Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được thực hiện theo 03 nguyên tắc: (i) lựa chọn những quy định có mâu thuẫn, bất cập, yêu cầu cấp bách phải sửa ngay để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển, (ii) cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; (iii) tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, đồng thuận cao, độc lập, có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Theo đó, một số nội dung về đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng
Theo khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc thực hiện quy định này trong thời gian qua cũng đã xuất hiện những bất cập:
Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP) quy định nội dung thẩm định dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp gồm đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có trong danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với khu công nghiệp nằm trong ranh giới khu kinh tế; nhu cầu sử dụng đất; sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện về tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp... Hầu hết những nội dung thẩm định này đều thuộc thẩm quyền xem xét của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lâm nghiệp và pháp luật có liên quan.
Trên thực tế, khi ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các điều kiện về môi trường, quy hoạch... và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc giám sát, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn[1].
Đồng thời, Luật Đất đai năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; sửa đổi quy định về thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án khu công nghiệp theo hướng không yêu cầu dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư…
Trước thực trạng đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã bỏ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 31 và bổ sung vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020, theo đó, phân quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Quy định này phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ về thẩm quyền trong triển khai thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tinh giản quy trình, thủ tục, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối, hạn chế số lượng các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với: “Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I”. Theo đó, mọi dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, không phân biệt quy mô vốn đầu tư đều phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Điểm a khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định: “cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế”. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước có 02 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Cảng biển Hải Phòng hiện có khoảng 46 bến cảng, 82 cầu cảng; quy hoạch đến 2030 sẽ phát triển lên thành 69 - 73 bến cảng. Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 55 bến cảng; quy hoạch đến 2030 sẽ phát triển lên thành 69 - 70 bến, trong đó, một số bến có chức năng là cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế là khu bến Lạch Huyện, khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc, khu bến Cái Mép[2]. Các bến cảng này là khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển, do đó, việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các bến này là phù hợp. Tuy nhiên, trong 02 cảng biển đặc biệt nêu trên cũng có nhiều bến cảng quy mô nhỏ, không có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cửa ngõ quốc tế (như khu bến Sông Cấm - Phà Rừng, khu bến Đình Vũ thuộc cảng biển Hải Phòng; khu bến Thị Vải, khu bến Sao Mai - Bến Đình, khu bến Sông Dinh, khu bến Long Sơn thuộc cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu...)[3].
Mặt khác, điểm d khoản 1 Điều 31 và điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 đã phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng (mức vốn dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công).
Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư đã sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 và bổ sung vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020, theo đó phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các địa phương, tăng cường phân quyền, tinh giản quy trình, thủ tục, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án này.
2. Bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt
Thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy... Việc thực thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu liên quan đến quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo... Việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành đối với các trường hợp này có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo quy định pháp luật hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác. Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan[4]. Do vậy, cần xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao..., các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược là cần thiết và cấp bách.
Với mục tiêu đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư để tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư đã bổ sung Điều 36a về thủ tục đầu tư đặc biệt. Theo đó, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế thuộc các lĩnh vực sau đây: (i) đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; (ii) đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đăng ký đầu tư theo quy định này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện các thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá, xử lý vi phạm hành chính và quản lý nhà nước đối với dự án.
Đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Minh Trí