Do đó, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng được khẳng định trong các quan hệ xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 80 thủ tục hành chính có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các lĩnh vực: Nhận con nuôi, quốc tịch, luật sư, quản lý cư trú, tổ chức phi chính phủ, khám chữa bệnh, bảo hiểm, hàng không, ngân hàng, lao động có yếu tố nước ngoài... Đó là chưa kể nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ cho việc tuyển dụng, quản lý nhân sự, cho phép nhập cư... Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị như “giấy thông hành” về mặt nhân thân để người dân có thể tham gia vào nhiều hoạt động dân sự, kinh tế... của đời sống xã hội. Ngoài ra, Phiếu lý lịch tư pháp còn phục vụ cho hoạt động tố tụng của cơ quan nhà nước, là một căn cứ để các cơ quan nhà nước xem xét các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ mức xử phạt trong tố tụng hình sự. Phiếu lý lịch tư pháp là căn cứ xác định việc bị can có tái phạm hay không. Tính đến ngày 31/12/2018, trong vòng 08 năm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã cấp được 2.665.683 Phiếu lý lịch tư pháp (gấp 4,2 lần khi thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/2/1999 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp).
Tuy nhiên, cùng sự phát triển của xã hội, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã bộc lộc những hạn chế, bất cập từ những quy định của pháp luật đến những phát sinh mới trong quá trình thực hiện. Trong chuyên đề này, tác giả nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp, phân tích các nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc này. Cụ thể:
1. Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Thứ nhất, có tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh (khoảng trên 60% hồ sơ yêu cầu xin Phiếu lý lịch tư pháp số 2).
Việc công dân Việt Nam phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi làm các thủ tục liên quan đến nhập cảnh theo yêu cầu của một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam là không phù hợp với quy định của Luật Lý lịch tư pháp về mục đích sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cá nhân chỉ để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Hơn nữa, khác với Phiếu lý lịch tư pháp số 1, nếu người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 đã từng bị kết án thì trong Phiếu sẽ ghi đầy đủ thông tin về án tích, bao gồm cả những án tích đã được xóa. Điều này sẽ gây bất lợi cho cá nhân, đặc biệt là những người đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về hình sự thì những trường hợp này được coi như chưa bị kết án.
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ quy định tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp thì “Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” đối với trường hợp người không bị kết án, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích hoặc người được đại xá. Đối với người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”. Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp quy định: Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” đối với trường hợp người không bị kết án. Trường hợp người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm xóa án tích, án tích chưa được xóa… Phiếu lý lịch tư pháp số 2 bao gồm thông tin cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì chỉ ghi khi cá nhân, cơ quan,tổ chức có yêu cầu.
Thứ hai, theo quy định của Luật Cư trú thì người không quốc tịch không được cấp sổ hộ khẩu, không được cấp giấy chứng minh nhân dân vì thế gây khó khăn trong cho người không quốc tịch có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Nguyên nhân trực tiếp là Điều 45, Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp quy định thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 của công dân bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu;
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Nếu tuân thủ theo quy định trên thì người không quốc tịch sẽ không có giấy tờ thủ tục theo quy định để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Thứ ba, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Một số trường hợp khi xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại cơ quan Công an thì có thông tin về việc phạm tội (ví dụ: Đã bị khởi tố nhưng không có tài liệu về hình thức xử lý đối với người này...). Thực hiện theo đúng quy định tại Điều 20, Điều 21 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 thì Sở Tư pháp đã xác minh tại cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Tòa án và Viện kiểm sát là không còn lưu giữ bất cứ thông tin nào hoặc có thông tin để xác định người đó có bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án hay không.
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp thì thông tin lý lịch tư pháp trước ngày 01/7/2010 được tra cứu tại cơ quan Công an. Trường hợp kết quả tra cứu thông tin lý lịch tư pháp tại cơ quan Công an vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Tòa án để xác minh thông tin lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, việc phối hợp của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng như Sở Tư pháp vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm, thờ ơ không cung cấp hoặc cung cấp không đủ thông tin...
