Ở nước ta từ trước đến nay thuật ngữ “chính quyền địa phương” được sử dụng tương đối rộng rãi và phổ biến trong các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, các sách báo chính trị pháp lý, cũng như trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở trung ương và địa phương. Hiện nay, khoa học pháp lý có hai loại quan điểm khác nhau về chính quyền địa phương, có quan điểm cho rằng chính quyền địa phương bao gồm tất cả các cơ quan thực hiện các công việc nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở địa phương, bao gồm các cơ quan do dân cử địa phương lập ra (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) và các cơ quan khác như: Tòa án, Viện kiểm sát. Ngược lại với quan điểm này là quan điểm khẳng định chính quyền địa phương chỉ bao gồm các cơ quan do dân cử lập ra để thực hiện các công việc nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, còn các cơ quan khác như: Toà án, Viện kiểm sát… tuy có thực hiện các công việc của Nhà nước trên lãnh thổ địa phương, nhưng không do nhân dân địa phương lập ra thì không được xem là các cơ quan thuộc thuật ngữ “chính quyền địa phương”.
Bài viết: "Cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013" của tác giả Hoàng Ngọc Hải đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 5 (278) năm 2015 sẽ cho chúng ta thấy những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương và một số yêu cầu đặt ra cải cách chính quyền địa phương hiện nay. Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc!
Mộc Miên