Người có nghĩa vụ đã chuyển giao chấm dứt quan hệ nghĩa vụ với bên mang quyền và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của người thế nghĩa vụ. Cần phân biệt việc “chuyển giao nghĩa vụ dân sự” với việc “thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba”. Thông qua bài viết, tác giả phân tích để độc giả hiểu về nghĩa vụ dân sự; những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chuyển giao nghĩa vụ dân sự về điều kiện; hình thức chuyển giao; chuyển giao nghĩa vụ khi có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và một số vấn đề cần có hướng dẫn thi hành thống nhất của Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Khái quát về nghĩa vụ dân sự
1.1. Khái niệm
Nghĩa vụ là sự ràng buộc pháp lý, theo đó chúng ta buộc phải làm gì đó theo quy định của pháp luật. Trong quan hệ pháp luật dân sự, nghĩa vụ dân sự là cách xử sự bắt buộc được quy phạm pháp luật xác định trước mà một bên phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền chủ thể của bên kia. Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.
Như vậy, các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau, một bên chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải làm hoặc không được làm một hoặc một số công việc nhất định vì lợi ích của chủ thể phía bên kia (bên có quyền).
1.2. Đặc diểm của quan hệ nghĩa vụ dân sự
- Quan hệ nghĩa vụ dân sự là một quan hệ pháp luật dân sự, trong đó có đầy đủ yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự như: Chủ thể, khách thể, nội dung của quan hệ, căn cứ phát sinh, chấm dứt quan hệ đó.
- Quan hệ nghĩa vụ dân sự là một quan hệ tài sản: Hành vi thực hiện nghĩa vụ của chủ thể mang nghĩa vụ luôn liên quan đến một lợi ích vật chất cụ thể, trong đó có thể có sự dịch chuyển tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác hoặc quan hệ mà một bên chủ thể sẽ được hưởng lợi ích về tài sản.
- Quan hệ nghĩa vụ dân sự là mối liên hệ pháp lý giữa các chủ thể: Khi nghĩa vụ dân sự chịu sự điều chỉnh của pháp luật thì luôn là một mối liên hệ pháp lý giữa các chủ thể tham gia quan hệ nghĩa vụ, các quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ đó cũng như các biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ luôn phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quan hệ nghĩa vụ dân sự mang tính đối nhân, theo đó, chủ thể mang quyền và chủ thể mang nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể, tương ứng với quyền của chủ thể phía bên này là nghĩa vụ của chủ thể phía bên kia và quyền của một bên chỉ được thỏa mãn thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ.
1.3. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự
Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là trường hợp người có nghĩa vụ không tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác (người thế nghĩa vụ) thực hiện nghĩa vụ giữa mình với bên mang quyền với điều kiện có sự đồng ý của chủ thể đó. Người có nghĩa vụ đã chuyển giao chấm dứt quan hệ nghĩa vụ với bên mang quyền và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của người thế nghĩa vụ.
Như vậy, về bản chất, sự chuyển giao nghĩa vụ dân sự là sự chuyển dịch nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể chuyển sang chủ thể nhận. Chủ thể nhận nghĩa vụ chính là người thứ ba thay thế người có nghĩa vụ trước và trở thành bên có nghĩa vụ. Khi chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm đó cũng chấm dứt do sự chấm dứt tư cách chủ thể của người có nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Cần phân biệt việc “chuyển giao nghĩa vụ dân sự” với việc “thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba”. Theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Dân sự năm 2015, thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba có thể được hiểu là bên có nghĩa vụ ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền khi được sự đồng ý của người mang quyền. Người thứ ba trong trường hợp này chỉ mang tư cách đại diện cho người có nghĩa vụ, quan hệ nghĩa vụ giữa người có nghĩa vụ và người có quyền không chấm dứt và người có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba. Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba không làm chấm dứt biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chuyển giao nghĩa vụ dân sự
2.1. Điều kiện chuyển giao nghĩa vụ dân sự
Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ dân sự, như sau:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Chuyển giao nghĩa vụ dân sự làm chấm dứt quan hệ giữa bên có nghĩa vụ ban đầu với bên có quyền làm phát sinh nghĩa vụ của người nhận chuyển giao với bên có quyền đó. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ đó vẫn phải gắn với lợi ích của bên có quyền nên mặc dù được chuyển giao nghĩa vụ cho người thứ ba nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Nghĩa vụ được chuyển giao phải là nghĩa vụ có hiệu lực pháp lý và không thuộc những trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ.
Nghĩa vụ dân sự phải là những nghĩa vụ hợp pháp, phát sinh từ các căn cứ theo quy định của pháp luật và có thể thực hiện được trên thực tế.
Theo quy định của pháp luật, không được phép chuyển giao nghĩa vụ dân sự trong trường hợp nghĩa vụ “gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ” hoặc pháp luật quy định không được chuyển giao (như trường hợp nghĩa vụ đang có tranh chấp). Về nguyên tắc, các quyền nhân thân trong quan hệ pháp luật dân sự không được phép chuyển dịch cho người khác. Tương tự như vậy, khi một bên mang quyền nhân thân gắn liền với tài sản phải tạo ra một nghĩa vụ nhân thân của người khác và nghĩa vụ nhân thân này cũng không được chuyển giao cho người khác. Các trường hợp nghĩa vụ dân sự không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng (đối với những người có quan hệ huyết thống, có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau theo quy định của pháp luật) hoặc các bên đã thỏa thuận phải do chính người đó thực hiện (dựa vào đặc điểm nhân thân của người đó có tính quyết định đến khả năng và chất lượng thực hiện công việc).
- Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự phải có sự đồng ý của bên có quyền, vì suy cho đến cùng, việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự làm thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ và việc lựa chọn người gánh vác nghĩa vụ thay thế cho người trước đó chính là lựa chọn rủi ro cho người mang quyền. Do vậy, pháp luật quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của bên có quyền nhằm loại bỏ rủi ro đó. Điều này cũng tương thích với một số quy định trong Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 (Bộ nguyên tắc UNIDROIT). Điều 9.2.3 Bộ nguyên tắc UNIDROIT (phải có sự đồng ý của người có quyền về việc chuyển giao) ghi nhận: “Việc chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ ban đầu và người có nghĩa vụ mới phải có sự đồng ý của người có quyền” và việc đồng ý của bên có quyền có thể thỏa thuận trước trong hợp đồng (Điều 9.2.4).
2.2. Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hình thức chuyển giao nghĩa vụ. Tuy nhiên từ các nguyên tắc cơ bản và các hình thức giao kết hợp đồng trong giao lưu dân sự và thương mại, có thể hiểu việc chuyển giao nghĩa vụ cũng được thực hiện thông qua hai hình thức là bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Nhằm tránh những nguy cơ có thể dẫn đến những rủi ro liên quan đến quyền lợi của các bên trong chuyển giao nghĩa vụ dân sự, những nội dung chuyển giao và cách thức, trình tự chuyển giao nên được trình bày đầy đủ trong văn bản thỏa thuận giữa các bên. Những trường hợp mà nội dung hoặc đối tượng của nghĩa vụ chuyển giao có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp hay đối tượng của nghĩa vụ là những tài sản do Nhà nước quản lý, kiểm soát thì việc chuyển giao nghĩa vụ cần phải được thể hiện bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép.
2.3. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mang tính chất dự phòng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ gây ra.
Theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Dân sự năm 2015, chuyển giao nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được quy định như sau: “Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Trường hợp nghĩa vụ được chuyển giao, các biện pháp bảo đảm xác lập nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ cũng đương nhiên chấm dứt, bởi vì biện pháp bảo đảm đó là bảo đảm cho chính hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận. Bởi vì, việc chuyển giao nghĩa vụ cho bên thế nghĩa vụ sẽ làm quan hệ nghĩa vụ ban đầu chấm dứt, bên thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ mới với bên có quyền. Mặt khác, việc chuyển giao nghĩa vụ phải có sự đồng ý của bên có quyền, khi đó bên có quyền tự lựa chọn rủi ro cho chính mình trong việc chấp nhận bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ. Do đó, khi kèm theo biện pháp bảo đảm trong quan hệ nghĩa vụ trước đó thì khi chuyển giao cho bên thứ ba biện pháp bảo đảm này phải chấm dứt nếu không có sự thỏa thuận khác.
2.4. Phương thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự
Chế định chuyển giao nghĩa vụ dân sự được sử dụng tương đối phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây là một chế định khá phức tạp vì đó là một quan hệ có ít nhất ba chủ thể. Phương thức chuyển giao nghĩa vụ có thể được thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Về chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận
Để có thể chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận thì cần có sự thống nhất ý chí của người có nghĩa vụ ban đầu và người thế nghĩa vụ. Sẽ không có chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận nếu người thế nghĩa vụ không đồng ý về việc này, họ sẽ không trở thành người có nghĩa vụ đối với người có quyền nếu họ không đồng ý. Chuyển giao nghĩa vụ do đó là một thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ ban đầu và người thế nghĩa vụ nhằm thực hiện một nghĩa vụ đang tồn tại vì lợi ích của người có quyền và làm chấm dứt trách nhiệm của người có nghĩa vụ ban đầu với người có quyền.
