Toàn cảnh phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, qua hơn 10 năm thi hành, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và được minh chứng qua nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: (i) pháp luật hiện hành về khoa học và công nghệ chưa quy định đầy đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (ii) các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế, chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn; (iii) các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt đòi hỏi Chính phủ các nước phải luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách và thích ứng kịp thời; (iv) nhiều nội dung xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc là thông lệ quốc tế trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa được bổ sung, cập nhật vào Luật Khoa học và công nghệ năm 2013…
Vì vậy, việc nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 là thực sự cần thiết. Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật) gồm 14 chương và 112 điều có các nội dung cơ bản sau: những quy định chung; tổ chức khoa học và công nghệ; nhân lực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư và tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng, thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhiệm vụ, dự án, chương trình sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển; nghiên cứu, phát triển công nghệ trong doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phổ biến, lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; điều khoản thi hành.
Dự thảo Luật có các quy định mới được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, như: (i) tổ chức, cá nhân chủ trì; người phê duyệt nhiệm vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước trong quá trình phê duyệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức chủ trì không phải bồi hoàn kinh phí đã sử dụng; (ii) quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các dự án thí điểm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế và thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới để hoàn thiện trong thời gian và không gian nhất định với sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) bổ sung quy định về chuyển đổi số trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và nguyên tắc hoạt động của Quỹ; (iv) quy định các tổ chức nghiên cứu, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ thuộc tổ chức được thành lập, tham gia góp vốn và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu; (v) quy định đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động, cấp kinh phí hoạt động, sáp nhập, giải thể; cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; (vi) quy định liên quan đến cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các công nghệ; quy định về công nghệ chiến lược; (vii) bổ sung quy định về trang thiết bị dùng chung cho hoạt động, nghiên cứu và phát triển, hoạt động đổi mới sáng tạo để phục vụ tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo…
Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại phiên họp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật có nhiều đột phá, trong đó có đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng hậu kiểm. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiết kế dự thảo Luật theo hướng phân cấp, phân quyền đến tất cả bộ, ngành, địa phương. Các quỹ của các bộ, ngành cũng như cơ chế quỹ được chủ động hơn. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Theo đó, các tổ chức chủ trì, các quỹ, bộ, ngành, địa phương phải thực hiện trách nhiệm kiểm tra giải ngân, không gây thất thoát. Về hậu kiểm, dự thảo Luật đưa thêm hành lang đánh giá hiệu quả đầu tư, trên cơ sở đó cấp ngân sách cho các chương trình, các nhiệm vụ cũng như các tổ chức khoa học và công nghệ. Dự án Luật được thiết kế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, toàn bộ hệ thống hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tất cả các hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước đều phải triển khai trên nền tảng số dùng chung toàn quốc.
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đều nhất trí đối với sự cần thiết ban hành Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia góp ý đối với dự thảo Luật như: (i) cần nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng cơ bản. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ cũng như năng lực áp dụng khoa học công nghệ thấp. Trong giai đoạn từ 05 đến 10 năm tới, nghiên cứu ứng dụng vẫn là mảng có tính chủ chốt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (ii) cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm phê quyệt, quản lý của từng chương trình quản lý khoa học công nghệ; làm rõ tài sản nào là tài sản cố định, tài sản trung gian…; (iii) cần có chính sách bảo đảm cho các nhà khoa học yên tâm sáng tạo; giảm bớt thủ tục hành chính; tăng cường công tác hậu kiểm; Nhà nước và nhân dân cùng làm; sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, để các nhà khoa học được hưởng lợi một phần, đồng thời Nhà nước thu thuế để phát triển kinh tế; (vi) cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tránh những quy định chung, hiểu không thống nhất trong tổ chức thực hiện sau này dẫn đến lợi dụng chính sách, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định về đánh giá hiệu quả, công cụ kiểm soát; rà soát tính đồng bộ với một số luật khác; (v) cần có cơ chế rõ ràng hơn để xác định đối tượng ưu tiên trong việc tiếp cận các Quỹ tài trợ, đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể hơn về hoạt động của các Trung tâm đổi mới sáng tạo; (vi) cần có cơ chế đặc thù hơn đối với các nghiên cứu khoa học phục vụ an ninh, quốc phòng; (vii) làm rõ tiêu chí phân loại tài sản từ nghiên cứu khoa học, cũng như tạo cơ chế tài chính hỗ trợ việc thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm trước khi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học…
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều thể hiện sự thống nhất cao về sự cần thiết, tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Thứ trưởng ghi nhận nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng các quy định mới về quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách tối đa, bảo đảm hiệu quả thực thi.
Nhằm nâng cao tính khả thi và đảm bảo tính thực tiễn của dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định nhằm làm rõ hơn cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Trong đó, cần quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và công nghệ trong việc thực hiện các chính sách quản lý, điều hành hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề xuất và thiết lập các quy định đặc thù về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Điều này nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế đầu tư mạo hiểm và chính sách độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Để hạn chế tối đa rủi ro trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, ngay từ khâu tiếp nhận nhiệm vụ, cần bảo đảm tính chính xác, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc lựa chọn nhân sự, tổ chức và đơn vị thực hiện nhiệm vụ cần được tiến hành theo những tiêu chí chặt chẽ nhằm bảo đảm tính chuyên môn cao. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cho phép triển khai thí điểm các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian và không gian nhất định, đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát quá trình thực hiện và đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Thứ trưởng cũng đề xuất việc tham khảo thêm các mô hình quốc tế phù hợp, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn Việt Nam nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và phát triển khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.
Hoàng Trung