Bên cạnh đó, công tác cấp Phiếu còn một số khó khăn, vướng mắc như cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đang bị khởi tố, điều tra, truy nã; người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam nhưng không có giấy tạm trú, người có nhiều tên gọi khác nhau...
2. Giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp
2.1. Giải pháp chung
Thứ nhất, quy định chặt chẽ hơn về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 nhằm bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 hiện nay, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, tác giả đề xuất sửa đổi quy định của Luật Lý lịch tư pháp theo hướng quy định Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không cấp cho cá nhân.
Thứ hai, cải cách thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; bổ sung các phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích; quy định thủ tục cấp Phiếu trong những trường hợp đặc biệt; quy định đa dạng về hình thức hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Phiếu lý lịch tư pháp (văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử); sửa đổi, bổ sung quy định về trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử, hướng tới kết nối, trao đổi, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và các cơ cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
2.2. Giải pháp cụ thể
Thứ nhất, xác nhận tình trạng án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp sau khi xác minh nhưng không rõ thông tin về án tích:
- Trường hợp Sở Tư pháp nhận được kết quả tra cứu, xác minh thông tin có trước ngày 01/7/2010 của cơ quan Công an để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho thấy đương sự đã từng bị bắt, điều tra, khởi tố hoặc bị truy tố nhưng không có thông tin về việc xét xử, Sở Tư pháp tiến hành xác minh tại Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự và tại các cơ quan khác có liên quan và đều không có thông tin về bản án xét xử đối với đương sự.
Đối với trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, do đó, Sở Tư pháp xác nhận tình trạng án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 là “không có án tích”.
- Trường hợp Sở Tư pháp nhận được kết quả tra cứu, xác minh thông tin có trước ngày 01/7/2010 của cơ quan Công an để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho thấy đương sự bị xét xử bởi một bản án, có số bản án, ngày bản án, tên Tòa án ra bản án, tội danh... nhưng không đầy đủ thông tin về bản án, Sở Tư pháp tiếp tục xác minh tại Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự và tại các cơ quan khác có liên quan nhưng đều không có thông tin tình trạng thi hành án của đương sự.
Trong trường hợp này, nếu đương sự đủ điều kiện về mặt thời gian để đương nhiên được xóa án tích và không phạm tội mới thì Sở Tư pháp xác nhận tình trạng án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là “không có án tích” và Phiếu lý lịch tư pháp số 2 ghi thông tin về bản án theo nội dung xác minh nhận được.
Thứ hai, cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đang bị khởi tố, điều tra, truy nã...
Trường hợp Sở Tư pháp nhận được thông tin người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang bị khởi tố, điều tra hoặc truy nã… chưa bị kết án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp thì đây không thuộc trường hợp từ chối yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, do đó, Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đó và xác nhận tình trạng “không có án tích”. Đồng thời, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người đang bị khởi tố, điều tra hoặc truy nã đã tiến hành yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết.
Thứ ba, cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người không quốc tịch: Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, do đó, trường hợp người không quốc tịch yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đề nghị cung cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận (theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) thay thế cho chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
Thứ tư, cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho trường hợp kết quả xác minh thông tin về án tích tại các cơ quan liên quan cho thấy người yêu cầu cấp Phiếu có nhiều tên gọi khác nhau: Trường hợp qua kết quả xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan cho thấy, trong thông tin về án tích của người có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nhiều tên gọi khác nhau (Ví dụ: Trần Văn A, Trần Quang A) và khác với tên trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Ví dụ: Trần Ngọc A) nhưng có cùng thông tin về năm sinh, họ tên cha, mẹ; nơi thường trú, tạm trú, Sở Tư pháp cần có văn bản đề nghị cơ quan Công an để xác minh những trường hợp này có phải là một người hay không.
Trường hợp kết quả xác minh tại cơ quan Công an cho thấy những người có tên nêu trên chỉ là một người duy nhất thì Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có tên trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu (Trần Ngọc A) theo quy định.
Trường hợp không nhận được kết quả xác minh tại cơ quan Công an (thời gian xác minh quá thời hạn quy định của Luật Lý lịch tư pháp) hoặc kết quả xác minh vẫn chưa có kết luận những người có tên nêu trên chỉ là một người duy nhất thì Sở Tư pháp gửi hồ sơ về Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để Trung tâm hỗ trợ tra cứu, xác minh.
Thứ năm, hồ sơ và lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi cá nhân đồng thời yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2: Trường hợp cá nhân đồng thời yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 thì Sở Tư pháp chỉ tiếp nhận 01 bộ hồ sơ, trong đó sử dụng tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân theo Mẫu số 03/2013/TT-LLTP (ban hành kèm theo Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11/11/2013 của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp). Sở Tư pháp hướng dẫn cá nhân chọn cả Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 tại mục “Yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp…” và ghi rõ số lượng Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 tại mục “Số lượng Phiếu lý lịch tư pháp yêu cầu cấp…”.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được quy định là 200.000 đồng/lần/người, đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ: 100.000 đồng/lần/người. Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 03 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp đồng thời cả Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 thì cơ quan có thẩm quyền cấp phí theo quy định như trên.
Thứ sáu, cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi tội phạm được xóa bỏ.
Điều 35 Luật Lý lịch tư pháp đã quy định: “Trường hợp người bị kết án về một tội nhưng tội phạm này được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thông tin về tội đó được xóa bỏ trong lý lịch tư pháp của người đó”.
Theo đó, trường hợp người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã bị kết án về một tội nhưng tội phạm này được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật Hình sự thì ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là không có án tích. Trường hợp đã lập lý lịch tư pháp thì hủy bỏ lý lịch tư pháp của người đó.
Thứ bảy, về giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho một số trường hợp không xác định nơi thường trú, tạm trú hoặc thời gian cư trú.
- Trường hợp là người nước ngoài: Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, đối với người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền cấp Phiếu của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp nơi cư trú. Tuy nhiên, đối với trường hợp người nước ngoài đã và đang cư trú tại Việt Nam thì Luật Lý lịch tư pháp không quy định cụ thể. Do đó, trong thời gian vừa qua, một số Sở Tư pháp đã hướng dẫn những trường hợp này thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, đã gây khó khăn, tốn kém về thời gian và chi phí đi lại của họ. Vì vậy, để tạo điều kiện cho những trường hợp người nước ngoài đã và đang cư trú tại Việt Nam này thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp sẽ thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu.
- Trường hợp người nước ngoài đang ở tại Việt Nam nhưng không có giấy tờ xác nhận đang thường trú hoặc tạm trú tại địa phương mà chỉ có dấu xác nhận của cơ quan xuất nhập cảnh tại hộ chiếu hoặc thị thực tờ rời: Trường hợp có giấy tờ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an nơi tạm trú cấp thì Sở Tư pháp nơi đó tiếp nhận hồ sơ yêu cầu và cấp Phiếu theo quy định của pháp luật; trường hợp không có căn cứ để xác định nơi tạm trú của người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, Sở Tư pháp hướng dẫn họ nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, đăng ký trực tuyến). Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ xem xét và cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định.
- Trường hợp là công dân Việt Nam: Hiện nay, thực tế có phát sinh những trường hợp trong quá trình cư trú, thay đổi cư trú nhiều nơi đã thực hiện tách hộ khẩu nhưng vì nhiều lý do chưa có hộ khẩu mới, bị cắt hộ khẩu cũ hoặc chưa đăng ký được nơi cư trú mới hoặc mất hộ khẩu, không có giấy xác nhận thường trú, tạm trú… Sở Tư pháp không đủ căn cứ để tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì hướng dẫn nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, đăng ký trực tuyến) để xem xét, giải quyết.
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia