Chi phí cưỡng chế được quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự và được hướng dẫn tại Điều 31, Điều 32 Nghị Định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và được cụ thể hóa tại Thông tư số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, theo đó đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án có thể là người phải thi hành án, người được thi hành án và cũng có thể là do ngân sách nhà nước chi trả. Vậy trong trường hợp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thi hành án, thì chi phí cưỡng chế do ai phải chịu. Có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, chi phi cưỡng chế thi hành án trong trường hợp bảo lãnh sẽ do người có tài sản bảo lãnh (bên bảo lãnh) chịu, trong quá trình xử lý tài sản bảo lãnh sẽ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí về thi hành án, trong đó có tiền chi phí cưỡng chế. Trong thực tế hầu hết các chấp hành viên đều thực hiện theo quan điểm này, bởi lẽ, người phải thi hành án (bên được bảo lãnh) không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì việc thu tiền chi phí cưỡng chế đối với người phải thi hành án là điều khó khăn, việc trừ tiền chi phí cưỡng chế từ tiền bán tài sản tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án sẽ thu được chi phí cưỡng chế và kết thúc vụ việc. Nhưng vấn đề đặt ra là việc thu như vậy có đúng hay không? Quay lại chế định về bảo lãnh được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, tại Điều 361 có quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu khi hết thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” và phạm vi bảo lãnh tại Điều 363 là: “Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, bản chất của bảo lãnh chỉ là việc thực hiện thay các nghĩa vụ trong phạm vi hợp đồng, mặt khác đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế chỉ bao gồm người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước chi trả, thì việc người bảo lãnh phải chịu chi phí cưỡng chế là không có cơ sở nếu có khiếu kiện, khiếu nại cơ quan thi hành án sẽ lúng túng trong việc xử lý.
Người có tài sản bảo lãnh (bên bảo lãnh) chỉ phải chịu chi phí cưỡng chế khi họ tự nguyện nộp, hoặc trong hợp đồng bảo lãnh có thỏa thuận thêm nội dung về việc người bảo lãnh phải chịu các chi phí về thi hành án hoặc tại khoản 3, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự về thứ tự thanh toán tiền thi hành án quy định thêm đối với tài sản bảo lãnh được bán và ưu tiên thanh toán như đối với tài sản cầm cố, thế chấp “số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”.
Quan điểm thứ hai cho rằng, chi phí cưỡng chế do người phải thi hành án (bên được bảo lãnh) chịu, vì Luật Thi hành án và các văn bản hướng dẫn luật chỉ quy định ba đối tượng phải nộp chi phí cưỡng chế là người phải thi hành án, người được thi hành án và ngân sách nhà nước. Nếu không thuộc trường hợp người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước chi trả thì đương nhiên là người phải thi hành án phải chịu. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là cái khó lại đẩy cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên, vì khi người phải thi hành án không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì mới xử lý tài sản bảo lãnh, việc thu tiền chi phí cưỡng chế thi hành án là điều rất khó khăn, tài sản đã xử lý và chi trả xong, nhưng án vẫn tồn đọng và không thể kết thúc được, mà chấp hành viên vẫn phải tiếp tục thi hành việc thu tiền chi phí cưỡng chế đối với người phải thi hành án.
Nên chăng, pháp luật về thi hành án dân sự cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, để tạo một hành lang pháp lý rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện cho chấp hành viên có cơ sở giải quyết việc thi hành án đúng pháp luật. Thông qua bài viết mong nhận được sự trao đổi góp ý của các đồng nghiệp.
Lê Võ Hồng Hạnh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa