Báo cáo tại cuộc họp thẩm định, Cục Phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Hồ sơ dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên cơ sở 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Về cơ bản, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH...
Rà soát kỹ các quy định, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng Dự án Luật Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xây dựng trong bối cảnh một loạt các văn bản có liên quan vừa được ban hành hoặc có hiệu lực như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật… Do đó, Thứ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định rà soát, tập trung có ý kiến cụ thể về các quy định tại dự thảo Luật và các luật chuyên ngành, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, theo báo cáo tại Tờ trình, dự án Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo luật về các nội dung này, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, quy định rõ quy trình thẩm định, thẩm tra phòng cháy chữa cháy; làm rõ nội hàm của cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày để tránh trùng lặp với phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong phòng thủ dân sự.
Về phía Bộ Xây dựng, đại biểu tham dự đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung liên quan đến công tác thẩm định thiết kế PCCC; kiểm tra, nghiệm thu về PCCC được quy định tại dự thảo Luật; tư vấn thẩm tra và trách nhiệm của chủ đầu tư, đội ngũ tư vấn thiết kế, giám sát đối với công tác PCCC tại các công trình. Cùng với đó, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Xây dựng… đối với công tác này.
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, đại diện Bộ Công thương có ý kiến về nội dung về an toàn điện để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với Luật Điện lực; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung cho các cơ quan, đơn vị gần nhau để đỡ tốn kém kinh phí khi phải xây dựng các cơ sở riêng biệt; cân nhắc thuê các lực lượng PCCC chuyên nghiệp thay lực lượng cơ hữu thực hiện công tác PCCC.
Tham gia ý kiến tại Hội đồng thẩm định, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, dự án Luật bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường lao động, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963... Tuy nhiên, tại hồ sơ dự án Luật chưa thực hiện đánh giá về tính tương thích của nội dung dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ nội dung về tính tương thích của nội dung dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thực hiện PCCC, CHCN của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Về phía Bộ Quốc phòng, đại biểu tham dự cho rằng nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đang được giao cho nhiều Bộ, ngành khác nhau như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương. Hiện nay, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an đang đề xuất quy định cụ thể trong luật trong khi đó cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng khác chỉ mới được quy định tại các nghị định. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thể hiện phù hợp để đảm bảo tính tương thích giữa các Bộ, ngành trong cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, đại biểu Bộ Quốc phòng cũng đề nghị xác định rõ nội dung phân cấp, phân quyền cũng như thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thực hiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với nội dung về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính bảo đảm thi hành Luật, các đại biểu cho rằng các chính sách và quy định cụ thể tại dự thảo Luật có rất nhiều nội dung phát sinh nguồn lực như các nội dung về cứu nạn, cứu hộ (gồm chế độ, chính sách, phương tiện); xây dựng hệ thống dữ liệu; thực thi quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy…, do đó cần nhiều thời gian và nguồn lực để bảo đảm tổ chức thực hiện Luật sau khi được ban hành nhưng chưa được đề cập tại Tờ trình cũng như tại các tài liệu khác của hồ sơ dự thảo Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.
Phát biểu kết luận tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và chia sẻ những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng dự thảo Luật. Thứ trưởng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật, các nội dung tại dự thảo Luật cơ bản bám sát, cụ thể hóa các nhóm chính sách đã được thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục soạn thảo dự án Luật. Các ý kiến góp ý về dự thảo Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và giải trình tại Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định, đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ các chính sách được thông qua tại các điều khoản như chính sách xác định, đánh giá, phân loại cháy, vụ cháy; phân cấp, phân quyền trong công tác PCCC; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy, CNCH; trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, CNCH... Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung vào dự thảo Tờ trình thuyết minh rõ dự án Luật đã cụ thể những chính sách nào trong Đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ thông qua; lý do, căn cứ bổ sung, điều chỉnh các quy định này.
Đối với các nội dung cụ thể, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện các quy định, trong đó lưu ý cắt giảm các thủ tục hành chính trong PCCC, điều khoản chuyển tiếp về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC với lộ trình phù hợp. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và nội dung Tờ trình Chính phủ, báo cáo đánh giá tác động pháp luật, báo cáo rà soát pháp luật… để đảm bảo chất lượng, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiên Lê
BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT Dự thảo Luật gồm 08 chương, 58 điều, với những nội dung cơ bản như sau: 1. Chương I về quy định chung Dự thảo Luật bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hoá và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy; các hành vi bị nghiêm cấm. 2. Chương II về phòng cháy Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Phòng cháy đối với rừng; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng. 3. Chương III về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Dự thảo Luật quy định về: Phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; biện pháp cơ bản trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn, trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguồn nước, chất, vật liệu chữa cháy; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; người chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cơ quan, tổ chức khi xảy ra cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả vụ cháy, sự cố, tai nạn; bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này. 4. Chương IV về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Dự thảo Luật quy định các nội dung về: Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thành lập, quản lý đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện; xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 5. Chương V về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Dự thảo Luật bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về phương tiện phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới; trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 6. Chương VI về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Dự thảo Luật quy định về: Bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo hiểm cháy, nổ; nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hoạt động khoa học và công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 7. Chương VII về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Dự thảo Luật quy định về kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thanh tra về phòng cháy, chữa cháy. 8. Chương VIII về tổ chức thực hiện Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp. |