sự kiện bất khả kháng, tuy nhiên, theo hướng khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm hợp đồng phải có sự thông báo ngay cho bên kia về trường hợp loại trừ trách nhiệm trong một khoảng thời gian thích hợp, nếu không thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở tham chiếu quy định pháp luật Cộng hòa Pháp, pháp luật Việt Nam cần phải có một số sửa đổi, bổ sung về sự kiện bất khả kháng đối với các nội dung đã được đề cập ở các mục trên, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 liên quan trực tiếp đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng để đảm bảo tính tập trung và rõ ràng trong quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường do sự kiện bất khả kháng.
Thứ hai, bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của bên có quyền
Việc thực hiện đúng nghĩa vụ không chỉ phụ thuộc vào bên có nghĩa vụ mà trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào bên có quyền. Điều này thể hiện ở sự thiện chí của bên có quyền trong việc hỗ trợ bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Mọi sự bất hợp tác của bên có quyền đều có thể khiến cho bên có nghĩa vụ gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Ví dụ, bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ về thời hạn, địa điểm nhưng bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ khiến cho bên có nghĩa vụ không thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình. Trong nhiều trường hợp, sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Đây là quy định phù hợp, bởi vì về nguyên tắc, không thể buộc một chủ thể không có lỗi phải gánh chịu trách nhiệm do lỗi của chủ thể khác gây ra. Pháp luật của Cộng hòa Pháp cũng quy định căn cứ để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này phải là do lỗi của bên bị vi phạm. Theo Điều 1110 Bộ luật Dân sự quy định: “Lỗi là một căn cứ để hủy bỏ một thỏa thuận khi nó dựa vào chính bản chất của đối tượng nó hướng tới”. Bên cạnh yếu tố lỗi, liên quan đến các vấn đề trong hợp đồng, các Điều 1142, 1147, 1150 và 1151 của Bộ luật Dân sự nước này quy định rằng, bên bị vi phạm chỉ được phục hồi thiệt hại khi các thiệt hại đó được gây ra trực tiếp do hành vi vi phạm hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm. Để có thể bồi thường, bên bị vi phạm phải chứng minh rằng các thiệt hại phát sinh là hậu quả trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên kia về nghĩa vụ trong hợp đồng. Số tiền thiệt hại được bồi thường sẽ không vượt quá số tiền chứng minh được. Điều này pháp luật Việt Nam cũng có sự tương đồng. Luật Thương mại năm 2005 quy định bên bị phạm được loại trừ trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp mặc dù đã trải qua một số sửa đổi và tái cấu trúc đáng kể liên quan đến luật hợp đồng, nhưng không thay đổi các nguyên tắc áp dụng đối với việc loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của bên có quyền. Có thể xem xét các trường hợp loại trừ trách nhiệm do bên có quyền có lỗi như sau:
(i) Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi hoàn toàn của bên có quyền. Trong trường hợp này, bên gây ra thiệt hại sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường bởi nguyên nhân chính gây ra thiệt hại nằm ở phía bên có quyền. Hiện nay, ở Việt Nam, tại khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định tương tự.
(ii) Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi một phần của bên có quyền. Với trường hợp này, Tòa án vẫn loại trừ một phần trách nhiệm cho bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam không có quy định nào rõ ràng về lỗi của hai bên (tức là bên có quyền cũng có một phần lỗi). Trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 chỉ đề cập đến loại trừ trách nhiệm dân sự do có sự kiện bất khả kháng, do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay khi bên có quyền có lỗi, không thực hiện đúng hợp đồng.
Tiếp cận pháp luật của Pháp, có thể thấy rằng, quốc gia này có những quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hoặc loại trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo một khung pháp lý thống nhất. Đối với Việt Nam, chế định này được quy định “rải rác” tại Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, nhưng đều không có quy định cụ thể về trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng do lỗi của hai bên. Điều này dẫn tới việc xét xử của Tòa án sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần:
(i) Có sự thống nhất giữa các ngành luật, tạo nên khung pháp lý chung về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng do lỗi của bên bị vi phạm. Nên hiệu chỉnh Bộ luật Dân sự theo tính chất định hướng cho các văn bản luật chuyên ngành khác;
(ii) Có quy định điều chỉnh chung về trách nhiệm hạn chế thiệt hại trong tất cả các hợp đồng theo tinh thần của Điều 362 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ ba, loại trừ trách nhiệm do các bên thỏa thuận
Xuất phát từ việc tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, Luật Thương mại năm 2005 đã trao quyền chủ động cho các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Cụ thể, mọi nội dung của hợp đồng đều do các bên thỏa thuận và nếu không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội thì những thỏa thuận đó đều có giá trị pháp lý, ngay cả việc các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng những điều kiện để miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thỏa mãn các điều kiện ấy. Như vậy, pháp luật đã coi yếu tố “thỏa thuận” của các bên là một trong những căn cứ miễn trách nhiệm pháp lý nói chung cho bên vi phạm hợp đồng[11]. Có khá nhiều trường hợp, một trong các bên tham gia hợp đồng lợi dụng về điều khoản miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại để cố ý vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia. Trong khi tinh thần Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 chỉ đơn giản là công nhận trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước, bên vi phạm sẽ được giải thoát khỏi trách nhiệm của mình, bất kể sự vi phạm nghĩa vụ đó là cố ý hay vô ý. Điều này có thể gây ra sự bất bình đẳng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng dân sự cũng như thương mại. Khác với Việt Nam, trong vấn đề này, pháp luật Cộng hòa Pháp trong thời gian dài không công nhận giá trị pháp lý của các thỏa thuận nhằm loại trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Cơ sở của việc không công nhận xuất phát từ quan điểm cho rằng, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng được xác định trên cơ sở lỗi, nếu có lỗi không thể được loại trừ, bởi vì, nếu ngược lại thì sẽ mâu thuẫn với bản chất của nghĩa vụ hợp đồng. Trong Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp không có một quy định nào điều chỉnh thỏa thuận hạn chế hay loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các thỏa thuận về loại trừ trách nhiệm trong quan hệ dân sự, trong hoạt động thương mại, dẫn đến sự cần thiết phải giải quyết vấn đề về hậu quả pháp lý của các thỏa thuận đó. Năm 1959, Tòa thượng thẩm quy định rằng, các thỏa thuận về loại trừ trách nhiệm được coi là có giá trị pháp lý, nếu chúng không loại trừ trách nhiệm do lỗi cố ý hay vô ý nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là, nếu sự vi phạm hợp đồng là cố ý thì thỏa thuận loại trừ trách nhiệm sẽ không có giá trị pháp lý. Hiện nay, nguyên tắc này được Cộng hòa Pháp lấy làm nền tảng để xây dựng cách tiếp cận của pháp luật đối với các thỏa thuận loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Trong Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp, mức bồi thường thiệt hại cũng có thể do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời, mức thỏa thuận này có thể bị thay đổi bởi Toà án nếu mức thỏa thuận đó quá thấp hoặc quá cao so với tổn thất thực tế[12]. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung những điều kiện nhất định để đảm bảo sự tôn trọng của các bên trong hợp đồng và hạn chế việc bên có lợi thế hơn trong giao kết hợp đồng lợi dụng căn cứ loại trừ trách nhiệm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng để đặt ra những trường hợp loại trừ trách nhiệm có lợi cho mình. Điều này phù hợp với sự phát triển của pháp luật quốc tế và thực tiễn giao kết hợp đồng của các quốc gia. Ngoài ra, nhằm vừa đảm bảo tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên, vừa hạn chế một bên lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng. Theo đó, một thỏa thuận về căn cứ loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý nếu như nó không phải là vi phạm do cố ý.
Thứ tư, loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phải thực hiện quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền[13]
Quyết định của cơ quan nhà nước sẽ là mệnh lệnh, được ban hành bởi các chủ thể quản lý của nhà nước theo một thể thức nhất định nhằm thực hiện một mục đích hoặc một công việc nào đó. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là kết quả của một hoạt động nhất định, mang tính quyền lực nhà nước, buộc cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm tuân theo.
Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 thiếu đồng bộ trong quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này chỉ được dự liệu trong Luật Thương mại năm 2005, không được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến hệ quả không thể thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ được loại trừ trách nhiệm dân sự. Đồng thời, quy định của pháp luật hiện hành không quy định rõ những trách nhiệm dân sự nào sẽ được loại trừ, phần chung về hợp đồng thương mại hay nghĩa vụ dân sự cũng không thể hiện rõ mức thiệt hại nào thì bên có nghĩa vụ sẽ được loại trừ.
Qua nghiên cứu và quan sát các hoạt động thực tiễn, có thể đưa ra các trường hợp được loại trừ trách nhiệm do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để từ đó có cách nhìn tổng quan và chính xác hơn về vấn đề này. Đó là: (i) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền tác động trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng, khiến đối tượng trong hợp đồng không còn; (ii) Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thay đổi chủ thể hợp đồng, làm hai bên không thể đạt được mục đích như khi giao kết hợp đồng.
Tóm lại, với các nội dung được phân tích ở trên cho thấy, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của Cộng hoà Pháp có những điểm tương đồng và khác biệt cơ bản. Sự khác biệt trong quy định của pháp luật hai quốc gia không phải là yếu tố thể hiện trình độ lập pháp của mỗi nước, mà nó thể hiện sự phù hợp của quy định pháp luật với thực tiễn đời sống xã hội. Bởi vậy, một trong những cách thức và giải pháp để Việt Nam khắc phục được tình trạng này là nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang trong thời kỳ chú trọng đồng bộ hóa luật tư.
NCS. Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, năm 2017, tr. 541, 542...
[2]. Điều 1351 của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp sửa đổi theo phê chuẩn của Luật số 2018-287 ngày 20/4/2018.
[3]. Nguyễn Văn Hợi, Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp, Tạp chí Nghề luật, số 5, tháng 5 năm 2019, tr. 32.
[4]. Khoản 2 và khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.
[6]. Khoản 1 Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012.
[7]. Điều 1218 của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp sửa đổi theo phê chuẩn của Luật số 2018-287 ngày 20/4/2018
[8]. Đoạn 1, Điều 1218 của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp (tlđd).
[9]. Điều 1218 của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp (tlđd).
[10]. Điều 1231-1 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp (tlđd).
[11]. Điểm a khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.
[12]. TS. Nguyễn Văn Hợi, Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp, Tạp chí Nghề luật, số 5, tháng 5 năm 2019, tr. 33.
[13]. Điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.