Trong đó, nhóm đối tượng ngày càng được chú trọng, được nhận thức đầy đủ, toàn diện và hoàn thiện hơn để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của nước ta hiện nay, đó là mối quan hệ giữa Nhà nước với người nước ngoài được biểu thị thông qua chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài được xác định theo Hiến pháp mới nhất của nước ta - Hiến pháp năm 2013.
Trong bối cảnh đất nước cần thu hút sự đầu tư phát triển của người nước ngoài, thì các quyền và nghĩa vụ trong nhóm lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội là nhóm lĩnh vực được quan tâm chú ý của người nước ngoài khi đến Việt Nam. Với tinh thần đó, bài viết này sẽ tập trung vào chế độ pháp lý mà Hiến pháp năm 2013 dành cho người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.
1. Khái niệm người nước ngoài
Từ những yếu tố lịch sử và các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia cũng như thể nhân, pháp nhân giữa các quốc gia đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là sự hiện diện của những người không cùng quốc tịch trên lãnh thổ mỗi quốc gia. Pháp luật các quốc gia có quy định riêng biệt dành cho dân cư của mình nhưng đều có điểm chung trong cách tiếp cận với các bộ phận dân cư là căn cứ vào tiêu chí quốc tịch. Theo đó, những người mang quốc tịch quốc gia được xác định là công dân của quốc gia và những người không mang quốc tịch của quốc gia sở tại thì Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới (như Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Hàn Quốc...) đều xác định là “người nước ngoài”[i].
Ở Việt Nam, khái niệm “người nước ngoài” được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Cụ thể, theo Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, “người nước ngoài” được hiểu là “người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Ngoài ra, khoản 5, Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) xác định “người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch cũng giải thích “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam” và “Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”. Từ các quy định cụ thể, có thể thấy, người nước ngoài được xác định theo pháp luật Việt Nam bao gồm: Người có một quốc tịch nước ngoài, người có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. Theo đó, đề cập đến quyền và nghĩa vụ dành cho người nước ngoài phải được hiểu đầy đủ bao gồm dành cho những người là công dân của một hay nhiều quốc gia khác và những người không có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào.
Ở Hiến pháp năm 2013, khi xác định quyền và nghĩa vụ của “người nước ngoài”, bên cạnh tiếp cận theo thuật ngữ “người nước ngoài” như ở các văn bản quy phạm pháp luật đã đề cập ở trên còn phải tiếp cận thông qua thuật ngữ “mọi người”. Thực chất, nội hàm của khái niệm “mọi người” trong các quy định của Hiến pháp bao trùm tất cả các nhóm chủ thể bao gồm cả công dân và người nước ngoài. Điều này được đánh giá là một trong những điểm sáng của Hiến pháp năm 2013 khi lần đầu tiên một số quyền trước đây chỉ dành cho công dân Việt Nam nay đã dành cho cả người nước ngoài bởi sự nhận thức đầy đủ, tiến bộ và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên về những quyền không chỉ dành cho riêng ai mà là quyền dành cho tất cả mọi người. Trên cơ sở đó, cách hiểu về “người nước ngoài” trong bài viết tương đồng với khái niệm “người nước ngoài” được đưa ra trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể: Người nước ngoài được hiểu là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận đầy đủ, toàn diện từ các quy định của Hiến pháp năm 2013, bài viết còn xác định chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các quyền và nghĩa vụ dành cho mọi người.
2. Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội theo Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 dành cho người nước ngoài chế độ đãi ngộ như công dân và không bị phân biệt đối xử giữa những người nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Trên tinh thần Điều 16 Hiến pháp năm 2013, người nước ngoài cũng như công dân Việt Nam “đều được bình đẳng trước pháp luật” và theo Điều 81 “người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam”, các quyền và nghĩa vụ về kinh tế, văn hóa và xã hội của người nước ngoài là minh chứng cho điều đó.
2.1. Lĩnh vực kinh tế
Cùng với xu thế hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng, những điểm mới trong lĩnh vực kinh tế tạo cơ sở cho Việt Nam thực hiện thiện chí các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đồng thời mở rộng cơ hội cho sự hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Sự thay đổi mấu chốt trong các quy định về quyền của người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế chính là việc ghi nhận “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” theo Điều 33 Hiến pháp năm 2013[ii]. Xét về mặt kỹ thuật, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 chỉ có sự sửa đổi nhỏ khi sử dụng thuật ngữ “mọi người” thay cho thuật ngữ “công dân” ở Điều 57 Hiến pháp năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Tuy vậy, về mặt pháp lý, điều này đánh dấu một bước ngoặt về mặt nhận thức. Nếu trước đây, chỉ công dân Việt Nam mới có quyền tự do kinh doanh, thì theo Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh đã được rộng mở cho tất cả mọi người, theo đó người nước ngoài bao gồm cả người có một, hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch đều được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân Việt Nam trong vấn đề này. Sự thay đổi ở Điều 33 tạo ra những thách thức nhưng không thể phủ nhận đó cũng là cơ hội thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và sự cạnh tranh đa chiều tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, từ đó dẫn đến những điểm mới khác về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế như một hệ quả tất yếu là Điều 32 và Điều 47. Cụ thể:
Thứ nhất, khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 mở rộng chủ thể được hưởng quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác so với Điều 58 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Theo đó, nếu trước Hiến pháp năm 2013, chỉ công dân mới có quyền kinh doanh đồng nghĩa chỉ công dân mới có quyền sở hữu thu nhập hợp pháp và các tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh thì đến Hiến pháp năm 2013 khi mọi người đều được quyền tự do kinh doanh thì trên cơ sở quyền được hưởng thù lao thỏa đáng, mọi người đều có quyền sở hữu những tài sản đó. Điều này tất yếu dẫn đến sự sửa đổi trong khoản 2 Điều 32 bởi mọi người có quyền sở hữu “về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58”[iii], như vậy, về mặt pháp lý sẽ phát sinh quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế tài sản được Nhà nước bảo hộ không chỉ đối với riêng công dân như Hiến pháp năm 1992 mà có thể mở rộng hơn với nhóm đối tượng hưởng quyền là người nước ngoài. Với ý nghĩa đó, khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định chung về “quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Thứ hai, song song với việc thụ hưởng quyền được Nhà nước trao cho thì cá nhân cũng có nghĩa vụ tương xứng, phù hợp. Khi người nước ngoài được hưởng đãi ngộ như công dân về “quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp”, “quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế” và “quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, thì trong phạm vi được trao quyền, người nước ngoài cũng như mọi người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Theo đó, liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận hay thu nhập hợp pháp, đó là nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Điều này dẫn đến Điều 47 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định” để sửa đổi, bổ sung cho quy định về “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật” ở Điều 80 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) trước đây.
Như vậy, trong lĩnh vực kinh tế, các hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu, các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013 được xác định, mở rộng và bảo đảm rõ ràng. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy cho những người là công dân nước ngoài hay người không quốc tịch có khả năng thực hiện các hoạt động kinh doanh và phát triển ở Việt Nam.
2.2. Lĩnh vực văn hóa, xã hội
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành và quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường cho mọi người bao gồm cả người nước ngoài[iv]. Điểm mới này xuất phát từ thực tiễn các quốc gia và cũng là sự quan tâm của thế giới. Việt Nam không phải ngoại lệ khi còn rất nhiều các công ty, doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có hành vi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà điển hình là công ty VEDAN Việt Nam tại Đồng Nai đã xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải mà chưa qua xử lý[v].
Môi trường được hiểu là “hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”[vi]. Quyền được sống trong môi trường trong lành lần đầu tiên được Hiến pháp năm 2013 quy định dành cho mọi người bao gồm cả người nước ngoài và để bảo vệ quyền đó cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người. Hiến pháp đồng thời quy định về nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường đối với không chỉ công dân mà cả người nước ngoài. Có thể thấy, các quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền sống trong môi trường trong lành đáp ứng sự quan tâm chung của những người nước ngoài đến, sống và làm việc tại Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang hội nhập và sự xuất hiện với số lượng ngày càng tăng của người nước ngoài ở Việt Nam. Những quy định của Hiến pháp năm 2013 sẽ định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến môi trường. Thực tế, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) với quy định chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo ra một bước ngoặt, góp phần phòng ngừa và xử lý có hiệu quả các hành vi gây tổn hại đến môi trường không chỉ của công dân mà cả người nước ngoài.
- Bên cạnh quyền sống trong môi trường trong lành, quyền về sức khỏe của người nước ngoài cũng là điểm được chú trọng hơn so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Sức khỏe là một trong những điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội cơ bản để mỗi cá nhân bao gồm cả công dân và người nước ngoài có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của mình đối với một quốc gia. Theo đó, vấn đề sức khỏe luôn được ưu tiên và ngày càng được quan tâm không chỉ ở trên bình diện quốc tế (minh chứng là sự tồn tại của Tổ chức Y tế thế giới) mà ở chính mỗi quốc gia. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ và hoàn thiện về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài về sức khỏe, khoản 1 Điều 38 Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 65, Điều 66 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 trao cho người nước ngoài quyền không chỉ được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe mà còn được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân trong việc bình đẳng sử dụng các dịch vụ y tế. Đồng thời với các quyền được thụ hưởng, người nước ngoài cũng có nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định trước hết là phòng bệnh đặc biệt trong thời điểm bùng phát bệnh dịch từ các quốc gia khác như dịch ebola xuất phát từ châu Phi hay bệnh MERS từ Hàn Quốc, theo đó, việc chủ động phòng bệnh từ phía người nước ngoài khi đến Việt Nam là nghĩa vụ bắt buộc cần thiết bảo đảm sức khỏe không chỉ của người nước ngoài mà của cộng đồng; bên cạnh đó, người nước ngoài cũng cần tuân thủ các quy định trong việc khám, chữa bệnh.
Liên quan đến quyền về văn hóa và khoa học mà người nước ngoài được thụ hưởng từ Hiến pháp năm 2013 có “quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”[vii], “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”[viii] và “Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ”[ix]. Với việc trao cho người nước ngoài quyền trong lĩnh vực khoa học công nghệ và văn hóa như đã đề cập ở trên, Hiến pháp năm 2013 đáp ứng nhu cầu chính đáng trong việc thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần lành mạnh không chỉ đối với công dân mà cả đối tượng người nước ngoài. Không chỉ vậy, nhận thức đầy đủ hơn về sự phát triển của khoa học công nghệ và văn hóa luôn đi kèm với vấn đề sở hữu trí tuệ đặc biệt với thực tế nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với thực trạng hàng giả, hàng nhái từ trong và ngoài nước thì Khoản 2 Điều 62 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định“Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Theo Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” bao gồm ba nhóm: Nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng. Như vậy, nhóm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo Hiến pháp năm 2013 mở rộng hơn Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)[x]. Theo Hiến pháp năm 2013, người nước ngoài có quyền nghiên cứu, tiếp cận và hưởng thụ lợi ích từ chính việc nghiên cứu khoa học công nghệ, văn học, nghệ thuật đồng thời được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Với quy định này, Hiến pháp năm 2013 là nền tảng để xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật trong nước tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm cho sự sáng tạo, đầu tư và phát triển của người nước ngoài ở Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển, tiến bộ của đất nước.
Một trong những điểm nổi bật liên quan đến quyền của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013 là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được quy định tại Điều 22. Theo đó, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được bảo đảm thích đáng về sự riêng tư của cá nhân và gia đình, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý và việc khám xét chỗ ở chỉ được tiến hành và được coi là hợp pháp trên cơ sở do luật định. Hiến pháp năm 2013 trao cho người nước ngoài quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đồng thời cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”[xi]. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở không chỉ dành cho công dân mà mở rộng cho người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013 là điểm đặc biệt thể hiện sự tiến bộ về nhận thức trong việc quy định về quyền cho người nước ngoài của Nhà nước ta và phù hợp với thời kỳ hội nhập hiện nay ở Việt Nam. Quy định này góp phần tạo nên sự bảo đảm, an tâm và cũng như là một chính sách thúc đẩy người nước nước ngoài đến, làm việc và đóng góp cho Việt Nam.
Nhìn chung, quyền và nghĩa vụ về kinh tế, văn hóa, xã hội của người nước ngoài ở mỗi quốc gia phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển và chính sách của quốc gia đó. Hiến pháp năm 2013 ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã và đang có những bước phát triển và dần khẳng định được vị thế trên trường quốc tế như từ một nước có nền kinh tế kém phát triển Việt Nam đã bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình trên thế giới cũng như trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Trên cở sở lĩnh hội, tiếp thu và thực hiện các cam kết quốc tế, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài về kinh tế, văn hóa và xã hội theo Hiến pháp năm 2013 đã được mở rộng và được quy định tương đối tiến bộ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển xã hội bởi con người là chủ thể xây dựng đất nước và đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế bên cạnh công dân của mỗi quốc gia thì người nước ngoài là bộ phận dân cư đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển đó.
Khoa Pháp luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội