1. Đổi mới sáng tạo - “chìa khóa” cho sự phát triển của doanh nghiệp
Năm 2005, tổ chức Hợp tác và phá triển kinh tế (OECD) đã đưa ra khái niệm đổi mới sáng tạo trong cẩm nang Oslo (OECD, 2005) như sau: “Đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”[1].
Tại Việt Nam, khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.
Từ các khái niệm nêu trên, có thể thấy, đổi mới sáng tạo bao gồm các nội dung cơ bản sau[2]: (i) đổi mới sáng tạo là quá trình và kết quả của việc tạo ra, áp dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ và giải pháp quản lý. Để được coi là đổi mới, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hoặc quản lý cần phải mang tính sáng tạo, trước hết so với nội bộ doanh nghiệp, sau đó so với cả ngành, đôi khi trên phạm vi quốc gia và quốc tế; (ii) đổi mới sáng tạo còn bao gồm quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới, cải tiến quy trình, công nghệ hoặc thay đổi phương pháp tiếp thị, tổ chức… Điều này có thể liên quan đến cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ như mô hình kinh doanh, marketing và thị trường; (iii) mục tiêu của đổi mới sáng tạo là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, có thể đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, nhân văn hoặc môi trường.
Ngày nay, đổi mới sáng tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến kết quả tài chính hàng tháng, quý, năm của doanh nghiệp, cụ thể:
Một là, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp liên tục tạo ra những dòng sản phẩm và chuỗi dịch vụ mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, thỏa mãn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Việc áp dụng các ý tưởng mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thu hút được đông đảo khách hàng, từ đó tăng doanh số và doanh thu bán hàng. Khi dịch vụ khách hàng và trải nghiệm của người dùng tốt sẽ góp phần xây dựng sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu sản phẩm và góp phần nâng cao giá trị cho thương hiệu của doanh nghiệp.
Hai là, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ mới, từ đó tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất, cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Ba là, đổi mới sáng tạo là động lực mạnh mẽ để duy trì sự cạnh tranh, giúp doanh nghiệp vươn tầm quốc tế và tăng doanh thu. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo có nhiều khả năng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mang tính chất đột phá, thu hút sự chú ý của thị trường trong nước và quốc tế, từ đó tách biệt họ với đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường mới và đa dạng hóa các nguồn doanh thu mà không cần phải đầu tư nhiều vốn. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi hoạt động của mình, tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không cần phải có cửa hàng giới thiệu sản phẩm ngay tại nước sở tại. Sự phát triển của tiếp thị số và truyền thông góp phần đơn giản hóa khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh. Đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp tìm ra nguồn thu nhập thay thế bằng cách đa dạng hóa mô hình kinh doanh.
Bốn là, đổi mới sáng tạo giúp phá vỡ sự trì trệ trong doanh nghiệp. Trì trệ đồng nghĩa với việc không có tiến bộ, không có tăng trưởng, không phát triển sẽ đưa doanh nghiệp đến lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do đó, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp liên tục phát triển, phá vỡ sự trì trệ, thoát khỏi nguy cơ lỗi thời, lạc hậu.
Năm là, đổi mới sáng tạo thúc đẩy học hỏi và phát triển. Đổi mới sáng tạo khuyến khích doanh nghiệp thử nghiệm, thích nghi và cải thiện liên tục. Điều này giúp doanh nghiệp học hỏi từ những thất bại, khắc phục những khó khăn và tận dụng những cơ hội mới. Đổi mới sáng tạo cũng tạo ra môi trường làm việc năng động, sáng tạo và hợp tác, nơi mọi người có thể phát huy mọi tiềm năng và đóng góp cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Như vậy, đổi mới sáng tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, đổi mới sang tạo giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao uy tín thương hiệu, bảo đảm hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.
