Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, một trong nội dung rất đáng quan tâm là lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo được pháp luật ghi nhận và cho phép thực hiện. Điều này đã tạo ra hi vọng cho những cặp vợ chồng mặc dù đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác nhưng vẫn không thể thực hiện thiên chức của mình, cơ hội được làm cha mẹ của những đứa trẻ có cùng huyết thống với họ một cách hợp pháp. Đây được xem như một bước ngoặt quan trọng, một bước tiến táo bạo nhưng cũng đầy chất nhân văn trong chính sách pháp luật của Nhà nước ta đối với các trường hợp hiếm muộn con. Bởi suy cho cùng, pháp luật không phải lúc nào cũng phục vụ cho số đông mà còn là công cụ bảo vệ cho số ít người yếu thế trong cộng đồng. Điều này cũng đồng thời giải quyết được những tranh chấp đang diễn ra trên thực tế khi tình trạng MTH vẫn tồn tại tương đối phổ biến nhưng lại thiếu sự điều chỉnh của pháp luật và cơ chế giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này được thông qua xuất phát từ sự tác động của nhiều yếu tố về mặt lý luận và thực tiễn khác nhau. Song, thực tế thực hiện những năm qua đã chứng minh rằng, quy định về MTH vì mục đích nhân đạo đã và đang đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển chung của toàn xã hội. Điều này đã cho thấy, việc xây dựng hành lang pháp lý về MTH vì mục đích nhân đạo là phù hợp và đúng hướng. Đồng thời, để quy định này phát huy được hiệu quả, điều chỉnh tích cực thì việc hoàn thiện các quy định về MTH vì mục đích nhân đạo cũng là nhu cầu cần thiết nhằm bảo vệ quan hệ pháp luật này trước những nguy cơ trục lợi, biến tướng.
1. Yếu tố phong tục, tập quán
Yếu tố về phong tục, tập quán là một trong những vấn đề quan trọng có tác động đến việc điều chỉnh quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình nói chung và chế định MTH nói riêng. “Phong tục là thói quen, tục lệ đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo”, “tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được mọi người công nhận và làm theo”[1]. Phong tục, tập quán có những tác động nhất định đến hành vi, ứng xử, quan điểm, tư tưởng của con người. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, yếu tố phong tục, tập quán chi phối mạnh mẽ tư tưởng, quan điểm về dòng tộc. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, quan niệm và thực hành về dòng tộc tạo nên cốt lõi đời sống văn hóa của mỗi vùng miền riêng biệt. Tuy nhiên, những xã hội khác nhau có các cách tổ chức dòng tộc khác nhau. Xã hội Việt Nam với những đặc trưng của nền văn hóa phương Đông, chịu sự tác động mạnh mẽ của tư tưởng nho giáo nên yếu tố về gia đình, dòng tộc luôn được đề cao và coi trọng. Do đó, pháp luật điều chỉnh về MTH vì mục đích nhân đạo nhằm giải tỏa tâm lý về việc đề cao yếu tố về dòng tộc trong văn hóa người Việt. Khái niệm gia đình được đề cập trong nhiều quan điểm từ trước đến nay luôn phải gắn liền với mối quan hệ giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ và con; giữa các thành viên khác như ông, bà và cháu; giữa anh, chị, em ruột đối với nhau và thậm chí còn có thể là giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột đối với cháu[2]. Với tâm lý chung đó, yếu tố về thành viên gia đình dường như luôn được mặc định trong ý thức của người Việt Nam rằng việc xây dựng gia đình phải gắn liền với việc sinh con, có con. Không những thế, trong văn hóa của người Việt, chức năng của gia đình không chỉ dừng lại ở việc có con mà còn đặc biệt được nhấn mạnh là yếu tố dòng tộc phải là có con trai để nối dõi. Thuật ngữ “dòng