- Về chuyển giao nghĩa vụ theo pháp luật
Thông thường, để có chuyển giao nghĩa vụ dân sự thì cần có thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ và bên thế nghĩa vụ, đồng thời việc này cần có sự đồng ý của người có quyền. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn có những quy định cho chuyển giao nghĩa vụ dân sự mà không có sự thỏa thuận hay ưng thuận nêu trên. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi cá nhân chết, nghĩa vụ về tài sản của cá nhân không đương nhiên chấm dứt và vấn đề xác định người thế nghĩa vụ được đặt ra. Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”; và khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, khi những người thừa kế nhận di sản thừa kế thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản mà người chết để lại. Việc chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp này không cần có sự ưng thuận của những người liên quan.
3. Một số vấn đề cần có hướng dẫn thi hành thống nhất của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chuyển giao nghĩa vụ
Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành đã góp phần hoàn thiện pháp luật nói chung, những quy định về chuyển giao nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự và thương mại nói riêng, nâng cao tính khả thi trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với quy định còn khá khái quát (chỉ với 02 điều luật), Bộ luật Dân sự năm 2015 còn bỏ ngỏ một số vấn đề pháp lý cần tiếp tục có sự nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng cho thống nhất. Cụ thể:
- Cần hướng dẫn quy định về hình thức thể hiện sự đồng ý của chủ thể có quyền trong chuyển giao nghĩa vụ dân sự. Sự đồng ý của chủ thể có quyền là yêu cầu bắt buộc để việc chuyển giao nghĩa vụ có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định về hình thức thể hiện sự đồng ý của chủ thể có quyền, bằng lời nói, bằng văn bản hay hình thức khác. Điều này dễ dẫn đến những tranh chấp về chuyển giao nghĩa vụ dân sự mà khó xác định được “sự đồng ý” của chủ thể mang quyền.
- Cần hướng dẫn thống nhất về thời điểm đồng ý của bên có quyền trong chuyển giao nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế, tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của giao dịch mà chủ thể có quyền có thể đồng ý trước hay tại thời điểm phát sinh việc chuyển giao nghĩa vụ. Tuy việc thỏa thuận trước cũng có thể mang đến những rủi ro cho bên có quyền nhưng cần phải được tôn trọng ý chí của các bên, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các bên có thể tự do thỏa thuận với nhau tùy từng loại giao dịch.
- Cần có những quy định để cho phép người thế nghĩa vụ có quyền viện dẫn những đối kháng mà người có nghĩa vụ ban đầu có thể viện dẫn để đối kháng với người có quyền. Trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, thông thường một bên chủ thể có một hay một số quyền nào đó thì cũng có những nghĩa vụ tương ứng phải thực hiện với bên kia và ngược lại. Chính vì vậy, khi xét đến vấn đề quyền và nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ đối với bên có quyền thì Bộ luật Dân sự năm 2015 còn bỏ ngỏ. Khi nghĩa vụ được chuyển giao thì bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ trước chủ thể mang quyền thì bên thế nghĩa vụ cũng cần phải được hưởng những quyền gắn liền với nghĩa vụ đó, tương tự như chủ thể có nghĩa vụ ban đầu. Một trong những quyền có thể nêu lên đó là quyền viện dẫn những đối kháng mà người có nghĩa vụ ban đầu có thể viện dẫn để đối kháng với người có quyền, bảo đảm nguyên tắc công bằng cho các chủ thể trong giao dịch.
Tóm lại, pháp luật về chuyển giao nghĩa vụ trong giao lưu dân sự và thương mại là một trong những chế định quan trọng, điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ các bên trong quá trình chuyển giao nghĩa vụ. Cùng với quá trình triển khai thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong chuyển giao nghĩa vụ, có thể giúp các chủ thể nắm bắt được thời cơ và những thách thức trong giao dịch, tìm ra những biện pháp tối ưu để thực hiện các nghĩa vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giao dịch dân sự và thương mại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Bộ Tư pháp
[1]. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005.
[2]. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.
[3]. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005.
[4]. Nguyễn Mạnh Bách, Nghĩa vụ dân sự trong Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
[5]. Ngô Huy Cương, Nghĩa vụ dân sự và quan niệm nghĩa vụ dân sự ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5/2008.
[6]. Đỗ Văn Đại, Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự - Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo), Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
[7]. Đỗ Văn Đại, Chuyển giao nghĩa vụ trong pháp luật thực định Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, số 1/2008.
[8. Nguyễn Ngọc Điện, Sự cần thiết của việc xác định các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23/2010, tr. 56 - 61.
[9]. Lê Đình Nghị, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
[10]. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.