Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền và người đại diện chỉ được thực hiện việc đại diện trong phạm vi được ủy quyền.
Quan hệ ủy quyền thường được xác lập bằng văn bản bởi hai hình thức là giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định[1].
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền[2]. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau: (i) Theo thỏa thuận; (ii) Thời hạn ủy quyền đã hết; (iii) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành; (iv) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; (v) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; (vi) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Dân sự; (vii) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được[3].
Vấn đề ủy quyền trong thi hành án dân sự được quy định tại Điều 7, Điều 7a; Điều 44 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự); Điều 4, Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Ngoài ra, các quy định quan trọng khác liên quan đến đại diện, ủy quyền được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 như Điều 135 về căn cứ xác lập quyền đại diện, Điều 138 về đại diện theo ủy quyền, từ Điều 562 đến Điều 569 quy định về hợp đồng ủy quyền, từ Điều 116 đến Điều 133 quy định về giao dịch dân sự…
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, ngoài việc áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành thi hành án dân sự, chấp hành viên còn phải áp dụng các quy định của pháp luật chung tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định của pháp luật khác có liên quan, trong trường hợp này là các quy định của pháp luật về ủy quyền. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm các mối quan hệ giữa các đối tượng, chủ thể được tuyên trong bản án, quyết định mà chấp hành viên sẽ áp dụng tổng thể các quy định của pháp luật thi hành án dân sự cùng với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan nhằm bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quyền và nghĩa vụ thi hành án của các bên đương sự[4].
1. Ủy quyền của người được thi hành án
Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành[5]. Luật Thi hành án dân sự có quy định khá cụ thể về những trường hợp ủy quyền của người được thi hành án.
Một là, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình
Theo điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Trong quá trình tổ chức thi hành án, có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau như điều kiện sức khỏe không đảm bảo, đường xá xa xôi, việc đi lại gặp khó khăn… người được thi hành án có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Người được ủy quyền có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hoặc bất kỳ người khác có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện việc ủy quyền. Phạm vi ủy quyền của người được thi hành án rất rộng, có thể ủy quyền cho người khác thực hiện một phần công việc, có thể thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình. Việc xác lập văn bản ủy quyền, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan về ủy quyền của người được thi hành án sẽ thực hiện theo quy định tại Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan[6].
Hai là, ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án
Khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định, người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Theo đó, bên cạnh cách thức quan trọng là tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án còn có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua việc ủy quyền. Như vậy, đương sự là người được thi hành án, người phải thi hành án có thể tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền yêu cầu thi hành án. Việc yêu cầu thi hành án bởi người được ủy quyền là hợp lệ.
Ba là, ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án
Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự). Theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự. Theo đó, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho luật sư, thừa phát lại hoặc người khác để thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Bốn là, ủy quyền thực hiện quyền khiếu nại về thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng, quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền khiếu nại về thi hành án dân sự.
2. Ủy quyền của người phải thi hành án
Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Tương tự như người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án, ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại về thi hành án dân sự… Tuy nhiên, do tính chất “phải thực hiện nghĩa vụ” của người phải thi hành án, phạm vi ủy quyền của người phải thi hành án có những điều kiện và hạn chế nhất định.
Một là, người phải thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự
Tương tự như quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đương sự (bao gồm cả người phải thi hành án) tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Trong trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân có ủy quyền yêu cầu thi hành án khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.
Hai là, trường hợp người phải thi hành án ủy quyền khi xuất cảnh
Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người nước ngoài, người Việt Nam có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh;… Theo đó, trong trường hợp người phải thi hành án đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, hội đồng xử lý cạnh tranh thì có thể sẽ bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định, đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh:
(i) Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc thi hành án liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang;
(ii) Đã ủy quyền cho người khác mà người được ủy quyền có đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ của người ủy quyền; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.
Trường hợp người phải thi hành án ủy quyền cho người thay mặt họ giải quyết việc thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo việc thi hành án cho người được ủy quyền. Trường hợp người phải thi hành án xuất cảnh ra nước ngoài thì việc thông báo được thực hiện bằng hình thức điện tín, fax, email hoặc hình thức khác nếu họ có yêu cầu và không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự.
3. Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện
Hiện nay, việc áp dụng các quy định pháp luật về ủy quyền trong thi hành án dân sự trong thực tiễn còn gặp những vướng mắc nhất định.
Một là, Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định cụ thể về hình thức ủy quyền trong thi hành án dân sự nên việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Khi tiếp nhận các văn bản về ủy quyền của các đương sự, mỗi cơ quan thi hành án dân sự, mỗi chấp hành viên, công chức thi hành án có những nhận thức và cách thực hiện khác nhau. Còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về việc khi nào thì lập giấy ủy quyền và khi nào cần phải lập hợp đồng ủy quyền; thẩm quyền chứng thực giấy ủy quyền, công chứng hợp đồng ủy quyền… Thực tiễn cho thấy, những khó khăn phát sinh đối với hoạt động thi hành án liên quan đến các giao dịch về ủy quyền chủ yếu liên quan đến hình thức pháp lý của giao dịch ủy quyền; vấn đề công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền,…
Để có căn cứ giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và có căn cứ lưu vào hồ sơ thi hành án, trước hết, cần quy định rõ trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành việc ủy quyền về thi hành án phải được thực hiện bằng hình thức văn bản. Đồng thời, cần quy định rõ văn bản ủy quyền được sử dụng trong thi hành án dân sự là loại văn bản nào (giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền), hình thức và cơ quan có thẩm quyền xác nhận văn bản ủy quyền để thống nhất thực hiện.
Hai là, về việc ủy quyền đối với đương sự là phạm nhân, theo Điều 129 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người được thi hành án là phạm nhân ủy quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thì văn bản ủy quyền phải có xác nhận của giám thị trại giam, trại tạm giam. Chấp hành viên trả tiền, tài sản cho người được ủy quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thực hiện quy định này khá “nhiêu khê”. Phần lớn phạm nhân có trình độ văn hóa hạn chế, lại bị quản lý rất chặt chẽ, thụ hình tại các trại giam xa với nơi xử án, chưa kể đến việc bị chuyển trại qua nhiều trại giam khác nhau… dẫn đến việc xin xác nhận của trại giam vào đơn xin nhận tài sản hoặc giấy ủy quyền gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian tổ chức thi hành án và gây tồn đọng hồ sơ thi hành án…
Do đó, đa số quan điểm cho rằng, đối với việc ủy quyền xin nhận lại tài sản của phạm nhân cần có phương án đơn giản hơn. Việc xin giấy ủy quyền có xác nhận của trại giam (khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự) chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn, đối với các tài sản có giá trị nhỏ (ví dụ, dưới 2.000.000 đồng) hoặc các loại giấy tờ thì không nên áp dụng quy định này. Đối với các trường hợp tài sản có giá trị nhỏ, người thân của phạm nhân có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân để thay mặt phạm nhân đến nhận tài sản tại cơ quan thi hành án, điều này cũng sẽ giản tiện bớt thủ tục và tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Ba là, về vai trò của luật sư khi nhận ủy quyền thi hành án dân sự. Theo các quy định pháp luật thì luật sư có thể nhận ủy quyền của người được thi hành án, người phải thi hành án để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đương sự với tư cách là người ủy quyền trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên của luật sư trong quá trình tố tụng đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan, tuy nhiên, pháp luật về thi hành án dân sự lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án. Vai trò của luật sư khi nhận ủy quyền thực hiện thay các công việc cụ thể của đương sự có những điểm khác với vai trò của luật sư khi tham gia vào quá trình thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Vấn đề đặt ra là, đối với giai đoạn thi hành án, khi nhận ủy quyền của khách hàng thì luật sư được tham gia đến mức độ nào và việc tiếp cận hồ sơ của luật sư đến đâu thì pháp luật lại chưa quy định rõ ràng[7].
Do đó, đề nghị xem xét bổ sung các quy định về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hiệu quả của luật sư khi nhận ủy quyền của khách hàng trong giai đoạn thi hành án.
Từ thực tiễn cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, tạo sự liên kết, dẫn chiếu chặt chẽ lẫn nhau giữa các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác như pháp luật dân sự, pháp luật công chứng… để đương sự thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả quyền của mình trong việc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
[7] Nguyễn Văn Nghĩa & Hoàng Thị Thanh Hoa, Bàn về vai trò của luật sư trong thi hành án dân sự, xem http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=199, truy cập ngày 14/02/2020.