Trong đó, có nhiều sự thay đổi cơ bản liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng - một trong những chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi có thiệt hại xảy ra. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng cũng như ngăn chặn các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo quy định tại Điều 275 BLDS 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba BLDS 2015 về “Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng”. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm BTTH. Về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, BLDS 2015 đã được sửa đổi và có sự tiến bộ so với BLDS 2005. Cụ thể, khoản 1 Điều 584 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, trong BLDS 2015, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. Theo quy định tại Điều 604 BLDS 2005, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có “lỗi cố ý hoặc vô ý”. Với quy định như vậy, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại cần phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi. BLDS 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm BTTH phát sinh khi có các điều kiện:
(i) Có thiệt hại xảy ra: Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
(ii) Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: Làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra: Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.
Ngoài ra, BLDS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. BLDS 2005 quy định về các đối tượng bị xâm phạm trong căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH theo hướng liệt kê. Cụ thể, khoản 1 Điều 604 quy định: “Người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Với quy định như trên, đối với cá nhân, BLDS 2005 có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Tuy nhiên, đối với pháp nhân, BLDS 2005 chỉ liệt kê ba đối tượng bị xâm phạm là “danh dự, uy tín, tài sản”.Quy định mới tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 đã khắc phục được nhược điểm trên, theo đó, đối tượng bị xâm phạm làm phát sinh trách nhiệm BTTH của cá nhân và pháp nhân bao gồm “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác”.
Theo quy định của BLDS 2005 thì một trong những điều kiện để phát sinh trách nhiệm BTTH là có lỗi của người gây thiệt hại. Tuy nhiên, điều này sẽ là không hợp lý với những trường hợp thiệt hại là do tài sản gây ra. Bởi vì, theo lý luận về Nhà nước và pháp luật thì lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. Vậy thì, không thể tìm kiếm được yếu tố lỗi trong trường hợp tài sản - một vật vô tri, vô giác - gây ra thiệt hại. BLDS 2015 đã khắc phục được thiếu sót này khi bổ sung thêm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là “tài sản gây thiệt hại”. Cụ thể, khoản 3 Điều 584 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp tài sản gây thiệt hại”. Sự bổ sung của BLDS 2015 đã sát thực tế hơn và tạo nên sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần làm ổn định và lành mạnh hóa các quan hệ pháp luật dân sự.
Vậy, trong trường hợp nào tài sản gây ra thiệt hại và không liên quan đến hành vi của con người? Đó là những trường hợp mà tài sản gây ra thiệt hại nhưng lại không chứng minh được lỗi của bất kỳ chủ thể nào: Không có lỗi cố ý cũng như vô ý. Những tài sản mà trong quá trình tồn tại hoạt động của chúng, có khả năng gây thiệt hại bất cứ lúc nào cho những người xung quanh, nguy cơ, tiềm tàng gây thiệt hại đó vượt khỏi sự kiểm soát của con người, tức là tự thân các tài sản này gây ra thiệt hại cho người khác mà không phải do lỗi của người quản lý, sử dụng. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được phát sinh dựa trên các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra; tài sản gây ra thiệt hại xâm phạm đến những lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ như tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; có mối quan hệ nhân quả giữa sự tác động của tài sản và thiệt hại xảy ra.
BLDS 2015 đã quy định phạm vi điều chỉnh trong trường hợp đối tượng tài sản gây ra thiệt hại. Các quy định của BLDS 2015 đã khái quát các trường hợp khi đối tượng gây ra thiệt hại là tài sản. Các trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được điều chỉnh đó là súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng và nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu gây ra thiệt hại thì trách nhiệm BTHT sẽ được áp dụng dựa trên căn cứ là tài sản gây thiệt hại chứ không phải là hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, trong từng trường hợp bồi thường cụ thể, BLDS 2015 cũng đã có sự sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất giữa tiêu đề của điều luật và nội dung của điều luật và mở rộng phạm vi áp dụng điều luật liên quan. Cụ thể, Điều 604 - Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, bỏ điều kiện “do cây cối đổ, gẫy gây ra”. Như vậy, điều luật sẽ có phạm vi áp dụng cho tất cả những trường hợp thiệt hại do cây cối gây ra chứ không chỉ khi cây “đổ, gẫy”. Hoặc Điều 627 - Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, thay nội dung “phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác” thành “phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”. Điều luật sẽ áp dụng cho mọi trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại chứ không chỉ trường hợp thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi “bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở”.
Qua việc phân tích một số điểm mới của BLDS 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng trong Chương XX “Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng”, tác giả cho rằng, BLDS 2015 đã sửa đổi khá hoàn chỉnh những hạn chế cũng như bất cập của các quy định liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, BLDS 2015 còn bổ sung nhiều điểm mới rất tiến bộ và hợp lý so với các quy định trong BLDS 2005.
Trường Đại học An ninh nhân dân