dõi” hoặc “dòng giống” gia đình phản ánh vai trò chủ đạo của đàn ông trong chế độ thân tộc này. Thông qua “giống” mà “dòng dõi”, gia đình được tiếp nối từ tổ tiên đến con cháu đời sau. Con cái là sự kết nối các cá nhân của thế hệ trước và thế hệ sau để tạo thành một cộng đồng đông đúc của gia đình, dòng họ[3]. Vì vậy, quan điểm thường thấy là, một gia đình đúng nghĩa là gia đình mà ở đó tối thiểu phải bao gồm thành viên là cha, mẹ và con. Do đó, khi xây dựng hôn nhân mà vợ chồng không thể có con có tác động tâm lý khá tiêu cực đối với bản thân các cặp vợ chồng cũng như các thành viên khác trong gia đình của họ. Không có con cũng đồng nghĩa với việc “nối dõi tông đường” chấm dứt. Không thể có con cũng có nghĩa là không làm tròn đạo “hiếu” với cha mẹ vì không có người kế tục dòng họ. Bản thân vợ chồng bị ám ảnh về nỗi buồn của cá nhân không thể sinh con nhưng cũng cảm thấy có lỗi vì đã không làm tròn nhiệm vụ đối với cha mẹ và tổ tiên vì không sinh được người tiếp nối dòng giống gia đình. Điều này thường thôi thúc các cặp vợ chồng tìm đến những cơ hội dù là nhỏ nhất để có thể sinh con hoặc ít nhất là có thể có con cùng huyết thống với bản thân họ.
Mặt khác, theo phong tục tập quán của người Việt Nam, việc lập gia đình nhất thiết phải có con vì con cái sẽ là chỗ dựa cho cha mẹ khi về già. Bởi vậy, con cái là vô cùng quan trọng đối với cha mẹ. Trong một xã hội với nguồn an sinh cho người già chủ yếu đến từ gia đình thì phần lớn tâm lý của mọi người là trông đợi khi về già có thể “dựa” vào con cái. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Do đó, quan điểm phổ biến trong xã hội hiện nay vẫn cho rằng, nếu không có con, tương lai của cha mẹ khi về già có thể “bấp bênh”, nhất là khi họ có điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Điều này cũng là phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, bởi lẽ, chế độ an sinh xã hội của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông. Cho nên, đây là một trong những tác động tâm lý buộc người ta phải sinh được con bởi vì họ ít nhìn thấy các cơ sở nào khác nuôi dưỡng người già và cũng chưa có thói quen an dưỡng tuổi già tại các cơ sở dưỡng lão. Đây cũng là một trong những yếu tố khách quan tác động đến tâm lý của các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con tìm kiếm giải pháp MTH. Thực tiễn đó đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp trước những quan hệ xã hội mới phát sinh. Sự thay đổi đó nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc đối với bản thân vợ chồng và trẻ em khi họ nỗ lực thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng pháp luật không có sự điều chỉnh hoặc điều chỉnh nhưng chưa phù hợp. Do đó, pháp luật Việt Nam ghi nhận và cho phép MTH vì mục đích nhân đạo đã đáp ứng một trong những yêu cầu khách quan mà thực tiễn đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
2. Yếu tố tâm lý, đạo đức
Yếu tố tâm lý, đạo đức có tác động rất lớn đến pháp luật điều chỉnh MTH vì mục đích nhân đạo. Bởi lẽ, đây là yếu tố ảnh hưởng đến gần như hầu hết các chủ thể có liên quan đến quan hệ pháp luật này. Theo Từ điển tiếng Việt, tâm lý chính là “toàn bộ nói chung sự phản ánh hiện thực khách quan và ý thức con người, bao gồm nhận thức, tình cảm, ý chí... biểu hiện trong hoạt động và cử chỉ của mỗi người”; đạo đức là “những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”[4]. Trong quan hệ pháp luật về MTH vì mục đích nhân đạo, yếu tố tâm lý, đạo đức vừa mang tính thống nhất nhưng vừa mang tính mâu thuẫn trong nội tại bên trong của cả hai phía chủ thể là bên MTH và bên nhờ MTH.
Đối với bên nhờ MTH, rõ ràng, bản thân vợ chồng không thể mang thai và sinh con nên trong họ luôn cháy bỏng, khát khao có được một người con sinh ra có cùng huyết thống với chính mình. Chính điều này đã thôi thúc họ nỗ lực tìm kiếm cơ hội bằng cách nhờ người khác MTH. Do đó, việc đứa trẻ được sinh ra từ kỹ thuật MTH đã thỏa mãn khát khao đó của họ, biến ao ước về việc được làm cha, làm mẹ rất đỗi bình thường nhưng vô cùng thiêng liêng trở thành hiện thực, giải phóng tâm lý bất lực trước những cố gắng tự mình sinh con nhưng bất thành. Mặt khác, MTH là một kỹ thuật phức tạp, vì vậy, bên cạnh niềm hạnh phúc được chào đón đứa con khỏe mạnh ra đời, bản thân vợ chồng nhờ MTH đôi khi cũng phải đối diện với những áp lực thất bại hoặc nguy cơ về việc trẻ sinh ra không lành lặn, bệnh tật. Trước những khả năng đó, bên MTH phải chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng đón nhận những hệ quả xấu. Đồng thời, ngay cả khi những điều thiếu may mắn đó là sự thật thì cách đối diện với những tình huống ấy như thế nào cũng phụ thuộc lớn vào thái độ ứng xử, tâm lý, đạo đức của bên nhờ MTH. Vì vậy, sự điều chỉnh của pháp luật về MTH vì mục đích nhân đạo cũng được xây dựng dựa trên những yếu tố về mặt tâm lý, đạo đức nhìn từ góc độ của bên nhờ MTH để vừa bảo đảm quyền lợi cho chính bản thân họ, cho bên MTH và cho đứa trẻ được sinh ra nhưng đồng thời cũng phải xây dựng những chế tài để bảo đảm rằng các bên không có những hành vi ứng xử thiếu đạo đức làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác.
Đối với bên MTH, sự đồng ý MTH là tự nguyện được thiết lập dựa trên cơ sở của sự mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ bên nhờ MTH có thể thực hiện quyền làm cha, mẹ của đứa con có cùng huyết thống. Dưới khía cạnh đạo đức, đây là một việc làm đầy tính nhân văn. Tâm lý người MTH cũng hướng tới ước mong có thể đem lại niềm hạnh phúc cho người mà mình MTH, đáp ứng được sự mong mỏi của gia đình, dòng tộc về việc sinh con cho bên nhờ mang thai. Do đó, yếu tố tâm lý này có sự tác động đáng kể đến việc đồng ý mang thai của chính họ. Tuy nhiên, quá trình mang thai với nhiều đau đớn về thể xác, ảnh hưởng xấu về sức khỏe, hạn chế về sự tham gia xã hội, thậm chí là rủi ro về tính mạng nên đôi khi người MTH cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn nội tại trong tâm lý ái ngại cho việc thực hiện MTH giúp người khác. Mặt khác, quá trình “mang nặng đẻ đau”, mặc dù được thực hiện thông qua những yếu tố kỹ thuật nhưng cũng chứa đựng những yếu tố tự nhiên nên tổn thương tâm lý của người MTH khi phải giao con, phải chấp nhận sự chia cắt là hiện hữu. Do đó, dưới góc độ nhìn từ yếu tố tâm lý của bên MTH, pháp luật điều chỉnh về MTH vì mục đích nhân đạo luôn tỏ ra thận trọng, cân nhắc để tránh tình trạng “nhân đạo với người này nhưng phi nhân đạo với người khác”. Trên cơ sở đó, pháp luật luôn xây dựng các quy định nhằm thể hiện sự tôn trọng nguyện vọng, ý chí của bên MTH, bảo vệ các quyền nhân thân một cách rõ ràng để không gây tổn thương tới họ và bảo đảm sự phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp lý.
