Mẹ kể duyên nợ của giữa anh rể và chị hai tôi không hề êm ả, bởi chị hai tôi không ưng. Sở dĩ, anh rể chẳng có nghề ngỗng gì ổn định để chị hai tôi yên tâm giao tấm thân và cùng nhau gầy dựng một mái ấm nho nhỏ. Nhưng ba, mẹ tôi thì lại ưng bởi gia đình bên anh rể nổi tiếng là hiền lành và gia phong nề nếp. Bởi thế, mẹ tôi nhất định gả dù chị tôi kiên quyết không. Cuối cùng, đám cưới nghèo cũng diễn ra khi chị hai tôi đang ở cái tuổi 18. Những năm mới cưới chị hai về, anh hai đưa chị hai về nương nhờ nhà tôi. Do bên gia đình anh hai ít đất đai, anh em lại đông, chia sao cũng không đặng. Anh rể thì không muốn vì chút đất đai mà mất tình anh em.
Rồi thằng cu Bin ra đời trong cảnh thiếu thốn tứ bề. Mẹ tôi lại gồng mình lo toan cho anh chị một lần nữa. Thấy vậy, ba tôi chạy đôn chạy đáo nhờ những mối quan hệ để xin một việc cho anh rể làm kiếm cơm. Rồi cuối cùng, anh rể cũng được nhận vào làm cho đơn vị thầu xây dựng cầu đường. Từ khi nhận việc, anh rể rong ruổi khắp cái xứ Cà Mau. Vài ba tháng anh hai mới về thăm nhà một lần. Ngày đó, mỗi lần vừa trông thấy bóng anh hai thấp thoáng đằng xa, thằng cu Bin lại lôi tay má nó chạy ra đón bằng được.
Có năm, anh rể đi biền biệt không về, chị hai thì cứ trông ngóng từng ngày. Lâu lâu chị lại nhận được lá thư của anh hai gửi về kèm theo ít tiền và vài món quà cho thằng cu Bin. Ngày qua tháng lại, dường như khoảng cách giữa vợ - chồng - con ngày càng xa cách. Cho đến khi thằng cu Bin đã thực sự lớn hẳn, lúc ấy nó đón cha nó chỉ bằng những câu chào hỏi thông thường thay cho sự reo hò khi xưa cùng mẹ nó. Thế nhưng, anh rể vẫn vô tình không nhận thấy sự đổi thay lớn lao này. Mỗi lần về, anh chỉ đi loanh quanh chào hỏi bà con chòm xóm, thỉnh thoảng thì về gia đình bên anh thăm hỏi... rồi lại tiếp tục những chuỗi ngày xứ xa...
Qua bao năm nay đây mai đó, gia đình nhỏ của anh hai vẫn phải bươn trải từng ngày. Với suy nghĩ và nhận thức của người trưởng thành như chị hai tôi thì sau những ngày vật lộn với vòng quay nghiệt ngã trong thời buổi “kinh tế thị trường”, thì anh hai vẫn hai bàn tay trắng.
Đôi lúc, chị tôi trách sao anh hai chẳng thức thời như đám bạn đồng nghiệp. Chỉ cần viết sai vài con số khi thực hiện các công trình là họ đã xây được nhà, sắm được xe. Còn anh hai thì suốt đời vẫn cần mẫn, liêm chính bất chấp cái nghèo vẫn đeo bám.
Ít lâu sau Thanh tra Sở Giao thông vận tải có đợt kiểm tra công trình vừa thi công, phát hiện công trình bị rút ruột và cho mở cuộc điều tra. Sau đó, hàng loạt đối tượng có liên quan phải đứng trước vành móng ngựa chờ ngày lãnh án. Tất nhiên danh sách này không có anh rể tôi. Chị hai lại cười giòn: Anh hai mày thanh thản trong cuộc sống đầy ắp bon chen này, lắm lúc cũng hay.
Ngõ làng của những ngày xưa là con đường đất đỏ kéo dài, mùa nắng bụi mù, mùa mưa trơn trượt. Thuở bé, tôi vẫn thích đặt tên cho ngõ là Ngõ Hoa. Bởi lẽ chạy dọc hai bên ngõ là những viền cỏ dại li ti hoa tím, là rào râm bụt mềm mại sắc hồng, là gốc gạo già rạng ngời hoa đỏ, là những hàng cau hoa trắng bời bời. Mỗi mùa hoa, ngõ làng như được điểm tô thêm một tà áo mới, thơm tho, rực rỡ, khôi nguyên.
Đi giữa ngõ làng những chiều gió miên man, chạm tay vào một loài hoa giản dị, chợt thấy tâm hồn nhẹ nhàng đến lạ, thả trôi muộn sầu cho gió cuốn đi. Đã không thể đếm được hết số lần đôi chân bé nhỏ bước đi trên con ngõ làng nhỏ hẹp này, vậy mà chẳng hiểu tại sao, với tôi, ngõ làng luôn chứa đựng những nhớ mong và bao điều mới lạ. Phải chăng vì đó là con ngõ của hoài niệm, của hôm nay và của ngày mai?
(Theo vanhoadoisong)