2. Các hình thức và xu hướng đổi mới sáng tạo nổi bật của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Năm 2023, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Theo đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp; hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Theo kết quả khảo sát Top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả (VIE50) năm 2024, có đến 86% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3 - 5 năm tới (tăng nhẹ so với tỷ lệ 83,2% trong khảo sát VIE50 năm 2023)[3].
Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung vào các hình thức, xu hướng đổi mới sáng tạo chủ yếu[4]:
(i) Đổi mới chu trình sản xuất kinh doanh bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp đã đầu tư và triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ đột phá, các giải pháp chuyển đổi số, tự động hóa quy trình cho các hoạt động và quy trình của toàn hệ thống. Từ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thương mại điện tử, phân tích dữ liệu lớn, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo đến thực tế ảo và thực tế tăng cường, các doanh nghiệp đang từng bước chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
(ii) Đổi mới sản phẩm, dịch vụ bằng việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện có. Các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Product of the Year - Top 100 sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo của năm 2024” đã thực hiện những đổi mới, sáng tạo, cách tân để thích nghi bằng việc tập trung hơn vào phát triển danh mục sản phẩm với các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong việc nghiên cứu, sản xuất và truyền thông về thương hiệu, sản phẩm. Các doanh nghiệp tiêu biểu trong đổi mới sản phẩm, dịch vụ như: Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông với sản phẩm Nhà thông minh Rạng Đông - RalliSmart; Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân với sản phẩm hộp nhựa đa năng Matsu Lock; Ngân hàng BIDV với sản phẩm ngân hàng số BIDV Smart Kids; Tổng Công ty viễn thông Mobifone với sản phẩm hệ sinh thái Giáo dục số MobiEdu…
(iii) Đổi mới mô hình kinh doanh. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới trong mô hình kinh doanh nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Các mô hình kinh doanh số, tài chính số, kinh tế chia sẻ, blockchain, kinh doanh xanh, dữ liệu lớn và dịch vụ khách hàng thông minh,… đều đã được áp dụng thành công, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
(iv) Đổi mới trong dịch vụ khách hàng. Các doanh nghiệp có nhiều sáng tạo nhằm nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data, VR/AR và tự động hóa đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng sự hài lòng và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.
(v) Đổi mới trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Những đổi mới điển hình trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), AI, big data, tự động hóa, robot hóa, sử dụng blockchain, công nghệ in 3D và số hóa quy trình quản lý. Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu là Công ty Đường Quảng Ngãi với việc thay đổi tư duy, mở rộng hoạt động sản xuất, cùng với việc chắt lọc một chuỗi kết hợp năng suất giữa mía - đường - điện, đẩy mạnh quy trình, quá trình sản xuất khép kín, giảm thiểu rủi ro phát sinh.
(vi) Đổi mới theo hướng phát triển bền vững và công nghệ xanh. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng xanh, quản lý và tái chế chất thải, đến các sáng kiến năng lượng sinh học và sản xuất sạch hơn… Các doanh nghiệp đã cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với bảo vệ môi trường như sử dụng nguyên liệu sạch, hạn chế chất thải khí CO2 ra ngoài môi trường… để phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và giảm chi phí mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai.
3. Giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, chương trình, kế hoạch tổng thể nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, như: Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Nghị quyết 02/2022/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022… Mới đây nhất, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngay phần đầu Nghị quyết đã nhấn mạnh: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Như vậy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và xây dựng khung pháp luật để khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: còn nhiều bất cập về thể chế như thủ tục hành chính rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp; thiếu vốn để thực hiện đổi mới sáng tạo, như thiếu vốn để mua sắm các phần mềm quản lý chuyên dụng, máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động…; chất lượng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao để áp dụng đổi mới, sáng thạo ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế; khó khăn trong việc đưa các sản phẩm đổi mới sáng tạo ra tiếp cận thị trường… đang là rào cản cho quá trình đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp.
Vì vậy, để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đổi mới sáng tạo, trong đó tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tạo bước đột phá trong đổi mới sáng tạo, tiêu biểu là việc hoàn thiện và thông qua dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được xây dựng theo hướng[5]: (i) mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo để đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội; (ii) tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; (iii) Tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo hộ, như: cấp bằng độc quyền, kiểm soát vi phạm bản quyền hoặc hỗ trợ xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ…. Quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật và các biện pháp hỗ trợ này cần sự tham vấn và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để đạt hiệu quả cao nhất[6].
Thứ hai, tiếp tục thành lập và phát huy vai trò của các trung tâm khuyến khích và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, vươn lên phát triển bứt phá.
Trong thời gian qua, nhiều trung tâm khuyến khích và hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã được thành lập, như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)… Các trung tâm này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động, như: tổ chức hội thảo, kết nối, chuyển giao công nghệ và số hóa.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, startup và nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng những công nghệ tiên tiến; phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn cũng như vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc hình thành và phát triển mạng lưới các trung tâm khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu đổi mới, sáng tạo
Thực trạng đổi mới sáng tạo trong thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, về phía Nhà nước, cần xây dựng các chính sách hỗ như xây dựng các chương trình đào tạo, kinh phí đào tạo; hợp tác quốc tế trong đào tạo bồi dưỡng…nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường hợp tác, “đặt hàng” nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo quốc tế trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các sinh viên, thực tập sinh thực tập tại các doanh nghiệp để có kinh nghiệm thực tiễn.
Mặt khác, việc đào tạo nguồn nhân lực có tư duy đổi mới sáng tạo từ sớm là gốc rễ quan trọng để hình thành văn hóa đổi mới ở mọi cá nhân cũng như tổ chức. Do đó, hệ thống giáo dục cần được đổi mới, đưa đổi mới sáng tạo vào giáo dục sớm, ngay từ các cấp phổ thông, tạo các sân chơi cộng đồng và các quỹ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng các hoạt động thực nghiệm, trải nghiệm để tăng khả năng tư duy đổi mới sáng tạo ngay từ sớm cho học sinh, sinh viên…
Thứ tư, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng doanh nghiệp, phát huy tính chủ động của nội tại từng doanh nghiệp trong khuyến khích, đổi mới sáng tạo
Cần xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá toàn diện, bền vững để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong đổi mới sáng tạo; tạo cơ chế để nhân rộng, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thành công trong đổi mới sáng tạo. Đối với các doanh nghiệp, cần vượt qua tư duy ngại thay đổi trong văn hóa tổ chức, phải tự tạo động lực nội sinh, khuyến khích sự sáng tạo và xây dựng môi trường linh hoạt để thích nghi với biến động của thị trường. Từ đó, rèn luyện tính chủ động và sáng tạo, không ngại thử nghiệm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong quá trình đổi mới sáng tạo[7].
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong đổi mới sáng tạo phát triển doanh nghiệp; hợp tác trong việc hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới sáng tạo./.
Quỳnh Vũ
[1] Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/826023/doi-moi-sang-tao-o-viet-nam-hien-nay.aspx, truy cập ngày 24/12/2024.
[2] Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/13/doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap/, truy cập ngày 24/12/2024.
[3] Đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn tầm của doanh nghiệp Việt Nam, https://baodautu.vn/doi-moi-sang-tao-va-khat-vong-vuon-tam-cua-doanh-nghiep-viet-d218283.html, truy cập ngày 24/12/2024.
[4]Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp VIE50 - Top 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024, https://baodautu.vn/doi-moi-sang-tao-trong-cac-doanh-nghiep-vie50---top-50-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-va-kinh-doanh-hieu-qua-viet-nam-2024-d217504.html, truy cập ngày 24/12/2024.
[5] Phan Thị Cẩm Lai, Xây dựng Luật tạo đột phá trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, https://vnexpress.net/xay-dung-luat-tao-dot-pha-trong-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-4832052.html, truy cập ngày 24/12/2024.
[6] Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/13/doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap/, truy cập ngày 24/12/2024.
[7] Phan Thị Cẩm Lai, Tlđd.