Bên cạnh đó, pháp luật điều chỉnh về MTH còn chịu sự chi phối trong việc đánh giá vấn đề tâm lý, đạo đức đối với trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật này. Rõ ràng, trong mọi quan hệ xã hội, trẻ em luôn là đối tượng cần được bảo vệ. Quan hệ pháp luật về MTH vì mục đích nhân đạo cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Tuy nhiên, không giống với những trường hợp thông thường, trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật MTH lại khá đặc biệt. Người sinh ra trẻ không phải là mẹ của trẻ, đồng thời, trẻ được sinh ra cũng phải “chấp nhận sự chia cắt”. Vì vậy, những lo ngại về tổn thương tâm lý đối với trẻ em cũng cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan. Mặt khác, trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hơn, chẳng hạn khả năng bị bỏ rơi, bị từ chối giao/nhận... Những điều này vừa là sự xâm phạm về đạo đức, vừa là những tác động tâm lý tiêu cực đến trẻ em. Do vậy, pháp luật điều chỉnh về MTH vì mục đích nhân đạo luôn phải được xây dựng theo hướng bảo đảm quyền lợi tối đa của trẻ em. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của trẻ em luôn phải được đặt lên hàng đầu và được xem là tối quan trọng.
Ngoài ra, một trong những vấn đề liên quan đến yếu tố tâm lý và đạo đức chi phối đến việc điều chỉnh MTH vì mục đích nhân đạo được nhìn nhận từ góc độ chủ thể là những người tiến hành thực hiện kỹ thuật MTH của các cơ sở y tế. Vai trò của các bác sỹ, chuyên gia có tác động nhất định đến việc có thực hiện MTH hay không, thực hiện thành công hay không hoặc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về MTH. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật này, nếu có phát hiện những vi phạm về mục đích, điều kiện MTH thì việc quyết định thực hiện hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, đạo đức nghề nghiệp của các bác sỹ, cán bộ y tế. Mặt khác, khi phát hiện những bất thường về thai nhi hoặc những yếu tố tiềm ẩn rủi ro đối với người mang thai thì ý thức, trách nhiệm của họ cũng vô cùng quan trọng. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của các bên chủ thể, đến đứa trẻ sinh ra từ MTH. Vì vậy, yếu tố về đạo đức, y đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các bác sỹ cán bộ y tế là một trong những yếu tố có tác động và ảnh hưởng lớn đến việc điều chỉnh quan hệ pháp luật về MTH vì mục đích nhân đạo.
3. Yếu tố kinh tế - xã hội
Ph. Ănghen đã khẳng định rằng: “Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: Một mặt do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”[5]. Như vậy, dù ở thời đại nào, yếu tố kinh tế - xã hội cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ với quan hệ hôn nhân và gia đình. Theo đó, việc điều chỉnh quan hệ pháp luật về MTH cũng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố này. Xã hội hiện đại với nhiều yếu tố tác động đã dẫn tới tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam có xu hướng tăng cao, nhu cầu thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và MTH là khá nhiều. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển kéo theo khả năng đáp ứng nhu cầu đó ngày càng lớn. Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người dường như phải chấp nhận dừng lại trước ước mơ về việc làm cha mẹ của những đứa con có cùng huyết thống khi lâm vào tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Ngày nay, vấn đề này không còn là việc “bất khả thi”. Bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển vượt bậc, tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, công nghệ, y học; máy móc, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các chuyên gia, bác sỹ có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ thì việc thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con không còn là điều “ngoài tầm với” của các cá nhân gặp khó khăn trong việc sinh con tự nhiên. Cùng với sự phát triển của y học, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, rất nhiều người đã có thể thực hiện khát khao được làm cha, mẹ khi điều kiện sức khỏe của họ không cho phép. Thành tựu y học đã giúp con người hiện thực hóa ước mơ có con của những cặp vợ chồng mà vì lý do nào đó họ không thể mang thai và sinh con thậm chí là ngay cả khi áp dụng thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng phương thức MTH. Điều này chứng minh sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã dẫn tới việc có thể đáp ứng nhu cầu được có con, được làm cha mẹ của những cặp vợ chồng vô sinh - đây được coi là một thực tế khách quan mà Nhà nước không thể bỏ qua, cần thiết phải được điều chỉnh bằng pháp luật.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết liên quan đến MTH dưới góc độ quyền con người. Một mặt, đó là quyền của những người mong muốn có con nhưng vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai và sinh con bình thường. Mặt khác, đó cũng là quyền của những người được nhờ MTH và trẻ em được sinh ra. Nếu vấn đề này không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh nhưng không có sự cân nhắc, dung hòa về lợi ích hợp pháp của các bên thì sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực không chỉ đối với cá nhân, gia đình mà còn đối với toàn xã hội. Trước đây, khi pháp luật nghiêm cấm MTH dưới mọi hình thức, tình trạng “đẻ thuê” đã trở thành một vấn đề nhức nhối và đặt ra nhiều hệ lụy trong việc bảo đảm trật tự công cộng cũng như bảo vệ các quyền lợi của các chủ thể. Do đó, việc quy định về MTH vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là một bước tiến tích cực, cần thiết và kịp thời khi nạn “đẻ thuê, đẻ mướn”, buôn bán trẻ sơ sinh cũng đang có chiều hướng phức tạp cả về số lượng cũng như tính chất trong giai đoạn hiện nay. Đây là những yếu tố có sự tác động sâu sắc đến sự thay đổi về mặt pháp lý. Sự thay đổi này cần được trân trọng và ghi nhận và cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển mới của pháp luật quốc tế, gắn liền với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và sự tiến bộ của xã hội loài người.
4. Yếu tố chính sách
- Bảo đảm nguyên tắc quyền con người
Một xã hội phát triển là một xã hội mà trong đó các quyền con người được đề cao. Trong việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và hướng tới việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Đây được xem là nguyên tắc quan trọng và là kim chỉ nam cho các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tiên tiến, đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi là một trong những mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những định hướng chiến lược, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại[6]. Đáp ứng yêu cầu đó, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng cũng đã có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền con người. Trong đó, quy định về MTH vì mục đích nhân đạo được đánh giá là một trong những nội dung thể hiện tính nhân văn của pháp luật, phù hợp với phương hướng đổi mới pháp luật trước những thách thức của thế kỷ XXI. Bởi lẽ, ghi nhận và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình đã và đang được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới như là bộ phận cấu thành cơ bản nhất trong nhóm quyền con người về dân sự nói riêng, quyền con người nói chung. Tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình đã thực sự là tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội không chỉ mang tính quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
Xét dưới khía cạnh bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự, ngoài việc tôn trọng và bảo vệ quyền làm cha, mẹ của các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con, các quy định về MTH vì mục đích nhân đạo cũng được cân nhắc, đánh giá trên nhiều phương diện liên quan đến các chủ thể khác nhau như quyền được khai sinh, quyền sống của đứa trẻ sinh ra từ kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo; quyền xác định quan hệ cha, mẹ, con của các chủ thể có liên quan; các vấn đề về bảo đảm quyền bình đẳng, quyền ly hôn giữa vợ và chồng khi thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo; quyền quyết định tiếp tục hay từ bỏ thai nhi của người phụ nữ MTH; quyền nuôi con nuôi và được nhận nuôi con nuôi... Tôn trọng và quan tâm bảo hộ các quyền cơ bản nói trên chính là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam trên tất cả các phương diện về quyền con người nói chung và quyền con người trong lĩnh vực dân sự nói riêng - một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc định hướng xây dựng và ban hành pháp luật hiện nay.
- Bảo đảm nguyên tắc nhân đạo
Nhân đạo được hiểu là đạo lý làm người, biết yêu thương con người và luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Xuất phát từ quan điểm đó, nhân đạo trong pháp luật chính là việc ghi nhận và đề cao giá trị con người trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, hướng tới việc bảo đảm sự công bằng, bác ái và dân chủ giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao tính nhân văn trong việc xây dựng và ban hành quy phạm pháp luật; xác định rõ nguyên tắc nhân đạo là yếu tố then chốt trong việc điều chỉnh, giáo dục con người nhằm hướng tới xây dựng một xã hội thực sự của dân, do dân và vì dân. Điều này đã được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên. Trên tinh thần đó, việc thông qua chế định MTH trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thực sự là bước tiến quan trọng thể hiện tính nhân đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại, MTH đã trở thành nhu cầu có thực của không ít các cặp vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, quan điểm về vấn đề cho phép hay không cho phép MTH tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng từng gây khá nhiều tranh cãi[7]. Tuy nhiên, xét dưới phương diện pháp lý, việc lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, MTH vì mục đích nhân đạo được ghi nhận và pháp điển hóa tại các điều từ Điều 94 đến Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được xem như một bước tiến quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật Việt Nam. Trước đây, khi pháp luật nghiêm cấm thì các cặp vợ chồng có nhu cầu thường đi đến việc lựa chọn MTH vì mục đích thương mại với nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Như vậy, việc cho phép MTH vì mục đích nhân đạo đã tạo ra hi vọng cuối cùng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn khi họ đã thực hiện tất cả các biện pháp có thể chỉ với một mong muốn có được đứa con có cùng huyết thống với chính mình. Đây là một nguyện vọng chính đáng của một số người kém may mắn trong xã hội không có cơ hội làm cha, mẹ. Tuy nhiên, nhiều quan điểm trái chiều hiện nay cho rằng, MTH vì mục đích nhân đạo nhưng “chưa nhân đạo”. Lý giải cho quan điểm này, nhiều học giả lập luận rằng, không thể coi MTH là một vấn đề bình thường. Nếu MTH vì lý do kinh tế được mang ra để biện minh cho hành vi này thì không thể phủ nhận việc làm này làm tổn thương đến đạo đức xã hội. Nếu MTH được cho phép vì mục đích nhân đạo thì việc làm này có thể nhân đạo với cặp vợ chồng nhờ mang thai bởi kết quả của quá trình MTH là bản thân họ được làm cha, làm mẹ; được có con mang cùng huyết thống; được tận hưởng niềm hạnh phúc khi có thể chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con của chính mình; nhưng ngược lại, quan hệ pháp luật này là không nhân đạo với chính người phụ nữ MTH và ngay cả với bản thân đứa trẻ được sinh ra bởi kỹ thuật này, bởi vì: (i) Cơ thể của người phụ nữ không thể là đối tượng của một giao dịch; (ii) Có thể tổn hại đến cơ thể của người phụ nữ MTH vì lợi ích của người khác; (iii) Nếu thiếu cơ chế kiểm soát thì không thể bảo đảm chắc chắn rằng không có nguy cơ cho việc bóc lột và thương mại hóa người MTH; (iv) Có thể gây nên sự tổn thương đối với trẻ em vì sự chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ MTH; (v) Nguy cơ xâm phạm về quyền của trẻ em đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ… Những lo ngại trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, đặt trong sự tổng hòa và cân bằng lợi ích của các mối quan hệ xã hội thì chế định MTH vẫn mang những giá trị tích cực. Song, để tránh những tác động tiêu cực như đã đề cập trên thì hệ thống pháp luật cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc với những thiết chế phù hợp và khả thi. Trong đó, bên cạnh quyền lợi của bên nhờ MTH thì quyền lợi hợp pháp của bên MTH luôn phải được tôn trọng và bảo đảm sự hài hòa; quyền lợi của trẻ em trong mọi hoàn cảnh luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Tóm lại, xuất phát từ những yếu tố về lý luận cũng như thực tiễn như đã phân tích trên, việc pháp luật cho phép MTH vì mục đích nhân đạo đã đáp ứng mong mỏi có con của nhiều cặp vợ chồng không thể sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; trở thành động lực để họ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm hi vọng cho việc hiện thực hóa quyền làm cha, mẹ của mình. Trước thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời, pháp luật Việt Nam quy định một cách khắt khe nghiêm cấm các trường hợp MTH. Tuy nhiên, trong thực tiễn xã hội, nhu cầu về MTH là có thật và cũng và nguyện vọng chính đáng của con người. Do đó, dưới những tác động của nhiều yếu tố phù hợp, quy định về MTH vì mục đích nhân đạo là thật sự cần thiết và thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Vì vậy, quy định này cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của các cá nhân, gia đình và xã hội./.
Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế