1. Hành vi cấu thành tội phạm và chế tài xử lý
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự), một người thực hiện một hành vi cấu thành tội phạm khi về mặt chủ quan họ phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là họ phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12). Tại Điều 21, Bộ luật cũng quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, Bộ luật Hình sự cũng quy định “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 13). Đặc biệt, trong cấu thành tội phạm của một số tội phạm cụ thể, nhất là trong các nhóm tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, Bộ luật Hình sự cũng quy định phạm tội trong tình trạng “có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức” là định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại 03 tội phạm, bao gồm: (i) Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260)[1]; (ii) Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 267)[2]; (iii) Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272)[3] và hành vi này cũng được xác định là yếu tố cấu thành tội phạm của 07 tội, bao gồm: Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 263); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264)[4]; Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 270); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 271)[5]; Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 275); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 276)[6]; Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay (Điều 280)[7].
Đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260): Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm (điểm b khoản 2). Về nội dung này, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông (Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC) đã giải thích: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.
Như vậy, hành vi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ mà trong tình trạng trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành định khung tăng nặng của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260).
Đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 267): Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm (điểm b khoản 2). Về nội dung này, tại khoản 4 và 5, Điều 8 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC đã làm rõ: “4. Trong tình trạng dùng rượu bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật Hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở. 5. Say do dùng các chất kích thích mạnh khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật Hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 40 miligam/1lít khí thở hoặc tuy có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở nhưng họ lại không ở trong tình trạng say do sử dụng rượu bia mà sau khi sử dụng có biểu hiện say thì không thỏa mãn cấu thành định khung tăng nặng của tội phạm này.
Đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272): Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm (điểm b khoản 2 Điều 272). Khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định: “Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 212 Bộ luật Hình sự là trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở”. Như vậy, trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 40 miligam/1lít khí thở thì không thỏa mãn cấu thành định khung tăng nặng của tội phạm này.
Đối với tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264): Người nào giao cho người mà biết rõ người đó đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC làm rõ: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật Hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, với quy định và hướng dẫn nêu trên, hành vi giao phương tiện cho người đang trong tình trạng say do sử dụng rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 264 mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này, còn nếu chưa rơi vào trạng thái say thì không thỏa mãn cấu thành của tội phạm này.
Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 270): Người nào điều động người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản a, b, c và d khoản 1 Điều này hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC làm rõ: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự là người không đủ sức khỏe (do ốm đau, làm việc quá sức) để chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, với quy định và hướng dẫn nêu trên, hành vi điều động người đang trong tình trạng say do sử dụng rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản a, b, c và d khoản 1 Điều 270 hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này, còn nếu chưa rơi vào trạng thái say thì không thỏa mãn cấu thành của tội phạm này.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 271): Người nào giao cho người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d Điều 271 hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Về nội dung này, tại khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC làm rõ: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự là người không đủ sức khỏe (do ốm đau, làm việc quá sức) để chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, với quy định và hướng dẫn nêu trên, hành vi giao phương tiện cho người đang trong tình trạng say do sử dụng rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản a, b, c và d khoản 1 Điều 271 hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này, còn nếu chưa rơi vào trạng thái say thì không thỏa mãn cấu thành của tội phạm này.
Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 275): Người nào điều động người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 275 hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC làm rõ: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 215 Bộ luật hình sự là người không thông hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy; người không đủ sức khỏe, tuổi để điều khiển phương tiện; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, với quy định và hướng dẫn nêu trên, hành vi điều động phương tiện cho người đang trong tình trạng say do sử dụng rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản a, b, c và d khoản 1 Điều 275 hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này, còn nếu chưa rơi vào trạng thái say thì không thỏa mãn cấu thành của tội phạm này.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 276): Người nào giao cho người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 276 hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Về nội dung này, tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 215 Bộ luật Hình sự là người không thông hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy; người không đủ sức khỏe, tuổi để điều khiển phương tiện; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia”. Như vậy, với quy định và hướng dẫn nêu trên, hành vi giao phương tiện cho người đang trong tình trạng say do sử dụng rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản a, b, c và d khoản 1 Điều 276 hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này, còn nếu chưa rơi vào trạng thái say thì không thỏa mãn cấu thành của tội phạm này.
Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay (Điều 280): Người nào điều động hoặc giao cho người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển tàu bay, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Với nội dung này, tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC làm rõ: “Không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không quy định tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật hình sự được hiểu là không đủ các điều kiện về sức khỏe, trình độ chuyên môn như người lái tàu bay không đủ điều kiện về sức khỏe (do ốm đau, làm việc quá sức), người sử dụng các trang thiết bị phụ trợ giao thông đường không không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, khả năng; người đang trong tình trạng sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện như người sử dụng ma túy, rượu, bia”.
2. Một số nhận định, đánh giá
Qua nghiên cứu các quy định trên đây của Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC tác giả có một số nhận định, đánh giá sau:
Một là, Bộ luật Hình sự và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC chưa phản ánh đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, chưa tương thích và đồng bộ với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đường sắt. Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm (khoản 6 Điều 5). Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 cũng quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm (khoản 8 Điều 8). Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14) quy định hành vi bị nghiêm cấm: “Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng” (khoản 8 Điều 8). Luật Đường sắt năm 2017 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018) khi xác định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt cũng nghiêm cấm hành vi: “Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng” (khoản 17 Điều 9) và các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt (đã được sửa đổi, bổ sung) khi quy định “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là một hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt rất nghiêm khắc với mức tiền phạt cao hơn, thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe cũng dài hơn[8].
Hai là, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội) chưa quy định: “Điều khiển tàu bay mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng nên chưa tương thích với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và có sự chưa nhất quán đối với hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy với đường hàng không trong khi đó điều khiển phương tiện giao thông đường hàng không có tính nguy hiểm rất cao độ. Cũng từ bất cập này của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nên Bộ luật Hình sự chưa có quy định về tình tiết định khung tăng nặng liên quan đến hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đối với người điều khiển tàu bay trong tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay (Điều 277) và là tình tiết cấu thành tội phạm tại tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay (Điều 280), trong khi đó đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có khả năng gây ra những hậu quả rất lớn cho xã hội so với điều khiển giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống các tội phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cần sớm tổng kết, đánh giá thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội phạm có liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia, nhất là hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt mà “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” với tính chất là cấu thành định khung tăng nặng tại điểm b, khoản 2 các điều 260, 267 và Điều 272 và với tính chất là cấu thành tội phạm tại khoản 1 các điều 263, 264, 270, 271, 275, 276 và Điều 280 Bộ luật Hình sự gắn với tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC, trên cơ sở đó, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Một là, thay thế cụm từ “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” tại điểm b, khoản 2 các điều 260, 267 và Điều 272 bằng cụm từ “điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự; bổ sung tình tiết “điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vào khoản 2 Điều 277 với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng của Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay.
Hai là, thay thế cụm từ “người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật” tại các điều 263, 264, 270, 271, 275, 276 và cụm từ “người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia” tại các điều 270, 271, 275, 276 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn cụ thể tại các điều tương ứng của Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC thành cụm từ “người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” để bảo đảm tất cả những hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nếu gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp do Bộ luật quy định hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì đều bị xử lý về các tội phạm tương ứng với hành vi vi phạm. Đồng thời, bổ sung tình tiết cấu thành tội phạm tại khoản 1 Điều 280 (Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay) đối với người thực hiện hành vi điều động hoặc giao cho người mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn điều khiển tàu bay).
Ba là, sớm rà soát, bãi bỏ các nội dung tương ứng liên quan đến nồng độ cồn vượt quá mức quy định tại khoản 2 Điều 3, khoản 4 Điều 8, khoản 3 Điều 10, Điều 14 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC theo hướng không quy định “nồng độ cồn vượt quá mức quy định” để nâng cao trách nhiệm của người tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và điều khiển tàu bay khi đã sử dụng rượu bia trên nguyên tắc đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, không điều khiển tàu bay; nếu đã uống rượu bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy hoặc điều khiển tàu bay thì phải chịu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt vi phạm hành chính cao hơn so với người không sử dụng rượu bia tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thực hiện hành vi vi phạm tương ứng.
Bốn là, bổ sung hành vi “điều khiển tàu bay mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội) để bảo đảm sự tương thích với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 và tương đồng giữa giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy với đường hàng không.
Năm là, tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, khuyến khích các gia đình, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng các dụng cụ để kiểm tra nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở trước khi tham gia giao thông; chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, nhất là thông qua các vụ việc vi phạm đã bị xử lý để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trên tinh thần “đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông”./.
TS. Đỗ Xuân Lân
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
[1] Trước đó là Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[2] Trước đó là Điều 208 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[3] Trước đó là Điều 212 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[4] Điều 263 và Điều 264 trước đó là Điều 205 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[5] Điều 270 và Điều 271 trước đó là Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[6] Điều 275 và Điều 276 trước đó là Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[7] Trước đó là Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).